Thực trạng nhận thức về vấn đề

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 40 - 45)

6. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Thực trạng nhận thức về vấn đề

Môn văn là một trong những môn học có vị trí quan trọng ở cấp phổ thông nói chung và cấp THCS nói riêng. Cùng với các môn học khác, môn văn góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và nhân cách học sinh. Thế nhưng, thực trạng dạy môn văn nói chung và dạy đọc - hiểu văn bản ở trường THCS hiện nay như thế nào?

Một thực tế cho thấy là nhiều năm trở lại đây, đa số HS không còn hứng thú trong việc học văn nữa. Điều này khiến cho chúng ta, những người dạy văn luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những giải pháp mới nhằm nâng cao hứng thú học văn ở HS. Theo đó, mục tiêu hướng tới của chương trình là không chỉ hướng tới cung cấp kiến thức mà còn hình thành cho HS năng lực tự đọc, tự học, tự tiếp nhận văn học nói chung và văn bản nói riêng. “Tuy nhiên, tư tưởng và phương pháp đọc - hiểu nhìn chung mới dừng lại ở nhận thức là chính. Trong thực tế dạy học, tư tưởng đó chưa được thực hiện hóa một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.” - PGS. TS Đỗ Ngọc Thống nhận xét.

Có nhiều nguyên nhân tạo nên tình trạng học tập trì trệ, thụ động, thiếu hào hứng của HS. Có thể là đó là do yếu tố khách quan như cơ chế thị trường, hoặc do nhận thức sai lệch của gia đình và của không ít người về vị trí của các môn khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng trong xã hội; do học trò còn lười học, thời đại của sự bùng nổ thông tin nên các em ít có độ lắng để cảm thụ, rung động, rung cảm trước một ý văn hay, một lời thơ đẹp. Qua thực tế, ta có thể nhận thấy đa số HS rất ngại học văn cho dù các em nhận thức được vai trò bổ trợ to lớn và thiết thực của văn học trong học tập cũng như trong đời sống. Thực tế HS một số trường chuyên khoa học tự nhiên coi nhẹ học văn với suy nghĩ: văn có kém một chút, ra đời vẫn không sao, vẫn nói và viết được, còn không học ngoại ngữ, không học khoa học, kỹ thuật thì mới đáng quan tâm. Tồn tại lớn nhất từ phía HS là thói quen thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ máy móc và tái hiện lại những gì GV nói, chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá bài học nếu không được GV giao nhiệm vụ soạn bài hoặc nếu có được giao nhiệm vụ thì các em cũng còn lúng túng trong khi độc lập giải quyết vấn đề. Khi chuẩn bị bài học, các em còn bị lệ thuộc vào các tài liệu, sách tham khảo. Qua sách tham khảo, các câu hỏi đều có đáp án trả lời sẵn nên khiến cho các em lười suy nghĩ. Các em chuẩn bị bài

ở nhà, trả lời câu hỏi của thầy trên lớp đều dựa vào đáp án có sẵn, không dám thoát ly những điều được viết trong tài liệu, sách tham khảo, dẫn đến hạn chế năng lực chủ động, sáng tạo trong các hoạt động nghe, nói, đọc, viết của học sinh. Thầy tưởng rằng HS hiểu bài thông qua các câu trả lời, nhưng thật ra các em lại chẳng hiểu gì cả. HS chưa tự thân bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm cá nhân trước tập thể, nếu phải nói hoặc viết, các em sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn, nhiều khi kiểm tra những câu hỏi khác đi so với sách giáo khoa là các em lại tỏ ra lúng túng và dễ bị lệch hướng. Năng lực cảm thụ văn học của HS còn rất hạn chế. Do vậy, trong quá trình đọc - hiểu văn bản, khả năng bình một điểm sáng trong văn bản là rất hiếm, viết một bài văn đạt yêu cầu quả là khó khăn, điểm số không cao, HS giỏi văn ngày càng bị mai một.

