Gợi mở giúp học sinh phát hiện vấn đề

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 63 - 66)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.Gợi mở giúp học sinh phát hiện vấn đề

2.2.1.1. Phát hiện vấn đề từ việc chú ý những nghịch lý trong văn bản

Những tác phẩm văn học đích thực luôn đưa lại những cách nhìn mới mẻ về cuộc sống, con người. Tiếp xúc với chúng, độc giả phải thường xuyên đối diện với những thói quen suy nghĩ, cảm xúc, thói quen nhìn nhận vấn đề của mình để điều chỉnh nó, mong đạt được sự hưởng thụ nghệ thuật thực sự. Để thúc đẩy hoạt động tiếp nhận nghệ thuật một cách tích cực ở HS, GV cần gợi cho các em nhìn ra những nghịch lý tồn tại trong văn bản với rất nhiều kiểu dạng khác nhau, từ đó mà biết rút ra những kết luận có ý nghĩa. Chẳng hạn, nghịch lý được nêu trong hai câu cuối bài Ánh trăng của Nguyễn Duy:

ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình. GV có thể hỏi: tại sao ánh trăng im phăng phắc lại khiến nhân vật trữ tình giật mình? Ánh trăng đã gợi nhớ điều gì? Cái giật mình ở đây mang tính chất như thế nào? Đây là cái giật mình bình thường hay mang một nội dung nào khác? Nội dung đó là gì? Có thể nói đối với giờ đọc hiểu văn bản Ánh trăng, đây là những câu hỏi then chốt, chi phối hoạt động khám phá văn bản của cả giờ học. Với truyện ngắn

Bến quê của Nguyễn Minh Châu, cần hướng HS nhận ra nghịch lý: một kẻ đã từng để dấu chân khắp mọi nơi trên thế giới mà đến cuối đời không thực hiện được mong muốn nhỏi nhoi làm sao được đặt chân chốc lát, dù gián tiếp, lên bến quê rất gần ở bên kia bờ sông. Có thể hỏi HS: Sở nguyện của nhân vật Nhĩ có gì khác thường? Nếu em là con của Nhĩ, em sẽ thực hiện mong muốn của bố như thế nào? Sự chậm trễ của đứa con, sự bất lực của Nhĩ đưa đến cho em suy nghĩ gì? Bến quê trong cảm nhận của một con người sắp từ giã cõi đời mang ý nghĩa gì đặc biệt?...

Phát hiện những nghịch lý trong văn bản không phải là việc dễ làm, tuy nhiên, nếu được rèn luyện, nó sẽ giúp HS vượt qua được cách đọc hời hợt để mỗi đọc mỗi ngẫm nghĩ, không ngừng thắc mắc, tra vấn, từ đó mà thâm nhập được bề sâu của văn bản.

2.2.1.2. Phát hiện vấn đề bằng cách so sánh những đánh giá khác nhau về văn bản

Có nhiều cách đọc, cách cắt nghĩa, lý giải khác nhau về một văn bản, khiến cho ý nghĩa của tác phẩm văn học không ngừng được làm giàu có thêm qua mỗi trường hợp đọc. Qua việc đối chiếu những cách cắt nghĩa, lý giải khác nhau, ta có điều kiện hiểu sâu thêm về một vấn đề nào đó, khi mình buộc phải lựa chọn một cách hiểu phù hợp, theo góc nhìn riêng của mình, trên cơ sở phản bác hay tán đồng những cách hiểu đã có. Đây chính là con đường hết sức thuận lợi dẫn ta đến với việc tự kiến tạo tri thức cho mình.

Những cách đánh giá khác nhau về văn bản có thể đã tồn tại trước, từng được nhiều tài liệu miêu tả hay nói tới. Chẳng hạn về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, có người nhìn ra tâm sự yêu nước của người trí thức nặng lòng với quá khứ một thời vang bóng của cha ông, có người lại chỉ thấy ở đây câu chuyện của con người cá nhân muốn khẳng định mình qua hàng loạt đối lập. Ví dụ khác, về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương, có người hiểu

đây là tâm sự yêu quê hương của đứa con đi xa lâu ngày trở về, có người lại hiểu đây chỉ là khoảng khắc tâm trạng của một kẻ từng trải mà vẫn không thôi bất ngờ trước những nghịch lý của cuộc đời… Những cách đánh giá khác nhau về văn bản đều có thể có cơ sở tồn tại chính đáng của mình. Đối với HS THCS, chúng ta chưa đòi hỏi các em phải có một sự phân tích thấu đáo đối với từng trường hợp đánh giá, nhưng việc cho HS tiếp xúc với những tư liệu thực tế ấy cực kỳ cần thiết, bởi việc làm này có giá trị như một cách tung vấn đề, chí ít, nó sẽ giúp các em nhận thức được rằng, trước văn bản, mọi người đều có quyền bình đẳng và ai cũng có cơ hội đóng góp riêng của mình.

Ngoài những cách đánh giá được ghi nhận trong các tài liệu có trước, trong giờ đọc hiểu văn bản còn xuất hiện những cách đánh giá đa dạng của từng cá nhân hay từng nhóm HS. Việc tạo nên sự cọ xát ý kiến trong quá trình đọc hiểu một văn bản luôn có khả năng kích thích hứng thú học tập, tìm tòi, kích thích tinh thần phản biện, đối thoại. Qua các cuộc đối thoại ấy, tri thức thu nhận được sẽ trở nên bền vững, thực sự trở thành tri thức sống.

2.2.1.3. Phát hiện vấn đề từ hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài của SGK

Trong SGK, sau mỗi văn bản đọc hiểu luôn có một hệ thống câu hỏi gợi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS tự học, tự chiếm lĩnh bài văn. Trước khi đến lớp, HS đã phải làm việc với hệ thống câu hỏi này vì đây là yêu cầu bắt buộc đối với việc soạn bài. Trong giờ học, những câu hỏi này rất cần thiết được nhắc lại theo một hình thức nào đó để tạo nên sự nối kết giữa việc chuẩn bị của học sinh và việc thực hiện những nhiệm vụ học tập trên lớp. Tất nhiên, GV cần phải thiết kế những câu hỏi khác nữa, mở rộng thêm những câu hỏi chứa đựng vấn đề thực sự. Chẳng hạn với bài Nói với con của Y Phương, dựa trên câu hỏi của SGK Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình”, từ đó nhắc nhở con trên đường đời cần phải như thế nào?, GV có thể triển khai: Người cha muốn ở con những gì?

Hãy tập hợp những câu thơ thể hiện trực tiếp nỗi mong muốn của người cha và tự rút ra kết luận. Theo câu hỏi gợi ý trên, HS sẽ biết chú ý xoáy vào những câu thơ mang sắc thái khuyên nhủ trực tiếp như: Sống trên đá không

chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối/ Lên thác xuống ghềnh/ Không lo cực nhọc…; Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con. Do biết tập hợp những câu thơ tiêu biểu nhất mà trong đó có những từ được lặp đi lặp lại (không), HS sẽ gặp thuận lợi nhiều hơn trong việc đẩy tới những suy nghĩ của mình.

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 63 - 66)