5.2.2.1 Mở rộng cho vay doanh nghiệp
Do địa bàn huyện ít có doanh nghiệp lớn, thường chỉ có các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động. Do NHNo&PTNT thường được biết là ngân hàng phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn, từ khi thành lập thì ngân hàng đã đề ra đối tượng hướng đến là cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, khi có nhu cầu vốn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói trên thường đến giao dịch với các NHTM khác trên địa bàn, cụ thể là Ngân hàng Kiên Long. Do đó, muốn thu hút nhóm các doanh nghiệp này thì ngân hàng phải có nhiều biện pháp như quảng bá, giới thiệu để cho các doanh nghiệp thay đổi quan điểm khi có nhu cầu về vốn.
56
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường lớn và cấp bách, vì vậy ngân hàng phải có lượng vốn đủ lớn và luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của họ. Để làm được điều này thì ngân hàng phải làm tốt công tác huy động vốn hơn nữa.
Do những doanh nghiệp ở địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy khi tiến hành cho vay, cán bộ tín dụng nên để ý tới phương án kinh doanh hiệu quả và uy tín của khách hàng hơn là tài sản đảm bảo của họ.
Trên địa bàn huyện Gò Quao, tính đến đầu năm 2014, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động, trong đó đa phần hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như kinh doanh vật tư, xay xát lúa gạo… các doanh nghiệp này cũng cần một lượng vốn lớn khi vào mùa vụ của nông dân trong địa bàn, vì vậy, các doanh nghiệp này cũng là đối tượng tốt để ngân hàng thiết lập quan hệ tín dụng. Ngân hàng nên có các chính sách ưu đãi như lãi suất, gia hạn nợ… và có các chương trình như tặng quà vào các dịp lễ, tết nhằm tạo quan hệ tốt với họ.
Cần phân công cán bộ giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn hóa về cho vay doanh nghiệp, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về tín dụng của ngân hàng mình, làm cho họ hiểu và thiết lập quan hệ tín dụng với ngân hàng.
5.2.2.2 Tăng cường công tác thu hồi nợ, kiểm soát nợ xấu
Đối với việc cho vay sản xuất, ngân hàng không nên coi trọng giá trị của tài sản đảm bảo, chỉ nên xem đây là cách cuối cùng để thu hồi nợ nếu như không còn cách nào khác, mà nên xem trọng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả như thế nào, đây chính là nguồn trả nợ tốt nhất cho khách hàng và cả ngân hàng.
Các bước thực hiện trong quy trình tín dụng phải được ngân hàng thực hiện tốt. Tuy nhiên, đối với các khách hàng có uy tín, quan hệ tín dụng lâu dài với ngân hàng, thì cán bộ tín dụng có thể xem xét bỏ qua một số bước không cần thiết, tạo thiện cảm với các khách hàng này. Quy trình cho vay được thực hiện chặt chẽ là điều kiện quan trọng trong cho vay đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đồng thời đảm bảo an toàn cho ngân hàng, từ đó chất lượng tín dụng cũng tăng theo.
Cán bộ tín dụng nên thường xuyên cập nhật các món nợ đến hạn hằng ngày, thông báo cho khách hàng biết và thực hiện việc đóng lãi, trả nợ đúng ngày, không để gia tăng nợ nhóm 2 và nợ xấu.
Phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng nên được khách hàng lập và được cán bộ tín dụng xem xét cẩn thận, dựa trên đặc điểm kinh tế của địa bàn, cán bộ tín dụng nếu không hiểu rõ phải đi khảo sát và tìm hiểu thực tế phương án đó.
57
Đối với việc trả nợ của khách hàng, cán bộ tín dụng phải để ý tới thời điểm trả nợ phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng, xem xét thời điểm khách hàng có lợi nhuận để trả nợ.
Thành lập tổ giám sát các phương án kinh doanh của khách hàng đã được giải ngân, đề phòng trường hợp khách hàng ko thực hiện đúng mục đích vay vốn, gây bất lợi cho việc thu hồi nợ của ngân hàng.
Trong một số trường hợp khách hàng gặp khó khăn, không thể trả được nợ do những nguyên nhân khách quan, đồng thời có thiện chí trả nợ, ngân hàng nên xem xét kỹ lưỡng và có thể quyết định cho khách hàng vay vốn thêm nhằm mục đích khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa thuận lợi cho khách hàng vượt qua khó khăn, vừa tạo thiện cảm của khách hàng dành cho ngân hàng, mà ngân hàng cũng có thể thu hồi nguồn vốn của mình.
Ban lãnh đạo ngân hàng cần thiết lập mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương các xã trong địa bàn, nhằm giúp cho việc thu hồi các món nợ xấu của ngân hàng được thuận lợi hơn.
