2.1.3.1. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ
Nguyên tắc tự nguyện trong hôn nhân được ghi nhận trong rất nhiều văn bản chứ không chỉ trong Luật hôn nhân và gia đình. Kết hôn trước hết là một quyền chứ không phải là một nghĩa vụ; và ly hôn cũng vậy. Không thể có hôn nhân ngoài ý muốn của người kết hôn. Điều 146 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 quy định: “Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.
Điều luật nhắm chủ yếu vào việc đấu tranh chống tệ nạn cưới ép, gả ép trong các gia đình Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của các hủ tục phong kiến trong hôn nhân, cũng như của chế độ hôn nhân xếp đặt. Cần lưu ý rằng trong thực tiễn xét xử, cưỡng ép kết hôn được hiểu là hành vi của một người thứ ba
chứ không phải của một hai trong bên kết hôn bởi theo Nghị quyết 02 đã hướng dẫn như sau: “b.3. Một bên hoặc cả hai bên nam và nữ bị người khác cưỡng ép (ví dụ: bố mẹ của người nữ do nợ của người nam một khoản tiền nên cưỡng ép người nữ phải kết hôn với người nam để trừ nợ; do bố mẹ của hai bên có hứa hẹn với nhau nên cưỡng ép con của họ phải kết hôn với nhau...) buộc người bị cưỡng ép kết hôn trái với nguyện vọng của họ”. Trong trường hợp một bên chấp nhận kết hôn do chịu sức ép của bên kia, ví như một người đàn bà có được những bằng chứng về hành vi trái pháp luật hoặc về cuộc sống sa đoạ của người đàn ông và doạ rằng nếu người đàn ông không cưới mình, thì sẽ cho công bố các bằng chứng đó hoặc một bên đe doạ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần hoặc dùng vật chất buộc bên kia đồng ý kết hôn, ta có một vụ ép buộc kết hôn, chứ không phải một vụ cưỡng ép kết hôn.
Mặc dù thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cần phải thừa nhận rằng chỉ coi là có tình trạng cưỡng ép kết hôn, nếu sự cưỡng ép được thực hiện với động cơ phi đạo đức (ví dụ, cưỡng ép cưới, gả để thu tiền hoặc một lợi ích vật chất nào đó cho cá nhân người cưỡng ép); và cũng chính sự cưỡng ép đó tạo thành mặt khách quan của tội cưỡng ép kết hôn được ghi nhận tại BLHS 1999 Điều 146. Do đó, khái niệm cưỡng ép kết hôn được phép hiểu là hành vi của một bên kết hôn hoặc của một người thứ ba. Theo nghĩa đó thì khái niệm cưỡng ép bao hàm cả khái niệm ép buộc được xây dựng trong Nghị quyết số 02 đã dẫn.
Cản trở hôn nhân là dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản việc kết hôn của người khác hoặc có hành vi cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân hoặc buộc họ phải cắt đứt quan hệ hôn nhân đó. Nhưng không phải quan hệ hôn nhân nào cũng được xem là một bộ phận của khách thể tội phạm, mà hôn nhân đó phải được xác lập và duy trì trên cơ sở của các điều kiện được quy định tại Điều 9, 10 Luật hôn nhân và gia đình, nhằm đảm bảo nguyên tắc về tự nguyện và tiến bộ trong hôn nhân.
Như vậy, chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai thực hiện một trong những thủ đoạn được liệt kê tại điều luật mà nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
Hành hạ, ngược đãi là đối xử tàn ác, tồi tệ đối với người khác gây đau khổ về thể xác hoặc tinh thần kéo dài, như: thường xuyên đánh đập (có thể không gây thương tích), giam hãm, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, nhiếc móc, làm nhục v.v... nhằm mục đích cưỡng ép việc kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Cần lưu ý rằng, hành vi hành hạ, ngược đãi là thủ đoạn của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cho nên không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội hành hạ, ngược đãi quy định tại Điều 110 hoặc Điều 151 BLHS. Thông thường, hành hạ, người đãi được lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài trong vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng, vài năm. Hành vi này nếu có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hại, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
Uy hiếp tinh thần là đe dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, tài sản hoặc lợi ích thiết thân của người bị đe doạ làm cho người đó có căn cứ để lo sợ thực sự mà phải chịu khuất phục như đe doạ sẽ đốt nhà, giết người thân, tiết lộ bí mật đời tư của người bị đe doạ, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình đe doạ sẽ tự tử nếu hai bên nam nữ lấy nhau, con đe doạ là sẽ bỏ nhà hoặc tự tử nếu bố, mẹ lấy vợ, lấy chồng mới v.v...
Yêu sách của cải là đòi hỏi của cải một cách quá đáng, không nhân nhượng và coi đó là một trong những điều kiện để được kết hôn nhằm cản trở hôn nhân tự nguyện giữa đôi bên nam nữ.
Thủ đoạn khác có thể là buộc một bên hoặc cả hai bên đi xa nhằm chia rẽ họ; bắt cóc người không muốn lấy mình làm vợ hoặc làm chồng để buộc họ
phải kết hôn trái ý muốn; một bên gia đình tiến hành dựng vợ, gả chồng cho người thân của mình với người khác trái với ý muốn của người đó nhằm chia rẽ người thân đó với người mà họ muốn tự nguyện kết hôn; v.v...
Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải... mà hành vi này không nhằm mục đích buộc người khác kết hôn hoặc duy trì hôn nhân trái với sự tự nguyện của họ mà người phạm tội nhằm mục đích khác. Khi đó, cần phân biệt để xác định dấu hiệu cấu thành của một số tội khác trong Bộ luật hình sự như: Tội bức tử (Điều 100), tội hành hạ người khác (Điều 110), tội làm nhục người khác (Điều 121), tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151), tội dùng nhục hình (Điều 298), tội bức cung (Điều 299).
Hậu quả của hành vi không được nhà làm luật quy định là dấu hiệu bắt bộc của cấu thành tội phạm, tuy nhiên để một người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này thì chỉ khi nào hậu quả tội phạm xảy ra có mối quan hệ nhân quả với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm được thực hiện làm nguyên nhân gây nên hậu quả nhất định hoặc khả năng thực tế gây nên hậu quả. Dù hậu quả tội phạm không có ý nghĩa trong việc xác định hành vi phạm tội, thì nó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc quyết định hình phạt. Nhưng nếu hậu quả xảy ra mà xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác thì còn phải bị truy cứu về tội phạm tương ứng với hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.
2.1.3.2. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng
Nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc hiến định và là một nguyên tắc cơ bản được cụ thể hóa trong Luật HN&GĐ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc điều chỉnh quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và bền vững trên cơ sở tôn
trọng, bình đẳng giữa người nam và người nữ, xóa bỏ chế độ đa thê đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình tốt đẹp của dân tộc, hình thành nhân cách cá nhân theo chuẩn mực xã hôi. Đây là một nguyên tắc quan trọng, thể hiện tư tưởng chủ đạo quán triệt các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, được pháp luật hình sự bảo vệ bởi sự xâm hại của tội phạm. Điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Những người đã đăng ký kết hôn và chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân có đăng ký và những người đang chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà không đăng ký kết hôn được coi là người đang có vợ, có chồng.
Người chưa có vợ, chưa có chồng là người chưa kết hôn lần nào hoặc người đã kết hôn nhưng đã ly hôn bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án. Họ chỉ bị coi là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng khi biết rõ là người mà mình kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng đang có vợ, có chồng. Ở một số nước trên thế giới, hôn nhân đồng giới được công nhận. Một số nước khác, việc đấu tranh hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đang diễn ra. Ở Việt Nam,thì việc kết hôn “giữa những người cùng giới tính” bị cấm, việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính khi một trong hai
người là người đang có vợ hoặc có chồng thì tùy trường hợp có thể bị xử lý về hành chính, hoặc nếu đủ dấu hiệu cấu thành của tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng thì họ cũng sẽ bị xử lý về hình sự.
Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm gồm: kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác.
“Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Tuy nhiên, đó phải là hành vi kết hôn trái pháp luật. Bởi lẽ, việc xác lập quan hệ vợ chồng là có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm trường hợp cấm kết hôn - một trong những điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Người phạm tội đã che giấu việc mình đang có vợ, có chồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc cả với người mà mình muốn kết hôn và đưa ra giấy tờ giả mạo hoặc mua chuộc cán bộ có thẩm quyền để tiến hành việc kết hôn. Trường hợp cả hai người (nam và nữ) đều biết nhau đang có vợ hoặc có chồng nhưng vẫn cố tình lừa dối cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kết hôn, thì có thể cùng bị xử lý về hình sự với vai trò đồng phạm. Nếu một trong hai người bị lừa dối mà đồng ý kết hôn thì chỉ người có thủ đoạn gian dối mới bị coi là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, do đó chỉ có người có hành vi phạm tội mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Khi cán bộ có thẩm quyền do hám lợi mà đăng ký kết hôn cho họ, thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật (Điều 149 BLHS)
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như
vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”.
Hậu quả của tội phạm được nhà làm luật quy định là một trong những dấu hiệu bắt buộc có ý nghĩa trong việc định tội. Hành vi khách quan được người phạm tội thực hiện với mục đích vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng phải có mối quan hệ nhân quả với hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Thực tiễn xét xử cho thấy để xác định tính chất và mức độ của hậu quả là do tùy nghi, niềm tin nội tâm và kinh nghiệm nghề nghiệp của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Điều luật chỉ quy định hành vi gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm. Tùy trường hợp nếu hậu quả xảy ra mà cấu thành một tội phạm khác thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội độc lập đó.
Ví dụ 2: B đang có vợ, đi công tác xa đã chung sống như vợ chồng với chị C, nên đã tìm cách giết vợ để được chung sống với C trọn vẹn hơn. Hành vi của B bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng và tội giết người.
- Hoặc là trường hợp người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính, chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đã bị Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Việc tiêu hủy hoặc buộc chấm dứt hành vi vi phạm này phải bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với
chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo khoản 2 Điều 147 BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS.
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Tức nhận thức rõ hành vi kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc có thái độ bàng quang, mặc cho hậu quả xảy ra.
2.1.3.3. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn
Bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời cũng như tiếp thu những thành tựu văn hóa nhân loại là một trong những mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Bên cạnh đó có những yếu tố đã lỗi thời lạc hậu, nên vô hình chung đã kìm hãm phần nào sự phát triển chung đó. Ở góc độ văn hóa gia đình, thì ma chay, cưới hỏi mà đặc biệt là vấn đề tảo