Khái niệm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Trang 37 - 40)

Tội phạm là một hiện tượng xã hội – pháp lý gắn liền với sự ra đời của nhà nước và pháp luật cũng như với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân và sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Trong giới khoa học hình sự Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm của tội phạm. Trên cơ sở tổng kết các quan điểm và xuất phát từ định nghĩa pháp lý của khái niệm tội phạm đã được nhà làm luật ghi nhận về mặt lập pháp tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999, GS. Lê Cảm đã đưa ra định nghĩa khoa học mang tính chung nhất, đầy đủ nhất: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự (tức là hành vi bị luật hình sự cấm), do người năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý) [9, tr297].

Với tư cách là một nhánh khách thể loại của tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, xung quanh khái niệm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình còn có những quan điểm khác nhau trong khoa học luật hình sự Việt Nam.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm đến toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn,

nghĩa vụ và quyền giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, cấp dưỡng, xác định cha, mẹ, con, con nuôi, giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình [32, tr190].

Quan điểm thứ hai: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là hành vi có lỗi, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ hôn nhân và gia đình mới xã hội chủ nghĩa. Sự gây thiệt hại này thể hiện được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi [20, tr189].

Quan điểm thứ ba: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam [11, tr59].

Quan điểm thứ tư: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện bằng lỗi cố ý gây thiệt hại cho các quan hệ hôn nhân và gia đình mới, tiến bộ xã hội chủ nghĩa. Sự gây thiệt hại này thể hiện đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình [9, tr295].

Tổng kết các quan điểm nêu trên, chúng tôi đồng nhất với quan điểm thứ tư, bởi lẽ nó đã đáp ứng được bốn tiêu chí: Chặt chẽ về mặt logic, Chính xác về mặt ngôn ngữ, Ngắn gọn về mặt hình thức, Đầy đủ về mặt nội dung. Định nghĩa này phản ánh đầy đủ nội hàm của khái niệm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trên cả ba bình diện khách quan, pháp lý, chủ quan của tội phạm nói chung.

Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Chương XV của Bộ luật hình sự năm 1999 với 07 điều. Ngoài ra, cơ sở pháp lý cho việc xử lý hình sự nhóm tội này còn có Nghị định số 87/2001/NĐ-CP có 10 điều (từ Điều 6 đến Điều 15) quy định về hành vi vi phạm hành chính

trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có 05 điều đã bị bãi bỏ tại Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình do không còn phù hợp với tinh thần Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc trong thực tiễn thi hành đã phát sinh những khó khăn, bất cập, không có tính khả thi. Ngày 24/9/2013, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP là một trong số những Nghị định có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong 05 lĩnh vực trong đó có lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/2013 và thay thế Nghị định số 87/2001/NĐ-CP. Như vậy, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình sẽ được điều chỉnh theo Nghị định số 110/2009/NĐ-CP và Nghị định 110/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên tại Điều 16, Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định: “ Đề nghị Toà án quyết định áp dụng một số biện pháp theo thẩm quyền và việc xử lý đối với trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm

1. Người nào vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 9, Điều 12 và khoản 1 Điều 14 của Nghị định này thì ngoài việc bị xử phạt hành chính theo quy định tại các điều đó, cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn kiến nghị Toà án có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật đối với người bị xử phạt.

2. Người nào vi phạm quy định tại Điều 6, Điều 7, các điểm a, b khoản 1 Điều 8, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999”.

Trên đây là một quy định có tính chất tích cực nhưng lại không được kế thừa, để tạo môi trường pháp lý cho quá trình phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với cơ quan tư pháp hình sự có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Trang 37 - 40)