Nghĩa của việc hoàn thiện pháp luật hình sự về Các tội xâm phạm

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Trang 67 - 69)

phạm chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam

Hồ Chủ Tịch đã từng nói: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”. Xây dựng gia đình là một trách nhiệm, là bộ phận cấu thành không thể thiếu của mục tiêu xã hội, vì sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội.Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, cả về mặt kinh tế và văn hóa xã hội. Gia đình, tế bào cơ sở của xã hội, tất yếu có những biến động khi xã hội đang thay đổi, có những đổi mới trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, giữa cá nhân và gia đình đa chiều. Chắc hẳn sẽ có những ảnh hưởng xấu đến sự biến đổi về kết cấu, cơ cấu gia đình, về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của gia đình; ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách, lối sống, nếp sống và đạo đức của thế hệ trẻ. Một xã hội lấy nhân tố phát triển con người làm trung tâm là con đường phát triển bền vững. Đảng ta khẳng định: “Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường, gia đình, từng tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo, bồi dưỡng hình thành con người mới. Đó là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa

vụ gia đình đối với mọi lớp người”. Một lần nữa tại Đại hội XI của Đảng, năm 2011, tiếp tục có những bổ sung cũng như cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của gia đình đối với việc hình thành nhân cách của một con người. Văn kiện Đại hội XI viết: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển... Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.

Đặc biệt khi đang đứng trước những thách thức không nhỏ của quá trình hội nhập quốc tế. Bối cảnh đó đã làm cho những trào lưu về lối sống, nếp sống, về quan niệm hệ giá trị của thế giới có điều kiện du nhập vào Việt Nam, thấm dần vào trong tư duy, nhận thức của các tầng lớp dân cư nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, dẫn đến những sai lạc trong lối sống, nếp sống và nhận thức về gia đình. Sự coi thường cuộc sống gia đình với khuôn phép, trách nhiệm của mỗi thành viên xuất hiện ở một bộ phận cư dân, đặc biệt là giới trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có biểu hiện suy thoái, bấp bênh và không thể phát huy được vai trò quan trọng hàng đầu của nó là xây dựng con người. Việc củng cố và tiếp tục hoàn thiện pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng về chế định hôn nhân và gia đình là một trong những phương hướng cơ bản để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa mà Đảng đã đề ra. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 và Kế hoạch phát triển đất nước 2011 - 2015 đã xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế.

Chính sách hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền chính là kim chỉ nam, là phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Hoàn thiện pháp luật hình sự về Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình cần phải dựa trên ba bình diện: Sáng tạo pháp luật; Áp dụng pháp luật; Giáo dục-

phát triển ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong xã hội. Đồng thời cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệp lập pháp của các nước trên thế giới trên cơ sở phù hợp với đặc điểm riêng có của dân tộc Việt Nam.

Một phần của tài liệu Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật hình sự năm 1999 (Trang 67 - 69)