Một số dự án trên địa bàn huyện chậm tiến độ là do công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nên huyện phải thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, có thể áp dụng hình thức cưỡng chế hoặc xử phạt hành chính khi cần thiết, đồng thời có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Từng bước giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp và
nông thôn khi tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Để quy hoạch, kế hoạch thực sự mang tính khoa học và có tính khả thi cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, sự phối hợp của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, các chuyên gia về các lĩnh vực và người dân trong xây dựng và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu đất đai cho các ngành và các lĩnh vực trong thời kỳ quy hoạch. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để theo dõi, cập nhật, quản lý các biến động đất đai, phát hiện và kiến nghị điều chỉnh những bất hợp lý trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng đất hợp lý và có hiệu quả kinh tế cao. Chú trọng đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ địa chính cấp xã và đội ngũ cán bộ chuyên làm nhiệm vụ lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Áp dụng đồng bộ các chính sách về đất đai, cụ thể hóa các điều khoản của Luật, các văn bản sau Luật cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các văn bản Luật đất đai, Thông tư, Nghị định, các quy định khác liên quan đến đất đai cần được phổ cập thường xuyên cho nhân dân thông qua hệ thống báo nói (Đài truyền thanh huyện, xã), báo viết (các trang thông tin điện tử của huyện, xã).
Các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện ngay việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thẩm định, xét duyệt và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp; Hạn chế tối đa việc lấy đất chuyên lúa có năng suất cao, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất. Huyện cần có những xử phạt hành chính hoặc thu hồi đất lấn chiếm trái phép và quá thời gian quy định mà không đưa vào sử dụng.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, chức năng nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, các phòng, ban và từng xã, thị trấn cần xây dựng các chương trình, dự án, xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu và chính sách sử dụng đất cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và dân cư. Tận dụng những lợi thế là một huyện đồng bằng, có truyền thống lúa nước lâu đời.
3.2.4. Giải pháp nâng cao chất lƣợng công tác lập quy hoạch sử dụng đất
Luận văn kiến nghị thêm một vài giải pháp để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch sử dụng đất như sau:
- Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có những quy định đảm bảo năng lực, trình độ của các đơn vị và cá nhân hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
- Cần khắc phục tình trạng đăng ký kinh doanh mà không có điều kiện hành nghề dẫn đến các đơn vị quản lý thì lúng túng, đơn vị tư vấn thì tự do hành nghề.
3.2.5. Các giải pháp khác
Việc lập quy hoạch sử dụng đất ở các ngành, các cấp là một hoạt động quản lý Nhà nước, phải được tổ chức thống nhất, đồng bộ và cân đối, công khai trong suốt quá trình tiến hành và được quyết định theo nguyên tắc dân chủ tập trung, cần có sự tập trung thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, các cấp chính quyền. Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành có liên quan khác. Quy hoạch sử dụng đất hay phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện Phú Xuyên cần đưa ra một số các công trình trọng điểm quốc gia, thống nhất quy hoạch các cấp, quy hoạch ngành. Nâng cao nhận thức cho từng cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong huyện về vai trò và ý nghĩa của quy hoạch sử dụng đất trong việc phát triển kinh tế, xã hội và ổn định an ninh trật tự xã hội. Để nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch sử dụng đất, luận văn kiến nghị thêm một số giải pháp khác như sau:
- Chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, làm nghề thủ công sử dụng đất sai mục đích hoặc gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo kênh mương để thoát lũ tốt hơn, bảo vệ môi trường nước cho nhân dân trong huyện.
- Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn để người dân biết và sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ môi trường; Tăng cường quản lý việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn huyện,
thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường đất.
- Huyện tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt; loại bỏ các dự án treo.
- Đối với các danh mục công trình, dự án trong báo cáo thuyết minh quy hoạch sử dụng đất có ghi tên dự án cụ thể gây khó khăn cho việc triển khai thực tế khi có thay đổi chủ đầu tư hay diện tích dự án. Luận văn kiến nghị khắc phục bằng các quy định chỉ cần xác định tổng diện tích các chỉ tiêu để địa phương chủ động phân bổ diện tích cho từng dự án và cho phép chủ đầu tư có năng lực tham gia trong cả kỳ quy hoạch chứ không ghi tên dự án cụ thể, nghĩa là không xác định chủ đầu tư dự án ngay từ đầu kỳ.
