quy định của Hiến pháp 1946
Với cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, nước ta giành được độc lập. Tuy nhiên, chúng ta phải đối phó với các thế lực thù địch, thù trong giặc ngoài chống phá quyết liệt, reo rắc tư tưởng hoài nghi kích động bạo lực. Chưa thời kỳ nào cách mạng Việt Nam phải đối phố với nhiều thế lực, đảng phái chính trị như giai đoạn 1945- 1946. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp Chính phủ đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Ngày 02/03/1946, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I (được bầu ngày 6/1/1946), Quốc hội bầu Ban dự thảo Hiến Pháp gồm 11 người, đại diện của nhiều tổ chức, đảng phái khác nhau do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 9/11/1946, trên cơ sở tổng kết ý kiến đóng góp của nhân dân, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bao gồm lời nói đầu, 7 chương với 70 điều. Do hoàn cảnh chiến tranh mà Hiến pháp không được công bố chính thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nội dung và tinh thần của Hiến pháp, Chính phủ đã điều hành mọi hoạt động của đất nước.
Về tổ chức của cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan được giao thực hành quyền công tố nhà nước nói riêng được tổ chức rất đa dạng, linh hoạt phục vụ nhiệm vụ cách mạng, trong đó sự phát triển của ngành công tố từ khi ban hành Hiến pháp năm 1946 đến trước năm 1958 chủ yếu gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Tòa án.
Trong Hiến pháp năm 1946, hệ thống cơ quan tư pháp nói chung trong đó có cơ quan công tố được quy định tại 7 điều (từ Điều thứ 63 đến Điều thứ 69) trong Chương VI cơ quan tư pháp. Theo điều thứ 63 Hiến pháp 1946 quy định Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm có:
+ Tòa án tối cao
+ Các tòa án phúc thẩm
+ Các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp
Theo quy định về cơ quan tư pháp nói chung trong Hiến pháp 1946 thì không thấy quy định về cơ quan có chức năng công tố mà chỉ có hệ thống Tòa án các cấp. Vị trí và tổ chức của cơ quan kiểm sát được tổ chức trong hệ thống Tòa án.
Bên cạnh những quy định của Hiến pháp 1946 với tư cách là đạo luật chung nhất, thì hệ thống cơ quan kiểm sát (cơ quan công tố) được quy định trong các Sắc lệnh do Chính phủ ban hành.
Ngày 13/9/1945 Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 33c về việc thành lập Tòa án quân sự - đây là cơ sở pháp lý đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án, đồng thời cũng là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố trong bộ máy nhà nước ta. Theo Sắc lệnh này, Tòa án quân sự của Chính phủ lâm thời có chức năng công tố và có sự phân định về chức năng, nhiệm vụ của các chức danh pháp lý trong có cơ quan tòa án.
Điều 5 Sắc lệnh 33C quy định: “… Đứng buộc tội là Ủy viên quân sự
hay Ủy viên của Ban trinh sát…” [6]. Như vậy, lần đầu tiên chức năng công
tố nhà nước được quy định bằng một văn bản pháp lý do người đứng đầu Nhà nước Việt Nam dân chủ ban hành. Nội dung của quyền công tố theo quy định tại Sắc lệnh này là đưa một người phạm tội ra xét xử tại Tòa án và thực hiện việc buộc tội trước Tòa án. Sắc lệnh số 33c –SL là văn bản đầu tiên quy định về tổ chức tư pháp của chính quyền dân chủ nhân dân, trong đó có thành phần công tố. Sắc lệnh 37-SL ngày 26/9/1945 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quận sự tại Bắc, Trung, Nam, trong đó có thẩm quyền của công tố theo thẩm quyền của tổ chức tòa án,
Ngày 17/11/1950 Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 155 thay thế, bãi bỏ tổ chức Tòa án quân sự cũ và mỗi liên khu thành lập một Tòa án quân sự liên khu. Thực hành quyền công tố tại Tòa án quân sự liên khu do Công tố ủy viên hoặc Phó Công tố ủy viên đảm nhiệm. Với chức năng và thẩm quyền được quy định, các tòa án quân sự đảm nhiệm tuyệt đại đa số vụ án xảy ra trong thời gian này. Hoạt động công tố trong các tòa án quân sự đã đóng vai trò quan trọng góp phần làm cho tòa án quân sự thực hiện quyền năng pháp lý trấn áp, trừng trị các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng.
Trong những năm đầu kháng chiến, nhằm đáp ứng tình hình công cuộc cách mạng và chống các loại tội phạm nên Chính phủ đã thành lập ra các Tòa án đặc biệt, Tòa án thường, Tòa án binh.
Bên cạnh việc thiết lập hệ thống Tòa án quân sự và Tòa án binh để xét xử những tội phản cách mạng, những tội vi phạm trật tự quân đội thì việc thành lập Tòa án thường để xét xử các tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ nhà nước và bảo về nhân dân là rất cần thiết.
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 24/1/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 13 thành lập Tòa án thường và các ngạch thẩm phán (trong đó có thẩm phán buộc tội) của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Theo quy định, tổ chức Tòa án thường gồm có: Toà án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp và Tòa án thượng thẩm. Cơ quan công tố được tổ chức trong Tòa án đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm, tạo thành một đoàn thể độc lập với các Thẩm phán xét xử. Phiên tòa sơ thẩm không có chức danh Biện lý hay đại diện của cơ quan công tố, Thẩm phán vừa làm nhiệm vụ buộc tội vừa làm nhiệm vụ xét xử, Lục sự giữ bút ký và biên bản án từ.
