B. NỘI DUNG
1.3.2 Sự can thiệp của Liên Hợp Quốc vào Đông Timor
Một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình và “sắp xếp” cho tiến trình đi đến độc lập, cũng như có ảnh hướng đến Đông Timor sau độc lập, đó là sự can thiệp của tổ chức Liên Hợp Quốc.
Sự can thiệp của Liên Hợp Quốc vào Đông Timor đã có từ năm 1982. Khi Indonesia sáp nhập bất hợp pháp Đông Timor, Liên Hợp Quốc thường xuyên duy trì 15.000 quân ở Đông Timor, cuộc đấu tranh đòi độc lập ở Đông Timor vẫn tiếp diễn.
Theo yêu cầu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Indonesia và Bồ Đào Nha cùng đàm phán để giải quyết vấn đề quy chế cho vùng đất này. Tháng 6/1988, Indonesia đề xuất cho Đông Timor hương quy chế tự trị hạn chế trong quốc gia Indonesia thống nhất. Theo hướng đó, dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, cuộc đàm phán giữa Indonesia và Bồ Đào Nha tiến triển, đi đến đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế cho Đông Timor.
Ngày 11/6/1999, Hội đồng Bảo An (HĐBA) Liên Hợp Quốc ra nghị quyết số 1246 (1999) cho phép thành lập phái đoàn trợ giúp của Liên Hợp Quốc tại Đông Timor (UNAMET), tổ chức trưng cầu dân ý theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bỏ phiếu kín, phù hợp với thỏa thuận chung đã ký để nhân dân Đông Timor tự quyết định tương lai của mình. Dưới sự giám sát của UNAMET, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra suôn sẽ.
Nhưng sau cuộc bầu cử không lâu, tình hình Đông Timor lại bất ổn do các lực lượng chống đối Đông Timor độc lập tiến hành. Liên Hợp Quốc đã họp khẩn cấp về tình hình Đông Timor. Sự đóng của phái bộ UNAMET ngày 9/9/1999 tại Đông Timor đã thể hiện rõ tính hạn chế của loại hình hoạt động gìn giữ hòa bình truyền thống vốn có từ năm 1948 [52; tr.74-75].
Sau đó, trước sức ép của một số nước lớn, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc K.Annan đã thúc giục Indonesia chấp nhận ngay lực lượng đa quốc gia làm nhiệm vụ “cưỡng chế hòa bình”. Ngày 15/9/1999, HĐBA Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 1246 (1999) do Anh đề xướng, cho phép INTERFET đến cưỡng chế hòa bình ở Đông Timor. Lực lượng này do Australia đứng đầu; được dùng mọi phương tiện, kể cả vũ lực, để tái lập hòa bình và an ninh ở Đông Timor trong thời gian 4 tháng; bảo vệ và hỗ trợ cho phái bộ Liên Hợp Quốc hoàn thành nhiệm vụ, tạo điều kiện cho INTERFET thực hiện các hoạt động viện trợ nhân đạo.
Từ ngày 25/10/1999 đến 20/5/2002, theo Nghị quyết số 1272 (1999) của HĐBA, UNTAET - cơ quan quyền lực quá độ của Liên Hợp Quốc tại Đông Timor đã thay thế lực lượng INTERFET tiến hành chiến dịch gìn giữ hòa bình đa chức năng, chịu trách nhiệm cai quản Đông Timor trong quá trình tiến tới độc lập. Theo đó, UNTAET đảm bảo an ninh, duy trì luật pháp, trật tự xã hội trên toàn lãnh thổ Đông Timor; thiết lập chính quyền hành chính; trợ giúp các dịch vụ xã hội và dân sự, phối hợp và trợ giúp công tác cứu trợ nhân đạo trợ giúp phát triển, hỗ trợ xây dựng chính quyền tự quản, xây dựng các điều kiện phát triển bền vững. HĐBA cho phép lực lượng UNTAET lên tới 9.150 binh sĩ, 1.640 cảnh sát dân sự. Trên thực tế, UNTAET bao gồm 7.678 nhân viên, gồm 6.281 binh sĩ, 1.288 cảnh sát dân sự và 188 quan sát viên quân sự, thấp hơn mức được HĐBA cho phép. Ngoài ra còn có 737 nhân viên dân sự quốc tế và 1.745 nhân viên dân sự địa phương giúp việc, 29 nước tham gia đóng góp quân và 39 nước đóng góp nhân viên cảnh sát dân sự cho UNTAET [52; tr.76].
Ngày 20/5/2002, khi Đông Timor tuyên bố độc lập, chính phủ mới cai quản đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp sang nhà nước dân chủ, có chủ quyền hoàn toàn, UNAET đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Để củng cố vị thế cho quốc gia non trẻ này, Liên Hợp Quốc lại tổ chức phái đoàn hỗ trợ tại Đông Timor (UNMISET) thay thế lực lượng UNAET từ tháng 5/2002 đến 20/5/2005, theo Nghị quyết số 1410 (2002) và Nghị quyết 1534 (2004). Nhiệm vụ của lực lượng UNMISET là trợ giúp các cơ quan hành chính gìn giữ ổn định chính trị ở Đông Timor, tư vấn cho cảnh sát Đông Timor xây dựng và thi hành phát luật, gìn giữ an ninh, bảo đảm quá trình ổn định, dân chủ và xây dựng nền tư pháp cũng như kiểm soát biên giới của Đông Timor.
