2.3.2.1. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự
Theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trong lĩnh vực hình sự thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự . Đối tượng của hoạt động kiểm sát trong giai đoạn này chính là việc tuân theo pháp luật trong điều tra của các Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng như việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử .
đảm bảo cho việc điều tra, truy tố nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Trong giai đoạn điều tra, để thực hiện tốt chức năng của mình thì Viện kiểm sát đã luôn giữ vai trò chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan ngay từ đầu và trong suốt quá trình điều tra nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Viện kiểm sát các cấp cử người trực tiếp hoặc mở hòm thư tin báo, tố giác tội phạm; thực hiện nghiêm túc việc mở sổ theo dõi và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Ngoài việc đổi mới công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc quản lý và xử lý tin báo, tố giác tội phạm nhằm đảm bảo chống bỏ lọt tội phạm ngay từ khâu tiếp nhận, phân loại và xử lý tin báo tố giác. Đặc biết theo Nghị quyết 32 của Quốc hội, Viện kiểm sát đã kiểm sát 100% tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra tiếp nhận và các nơi khác gửi đến, phân công Kiểm sát viên kiểm sát ngay từ đầu. Thông qua công tác này, hàng năm ngành kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra nhiều vụ án. Theo số liệu của ngành Kiểm sát, từ năm 2010 đến năm 2013 toàn ngành yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 1.451 vụ án; trực tiếp khởi tố yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra 151 vụ án; hủy bỏ 259 quyết định khởi tố vụ án của cơ quan điều tra không có căn cứ.
Trong những năm qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát liên tục gia tăng. Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát các cấp chủ động kiểm sát việc khởi tố và kiểm sát quá trình điều tra vụ án nên chất lượng được nâng lên. Theo Báo cáo 4 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, từ năm 2002 đến năm 2005, Viện kiểm sát các cấp đã quyết định hủy bỏ 278 quyết định khởi tố vụ án, 78 quyết định không khởi tố vụ án không đúng của Cơ quan điều tra
Riêng năm 2013 (số liệu tính từ 01/12/2012 đến 30/11/2013), Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với 94.982 vụ án/151.786 bị can, trong đó không phê chuẩn khởi tố bị can đối với 300 người do không đủ căn cứ pháp luật, không phê chuẩn lệnh tạm giam và lệnh bắt tạm giam đối với 402 bị can, truy tố 67.836 vụ án/121.566 bị can (tăng 0,68% số vụ, 3,82% số bị can so với cùng kỳ năm 2012), đạt 98,7% về số vụ, 98,1% về số bị can so với số vụ và số bị can đã xử lý [60].
Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với 76.772 vụ án theo thủ tục sơ thẩm (tăng 2,2%), 17.585 vụ án theo thủ tục phúc thẩm(tăng 5,85%), 299 vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 1.142 kháng nghị bản án theo thủ tục phúc thẩm, số bị cáo Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận, đạt 71,9% & tăng 2,8% và vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13. Ban bành 362 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử hình sự, 71 kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm; tổng hợp, ban hành 495 thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ [60]
Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song phải nghiêm túc nhìn nhận để thấy rằng trong tố tụng hình sự, tình trạng bỏ lọt tội phạm trong các lĩnh vực đang diễn ra khá phổ biến; thời hạn giải quyết nhiều vụ án còn kéo dài.
Việc quản lý và xử lý tin báo còn có hạn chế. Viện kiểm sát các cấp chưa nắm đầy đủ, kịp thời số lượng các tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra dẫn đến chưa phản ánh được thực trạng của tình hình tội phạm cả về số lượng và cơ cấu. Viện kiểm sát nhân dân các cấp chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong hoạt động điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra. Hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa tương xứng với thực trạng tội phạm xảy ra.
Công tác kiểm sát điều tra ngay từ đầu chưa được các Kiểm sát viên chú trọng dẫn đến chưa bám sát được quá trình điều tra, Tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều, nhất là ở cấp Trung ương, trong đó có trách nhiệm của Viện kiểm sát
Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, hành chính, thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp một thời gian dài có phần bị xem nhẹ, tuy những năm qua Viện kiểm sát nhân dân các cấp có tăng cường hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn theo lối cũ, thiếu sự nhạy bén, không kịp thời.
Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trước hết là do ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa cao; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều nơi chưa chặt chẽ. Mặt khác, do có những thay đổi về chính sách kinh tế và cơ chế quản lý trong nền kinh tế thị trường, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật liên quan đến các hoạt động tư pháp chưa được rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới kịp thời; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và phục vụ yêu cầu công tác của nhiều Viện kiểm sát địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao… Điều này đã hạn chế đến chất lượng và hiệu quả công tác của Viện kiểm sát. Thực trạng hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân so với mục tiêu cải cách tư pháp mà các Nghị quyết của Đảng cũng như quy định của các văn bản pháp luật mới ban hành đòi hỏi chúng ta phải có sự đổi mới sâu sắc, toàn diện về nhận thức cũng như cách thức tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
2.3.2.2. Trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù
Trong những năm qua, công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù đã thực hiện khá tốt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về chế độ, chính sách. Viện kiểm sát các cấp quan tâm và chủ động tăng cường công tác kiểm sát ngay từ đầu, nên có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng lạm dụng việc bắt khẩn cấp, khởi tố rồi sau đó đình chủ vụ án và giam giữ quá hạn đã giảm rõ rệt; việc giam giữ trái pháp luật được giải quyết kịp thời, thường xuyên; Viện kiểm sát các cấp đã phát huy quyền hạn của mình trong việc ra quyết định trả tự do cho những người bị tạm giữ trái pháp luật và không có căn cứ. Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm sát thường kỳ và bất thường tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam nên đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2010 – 2013) toàn ngành đã tiến hành kiểm sát 20.027 lần nhà tạm giữ, 1.427 lần trại tạm giam, trại giam. Theo đó, năm 2013 Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 2.991 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác này và quyết định trả tự do cho 43 người có mức án tù bằng thời hạn tạm giam [58].
