B. NỘI DUNG
3.2.2 Nguyên nhân khách quan
Ngoài những nguyên nhân mang tính chất nội tại ở Đông Timor, sự can thiệp của Mỹ, Australia và phương Tây cũng phần nào ảnh hưởng tới những biến động trong tình hình chính trị, an ninh ở Đông Timor.
Giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng: cựu Thủ tướng Alkatiri đã thực thi một chích sách đội ngoại công khai đối đầu với phương Tây. Việc ông Alkatiri quyêt định thuê gần 500 bác sĩ Cuba khi thăm nước này, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Đại sứ quán Mỹ tại Đông Timor đã gây tranh cãi và gắn một cách khiên cưỡng Đông Timor với phong trào cánh tả đang trỗi dậy ở Mỹ Latinh. Mỹ và các nước phương Tây cũng không hài lòng với ý định tổ chức quốc tang cho Chủ tịch Palextin Yasser Arafat của ông Alkatiri. Cũng có suy đoán rằng kế hoạch trao một dự án đường ống dẫn khi đốt trị giá nhiều tỉ USD cho Petro China của chính phủ Đông Timor đã khiến cả Mỹ và Australia tức giận.
Mỹ bày tỏ rõ ràng sự không hài lòng đối với Alkatiri khi đại sứ Mỹ công khai ủng hộ Giáo hội Thiên chúa giáo chống lại chính phủ trong các cuộc biểu tình trên đường phố năm 2005. Thậm chí một quan chức Mỹ đã tham gia biểu tình với tư cách cá nhân. Một số quan chức Đông Timor thì lo ngại về mối quan hệ của Mỹ với thủ lĩnh phiến quân Reinado, người có vợ làm cho đại sứ quán Mỹ.
Sự can thiệp của Australia tại Đông Timor cũng không chỉ đơn thuần trên phương diện quân sự mà đem lại ảnh hưởng chính trị sâu sắc.
Theo tác giả Paul Kelly trên tờ Người Australia: Bản chất của việc Australia can thiệp tại Đông Timor đang bộc lộ rõ nét, đó là can thiệp cả quân sự và chính trị. Mục tiêu chính của hoạt động này là đưa ra phản ứng trước cuộc khủng hoảng an ninh Đông Timor, trong đó chấp nhận đề nghị của Dili nhằm khôi phục luật pháp và trật tự. Tuy nhiên nó không chỉ đơn thuần là can thiệp quân sự bởi trong thực tế những hoạt động đó sẽ đem lại những ảnh hướng chính trị sâu xa. Một mặt Australia đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về việc khôi phục luật pháp và trận tự Đông Timor, mặt khác tác động ngầm vào cuộc đấu đá nội bộ của họ. Đây chính là một thử nghiệm mới của Canbêra [143].
Mặc dù lực lượng quân đội Australia đóng vai trò trung lập giữa các phe phái xung đột tại Đông Timor, chính phủ Howard không thể trung lập trước các chính trị gia đang đấu đá nhau ở Dili. Sự can thiệp của Australia tác động nghiêm trọng tới nền chính trị Đông Timor bởi Canbêra rõ ràng muốn loại bỏ Alkatiri và giành thắng lợi cho Gusmao và Horta. Ngay từ khi bắt đầu can thiệp, Thủ tướng Howard đã liên tục công khai chỉ trích năng lực điều hành đất nước của chính phủ Đông Ti mor. Trả lời phỏng vấn ABC, ông nhấn mạnh quan hệ Đông Timor “không được điều hành tốt”. Mặc dù chỉ trích cả tập thể, song Howard chủ yếu nhắm vào Alkatiri với tư cách là người đứng đầu chính phủ lúc đó [143].
Chính phủ Howard có ý đồ thực hiện một chiến lược kép là quân sự và dân sự cho tương lai Đông Timor. Theo chiến lược quân sự, lực lượng đa quốc gia do Australia cầm đầu tiếp tục ở lại Đông Timor và Canbêra không muốn nhượng vai trò ấy cho Liên Hợp Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Về vấn đề chiến lược dân sự, Australia tích cực tìm kiếm một nghị quyết Liên Hợp Quốc nhằm trao trách nhiệm lớn hơn cho Liên Hợp Quốc trong cấu trúc hạ tầng dân sự ở Đông Timor [143].
Trong bối cảnh hiện nay, Đông Timor vẫn có những cơ hội để ổn định tình hình, đặc biệt là sau cái chết của thủ lĩnh phiến quân Alfredo Reinado trong cuộc tấn công vào nhà của ông Jose Ramos Horta ngày 11/2/2008 mà theo như đánh giá của Damien Kingsbury, chuyên gia về Đông Timor tại Quốc hội Australia (ANU) nói với hãng AFP: “Điều này rõ ràng sẽ giải quyết được khó khăn lớn trên chính trường Đông Timor, nó chứng tỏ lực lượng của phiến quân sẽ lâm vào suy yếu”[65]. Tuy vậy, để đảm bảo cho sự ổn định bền vững cho tình hình chính trị, an ninh, Đông Timor cần phải giải quyết những xung đột trong nội bộ giới lãnh đạo, thực hiện cải tổ lực lượng quân đội và cảnh sát, tăng cường hệ thống pháp luật.