Đến ngày 20/5/2005, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc hoàn toàn rút khỏi Đông Timor, hoàn thành nhiệm vụ do Liên Hợp Quốc giao
phó, đánh dấu sự công nhận của thế giới rằng Đông Timor đã trở thành một nước hòa bình, an toàn có thể gìn giữ được an ninh đất nước.
Từ năm 2006 đến đầu 2008, do tình trạng bạo lực lại lan tràn, tàn phá nặng nề kinh tế - xã hội Đông Timor, Liên Hợp Quốc lại tiếp tục đưa ra những nghị quyết mới, tổ chức lực lượng gìn giữ hoàn bình đa quốc gia quay trở lại giúp Đông Timor ngăn chặn xung đột, cử các phái đoàn quốc tế đến hỗ trợ nhân dân nước này ổn định lại cuộc sống. Ngày 27/9/2006 phái đoàn Liên Hợp Quốc (UNMIT) đã có mặt để trợ giúp và cố vấn cho cảnh sát Đông Timor khôi phục hoạt động sau vụ đụng độ nổ ra tháng 4/2006. Sự can thiệp này của Liên Hợp Quốc được coi là bước đi vô cùng quan trọng nhằm khôi phục và duy trì trật tự, an ninh xã hội trên toàn lãnh thổ Đông Timor.
Ngày 25/2/2008 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về tình hình Đông Timor với số phiếu tuyệt đối.
Nghị quyết tái khẳng định cam kết của HĐBA tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc của Đông Timor, đồng thời hoàn toàn ủng hộ vai trò của Lực lượng an ninh quốc tế hỗ trợ chính phủ Đông Timor (UNMIT), trong việc khôi phục và duy trì luật pháp và ổn định ở đất nước này, cho rằng UNMIT đang thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Timor.
HĐBA quyết định gia hạn sứ mệnh của UNMIT ở Đông Timor tới ngày 26/2/2009. HĐBA kịch liệt lên án các vụ tấn công vào Tổng thống và Thủ tướng Đông Timor hôm 11/2 và mọi hành vi nhằm gây mất ổn định đất nước này. Nghị quyết kêu gọi chính phủ Đông Timor đưa những người chịu trách nhiệm về những hành động ghê tởm nói trên ra trước công lý và kêu gọi tất cả các bên hợp tác tích cực với chính quyền Đông Tirmor trong nỗ lực này. HĐBA kêu gọi tất cả các đảng phái và các nhà chính trị tiếp tục hợp tác và tham gia vào tiến trình đối thoại chính trị, củng cố hoà bình, dân chủ, pháp trị, phát triển kinh tế và xã hội bền vững và hoà giải dân tộc. HĐBA hoan nghênh
ý định của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc trong việc cử chuyên gia tới UNMIT trong quý 1/2008 để đánh giá toàn diện các chính sách của Đông Timor và kiến nghị về những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động của UNMIT ở nước này.
Ông Jean-Marie Guehenno, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình, đã trình bày báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó cho biết tình hình an ninh, chính trị tại Đông Timor vẫn ổn định sau các vụ tấn công vừa qua nhằm vào Tổng thống và Thủ tướng Đông Timor.
Theo báo cáo, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon hoan nghênh phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế, đồng thời bày tỏ quan ngại trước những vấn đề, thách thức còn tồn tại đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Timor, kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Đông Timor trong giai đoạn khó khăn hiện nay
Như vậy, quá trình giành độc lập và xây dựng đất nước sau độc lập của Đông Timor có phần can thiệp quan trọng và thường xuyên của Liên Hợp Quốc. Nhờ vây, chính quyền non trẻ của Đông Timor đã được xây dựng, đứng vững và từng bước trưởng thành, đảm đương công việc cai quản đất nước, góp phần ngăn chặn và chấm dứt các xung đột, khôi phục chủ quyền cho Đông Timor trở thành quốc gia độc lập, ổn định, gia nhập vào cộng đồng quốc tế. Đông Timor là một trong số ít quốc gia mới ra đời được lực lượng gìn giữ hòa bình bảo vệ và trở thành quốc gia thành viên thứ 191 của Liên Hợp Quốc. Đây là những điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển của quốc gia Đông Timor.
Tuy nhiên, sự can thiệp của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhất là lực lượng đa quốc gia, trở thành bình phong để một vài nước lớn lợi dụng phục vụ lợi ích quốc gia của họ, hoặc lợi dụng biện pháp cưỡng chế để đưa quân đội của họ ra nước ngoài thực hiện mưu đồ lãnh đạo khu vực và thế giới… lại là những khó khăn cho tình hình Đông Timor, mà như Đức giám mục chủa Thủ phủ Dili Carlos Belo đã nói: “Chúng tôi rất biết ơn những gì
mà cộng đồng thế giới đã làm, song giúp cho Đông Timor có được những cơ hội để tái thiết bao gồm cả việc dành cho người Đông Timor quyền tự quyết. Nếu Liên Hợp Quốc không rời khỏi Đông Timor thì những vấn đề trước đây sẽ trở lại. Những người ngoài cuộc có thể tham gia việc kiểm soát nhưng đến lúc này hãy để người dân Đông Timor tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình” [55;tr.60].