B. NỘI DUNG
2.3.3 Quan hệ Việt Na m Đông Timor
Cùng nằm trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam và Đông Timor có sự đồng cảm, hiểu biết lẫn nhau, chia sẽ mối quan tâm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế. Đông Timor muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhất là về kinh tế, thương mại.
Ngày 20/5/2002, Đông Timor tổ chức lễ tuyên bố độc lập. Nhận lời mời của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã tham dự lễ. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã có các cuộc trao đổi và làm việc với các nhà lãnh đạo cao nhất của Đông Timor như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Ngoại trưởng. Tại các buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định Việt Nam sẵn sàng xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác cùng có lợi với Đông Timor.
Ngày 28/7/2002, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác J.R.Horta và Bộ trưởng Nguyễn Duy Niên ký thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở cấp Đại sứ. Phía Việt Nam rõ: “Đây là thời điểm lịch sử trong quan hệ hai nước và hai dân tộc, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với chính phủ và nhân
dân hai nước mà còn góp phần tích cực đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác khu vực”.
Bộ trưởng Horta khẳng định sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Đông Timor và Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực, tạo cơ sở cho các hoạt động thương mại và giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Cả hai Bộ trưởng đều tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp.
Từ ngày 7 đến 12/3/2003, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Đông Timor J.R.Horta thăm chính thức Việt Nam. Trong buổi tiếp Ngoại trưởng Horta, Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để Đông Timor phát triển kinh tế”. Phía Đông Timor mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước nhằm tận dụng những lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động rẻ của mình, muốn Việt Nam cử đoàn doanh nghiệp sang Đông Timor để tìm cơ hội làm ăn và hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đông Timor nhập khá nhiều hàng hóa của Việt Nam thông qua Indonesia. Bộ Thương mại Việt Nam đã cử đoàn công tác sang Đông Timor để khảo sát và xúc tiến quan hệ thương mại giữa hai nước.
Từ ngày 8 đến 10/8/2005, nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tổng thống Đông Timor Xanana Gusmao đã đến thăm Việt Nam mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Tổng thống Xanana- Gusmaođã bày tỏ sự vui mừng lần đầu được đến thăm Việt Nam, cảm ơn Việt Nam đã sớm công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Đông Timor, đánh giá cao những kinh nghiệm và thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, tin rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu xâu dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh. Ông cũng bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, được Việt Nam chia sẽ những kinh nghiệm về xây dựng và phát triển đất nước. Phía Việt Nam khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là tăng cường hợp
tác với các nước láng giềng và khu vực, trong đó có Đông Timor, góp phần và nỗ lực chung của các dân tộc xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định, phát triển tiến bộ và phồn vinh. Tổng thống Xanana Gusmaođánh giá: “Quan hệ Việt Nam và Đông Timor đã được thiết lập trên những nền tảng vững chắc và nhiều điểm tương đồng. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam luôn luôn ủng hộ quyền tự quyết và độc lập của chúng tôi. Là một là nước độc lập, có chủ quyền, Đông Timor đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và hiện nay, chúng tôi mong muốn tìm hiểu, phát triển hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trong những năm sắp tới. Triển vọng quan hệ giữa hai nước chúng ta là sáng sủa và đầy hứa hẹn. Việt Nam có những kinh nghiêm vô cùng quý giá trong phát triển Nông - lâm nghiệp mà Đông Timor có thể học hỏi. Tôi cho rằng điều quan trọng là phải tìm kiếm được những lợi ích chung trong các lĩnh vực cụ thể nhằm củng cố quan hệ song phương của hai nước chúng ta”
[95]. Việt Nam ủng hộ nguyện vọng của Đông Timor ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), trở thành quan sát viên của ASEAN, phát triển quan hệ đặc biệt với các nước thành viên ASEAN.
Từ 29/5 - 01/6/2007, Bộ trưởng Bộ Phát triển Đông Timor Arcanjo da Silva dự “Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Thương mại và Công nghiệp Đông Timor Gil Alves thăm (không chính thức) Việt Nam từ 18/3/2008.