3.3. GIẢI PHÁP CHI TIẾT CHO TỪNG VÙNG 3.3.1. Giải pháp đối với những xã có làng nghề 3.3.1. Giải pháp đối với những xã có làng nghề
Toàn huyện Phú Xuyên có 38 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống, trải đều trên 15 xã, thị trấn như: thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, xã Hồng Minh, Phượng Dực, Văn Nhân, Tri Trung, Đại Thắng, Phú Túc, Hoàng Long, Quang Trung, Tân Dân, Chuyên Mỹ, Vân Từ, Phú Yên, Bạch Hạ.
Theo phương án quy hoạch đến năm 2015, diện tích đất khu, cụm công nghiệp giành cho phát triển làng nghề tăng thêm là 17 ha, chủ yếu tập trung tại các làng nghề xã Chuyên Mỹ, Phú Yên, Đại Thắng, Vân Từ. Tuy nhiên, 4 năm đầu thực hiện (2010-2014) diện tích giành cho phát triển làng nghề tăng không đáng kể so với chỉ tiêu đề ra. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện luận văn kiến nghị một số giải pháp sau:
a. Giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển làng nghề
Trước hết, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bổ sung, điều chỉnh các chính sách khuyến công, ưu đãi đầu tư cho phù hợp; kêu gọi các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện, các doanh nghiệp trong nước, bà con việt kiều ở nước ngoài, huy động vốn trong dân, vốn tín dụng, các nguồn vốn ngân sách ưu tiên cho đền bù, giải tỏa, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thương hiệu,... Đẩy mạnh việc
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân dân, cơ sở sản xuất có điều kiện vay vốn tín dụng để đầu tư, phát triển.
Tổ chức các cơ quan tư vấn giúp đỡ cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng các dự án đầu tư phát triển khả thi, hiệu quả và tạo điều kiện để các cơ sở được vay vốn thuận lợi.
Giải quyết cho vay lưu động đáp ứng chu kỳ vòng quay của sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân làng nghề chủ động trong hoạt động tài chính.
Ngoài ra, cần tạo ra các quỹ, nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ trong làng nghề. Hỗ trợ việc xây dựng các đề án công nghệ. Khi huy động nguồn vốn trong quỹ phải chặt chẽ trong chi tiêu và đúng mục đích cần dùng.
b. Giải pháp về cơ chế chính sách của nhà nước
Chính quyền cần có những chính sách đồng bộ về các mặt để khuyến khích phát triển làng nghề. Những chính sách về quản lý, sử dụng đất làng nghề cần được quy định cụ thể. Cần đưa ra những quy định tiêu chuẩn cụ thể trong cụm công nghiệp làng nghề.
Cần có sự thực thi đồng bộ giữa các chính sách với nhau như chính sách về thị trường tiêu thụ, chính sách về vốn, về kỹ thuật công nghệ, về lao động làng nghề, chính sách về thuế, chính sách về khuyến khích và thu hút đầu tư tại các làng nghề,....
c. Giải pháp về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất
Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cho các hộ sản xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh như:
- Kéo dài thời gian thuê đất cho các hộ sản xuất tại các cụm công nghiệp làng nghề trên 50 năm hoặc cho thuê lâu dài để các hộ yên tâm đầu tư vào xây dựng cơ sở sản xuất, trang thiết bị máy móc hiện đại.
- Cần xem xét tính toán các chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm để đưa ra giá thuê mặt bằng hợp lý. Đồng thời tạo điều kiện để các hộ trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền thuê đất hàng năm trong một thời gian nhất định khoảng 10 năm rồi sau đó trả tiền thuê đất một lần cho thời gian còn lại khi sản xuất ở cụm công nghiệp làng nghề của cơ sở sản xuất đó đi vào ổn định. Bên cạnh đó chính
quyền địa phương cần đưa ra những ưu đãi về giá thuê đất để khuyến khích các hộ sản xuất thuê đất tại cụm công nghiệp làng nghề.