HS không có thói quen tự học và không biết tự học, không có nhu cầu tự tìm hiểu, nghiên cứu, không biết cách chủ động tự đọc SGK để tìm hiểu kiến thức, không biết cách phân biệt cái chính và cái phụ, không biết từ cái đã biết mà suy ra cái chưa biết. Mà kết quả của việc học thụ động là học tập thiếu cảm hứng, thiếu lửa, thiếu niềm đam mê, mà thiếu những động cơ nội tại ấy thì kết quả học tập không như mong muốn là điều tất yếu. Một phần của nguyên nhân này có thể do chính bản thân các em, nhưng một phần cũng là do chính người GV trong quá trình truyền thụ tri thức. GV chưa thật sự phát huy tính tích cực của HS trong giờ học văn, HS chưa thấy được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương, HS không có cơ hội được rèn luyện và nâng cao kỹ năng, năng lực môn học. Điều đó, có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

“Trước hết là do phương pháp dạy học cũ, chỉ dựa vào giảng, bình, diễn giảng. Thật vậy, cách dạy học Ngữ văn từ trước tới nay có mấy lệch lạc như: đối với bài học tác phẩm văn học thì chú trọng cái gọi là “giảng văn”. Bao nhiêu SGK trước nay đều gọi đó là môn “văn học trích giảng”, “văn học phê bình”, “giảng văn”, “văn học giảng luận”, “phân tích tác phẩm văn

học”. Dạy văn hầu như chỉ có một đường là “giảng”, “bình”, “bình luận”, “phân tích”. Giáo án soạn ra là để cho GV “giảng”, biểu diễn trên lớp. Giáo viên nào tham giảng thì thường sẽ bị “cháy” giáo án. Quan niệm giảng văn như thế có phần sai tận gốc. Một là, văn học sáng tác ra cho người đọc đọc, do đó môn học tác phẩm văn học phải là môn dạy HS đọc văn, giúp HS hình thành kỹ năng đọc văn, trở thành người đọc có văn hóa, chứ không phải là người biết thưởng thức việc giảng của thầy. Chính vì vậy sai lầm thứ hai là môn học văn hiện nay thiếu khái niệm khoa học về đọc văn. Khái niệm “đọc” chỉ được hiểu là đọc thành tiếng, đọc diễn cảm mà không thấy nói là đọc - hiểu.

Hai là, dạy văn theo lối cung cấp kiến thức áp đặt, HS phải học thuộc kiến giải của thầy. Đây cũng là phương pháp phản sư phạm, bởi vì bản chất học tập không phải là tiếp nhận những gì được đưa trực tiếp từ ngoài vào, mà là sự kiến tạo tri thức mới dựa trên cơ sở nhào nặn các dữ liệu mới và kinh nghiệm đã được tích lũy. Học tập thực chất không phải là học thuộc mà là tự biến đổi tri thức của mình trên cơ sở các tác động của bên ngoài và hoạt động của người học. Do đó, việc áp đặt kiến thức của thấy đối với trò chỉ có giá trị tạm thời, học xong là quên ngay, không để lại dấu ấn trong người học, không trở thành kiến thức hữu cơ của một bộ óc biết suy nghĩ và phát triển.

Ba là, GV chưa xem HS là chủ thể của hoạt động đọc - hiểu văn bản, chưa trao cho các em tính chủ động trong học tập. Coi HS là chủ thể của hoạt động học tập thì HS phải là người chủ thể trong các hoạt động học tập, là người chủ động kiến tạo các tri thức của mình mà GV chỉ là người tổ chức các hoạt động học tập cho HS. Giáo án của GV phải là kế hoạch hoạt động của HS để tự kiến tạo tri thức, chứ không phải là giáo án để GV chủ yếu giảng và bình trên lớp.

