Cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội lần hai ở

Một phần của tài liệu Tình hình kinh tế, chính trị xã hội và chính sách đối ngoại của đông timor từ 2002 đến 2012 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 42 - 50)

B. NỘI DUNG

2.1.1Cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử Quốc hội lần hai ở

Ngày 9/4/2007, cuộc bầu cử tổng thống ở Đông Timor bắt đầu. Đây là cuộc bầu cử mà nhân dân Đông Timor hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng đối đầu chính trị giữa các Đảng phái đang đe dọa tương lai của quốc gia này. Đây là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên ở Đông Timor kể từ khi nước này giành được độc lập năm 2002. Khoảng 5000 cảnh sát đã được triển khai để

đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, trong đó có 1645 cảnh sát của Liên Hợp Quốc và hơn 3000 cảnh sát Đông Timor. Ngoài ra, có thêm 1000 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình được huy động trong trường hợp cần thiết. Các quan chức Liên Hợp Quốc cho hiết có 522.000 người Đông Timor đã đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử [2].

Tham gia tranh cử có 3 ứng viên, trong đó có Thủ tướng J.R.Horta, đương kim Tổng thống X.Gusmao không ra tranh cử nhiệm kỳ hai mà sẽ tranh cử chức Thủ tướng Đông Timor. Kết quả bầu cử ngày 9/4 cho thấy không có ứng viên nào đạt 50% số phiếu kể cả đương kim Thủ tướng R.Horta - người được coi là ứng cử viên triển vọng nhất, chỉ giành được 35% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử Dili, dẫn đầu trong 5/13 đơn vị bầu cử. Do đó, Đông Timor phải tổ chức bầu cử vòng hai theo kế hoạch diễn ra vào ngày 8/5/2007.

Cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/4/2007 cho thấy sự phức tạp trên chính trường Đông Timor. Giới phân tích cho rằng bất kỳ ứng cử viên nào giành chiến thắng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa sẽ thổi bùng lên ngọn lửa của tình trạng bất ổn. Đó là những thách thức tiềm tàng từ những bất đồng sâu sắc trong xã hội, việc khôi phục pháp luật, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp… Nguyên nhân của việc không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu bầu của cử tri chủ yếu xuất phát từ sự thất vọng ngày càng tăng của người dân khi chính phủ không thể đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo. Bản thân đương kim Tổng thống Gusmao - người đã giành được sự tín nhiệm của đông đảo người dân Đông Timor trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 4/2002, thì không hài lòng với vai trò Tổng thống chỉ có tính tượng trưng mà muốn là Thủ tướng để nắm thực quyền, quyết định phương hướng phát triển xã hội, chính trị, kinh tế, tại Đông Timor. Ông cho rằng, Đông Timor là một quốc gia giàu có với khoản dự trữ ngoại tệ lên tới 1 tỷ USD tại các ngân hàng ở Mỹ… Nếu Đông Timor sử dụng khoản tiền trên, quốc gia này có thể nâng cao tỉ lệ dân số biết chữ trên mức 58,6% như hiện

nay, tiến hành các chương trình xóa đói giảm nghèo cho 42% dân số sống dưới mức nghèo khổ, cũng như giảm tỉ lệ thất nghiệp đang có ở mức trên 50%. Do đó, cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9/4/2007 dường như có sự hoán đổi vị trí cho nhau giữa Gusmao và R.Horta. Theo giới phân tích chính trị, tại Đông Timor, Thủ tướng là người quyết định chích sách đối ngoại chứ không phải là Tổng thống. Vì vậy, nếu các ứng cử viên khác thắng cử, triển vọng của chính trường cũng không thay đổi nhiều.

Đánh giá về cuộc bầu cử Tổng thống, ông J.R.Horta cho rằng: “Vòng một diễn ra tương đối yên bình, với một số vụ bạo lực đầy ác ý, chủ yếu là do những thành viên cực đoan của Đảng FRETILIN gây ra tại Thủ đô Dili và một số huyện như Los Palos và Viqueque. Những nhóm này có truyền thống quá kích và không bao giờ chấp nhận quan điểm của người khác. Tuy nhiên những vụ này không thuộc trách nhiệm của Ban lãnh đạo FRETILIN vì các nhà lãnh đạo luôn tìm cách khuyến cáo các thành viên không dính líu vào các vụ bạo lực như vậy. Chính những thành viên điên cuồng này đang làm mất uy tín của FRETILIN và họ càng gây ra bạo lực thì Đảng này càng mất uy tín”

[127]. (Cả nhà lãnh đạo cao cấp của Đông Timor là Tổng thống Gusmao và Thủ tướng Horta đều không phải là thành viên của FRETILIN mặc dù trong quá trình giành độc lập hai ông đều đã có thời gian gắn bó với Đảng này).

