Những tồn tại và nguyên nhân.

Một phần của tài liệu Phân tích khách hàng trong cho vay tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh hà nội – thực trạng và giải pháp (Trang 75 - 79)

d) Sản phẩm thẻ

2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân.

Quá trình phân tích khách hàng trong hoạt động cho vay tại NHNo&PTNT Việt Nam - CN Hà Nội đã đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng qua thực tế vẫn còn một số tồn tại.

-Công việc và trách nhiệm của cán bộ tín dụng lớn

Hiện nay, tại chi nhánh, cán bộ tín dụng cần thực hiện rất nhiều phần việc, từ khâu tiếp xúc khách hàng đến công tác thẩm định và lập hồ sơ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát sau vay,vì vậy, công việc của các cán bộ tín dụng trở nên hết sức nặng nề.Không chỉ vậy, khi cán bộ tín dụng cần thực hiện cả công tác tìm kiếm, tiếp xúc, thẩm định và kiểm tra, giám sát khách hàng trước, trong và sau vay sẽ khiến mức độ an toàn của khoản vay giảm bởi các công việc này tạo điều kiện cho các cán bộ tín dụng vi phạm vào nguyên tắc cho vay, làm giả hồ sơ để khách hàng được vay vốn, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trong Chi nhánh. Cũng không thể không kể đến là với khối lượng khách hàng lớn và dư nợ cao như của NHNo&PTNT Chi nhánh Hà Nội, khối lượng công việc đặt ra đang tạo áp lực rất lớn cho cán bộ tín dụng, khiến họ không thể quan tâm cũng như thực hiện tốt tất cả các công việc được giao.

Bên cạnh đó, thời gian cho vay cũng sẽ bị kéo dài khi khối lượng công việc của các cán bộ tín dụng quá nhiều, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín cũng như khả năng cạnh tranh của Ngân hàng.

Nguyên nhân của vấn đề này là quy trình tín dụng mà Chi nhánh đang áp dụng theo Quyết định 666/QĐ-HĐQT-TDHo chưa được xây dựng hợp lý và khối lượng cũng như chất lượng cán bộ tín dụng của chi nhánh còn hạn chế.Theo quy trình tín dụng quy định của Chi nhánh, có ít cán bộ tham gia vào quy trình cấp tín dụng, và phần việc chủ yếu đều được phân cho các cán bộ tín dụng với hơn 10 đầu việc trong quy trình tín dụng tạo ra áp lực cho cán bộ tín dụng. Ngoài ra, khối lượng cán bộ của phòng tín dụng tại chi nhánh với gần 30 người khó có thể đảm nhiệm toàn bộ các khâu và phục vụ toàn bộ các hợp đồng tín dụng, đặc biệt, việc luân chuyển cán bộ thường xuyên trong Chi nhánh khiến kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ của các cán bộ tín dụng không đồng đều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng và công tác quản trị rủi ro trong ngân hàng.

-Trách nhiệm của các cán bộ không được thể hiện rõ

Trong quy định của NHNo&PTNT Chi nhánh Hà Nội, chủ yếu cán bộ tín dụng là người chịu trách nhiệm chính với công tác cho vay trong tất cả các khâu. Điều này cũng gây áp lực trong công việc cho các cán bộ tín dụng. Ngoài ra, trong quy định không nêu rõ các mức độ vi phạm và biện pháp xử lý vi phạm cán bộ ngân hàng khiến việc đánh giá vi phạm cũng khó khăn để thực hiện.

Nguyên nhân của hạn chế này là Chi nhánh Hà Nội chưa có văn bản cũng như những hướng dẫn cụ thể trong việc phân chia quyền hạn, trách nhiệm của các cán bộ trong công tác cho vay và hình thức xử lý vi phạm.

-Chưa có bộ phận thẩm định khách hàng độc lập.

Hiện nay quá trình phân tích và thẩm đinh khách hàng tại NHNo&PTNT Việt Nam nói chung , Chi Nhánh Hà Nội nói riêng vẫn được thực hiện bởi cán bộ tín dụng. Toàn bộ quy trình vay vốn từ lúc bắt đầu đến khi giải ngân cũng như thu hồi

khoản vay được thực hiện bởi một cán bộ tín dụng theo dõi khoản vay. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả đánh giá phân tích khách hàng.

Nguyên nhân của hạn chế này là do chi nhánh chưa thể thành lập một bộ phận thẩm định độc lập với bộ phận tín dụng. Trước hết do điều kiện cán bộ không cho phép, bên cạnh đó, cơ sở vật chất của chi nhánh đã lạc hậu và không đủ để xây dựng một bộ phận riêng cho công tác thẩm định. Vì vậy, công tác này vẫn chỉ được lồng ghép thực hiện trong công tác cho vay của Chi nhánh.