58
CHƯƠNG 6
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 6.1. KẾT LUẬN
NHNo&PTNT chi nhánh Gò Quao là ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn huyện Gò Quao có vai trò chủ đạo trong công tác cho vay vốn đê phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương. Trong thời gian qua, cùng với việc nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện tốt hơn so với trước đây, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, thiên tai, tình trạng lạm phát… làm cho người dân gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. NHNo&PTNT chi nhánh Gò Quao, với vị thế của mình trên địa bàn, cùng với phương châm của ngân hàng là “Mang phồn thịnh đến với khách hàng” đã đảm nhận tốt vai trò cung cấp vốn cho người dân sản xuất kinh doanh, hay vay vốn tiêu dùng. Qua việc tăng trưởng của các chỉ tiêu đo lường tín dụng, có thể thấy quy mô tín dụng của ngân hàng ngày càng tăng, không chỉ là phục vụ cho ngành nông nghiệp, mà ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay phục vụ cho các ngành khác như dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, vay tiêu dùng… giúp cho người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn với lãi suất rẻ, phục vụ cho nhu cầu của mình. Bên cạnh sự tăng trưởng của quy mô tín dụng, ngân hàng cũng đã làm tốt việc giảm nợ xấu của mình xuống mức thấp, tạo niềm tin cho khác hàng đối với hoạt động tín dụng của mình. Đối với các cơ quan, ban ngành trong địa bàn huyện, ngân hàng cũng thiết lập quan hệ tín dụng tốt, cho các cán bộ, công nhân viên chức vay với lãi suất ưu đãi, việc trả nợ được thực hiện dễ dàng, tạo tâm lý thoải mái cho người đi vay. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được đó, ngân hàng cũng bộc lộ một số yếu kém của mình, đó là công tác huy động vốn của ngân hàng. Vốn huy động được của ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho vay của ngân hàng, mà phải sử dụng đến một lượng lớn vốn điều chuyển, điều này làm cho lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh, mà còn bất lợi với sự chủ động trong công tác cho vay. Có thể nói việc huy động vốn của ngân hàng phát triển không tương xứng với tiềm năng của địa bàn, khi mà đời sống người dân nơi đây đang ngày càng phát triển.
Do vậy, để thực hiện tốt chức năng của mình và phục vụ được tốt người dân trong địa bàn, ngân hàng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác huy động và sử dụng vốn. Huy động vốn cần phải phát triển tốt, thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong tầng lớp dân cư trong địa bàn, để nâng cao khả năng tự lực kinh doanh của ngân hàng. Sử dụng vốn cần phải nâng cao chất lượng tín dụng thông qua các công tác thẩm định và các biện pháp phòng ngừa rủi ro
59
để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, từ đó tạo ra lợi nhuận và tăng năng lực cạnh tranh của ngân hàng trên địa bàn.
6.2. KIẾN NGHỊ
6.2.1. Đối với chính quyền địa phương
Chính quyền địa phương cần hợp tác tốt với ngân hàng trong nhiều lĩnh vực như cung cấp thông tin cho ngân hàng chính xác, hỗ trợ ngân hàng trong việc thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng khi không thể hoàn trả nợ.
Quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển ổn định, sản xuất có trọng điểm, tránh tình trạng đầu tư tự phát, tràn lan.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phải hợp tác tốt với ngân hàng trong việc xác nhận thế chấp, xóa thế chấp. Khi có sự thay đổi về văn bản pháp luật, hồ sơ… phòng phải thông báo cho ngân hàng và người dân được biết rõ, tránh tình trạng làm khó người dân, cũng như cán bộ tín dụng của ngân hàng.
6.2.2. Đối với NHNo&PTNT tỉnh Kiên Giang
Do địa bàn hoạt động còn nhiều khó khăn nên việc huy động vốn của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy NHNo&PTNT tỉnh Kiên Giang cần tạo điều kiện cho chi nhánh sử dụng vốn điều chuyển để tăng trưởng dư nợ, bên cạnh đó cũng cần có biện pháp thúc đẩy việc huy động vốn của riêng chi nhánh, như việc cho chi nhánh có thể tự quyết định trong các món tiền gởi có giá trị lớn.
Cần thường xuyên mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ tín dụng, nhằm bồi dưỡng cho một số cán bộ còn yếu nghiệp vụ, như các nghiệp vụ thẩm định, đánh giá khách hàng.
60
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thái Văn Đại, 2012. Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng thương mại. Tủ sách trường Đại Học Cần Thơ.
2. Thái Văn Đại và Bùi Văn Trịnh, 2010. Tiền tệ - Ngân hàng. Tủ sách trường Đại Học Cần Thơ.
3. Trần Ái Kết, 2009. Giáo trình lý thuyết Tài chính – Tiền tệ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
3. Nguyễn Thanh Nguyệt và Thái Văn Đại, 2010. Quản trị ngân hàng thương mại. Nhà xuất bản Đại Học Cần Thơ.
4. Các báo cáo tổng hợp của NHNo&PTNT chi nhánh Gò Quao.
Các trang Web
5. www.agribank.com.vn