Mặc dù những vi phạm bầu cử có thể ảnh hưởng phần nào đến tiến trình bỏ phiếu, nhưng theo ông Horta, người thắng cử trong vòng hai vẫn đủ tín nhiệm để trở thành Tổng thống Đông Timor nếu Liên Hợp Quốc và các nước bè bạn hành động để ngăn chặn việc lặp lại sự đe dọa bạo lực cũng như sự can thiệp của các quan chức bầu cử và thành viên FRETILIN.

Tổng thư ký FRETILIN khẳng định FRETILIN sẽ không tiến hành bạo lực nếu thất cử tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8/5/2007. Phản ứng trước những lời cáo buộc FRETILIN đã gian lận trong bầu cử, ông Alkatiri đã nói: “Những người tuyên bố rằng FRETILIN sẽ không chấp nhận

kết quả bầu cử, giờ đây khi FRETILIN tuyên bố chấp nhận kết quả bầu cử, họ lại cáo buộc FRETILIN gian lận. Những lời cáo buộc các thành viên FRETILIN đã tiến hành bạo lực là hoàn toàn vô căn cứ. Ngược lại, FRETILIN đã trở thành nạn nhân của bạo lực. Trong thời gian trước cuộc bầu cử, FRETILIN đã kiềm chế tránh bạo lực và đổ máu để giữ gìn cho đất nước ổn định, bất chấp việc FRETILIN bị nhiều nhóm khác khiêu kích. Giờ đây, khi FRETILIN đã tiến gần đến chiến thắng, càng không có lý do gì để Đảng này tiến hành bạo lực” [2].

Sáng ngày 9/5/2007, khoảng 600.000 cử tri Đông Timor đi bỏ phiếu tại 705 điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai. Tại vòng bầu cử này, các cử tri Đông Timor sẽ lựa chọn giữa hai ứng cử viên là đương kiêm Thủ tướng Jose Ramos Horta và ứng cử viên Đảng cầm quyền FRETILIN, ông Francisco Guterres. Đây được coi là cuộc chạy đua giữa hai gương mặt trái ngược. Ông J.R.Horta vốn là một nhà báo biết 5 thứ tiếng, sống 24 năm lưu vong ở Australia kể từ khi Indonesia sáp nhập Đông Timor năm 1975, nổi tiếng trên toàn thế giới với tư cách là tiếng nói đại diện cho cuộc kháng chiến của Đông Timor. Những nỗ lực đấu tranh trên trường quốc tế hướng tới mục tiêu gành độc lập cho đất nước vẫn đang chìm trong cảnh hỗn loạn đã giúp ông giành được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1996. Theo ông A.Da Silva thuộc Đảng Tự do, ông Horta đã xây dựng cho mình được một danh tiếng tốt cả trong và ngoài nước, hội đủ các tiêu chuẩn để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Đông Timor. Ngược lại, ông Guterres, người đã giành quá nửa đời mình cho phong trào kháng chiến của Đông Timor chống lại Indonesia, được H.Moucho - cố vấn của Guterres cho rằng, đây là một nhân vật ngại tiếp xúc vì ông đã sống 24 năm trong rừng rậm để trưởng thành từ một du kích bình thường lên những chức vụ cao trong phong trào kháng chiến.

Ngày 10/5/2007, Ủy ban Bầu cử quốc gia Đông Timor (CNE) công bố kết quả kiểm phiếu vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống cho thấy, đương

kim Thủ tướng J.R.Horta giành thắng lợi áp đảo với 73% số phiếu bầu. Với kết quả này, ông Horta đã trở thành vị Tổng thống thứ hai của Đông Timor. Ông R.Horta đã cam kết sẽ hàn gắn những rạn nứt chính trị và xã hội sâu sắc ở đất nước mình và khẳng định sẽ thực hiện những gì đã hứa với người dân Đông Timor trong chiến dịch tranh cử, theo đó sẽ tập trung chống đói nghèo, đoàn kết nhân dân để xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 20/5/2007, tại Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Dili, Tổng thống J.R.Horta tuyên thệ nhậm chức. Thắng lợi của ông Horta đã làm dấy lên hy vọng về tình trạng ổn định hơn ở một đất nước vẫn chật vật hàn gắn bất đồng sau 5 năm giành được độc lập. “Tôi sẽ tuân thủ Hiến pháp để đảm bảo đoàn kết dân tộc và sẽ tiếp tục các biện pháp của Tổng thống Xanana Gusmao đang mãn nhiệm để thực hiện nguyện vọng của nhân dân. Tôi sẽ tìm biện pháp chấm dứt khủng hoảng ở Đông Timor”. Ông cũng cam kết cải tổ quân đội và cảnh sát [169].

