Giải pháp hạ giá thành

Một phần của tài liệu Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm Gạo tại DNTN chế biến lương thực Toàn Thắng (Trang 64 - 67)

Hạ giá thành sản phẩm là mục tiêu mà đa số các doanh nghiệp đều rất quan tâm, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay thì làm thế nào để hạ giá thành sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và uy tín với người tiêu dùng cũng như đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng tăng và duy trì một cách tốt nhất. Đối với DNTN CBLT Toàn Thắng cũng không ngoại lệ, qua quá trình hoạt động tập hợp, hạch toán và phân tích chi phí của doanh nghiệp có thể thấy rằng giá thành chỉ có thể hạ khi:

+ Giảm chi phí sản xuất xuống đến mức có thể.

Biện pháp làm giảm chi phí sản xuất đến mức có thể:

Cần tiến hành theo dõi kiểm tra quá trình thu mua nguyên liệu lúa bên ngoài từ các thương lái, từ đây có thể giảm một số chi phí như nhân viên thu mua cố ý làm sai nâng khống giá nguyên liệu.

Doanh nghiệp nên mở sổ chi tiết cho từng loại nguyên vật liệu cũng như lập tài khoản chi tiết cho từng loại nguyên vật liệu này để theo dõi chi tiết từng loại nguyên vật liệu. Điều này làm cho việc theo dõi chặt chẽ sự tiêu hao của các loại nguyên vật liệu, từ đó đưa ra được kế hoạch tiết kiệm nguyên vật liệu, tìm ra được nguyên nhân gây ra lãng phí. Từ đó sẽ làm giảm được chi phí sản xuất đầu vào cho sản phẩm.

Chi phí mua nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn có biến động nhất định trong từng thời kỳ. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng để giảm chi phí sản xuất là xem xét, lựa chọn cơ cấu chi phí sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất. Điều quan trọng là phải nhận diện ra các loại chi phí, đặc biệt là nhận dạng những chi phí chưa kiểm soát tốt để đề ra biện pháp kiểm soát chi phí hợp lý và hiệu quả hơn.

Hiện nay, giá cả thị trường luôn luôn biến đổi theo cung cầu làm cho giá thành sản phẩm luôn luôn biến động. Vì vậy, doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt sự biến động giá cả nguyên vật liệu trên thị trường, cũng như thiết lập và ký hợp đồng cung ứng nguyên vật liệu dài hạn với các nhà cung cấp hợp lý để đảm bảo giá mua ổn định dù mức giá trên thị trường có biến động tăng. Từ đó làm giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.

Tăng cường đẩy mạnh biện pháp kiểm soát các chi phí xe vận chuyển, chi phí xăng dầu, sửa chữa máy móc,…trong khoản mục chi phí sản xuất chung chặt chẽ để tránh sự gian lận hay chi sai mục đích, đó là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên nhiều lần. Từ đó sẽ làm giảm được chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài chi phí nguyên vật liệu chính, chi phí xăng dầu,.. thì chi phí điện chiếm tỷ trọng cũng tương đối lớn đối với doanh nghiệp. Vì 2 nhà máy của

doanh nghiệp hoạt động dựa vào điện, mặt khác hiện nay giá điện tăng lên rất nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp phải thường xuyên bảo trì máy móc, xem xét hệ thống điện của các nhà máy có bố trí hợp lý không, doanh nghiệp phải sử dụng những bóng đèn, quạt,…với công suất thấp để tiết kiệm điện đến mức thấp nhất có thể. Từ đó làm giảm được chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.

Biện pháp làm giảm lượng tấm sản xuất ra:

Doanh nghiệp phải xem xét và tính lương cho cán bộ, công nhân viên một cách hợp lý hơn như: thưởng lương nếu làm việc đạt kết quả tốt, tăng lương nếu công nhân liên tục thực hiện đạt và vượt mức giá thành kế hoạch, từ đó doanh nghiệp sẽ khuyến khích được tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên làm tăng năng suất lao động của công nhân, cụ thể là sẽ tăng sản lượng thành phẩm gạo và giảm sản phảm phụ là tấm. Do đó sẽ giảm giá thành sản phẩm chính làm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm sản xuất ra đó là quy trình sản xuất của nhà máy. Doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị, từng bộ phận sản xuất cụ thể để từ đó phát hiện được bộ phận máy móc thiết bị nào xuống cấp làm cho sản phẩm làm ra không được như kế hoạch thì doanh nghiệp phải có kế hoạch bảo trì, sửa chữa hoặc thay mới. Từ đó sẽ làm giảm sản lượng sản phẩm phụ kéo theo giảm giá thành sản phẩm chính.

Một phần của tài liệu Kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm Gạo tại DNTN chế biến lương thực Toàn Thắng (Trang 64 - 67)