Trong cuộc khủng hoảng của Đông Timor năm 2008, đặc biệt là vụ mưu sát Tổng thống Đông Timor Jose Ramos Horta và Thủ tướng Xanana Gusmao tháng 2/2008, Đại sứ Lê Lương Minh - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đồng thời là Đại diện Việt Nam tại Hội đồng bảo an, một mặt hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ và nhân dân Đông Timor trong giai đoạn ổn định và tái thiết đất nước vừa qua, mặt khác chỉ ra những thách thức mà Đông Timor đang gặp phải. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Đông Timor tích cực đối thoại hòa bình, giải quyết các bất đồng, thúc đẩy hòa giải dân tộc, cùng nhau phát triển đất nước, tập trung
vào các ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết những khó khăn kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh. Đại sứ khẳng định Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giúp đỡ Đông Timor ổn định và phát triển, ủng hộ việc gia hạn hoạt động của Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Đông Timor (UNMIT) để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ Đông Timor trong các nỗ lực củng cố hòa bình và triển khai thi công chiến lược quốc gia về tái thiết đất nước.
Từ ngày 13 đến 16/9/2009, Bộ trưởng Ngoại giao Đông Timor Z.Costa có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Đông Timor. Tại cuộc Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác trong thời gian qua; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khẳng định Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Đông Timor, ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Đông Timor trong việc bình ổn, khôi phục an ninh và trật tự để xây dựng và phát triển đất nước. Chính phủ Đông Timor luôn coi Việt Nam là hình mẫu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam [21].
Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng hơn 10 lần, từ 5 triệu USD năm 2003 lên 56 triệu USD năm 2008, và 71 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2009. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, hai bên nhất trí sẽ sớm ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật, Hiệp định khuyến khích về bảo hộ đầu tư, thỏa thuận hợp tác về mua bán gạo và sớm thành lập Ủy ban hỗn hợp hai nước [120].
Hai bên cũng nhấn mạnh cần mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi sang các lĩnh vực khác như nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy hải sản, dầu khí và xây dựng. Hai bên đánh giá cao và nhất trí tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp
tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Diễn đàn An ninh Khu vực ARF và tại Liên Hợp Quốc.
Từ 26 đến 29/4/2010, chuyến thăm chính thức của Tổng thống J.R.Horta tới Việt Nam diễn ra khi quan hệ giữa hai nước đang có những tiến triển tích cực. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Đông Timor. Là nguyên thủ thứ hai của Nhà nước Đông Timor tới thăm chính thức Hà Nội, ông đã gặp gỡ và trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về phương hướng và các biện pháp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác song phương, đặc biệt về thương mại, nông nghiệp, thủy sản và dầu khí; ký kết một số hiệp định, thỏa thuận song phương làm cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên đã thống nhất thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và kỹ thuật; đã ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo, đang đàm phán chuẩn bị ký Hiệp định khung về Hợp tác kỹ thuật và kinh tế, Hiệp định thương mại và Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư. Hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, dầu khí, thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng; trao đổi hàng nông sản, dệt may, hàng tiêu dùng, máy công nghiệp, thiết bị điện... Kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 99 triệu USD năm 2009 (chủ yếu Việt Nam xuất khẩu gạo sang Đông Timor. Theo thỏa thuận, từ năm 2010 đến 2012, mỗi năm Việt Nam sẽ cung cấp cho Đông Timor 200 nghìn tấn gạo. [21].
Ngày 16/10/2011, trong cuộc tiếp Đại sứ Việt Nam tại Đông Timor, Tổng thống J.R.Horta đánh giá cao quan hệ với Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Đông Timor. Ông đặc biệt ca ngợi những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế, coi những thành tựu và kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp những kinh nghiệm sản xuất lúa gạo là những bài học có giá trị đối với Đông Timor
nên sẽ cử sinh viên sang Việt Nam học tập, nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp [120].
Hiện nay, quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Đông Timor ngày càng phát triển. Việc thúc đẩy quan hệ với Đông Timor trên nhiều lĩnh vực phù hợp với đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ của Nhà nước ta, trong đó coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực. Thành công của của sự hợp tác Việt Nam - Đông Timor đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Tiểu kết chương:
Như vậy, có thể khẳng định trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao, Đông Timor đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Chỉ trong vòng mười năm sau độc lập, thậm chí ngay sau khi tuyên bố độc lập vào năm 2002, Đông Timor đã hoàn thiện bộ máy nhà nước bằng việc tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội, thông qua ba lần bầu cử và cuộc bầu cử năm 2012 đã thành công tốt đẹp chứng tỏ vấn đề an ninh, chính trị của quốc gia đang ngày được khôi phục và ổn định. Đó là một dự báo tốt đẹp cho sự phát triển các mặt của đất nước như: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, đối ngoại của đất nước.