Mặc dù Tổng thống J.R.Horta đã giành chiến thắng áp đảo, nhưng nhiều người tin rằng cuộc bầu cử là cuộc chiến thực sự giữa cựu Thủ tướng Alkatiri và Ông Gusmao. Kết quả bầu cử Tổng thống là bằng chứng cho thấy

“cử tri đã từ chối sự lãnh đạo của FRETILIN” [120]. Do vậy, cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 30/6/2007 được coi là một cuộc thử nghiệm khẳng định sự sống còn của tiến trình dân chủ vừa hình thành tại quốc gia non trẻ trong khu vực Đông Nam Á hết sức sôi động nhưng cũng đầy biến động.

Ngày 30/6/2007, cử tri quốc đảo Đông Timor đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội. Tham gia tranh cử có 14 Đảng và liên minh, trong đó dư luận dự đoán “chỉ có 4 Đảng có khả năng giành nhiều ghế là: FRETILIN, CNRT, Đảng Dân chủ (PD), Liên minh Dân chủ Đông Timor (UDT), Đảng Dân chủ xã hội (PSD)” [176]. Chính phủ cấp cho tất cả các Đảng ra tranh cử mỗi Đảng 500.000 USD để vận động tranh cử, đồng thời đảm bảo cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra tự do, công khai và an toàn. Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên theo

Hiến pháp của một quốc gia độc lập diễn ra thuận lợi [71]. Kết quả kiểm phiếu cho thấy FRETILIN đã giành được 29% phiếu ủng hộ trên 97% tổng số phiếu được kiểm, còn CNRT đứng thứ 2 với 24% số phiếu. Đảng FRETILIN giành được 21/65 ghế trong Quốc hội, Đảng CNRT của cựu Tổng thống Gusmao giành được 18 ghế, còn các đảng khác thì chiếm số ghế còn lại [108].

Với kết quả trên, Đảng FRETILIN cầm quyền vẫn là Đảng giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội Đông Timor. Tuy vậy, số phiếu cho FRETILIN đã giảm mạnh so với con số 57% đã giành được trong cuộc bầu cử năm 2001. Như vậy, Đảng này vẫn không thể chiếm đa số trong Quốc hội và sẽ phải nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh với các Đảng phái khác. Cả FRETILIN và CNRT đều loại trừ khả năng thành lập một chính phủ thống nhất mà Tổng thống J.R.Horta đã đề xuất. Tuy nhiên, nếu liên minh CNRT thành lập chính phủ, an ninh có thể bị đe dọa vì những người ủng hộ FRETILIN sẽ cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Đảng của họ giành được nhiều phiếu nhất.

Ngày 16/7/2007, Tổng thống Horta thông báo Đảng FRETILIN cầm quyền và một liên minh do cựu Tổng thống Xanana Gusmao lãnh đạo đã nhất trí thành lập chính phủ đoàn kết sau cuộc bầu cử. Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Dili, Tổng thống Horta nói: “Đảng FRETILIN và liên minh do ông Gusmao lãnh đạo đã chấp thuận đề nghị thành lập chính phủ liên hợp, tuy nhiên vấn đề cần giải quyết hiện nay là việc ai sẽ làm Thủ tướng và Thủ tướng sẽ là người của FRETILIN hay của Liên minh do Gusmao lãnh đạo”

[108] và hy vọng tìm được nền tảng tốt để duy trì đoàn kết, thành lập chính phủ đoàn kết và ổn định.

Ngày 30/7/2007, Quốc hội Đông Timor họp phiên đầu tiên, mặc dù vẫn chưa tháo gỡ được bế tắc xung quanh việc thành lập chính phủ. Tất cả 65 Nghị sĩ của Quốc hội bắt đầu làm việc trong đó có cả cựu Tổng thống Xanana Gusmaovà cựu Thủ tướng M.Alkatiri. Trong nỗ lực nhằm chấm dứt những

căng thẳng chính trị kéo dài kể từ sau cuộc bầu cử, ngày 6/8/2007, Tổng thống J.R.Horta đã quyết định bổ nhiệm ông Xanana Gusmao - thủ lĩnh liên minh các Đảng chiếm đa số tại Quốc hội 65 ghế này làm Thủ tướng mới của Đông Timor. Ông Horta cũng tuyên bố sử dụng thẩm quyền hiến định để lựa chọn chính phủ mới vì các chính Đảng không làm được điều này.

