B. NỘI DUNG
3.2.1 Nguyên nhân chủ quan
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất ổn của tình hình chính trị, an ninh ở Đông Timor từ sau độc lập đến nay, trong đó quan trọng nhất là những mâu thuẫn trong nội bộ nước này.
Trước hết, đó là sự đối đầu giữa các nhà lãnh đạo đất nước, cụ thể là giữa ông Xanana Gusmao và ông Alkatiri. Sự bất đồng giữa hai ông bắt nguồn từ những tháng đầu hình thành nhà nước độc lập, khi hai ông tranh cãi về việc dự thảo hiến pháp.
Lúc đó, ông Gusmao và các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng khác như Ngoại trưởng J.R.Horta (nay là Tổng thống Đông Timor) đã đấu tranh để lựa chọn một hệ thống chính phủ do Tổng thống đứng đầu. Ông Alkatiri đã phản
đối và vận động một số nhân vật cao cấp của FRETILIN quyết định thành lập chính phủ dưới hình thức do Thủ tướng đứng đầu. Mặc dù là Tổng thống không có mấy thực quyền, ông Gusmao vẫn có quyền phủ quyết luật, giải tán Quốc hội và quyết định tổng tuyển cử.
Từ đó, ông Gusmao đã công khai ủng hộ hai Đảng đối lập chính là Đảng dân chủ (có 7 ghế) và Đảng Xã hội dân chủ (6 ghế) trong Quốc hội chống lại FRETILIN. Sự bất đồng chính trị này có phần nguy hiểm đã len lỏi vào cơ quan chính quyền, với việc cả quân đội và cảnh sát cũng bị chia thành hai phe: phe ủng hộ Alkatiri và phe ủng hộ Gusmao. Hiện nay, trên chính trường Đông Timor có ba nhân vật có ảnh hưởng lớn là Tổng thống Horta, Thủ tướng Gusmao và Tổng thư ký Đảng FRETILIN Alkatiri, trong đó giữa ông Alkatiri với 2 ông Gusmao và Horta vẫn chưa tìm được một thỏa ước và một hình thức nhân nhượng nào phù hợp. Khi nào họ còn chưa dàn xếp được với nhau (về phân chia quyền lực) thì tình trạng bạo lực còn tiếp diễn.
Hơn nữa, tình trạng bè phái cùng những cạnh tranh sắc tộc, Đảng phái địa phương vốn vẫn ngấm ngầm sôi sục từ trước khi xuất hiện phong trào đòi độc lập, sự mâu thuẫn giữa quân đội và cảnh sát đã khiến chính phủ không thế đối phó hiệu quả với các cuộc biểu tình và bạo lực.
Thứ hai, ở Đông Timor có nhiều nhóm võ thuật. Trong thời gian Đông Timor còn là một tỉnh của Indonesia, nhiều thanh niên Đông Timor đã tham gia các nhóm võ thuật như một cách tự vệ. Kể từ khi Đông Timor giành được độc lập, một số nhóm này đã biến thành tội phạm, thực hiện các hoạt động tống tiền, đánh bạc và buôn lậu. Nhóm tội phạm lớn nhất là Gorkas, được ước tính có tới 10.000 thành viên. Các nhóm khác lại có mối quan hệ chặt chẽ với một số cá nhân đầy quyền lực, có tham vọng chính trị nổi tiếng. Ví dụ như nhóm Sagrada Familia có quan hệ chặt chẽ với cựu thủ lĩnh du kích Furai Bot - người đã phản đối chính phủ từ năm 2001. Nhóm khác như Calimao 2000 đang ngày càng lộng hành như một băng nhóm xã hội đen chuyên nghiệp. Các băng nhóm
thù địch nhau, đối đầu nhau chỉ chờ có cơ hội là gây ra bạo lực. Tỉ lệ thất nghiệp cao là điều kiện để các băng nhóm này tuyển mộ thành viên.
Thứ ba, một trong những nguyên nhân gây bất ổn ở Đông Timor là sự tuyệt vọng liều lĩnh của các phe đối lập.