- Cần hướng dẫn, rút ngắn thời gian, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp làng nghề. Nếu quỹ đất của xã đã hết cần điều chỉnh để có thể tạo điều kiện sử dụng quỹ đất của xã lân cận để chuyển mục đích sang đất kinh doanh.
d. Giải pháp đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm nghề
Song song với việc mở rộng phát triển làng nghề thì cần phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm nghề. Theo truyền thống truyền nghề từ xa xưa thì việc truyền nghề chủ yếu là được truyền nghề từ đời này sang đời khác trong cùng gia đình hoặc dòng họ. Do đó thời gian học nghề khá dài và số lượng được truyền nghề khá ít. Vì vậy, Luận văn kiến nghị một số giải pháp mở rộng một số hình thức đào tạo nghề như sau:
- Phát triển nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở sản xuất, phải coi trọng khả năng đào tạo, bồi dưỡng lớp thợ trẻ kế cận trong tương lai. Tăng tỷ lệ lao động có nghề nghiệp được đào tạo theo hệ chính quy có chất lượng làm nòng cốt cho các cơ sở sản xuất và là lực lượng kế cận tiếp thu các bí quyết của làng nghề truyền thống bằng cách hoàn thiện chính sách của nhà nước về lao động và đào tạo nghề để thu hút đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề.
- Bên cạnh việc tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề cho các làng nghề, cần đi đôi với bảo tồn và nâng cao trình độ của các nghệ nhân để họ có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới;
- Đầu tư cơ sở vật chất nhà xưởng, trường lớp cho công tác đào tạo và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy.
e. Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ
Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa kỹ thuật sản xuất là giải pháp tăng nhanh năng xuất lao động, sản phẩm vừa mang tính hiện đại và tinh xảo, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhà nước có thể giúp đỡ các đơn vị sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp hỗ trợ sau:
- Phổ biến kiến thức về kỹ năng sử dụng công nghệ một cách thường xuyên thông qua các hình thức khác nhau và bằng nhiều phương tiện.
- Nhà nước thực hiện những chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay cho các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc cụm công nghiệp làng nghề khi các đơn vị đầu tư máy móc thiết bị đổi mới công nghệ.
- Thúc đẩy làng nghề quan hệ với các tổ chức khoa học nghiên cứu công nghệ cho các làng nghề.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ tiếp cận, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và công nghệ cho các làng nghề hoạt động.
f. Giải pháp về giải quyết các vấn đề môi trường làng nghề
Để phát triển và mở rộng làng nghề bền vững thì việc bảo vệ môi trường làng nghề là rất quan trọng. Để đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề luận văn kiến nghị một số giải pháp sau:
- Thực hiện một cách đồng bộ cùng với giải pháp về quản lý và sử dụng đất hợp lý. Đặc biệt coi trọng những giải pháp tạo mặt bằng sản xuất, giảm sức ép lớn trong khu dân cư. Tăng cường những chính sách khuyến khích phát triển cụm công nghiệp làng nghề. Kiểm soát chặt chẽ về sử dụng đất, tránh tình trạng phát sinh ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư. Cần tạo quy đất để trồng cây xanh xen vào khu dân cư.
- Công nghệ sản xuất: Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn và ít gây ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý môi trường ở địa phương, có thêm sự tham gia của người dân trong ban quản lý môi trường của địa phương để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống của chính họ. Bố trí lực lượng thu gom rác thải làng nghề và ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị Nam Thăng Long để vận chuyển rác thải làng nghề đến nơi quy định và xử lý rác thải theo quy trình đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra hàng năm, thực hiện kế hoạch khơi thông cống rãnh, tạo môi trường thoát nước thông thoáng.
- Chính quyền địa phương cần sử dụng những biện pháp hành chính thích hợp đối với những trường hợp cố ý làm trái, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về pháp luật và các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường nhằm giáo dục nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
3.3.2. Giải pháp đối với những xã có dự án xây dựng khu công nghiệp
Trên địa bàn huyện có 01 dự án xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà