Viện kiểm sát Trung Quốc

Một phần của tài liệu Chế định Viên Kiểm sát Nhân dân trong Hiến pháp Việt Nam (Trang 40 - 45)

Trung Quốc là quốc gia tổ chức bộ máy nhà nước dựa trên nguyên tắc tập trung quyền lực. Toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà đại điện là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân địa

phương. Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, Tòa án là cơ quan xét xử, Viện kiểm sát là cơ quan giám sát pháp luật. Hiến pháp Trung Quốc có 137 điều được chia thành 4 chương trong đó có 5 điều (từ Điều 129 đến Điều 133) trực tiếp điều chỉnh về Viện kiểm sát và 01 Điều (Điều 135) quy định về các vấn đề về nguyên tắc phân công và chế ước giữa các cơ quan tư pháp, gồm có: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan công an.

1.3.1.1. Về vị trí của Viện kiểm sát

Theo nội dung quy định của Hiến pháp thì nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là nhà nước xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Viện kiểm sát Trung Quốc là một hệ thống cơ quan độc lập, được xác định là cơ quan tư pháp, không lệ thuộc hệ thống cơ quan hành pháp và không chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội hay cá nhân nào. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu ra và chịu trách nhiệm trước cơ quan này. Các Viện kiểm sát địa phương không thuộc hệ thống các cơ quan hành chính ở địa phương nhưng lại chịu sự giám sát của Đại hội đại biểu nhân dân địa phương.

1.3.1.2. Về chức năng, nhiệm vụ

Điều 129 Hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa la cơ quan giám sát pháp luật nhà nước…”.

Viện kiểm sát có chức năng, quyền hạn cụ thể như sau:

+ Thực hành quyền giám sát đối với các vụ án phản quốc, chia rẽ đất nước và các vụ án phạm tội to lớn, phá hoại nghiêm trọng việc thực hiện thống nhất chính sách, pháp luật, pháp lệnh, quy chế hành chính của Nhà nước.

+ Kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự do cơ quan công an tiến hành; quyết định việc bắt giữ, truy tố hoặc miễn tố đối với các vụ án do cơ quan công an điều tra; giám sát hoạt động điều tra của cơ quan công an.

+ Khởi tố và hỗ trợ truy tố đối với các vụ án hình sự; giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

+ Giám sát việc chấp hành phán quyết và quyết định của các vụ án hình sự, hoạt động của trại giam, nơi tạm giam và cơ quan cải tạo lao động [55, tr.58].

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân còn có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền tố cáo của công dân đối với các nhân viên theo nhà nước vi phạm pháp luật, truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với những người xâm phạm quyền thân thể, quyền dân chủ và các quyền khác của công dân.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát được quy định cụ thể trong từng lĩnh vực bao gồm: tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, lĩnh vực giam, giữ và cải tạo và lĩnh vực thi hành án.

1.3.1.3. Về cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân

Theo Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa, hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa bao gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp, Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát chuyên ngành.

* Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan kiểm sát cao nhất của Nhà nước, có chức năng giám sát pháp luật và lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương các cấp, Viện kiểm sát chuyên ngành. Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.

Nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là: đệ trình các dự án pháp luật tới Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc; lãnh đạo các Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành; tiến hành điều tra các vụ án phức tạp như tham nhũng, hối lộ, xâm phạm quyền dân chủ của công dân, các vụ án thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi và những vụ án khác mà cần thiết phải được thông qua và xem xét một cách trực tiếp; kháng nghị lên Tòa án nhân dân tối cao bản án của Tòa án các cấp đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm; kiểm tra và sửa các quyết định của Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành; đề xuất các phương án cải cách hệ thống cơ quan kiểm sát trên toàn quốc; giải thích pháp luật trong lĩnh vực công tác kiểm sát; xây dựng điều lệ, quy chế trong công tác kiểm sát; quản lý nhân sự đối với Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành; đệ trình Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc miễn nhiệm và thay thế Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Ủy viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát các cấp thấp hơn; tổ chức và hướng dẫn công tác giáo dục, đào tạo trong các cơ sở đào tạo của ngành kiểm sát và với các cán bộ kiểm sát; xây dựng kế hoạch và hướng dẫn hoạt động lập kế hoạch, đầu tư tài chính, trang thiết bị của hệ thống cơ quan kiểm sát; thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp.

* Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương: Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương gồm: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương (cấp thứ hai); Viện kiểm sát nhân dân thành phố trực thuộc tỉnh, châu tự trị (cấp thứ 3); Viện kiểm sát nhân dân huyện, khu vực thuộc thành phố (cấp cơ sở)

Nhân sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp tương tự nhau đều bao gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên và trợ lý, thư ký, Chánh án tư pháp và các nhân viên hành chính.

* Viện kiểm sát chuyên ngành

Viện kiểm sát chuyên ngành là cơ quan kiểm sát đặc biệt được thành lập trong hệ thống tổ chức ngành kiểm sát Trung Quốc. Trong những năm 1980, ở Trung Quốc tồn tại ba Viện kiểm sát chuyên ngành là: Viện kiểm sát vận tải, Viện kiểm sát đường sắt và Viện kiểm sát quân sự. Hiện nay chỉ tồn tại 02 Viện kiểm sát chuyên ngành là Viện kiểm sát quân sự và Viện kiểm sát đường sắt.

Viện kiểm sát quân sự là cơ quan giám sát pháp luật chuyên ngành được thành lập trong Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, thực hiện quyền kiểm sát đối với tội phạm trong lĩnh vực quân sự và các vụ phạm tội hình sự khác do quân nhân tại ngũ thực hiện

Viện kiểm sát đường sắt chịu trách nhiệm giám sát pháp luật trong lĩnh vực đường sắt.

1.3.1.4. Về cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ

Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa, việc bầu, bổ nhiệm, bãi miễn Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Ủy viên Ủy ban kiểm sát, Kiểm sát viên… Viện kiểm sát nhân dân được quy định như sau:

+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Viện trưởng trùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc

+ Phó Viện trưởng, Ủy viên Ủy ban kiểm sát, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương do Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

+ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương do Đại hội Đại biểu nhân dân cùng cấp bầu và bãi miễn. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện

kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương trùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp.

+ Phó Viện trưởng, Ủy viên Ủy ban kiểm sát, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị Ủy ban Thường vụ Đại hội nhân dân cấp đó bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có thể bãi bỏ, thay thế Viện trưởng, Phó Viện trưởng, ủy viên Ủy ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới [55, tr.61]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Chế định Viên Kiểm sát Nhân dân trong Hiến pháp Việt Nam (Trang 40 - 45)