Tòa đệ nhị cấp được thành lập ở mỗi tỉnh và thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và Chợ Lớn). Về tổ chức Tòa đệ nhị cấp có một Chánh án, một Dự thẩm, một Chánh lục sự và các Thư ký giúp việc.
Tòa thượng thẩm có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án của các Tòa cấp dưới; và đặt ở ba kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ). Về cơ cấu tổ chức Tòa thượng thẩm có Chánh nhất hay một Chánh án phòng giữ vai trò chủ tọa và hai Hội thẩm. Để thực hành quyền công tố tại tòa, Chưởng lý, Phó chưởng lý hoặc Tham lý phải truy tố bị can bằng một bản cáo trạng.
Ngày 17/4/1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 51 – SL quy định về thẩm quyển của các Toà án, sự phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các nhân viên trong tòa án.
Đối với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các chức danh của Viện kiểm sát như: Chưởng lý và Phó chưởng lý, Biện lý và Phó biện lý đã được Sắc lệnh quy định tại chương thứ hai từ điều 15 đến điều 41. Theo Sắc lệnh, tại tòa đề nhị cấp, nhiệm vụ công tố được giao cho Biện lý. Tại tòa thượng thẩm, trong tổ chức công tố viên có Chưởng lý, Phó chưởng lý, Tham lý. Chưởng lý có nhiệm vụ điều hành, phân công công việc cho các Phó chưởng lý, tham lý. Chưởng lý và các thẩm phán công tố có quyền phát biểu ở các phiên tòa hộ và hình của tòa thượng thẩm [57, tr.31- 32].
Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 85-SL về cải cách tư pháp theo đó, các Tòa án quân sự được sát nhập với Tòa án thường, Tòa án sơ cấp đổi thành Tòa án nhân dân cấp huyện; Tòa đệ nhị cấp đổi thành Tòa án nhân dân tỉnh; phụ thẩm nhân dân đổi thành Hội Thẩm nhân dân đồng thời banh hành sắc lệnh 155,156 quy định về thẩm quyền đối với các cơ quan tư pháp nói chung và Viện kiểm sát nói riêng trong Ủy ban kháng chiến.
Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1959, xuất phát từ bối cảnh lịch sử mà việc tổ chức của cơ quan kiểm sát trong hệ thống các Tòa án đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc và không phù hợp với thực tiễn như đội ngũ cán bộ kiểm sát trong Tòa án nhưng không chịu sự lãnh đạo của Chánh án.
Trước tình hình đó, việc tách cơ quan kiểm sát ra khỏi Tòa án và hình thành hệ thống Viện kiểm sát độc lập, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo tính thống nhất, tăng cường pháp chế và mở rộng dân chủ là vô cùng cấp bách. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I ngày 29/4/1958 đã thông qua đề án thành lập hệ thống Viện công tố độc lập. Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 601 – TCCB giải thích và hướng dẫn Nghị định số 256 – TTg và đồng thời nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Viện công tố trong các hoạt động điều tra, truy tố và giám sát đối với các cơ quan và cá nhân trong hoạt động tố tụng. Theo đó, hệ thống Viện công tố được tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập, tách khỏi tổ chức của Tòa án và sự quản lý của Bộ Tư pháp, đặt Viện công tố trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang một Bộ. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 256 – TTg của Thủ tướng Chính phủ thì Viện công tố có chức năng:
Giám sát việc tuân theo và chấp hành pháp luật của Nhà nước, truy tố theo pháp luật hình sự những kẻ phạm tội để bảo vệ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản công, bảo vệ quyền và lợi ích của người công dân, đảm bảo công cuộc kiến thiết và cải tạo xã hội chủ nghĩa tiến hành thuận lợi [10].
Có thể nói, việc tổ chức hệ thống Viện kiểm sát độc lập lần này là bước phát triển của cơ quan kiểm sát và cũng là bước chuẩn bị cho việc chuyển hệ thống cơ quan kiểm sát thành hệ thống Viện kiểm sát như ngày nay.
Qua nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố qua Hiến pháp năm 1946 và các Sắc lệnh, Nghị quyết liên quan thấy: mặc dù trong Hiến pháp năm 1946 chưa có quy định nào nói về cơ quan kiểm sát – cơ quan công tố với tư cách là cơ quan hiến định độc lập trong bộ máy nhà nước nhưng với những quy định mang tính chất định hướng, cùng
với nó là những Sắc lệnh, Nghị định có liên quan cho thấy đã xuất hiện những chức danh với chức năng thực hành quyền công tố tại Tòa, tạo điều kiện và tiền đề cho việc thành lập cơ quan kiểm sát độc lập như hiện nay.
Trong giai đoạn này, do tình hình đất nước nên việc tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, cơ quan tư pháp nói riêng, trong đó có cơ quan kiểm sát có sự thay đổi. Mặc dù vị trí, tổ chức của cơ quan kiểm sát có lúc trong hệ thống Tòa án, có lúc trực thuộc Chính phủ nhưng luôn luôn có tính độc lập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ngoài chức năng chính của cơ quan Viện kiểm sát là thực hiện chức năng công tố thì còn có chức năng giám sát. Cơ quan Viện kiểm sát trong không chỉ thực hiện trên lĩnh vực hình sự mà còn thực hiện trên lĩnh vực dân sự, thi hành án.