Các Đảng đối lập đã lợi dụng các cuộc biểu tình phản đối để làm mất uy tín và gây bất ổn cho chính phủ, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Alkatiri lãnh đạo. Một trong những sự kiện tiêu biểu là cuộc biểu tình của 600 binh lính tháng 4/2006. Trước khi xẩy ra bạo động, đại diện những người lĩnh bất mãn đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ giải quyết hữu nghị cho những khiếu nại của họ, biểu tình sẽ không diễn ra. Nhưng ngày hôm sau, những binh lính này đã yêu cầu giải tán Quốc hội và gửi tối hậu thư yêu cầu ông Alkatiri từ chức với lời lẽ “giống đến từng chữ” [111] các tuyên bố mà phe đối lập chính trị bị chia rẽ đưa ra trước đó.
Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005, các Đảng phái đối lập ở Đông Timor chỉ giành chiến thắng tại 1/31 địa phương mà họ tham gia tranh cử. Kể cả trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, các Đảng phái này cũng chiếm tỉ lệ phiếu rất thấp. Do đó, các phe chính trị này luôn ở thế tuyệt vọng liều lĩnh. Hơn nữa, sự chi phối của FRETILIN đã khiến các Đảng phái chính trị ở Đông Timor không hài lòng. Thủ lĩnh FRETILIN, ông Mari Alkatiri một người Hồi giáo gốc Ảrập có thiên hướng mác xít đã có những hành động “chọc giận” nhiều nhóm lợi ích quyền lực, nhất là với Giáo hội thiên chúa giáo rất có ảnh hưởng ở Đông Timor (90% dân số Đông Timor theo Thiên chúa giáo). Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã đã tuyên bố sẽ tiến hành cuộc vận động trực tiếp chống lại Alkatiri, nếu ông lại được đề cử làm ứng cử viên Thủ tướng của FRETILIN trong cuộc tổng tuyển cử năm 2007.
Từ đối sách không khôn khéo với 600 binh lính hồi tháng 4/2006 của ông Alkatiri, mà như Trung úy Alfredo Reinado, thủ lĩnh nhóm nổi dậy đã nói với phóng viên tờ Time: “Họ sử dụng cả súng phóng lựu đạn để đàn áp cuộc
biểu tình và tôi không thể tin nổi” [64], đã dẫn đến bùng nổ một loạt các cuộc bạo động nhằm kêu gọi ông Alkatiri từ chức.
Thứ tư, chính trường Đông Ti mor rơi vào hỗn loạn còn bắt nguồn từ sự khủng hoảng toàn diện về thể chế, sự khó khăn về kinh tế.
Cuộc khủng hoảng về thể chế ở Đông Timor dường như chưa có cách giải quyết. Từ sau khi độc lập, Đảng FRETILIN đã trở thành biểu tượng của Đông Timor. Nhưng trong thời gian qua, Đảng này đã không thành công trong hoạt động điều hành đất nước. Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, tuy vẫn là Đảng chiếm số phiếu bầu cao nhất, song cơ cấu của Đảng lãnh đạo đã không thuộc về FRETILIN như trước đây. Việc chuyển quyền lãnh đạo chính phủ từ một Đảng có công giành độc lập sang một chính Đảng khác luôn là thời điểm then chốt trong lịch sử bất kỳ quốc gia non trẻ nào. Các nhà lãnh đạo FRETILIN phải ngăn chặn từ sớm. Trong khi đó FRETILIN đã tỏ ra bối rối về mặt chiến thuật, càng khó khăn hơn khi hiến pháp và hệ thống nhà nước ở Đông Timor được thiết kế theo mô hình phương Tây trong khi đất nước này gần như mỗi làng đều có luật lệ riêng. Một hệ thống tòa án yếu kém và thiếu tôn trọng quyền lực của luật pháp cũng có nghĩa là chính trường vẫn châm ngòi cho vòng xoáy của bạo lực.
Như nghị quyết của Liên Hợp Quốc được HĐBA thông qua tháng 8/2006 nhấn mạnh, tình trạng bạo lực vừa gia tăng ở Đông Timor là vì “sự đói nghèo và các hậu quả của nó, như tỉ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt trong giới trẻ” [129].