Tuyên bố này ngay lập tức đã bị Đảng FRETILIN chỉ trích và cho rằng với tư cách là một Đảng độc lập lớn nhất, Đảng này có quyền thành lập chính phủ. Chủ tịch Đảng FRETILIN, cựu Thủ tướng Alkatiri nói: “Chúng tôi coi đây là một quyết định bất hợp pháp vì động cơ chính trị và do vậy FRETILIN sẽ không hợp tác với chính phủ này” [139]. Với 21 ghế giành được trong Quốc hội Đông Timor, Đảng FRETILIN trở thành Đảng lớn nhất. Tuy chỉ giành được 18 ghế song Đảng Đại hội dân tộc tái thiết Đông Timor (CNRT) của ông Gusmao đã liên kết với các Đảng khác, tạo ra liên minh kiểm soát 37 ghế trong Quốc hội và đòi quyền lãnh đạo Quốc hội.

Quyết định chọn ông Gusmao làm Thủ tướng mới cũng đã châm ngòi cho một cuộc bạo lực mới tại thủ đô Dili. Ngày 7/8/2007, tại Dili, nhiều nhóm thanh niên đã dựng chướng ngại vật trên các tuyến đường ở thủ đô, ném đã vào xe cảnh sát. Tại khu vực gần sân bay quốc tế thành phố, hơn 100 thanh niên ủng hộ Đảng FRETILIN đã đập phá nhiều ô tô và đốt trụ sở cơ quan thuế, gây hỗn loạn cả khu vực. Bạo lực cũng bùng phát ở thành phố Bacau, cách Dili khoảng 130Km về phía đông. Hàng trăm thanh niên quá kích đã tấn công và đốt phá 3 trụ sở cơ quan chính quyền địa phương, cướp bóc một khu chợ và làm một số người bị thương. Tại thành phố Viqueque ở miền Nam, hai ngôi nhà và một xe buýt đã bị đốt cháy. Lực lượng an ninh Đông Timor và các binh sĩ Australia được triển khai ở đây đã được đặt trong tình trạng báo động.

Trong không khí bạo lực, ngày 8/8/2007, ông Gusmao tuyên thệ nhậm chức. Australia và Mỹ hoan nghênh việc ông Gusmao được bổ nhiệm làm Thủ tướng và cam kết ủng hộ chính phủ Đông Timor mới do ông lãnh đạo.

Còn dư luận quốc tế thì lo ngại rằng Quốc hội Đông Timor có thể sẽ gặp thách thức nghiêm trọng về pháp lý khi Đảng FRETILIN vẫn từ chối không công nhận chính phủ mới của ông Gusmao, kiên quyết khẳng định liên minh của ông Gusmao là không có giá trị bởi được thành lập sau bầu cử. Bên cạnh đó là những thách thức về an ninh, kinh tế cho chính phủ mới này.

Tổng thống Horta muốn thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của tất cả các chính Đảng lớn, song Xanana Gusmaovà cả Chủ tịch FRETILIN là M.Alkatiri đều không hưởng ứng. Thực tế, FRETILIN không còn cách nào đứng ra lãnh đạo chính phủ bởi cho dù là Đảng lớn nhất, họ vẫn chỉ là thiểu số trong Quốc hội.

Cho đến năm 2008, sự mâu thuẫn khủng hoảng ở cấp lãnh đạo chính trị trong nội các Đông Timor vẫn đẫn đến các cuộc bạo loạn tiếp tục tái diễn. Ngày 11/2/2008, quân nổi loạn đã tấn công dinh thự của Tổng thống J.R.Horta ở Thủ đô Dili và bắn ông bị trọng thương. Nhà riêng của Thủ tướng Xanana Gusmaocũng bị phóng hỏa trong một cuộc tấn công riêng rẽ, song ông đã may mắn thoát nạn. Tình trạng khẩn cấp được công bố trong 48h và lệnh giới nghiêm được thi hành. Thủ tướng Gusmao coi đây là một âm mưu đảo chính bất thành [38].

Sau sự kiện trên, Đông Timor đã nhận được sự chia sẽ thông cảm của cộng đồng quốc tế. “Vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon kêu gọi nhân dân Đông Timor bình tĩnh và kiềm chế trước các hành động bạo lực. Ngày 25/5/2008, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về tình hình Đông Timor, khẳng định cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của Đông Timor, ủng hộ lực lượng an ninh quốc tế hỗ trợ chính phủ Đông Timor (UNMIT) trong việc khôi phục và duy trì luật pháp, ổn định ở nước này; quyết định gia hạn sứ mệnh của UNMIT ở Đông Timor tới ngày 26/2/2009. Nghị quyết lên án kịch liệt các vụ tấn công vào Tổng thống và Thủ tướng

Một phần của tài liệu Tình hình kinh tế, chính trị xã hội và chính sách đối ngoại của đông timor từ 2002 đến 2012 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 42 - 50)