Đông Timor, có nhiều nguồn tài nguyên trong đó dầu mỏ là nguồn tài nguyên quan trọng nhất được ví như: “viên ngọc quý trên vương miện của Đông Timor”, kinh tế Đông Timor đang dần hồi sinh để phát triển chỉ tính từ năm 2008 - 2012 chỉ số phát triển kinh tế đang giữ vững ở mức hai con số, đang thu hút sự đầu tư của nước ngoài tạo đòn bẩy cho nền kinh tế đất nước phát triển. Kinh tế Đông Timor được đánh giá là một trong số 12 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong đó Đông Timor xếp vị trí thứ 7. Về văn hóa - xã hội, Đông Timor đang từng bước thay đổi bộ mặt đất nước bằng những chính sách ưu tiên xây dựng cơ sỏ hạ tầng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Trường học được đầu tư và chất lượng giáo dục đang
ngày càng phát triển, Đông Timor là quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ trẻ trẻ em chết dưới 5 tuổi giảm nhiều đáng kể.
Về chính sách đối ngoại, Đông Timor đã mở rộng được quan hệ với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, làm tăng thêm địa vị chính trị của mình trên trường quốc tế, Đông Timor cũng gia nhập vào những tổ chức quốc tế đó cũng là cơ hội để Đông Timor mở rộng và phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội. Đặc biệt, với việc Đông Timor đã đề đơn chính thức xin gia nhập ASEAN, vấn đề đó đang được ASEAN xem xét và có thể kết nạp vào cuối năm 2012. Đông Timor cải thiện được quan hệ đối ngoại với hai nước quốc gia láng giềng là Indonesia và Australia, trong đó Đông Timor đang ngày càng xích lại gần hơn với Trung Quốc và Mỹ, vì hai quốc gia này đang cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Timor. Bên cạnh đó, Đông Timor đã góp phần làm cho tình hình an ninh khu vực được ổn định hơn, hướng tới một ASEAN hòa bình, thịnh vượng.
Chương 3
MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐÔNG TIMOR TRONG 10 NĂM (2002 - 2012) 3.1. Nhận xét về tình hình phát triển của Đông Timor (2002 - 2012 )
Ra đời đầu thế kỷ XXI với cơ sở kinh tế nghèo nàn và trình độ dân trí thấp, quốc gia nhỏ bé Đông Timor phụ thuộc nặng nề vào sự bảo trợ cả về tài
chính lẫn an ninh của cộng đồng quốc tế. Sau gần 4 thế kỷ là thuộc địa của Bồ Đào Nha, năm 1975, Đông Timor được trao trả độc lập. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, quốc gia có lãnh thổ là một nửa đảo Timor lại thuộc về Indonesia, nước láng giềng rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo, gồm cả nửa phía Tây đảo Timor. Trở thành tỉnh thứ 27 của Indonesia trong vòng 1/4 thế kỷ, Đông Timor giành được quyền tự quyết năm 1999 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, và đến ngày 20.5.2005 thì chính thức độc lập. Ông X.Gusmao, người đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập của quê hương, trở thành Tổng thống đầu tiên của nước CHDC Đông Timor; ông Mari Alkatiri, người kế thừa lãnh đạo Mặt trận Cách mạng vì một Đông Timor độc lập (FRETILIN), làm Thủ tướng; và ông José Ramos-Horta, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1998 cho hoạt động đấu tranh giải phóng Đông Timor trong khi sống lưu vong, làm Ngoại trưởng.
Nhưng nhà nước non trẻ ở Đông Nam Á này sớm rơi vào một bi kịch khác, đó là sự chia rẽ sâu sắc ngay trong bộ sậu lãnh đạo và mâu thuẫn giữa các nhóm chính trị. Căng thẳng nhất là mâu thuẫn giữa Tổng thống Gusmão (với sự hậu thuẫn của nhân vật rất được kính trọng Ramos-Horta) với Thủ tướng Alkatiri. Xung đột diễn ra triền miên, mà đỉnh điểm là cuộc bạo loạn kéo dài hai tháng 4 và 5/2006 ở thủ đô Dili, khiến 38 người chết và 100.000 người phải tị nạn ngay trên đất nước mình. Ngày 26.6.2006, Thủ tướng Alkatiri từ chức, ông Ramos-Horta lên thay. Tháng 5/2007, ông Ramos-Horta thắng cử tổng thống, còn ông Gusmão thắng ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử cuối tháng 6.2007. Sáng sớm 11.2.2008, Tổng thống Ramos-Horta bị bắn trọng thương khi đang đi bộ tập thể dục ở gần nhà. Một giờ sau đó, đoàn công xa của Thủ tướng Gusmão cũng bị nã đạn, may mắn ông này không bị thương. Chủ mưu ám sát hai lãnh đạo quốc gia là thủ lĩnh phản loạn Alfredo Reinado bị bắn chết gần tư dinh của Tổng thống [87].