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giữ hình sự; việc tạm giam kéo dài quá hạn luật định. Việc tạm giam, tạm giữ sau đó phải trả tự do có giảm nhưng vẫn chưa nhiều. Chất lượng phê chuẩn tạm giữ, tạm giam còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều trường hợp không cần thiết tạm giam cũng tạm giam, sau đó phải đình chỉ điều tra, tạm giam nhưng Tòa án không phạt tù giam.
2.3.2.3. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, các vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật
* Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc về dân sự, hôn nhân và gia đình:
việc về dân sự, hôn nhân và gia đình có nhiều thay đổi. Từ 2002 đến 31/12/2004, thực hiện Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1999 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát các cấp đã khởi tố 104 vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; yêu cầu Toà án xác minh bổ sung chứng cứ hoặc tự mình xác minh bổ sung chứng cứ hàng nghìn vụ án; tham gia 100% các phiên toà xét xử vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình của Toà án. Qua hoạt động kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ việc của Toà án. Viện kiểm sát đã kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được 1.165 vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được 484 vụ. Qua đó đã góp phần bảo đảm giải quyết các vụ việc đúng pháp luật.
Từ 1/1/2005, theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khác nhiều với những qui định trước đây trong Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và nhất là với các qui định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), Viện kiểm sát không thực hiện khởi tố các vụ án dân sự, không tham gia 100% các phiên toà xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự, không xác minh, thu thập chứng cứ...
Trong việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị, số lượng và chất lượng kháng nghị ngày càng được nâng lên. Từ năm 2010 đến năm 2013, Viện kiểm sát các cấp đã kháng nghị phúc thẩm và Tòa án đưa ra xét xử là 4.441 vụ, số vụ Tóa án xét xử chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát là 3.605 vụ, đạt tỷ lệ 81,2%; số vụ việc Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và Tòa án đưa ra xét xử là 1.320 vụ, Tóa án chấp nhận kháng nghị là 1.304 vụ, đạt tỷ lệ 98%. Có một số vụ Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Toà án không chấp nhận, Viện kiểm sát tối cao tiếp tục kháng nghị ra Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và đã được chấp nhận [60].
Bên cạnh việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị, từ năm 2010 đến năm 2013, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 6.150 văn bản kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm trong việc gửi thông báo thụ lý, bản án, quyết định cho Viện kiểm sát không bảo đảm thời hạn luật định; kéo dài việc giải quyết vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tình trạng thụ lý sai của Tòa án nhiều địa phương vẫn chưa được phát hiện kịp thời, phải qua nhiều cấp mới phát hiện được; tình trạng vi phạm pháp luật của Thẩm phán vẫn còn nhiều như vi phạm về trình tự, thủ tục hòa giải, tỷ lệ án sửa, hủy còn nhiều dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân chưa được bảo đảm.
* Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc về kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật:
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của các loại thị trường, các quan hệ kinh tế, tranh chấp kinh tế cũng ngày càng trở nên đa dạng, phức tạp. Tình hình khởi kiện các vụ án hành chính cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý kinh tế của Nhà nước. Trước tình hình đó, Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc về kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các Viện kiểm sát địa phương để nâng cao chất lượng hiệu quả của khâu công tác này. Từ năm 2010 - 2013, Viện kiểm sát các cấp tham gia 2710 phiên toà sơ thẩm; đã kháng nghị phúc thẩm và Toà án đã đưa ra xét xử là 71 vụ việc, Toà án đã chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát là 49 vụ việc, đạt tỷ lệ 69%; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 89 vụ việc, Toà án chấp nhận kháng nghị là
55 vụ việc, đạt tỷ lệ 61,8%. Bên cạnh hoạt động kháng nghị, Viện kiểm sát còn ban hành nhiều kiến nghị, yêu cầu Toà án khắc phục các vi phạm của Toà án như chậm ra thông báo thụ lý, chậm chuyển các quyết định, bản án, hồ sơ vụ việc làm ảnh hưởng đến thời gian xem xét việc kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những bản án, quyết định của Toà án có vi phạm. Đồng thời, qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát còn đề xuất với Toà án các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật [60].
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh tế lao động vẫn còn nhiều tồn tại yếu kém như vi phạm pháp luật của tòa án các cấp trong việc thụ lý hồ sơ và giải quyết các vụ việc còn xảy ra nhiều, chất lượng kháng nghị chưa tốt nên tỷ lệ tòa án chấp nhận không cao.
2.3.2.4. Về công tác kiểm sát việc thi hành án
Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án trên cả lĩnh vực thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các ngành đề ra kế hoạch