Bốn là, chưa xem dạy học tác phẩm văn học là dạy học đọc - hiểu văn, một hoạt động có quy luật riêng của nó. Nhiều tài liệu thường nói dạy học

văn là dạy cảm thụ văn học. Nói như vậy là chưa thật chính xác, bởi vì HS không phải cảm thụ các dòng chữ in, mà trước hết phải đọc để biến các kí hiệu chữ thành nghĩa, thành thế giới hình tượng, trên cơ sở đó mới cảm thụ thế giới nghệ thuật bằng ngôn từ. Cảm thụ văn học khác hẳn cảm thụ âm nhạc hay hội họa, là cảm thụ trực tiếp âm thanh, màu sắc, bố cục bức tranh. Còn trong văn học, người học lại tự kiến tạo bức tranh mà mình thưởng thức. Nếu đọc mà không hiều thì không có gì để ta thưởng thức cả. Vì thế không thể bỏ qua hoạt động đọc và khái niệm đọc. Có người nói dạy văn là dạy học sinh lặp lại, đi trở lại con đườngcủa người sáng tạo văn, tức là nhà văn. Đó là sự nhầm lẫn giữa hoạt động sáng tạo của nhà văn và sáng tạo của người đọc.

Năm là, do chưa có khái niệm đọc cho nên chưa có hệ thống biện pháp đọc văn hiệu quả và hoàn chỉnh. Ngoài việc đọc thành tiếng và đọc diễn cảm, chúng ta hầu như chỉ có các khái niệm giảng, bình, phân tích, nêu câu hỏi…”

(Trần Đình Sử - Đổi mới phương pháp dạy học văn).

Còn có một thực tế mà chúng ta cũng phải nhìn nhận trong dạy đọc - hiểu văn bản hiện nay, đó chính là việc chấp nhận thế bản ở người dạy và người học. Trong khi khởi điểm của môn văn là dạy học sinh đọc hiểu trực tiếp văn bản văn học của nhà văn, nhà thơ, nhà chính luận, các văn bản mẫu mực… được đưa vào SGK; từ đọc hiểu các văn bản ấy mà HS sẽ có được rung động về nghệ thuật, thưởng thức giá trị thẩm mỹ, tiếp nhận tư tưởng, tình cảm, học được cách sống, trưởng thành về nhân cách, hình thành các kỹ năng văn học như: đọc, viết, quan sát, tư duy, tưởng tượng sáng tạo và cả sáng tác ngôn từ nữa… Nếu HS không trực tiếp đọc văn bản ấy, không hiểu được văn bản, thì coi như mọi yêu cầu, mục tiêu cao đẹp của môn văn đều chỉ là nói suông. Thế mà có một nghịch lý là từ rất lâu HS không coi việc đọc văn bản là việc của mình. Thầy cô bao giờ cũng dặn dò HS đọc trước văn bản

trong SGK, nhưng nói chung các em chỉ đọc cho có, đọc qua loa và chờ đợi. Các em mặc nhiên chấp nhận các thế bản trong giờ học văn của mình. Thế bản được nhắc đến đó là bài soạn của thầy và các tài liệu tham khảo. Một yêu cầu quan trọng trong dạy học Ngữ văn là cả người dạy và người học phải tiếp xúc với văn bản được dạy học. Việc tiếp xúc như vậy tạo cho người học tâm thế đón nhận văn bản chứ không phải là thế bản. Đón nhận thế bản thật ra lại cũng là thụ động tiếp thu cách hiểu của người khác, chứ không phải là cách hiểu của bản thân khi tự mình tiếp xúc văn bản và vỡ ra những kiến thức từ văn bản ấy. Điều này, trong bài viết Phương pháp dạy học môn Ngữ văn của tác giả Đặng Lưu đăng trên phongdiep.net có dẫn lời của tác giả Trần Đình Sử nói về thực trạng dạy học văn hiện nay, đó là: “Trong bài báo đăng trên

Văn nghệ số 10, 7-3-2009, giáo sư Trần Đình Sử nêu thẳng vấn đề: muốn đổi mới căn bản phương pháp dạy học văn, không còn con đường nào khác là phải trở về với văn bản văn học. Tư tưởng ấy được hình thành từ nhận thức của ông về thực trạng dạy học văn trong nhà trường bấy lâu nay: ấy là kiểu dạy học lấy thế bản thay cho văn bản… Theo GS Trần Đình Sử, chính sự lệ thuộc quá mức của HS vào các thế bản đã đẩy các em vào tình trạng thụ động, luôn luôn chờ đợi những kết quả mà người khác cảm nghĩ hộ, mất khả năng thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn chương để nói lên cảm nhận, những rung động của chính bộ óc, con tim của mình bằng chính lời lẽ của mình.”

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 40 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w