5. Kết cấu của đề tài
2.5.1 So sánh với tội buôn lậu (Điều 153)
a) Giống nhau
Những điểm giống nhau cơ bản giữa tội buôn lậu so với tội kinh doanh trái phép như sau:
* Mặt khách thể của tội phạm
Tuy khác nhau về khách thể trực tiếp nhưng giữa tội buôn lậu với tội kinh doanh trái phép lại có điểm chung giống nhau về khách thể loại. Đó là hai tội cùng xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, cụ thể là các quan hệ xã hội đảm bảo cho sự ổn định và phát triển nền kinh tế quốc dân.
* Mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội buôn lậu được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 153 và chủ thể của tội kinh doanh trái phép là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Bởi, tội buôn lậu được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 153 và tội kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự đều là những tội ít nghiêm trọng nên chủ thể của tội phạm nói trên chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội buôn lậu và tội kinh doanh trái phép đều thực hiện hành vi phạm tội của mình bằng hình thức lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội từ hành vi mà mình thực hiện và thấy trước được hậu quả từ hành vi đó gây ra nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi đó tới cùng.
* Về hình phạt
Hình phạt tiền trong hai tội này vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung. Hình phạt bổ sung với mức phạt từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
a) Khác nhau
Về cơ bản, dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội buôn lậu so với tội kinh doanh trái phép có một số điểm khác nhau sau: mặt khách thể, mặt chủ thể, mặt chủ quan và mặt khách quan.
* Mặt khách thể của tội phạm:
- Khách thể trực tiếp của tội buôn lậu là xâm phạm chế độ quản lý ngoại thương của Nhà nước, cụ thể là xâm phạm đến trật tự quản lý trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn
hóa. Đối tượng tác động của tội phạm này là các loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa và hàng cấm.
- Khách thể trực tiếp của tội kinh doanh trái phép là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước mà cụ thể là trật tự quản lý việc kinh doanh. Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hóa, vật phẩm. Ngoài ra, đối tượng tác động của tội phạm này còn bao gồm các dịch vụ khác, nhưng không phải là hàng hoá như: Các hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vũ trường, các trung tâm thể thao, văn hóa…
* Mặt chủ thể của tội phạm:
- Chủ thể của tội buôn lậu ngoài người từ đủ 16 tuổi trở lên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 153 là tội ít nghiêm trọng (Điều 8) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng có thể là chủ thể của tội buôn lậu nếu hành vi phạm tội của người đó rơi vào một trong những tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3 Điều 153 được xem là tội rất nghiêm trọng thì người đó cũng trở thành chủ thể của tội buôn lậu.
- Chủ thể của tội kinh doanh trái phép chỉ có thể là người từ đủ 16 tuổi trở lên, bởi tội kinh doanh trái phép là một trong những tội ít nghiêm trọng trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
- Đối với tội buôn lậu thì dấu hiệu lỗi chỉ được thể hiện duy nhất bằng hình thức cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi buôn lậu nhận thức rõ hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới của mình là việc làm trái phép và nhận thấy được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi đó gây ra có thể là sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác hoặc gây thiệt hại, tổn thất đến tài sản của Nhà nước, của xã hội nhưng vẫn thực hiện hành vi đó tới cùng chỉ vì mục đích kiếm lời.
- Đối với tội kinh doanh trái phép thì dấu hiệu lỗi ngoài thể hiện bằng hình thức cố ý trực tiếp nó còn thể hiện bằng hình thức cố ý gián tiếp. Người thực hiện hành vi kinh doanh trái phép nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và thấy được hậu quả từ hành vi đó gây ra nhưng vẫn muốn thực hiện tội phạm tới cùng và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
* Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan
Người phạm tội buôn lậu chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong khi đó, đối với tội kinh doanh trái phép, hành vi của tội này là kinh doanh trái phép được thực hiện bằng ba dạng hành vi: kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép đó.
- Hậu quả
Với tội buôn lậu hậu quả là dấu hiệu để tăng nặng trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay nói cách khác là dấu hiệu để chuyển từ khung hình phạt nhẹ sang khung hình phạt nặng hơn. Còn đối với tội kinh doanh trái phép thì dấu hiệu hậu quả không là dấu hiệu chuyển khung hình phạt. Bởi, dấu hiệu hậu quả không được thể hiện trong khung hình phạt tăng nặng của tội kinh doanh trái phép, việc này có thể do tội kinh doanh trái phép vốn là tội ít nghiêm trọng nên việc quy định dấu hiệu hậu quả là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng cho tội này hoàn toàn không cần thiết.
* Về hình phạt
- Tội buôn lậu chia làm bốn khung hình phạt. Trong đó, khung hình phạt cơ bản với mức hình phạt cao nhất là hình phạt tù là ba năm và khung tăng nặng cao nhất là hai mươi năm hoặc chung thân.
- Tội kinh doanh trái phép chia làm hai khung hình phạt. Khung cơ bản với mức hình phạt cao nhất là cải tạo không giam giữ đến hai năm và khung tăng nặng là hình phạt tù đến hai năm.
Nhìn chung, khung hình phạt cơ bản của tội buôn lậu cũng đã cao hơn rất nhiều so với khung hình phạt cơ bản và khung hình phạt tăng nặng của tội kinh doanh trái phép. Từ đó, cho thấy mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội kinh doanh trái phép ít hơn nhiều so với tội buôn lậu.