-Chuyên môn hoá trong hoạt động cho vay chưa cao

Chuyên môn hoá không chỉ là cơ sở để tiết kiệm chi phí cho ngân hàng, gia tăng lợi nhuận mà cũng là yếu tố làm giảm rủi ro tín dụng trong ngân hàng. Khi ngân hàng thực hiện chuyên môn hoá trong cho vay, các cán bộ tín dụng được phân công tìm hiểu và thực hiện cho vay với một vài đối tượng khách hàng có nhiều đặc điểm giống nhau sẽ giúp cho công tác nhận diện rủi ro được thực hiện tốt hơn nhờ kinh nghiệm cũng như nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực hoạt động. Đồng thời chuyên môn hoá cũng giúp giảm chi phí trong quá trình thẩm định khách hàng. Tuy nhiên, công tác chuyên môn hoá trong hoạt động cho vay tại NHNo&PTNT Chi nhánh Hà Nội chưa cao. Trong chi nhánh, chỉ có một vài cán bộ tín dụng lâu năm có những kinh nghiệm và kiến thức về các lĩnh vực kinh doanh đặc biệt với đối tượng khách hàng của chi nhánh. Phần lớn các cán bộ tín dụng của chi nhánh còn khá trẻ và chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ cũng như chưa được cung cấp những kinh nghiệm cơ bản về các lĩnh vực cho vay, khiến công việc của họ không được thực hiện trơn tru và có nhiều vướng mắc.

Nguyên nhân của hạn chế này là do sự phân công công việc của phòng tín dụng chưa hợp lý và không tạo ra hiệu quả cao. Bên cạnh đó, khối lượng công việc nhiều buộc các cán bộ phải thực hiện cho vay ở nhiều lĩnh vực cũng như nhiều địa bàn, làm giảm tính chuyên môn hoá của hoạt động cho vay và cũng gây ra ảnh hưởng kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ khách hàng trong quy trình tín dụng.

-Chất lượng thông tin thu thập chưa có độ tin cậy cao

Phần lớn thông tin NHNo&PTNT Chi nhánh Hà Nội sử dụng là thông tin do chính khách hàng cung cấp, nhiều báo cáo tài chính còn chưa được thông qua kiểm

toán, vì vậy, độ tin cậy của các báo cáo này không cao. Công tác thẩm định cũng như chấm điểm khách hàng dựa nhiều vào các yếu tố định lượng trên báo cáo mà thiếu phân tích các yếu tố định tính như chất lượng quản trị doanh nghiệp, phẩm chất lãnh đạo của doanh nghiệp. Để có thể đánh giá khách hàng, Chi nhánh cần có những thông tin đầu vào chính xác, nếu nguồn thông tin này không đáng tin cậy thì cho dù cán bộ tín dụng là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức vững vàng, các điều kiện khách quan thuận lợi thì mọi đánh giá đưa ra đều không đúng. Ngoài việc cung cấp thông tin không trung thực từ phía khách vay vốn thì một yếu tố khác đó là do Chi nhánh trước khi tiến hành phân tích đánh giá tài liệu mà khách hàng vay vôn cung cấp, Chi nhánh phải sử dụng các biện pháp phù hợp để kiểm tra tính chính xác, trung thực của tài liệu. Nhưng thực tế lại chưa có biện pháp nào để kiềm tra tính chính xác các hồ sơ khách hàng cung cấp.

Nguyên nhân của hạn chế này là do công tác thẩm định khách hàng của Chi nhánh còn lỏng lẻo, chưa được quan tâm đúng mức. Chi nhánh thực tế đi tìm hiểu khách hàng chưa nhiều mà chỉ thông qua một số nguồn thông tin sơ khai, không đầy đủ như thông tin từ NHNo&PTNT Việt Nam hoặc Ngân hàng Nhà nước để tiến hành cho vay. Cũng không thể không kể đến những yếu tố như khách hàng là người thân, quen của các cán bộ ngân hàng khiến công tác lập hồ sơ và thẩm định khách hàng trở nên dễ dàng và không phản ánh đúng rủi ro tín dụng của khách hàng.

Ngoài một số nguyên nhân chủ quan, chất lượng của quá trình phân tích khách hàng trong hoạt động cho vay tại NHNo&PTNT Việt Nam - CN Hà Nội còn gặp hạn chế bởi một số nguyên nhân khách quan sau:

Về phía khách hàng vay vốn:

Thông tin là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của công tác phân tích khách hàng trong hoạt động cho vay tại ngân hàng. Những thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng chủ yếu được thu thập qua các BCTC do khách hàng cung cấp. Hiện tượng khách hàng khách hàng cố tình che giấu hay thay đổi các thông tin trên BCTC để tạo ấn tượng tốt với ngân hàng xảy ra khá phổ biến vì thế cán bộ tín dụng không có đủ dữ liệu có chất lượng để đánh giá.

Ngoài ra yếu tố rủi ro đạo đức của khách hàng vay vốn là không thể tránh khỏi, việc khách hàng cố tình làm sai lệch thông tin nhằm lừa đảo ngân hàng để chiếm dụng vốn cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phân tích.

Về phía nền kinh tế:

Chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định, thường xuyên thay đổi như thuế, đất đai, cơ chế tài chính, tỷ giá làm cho doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ kéo theo rủi ro tín dụng cho ngân hàng, giảm chất lượng phân tích khách hàng.

Cơ chế chính sách về xử lý nợ có vấn đề, TSĐB nợ vay không đầy đủ, thiếu nhất quán, không phù hợp thực tế dẫn đến nợ tồn đọng lớn không xử lý được.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ và đồng bộ để đảm bảo quyền tự chủ cho NHTM trong việc thực hiện hợp đồng tín dụng, trong việc điều chỉnh thời hạn hoặc gia hạn nợ, xử lý nợ có vấn đề, đặc biệt trong thanh lý phát mại, xử lý khách hàng không trả được nợ (thủ tục pháp lý phức tạp, quá nhiều cấp, nhiều khâu).

Một phần của tài liệu Phân tích khách hàng trong cho vay tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh hà nội – thực trạng và giải pháp (Trang 75 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(100 trang)
w