Tính đặc thù của tri thức văn học

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 27 - 28)

6. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Tính đặc thù của tri thức văn học

1.2.1.1. Tri thức văn học gắn liền với tri thức ngôn ngữ

Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng sử dụng một chất liệu nhất định trong tự nhiên để xây dựng thành hình tượng. Nhờ những thủ pháp nghệ thuật riêng của từng loại hình nghệ thuật, các chất liệu tự nhiên được nhào nặn lại và trở thành những yếu tố mang tính thẩm mỹ. Quan hệ giữa hình tượng và chất liệu là quan hệ hữu cơ, xuyên thấm, thâm nhập vào nhau. Chất liệu sẽ mất đi tính thẩm mĩ nếu rời bỏ hình tượng và ngược lại hình tượng chỉ có thể tồn tại qua chất liệu. Vì vậy, trong thực tế không có hình tượng nói chung mà chỉ có hình tượng gắn liền với chất liệu cụ thể. Hình tượng hội họa được xây dựng bằng đường nét, màu sắc; hình tượng điêu khắc được xây dựng bằng đường nét, hình khối; hình tượng âm nhạc được xây dựng bằng nhịp điệu, giai điệu…Còn văn học? Văn học được xây dựng hình tượng bằng ngôn từ. Nói văn học là nghệ thuật ngôn từ là vì thế. Nói văn học là nghệ thuật ngôn từ thật chất là nói văn học là nghệ thuật sử dụng các từ ngữ hình tượng, các phương thức chuyển nghĩa của từ, các câu, các đoạn…để tạo nên chỉnh thể tác phẩm văn học thống nhất. Hay nói cách khác, tri thức văn học gắn liền với tri thức ngôn ngữ. Thiếu tri thức ngôn ngữ, con người không thể có tri thức văn học hay tri thức về văn học. Tri thức ngôn ngữ tạo nên tiền đề tốt đẹp để con người có thể thâm nhập vào thế giới văn học - cái thế giới được tạo nên bởi ngôn ngữ và thậm chí chịu sự chi phối của ngôn ngữ. Đây chính là một trong những tính đặc thù của tri thức văn học.

1.2.1.2. Tri thức văn học gắn liền với liên tưởng, tưởng tượng và cảm xúc

Tri thức văn học là tri thức về văn học với tư cách là một loại hình nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm công cụ và chất liệu biểu hiện. Để có tri thức về văn

học thì phải đọc sáng tác văn học và phải chấp nhận những quy luật riêng của tiếp nhận văn học, tiếp nhận thẩm mỹ. Trong tiếp nhận văn học, tiếp nhận thẩm mỹ, người tiếp nhận phát phát huy cao độ khả năng liên tưởng, tưởng tượng và phải thể hiện được vốn cảm xúc dồi dào. Hình tượng văn học là loại hình tượng phi vật thể. Qua tiếp xúc với mạng lưới ngôn từ, người đọc phải dùng liên tưởng, tưởng tượng để làm sống dậy hình tượng trong tác phẩm và theo đó mà nhận ra được những ý nghĩa tiềm tại trong đó. Nhờ liên tưởng, người đọc sẽ biết bù lấp các khoảng trống trong văn bản để kiến tạo ý nghĩa cho nó. Liên tưởng được đánh thức song song với việc người đọc giải đáp những thắc mắc nảy sinh trong quá trình sống với văn bản, tiếp nhận văn bản. Chẳng hạn, với bài Nhớ rừng của Thế Lữ, tri thức văn học cần có được là tri thức về sự bất mãn của con người cá nhân với hiện trạng xã hội bóp nghẹt tự do, đầy rẫy sự nhân tạo, giả dối, phàm tục, cùng với đó là cảm xúc bi phẫn của một con người nặng lòng với đất nước đang ở trong cực đối lập với “thời oanh liệt”… Những tri thức này không thể có được nếu người đọc không biết liên tưởng, kết nối chuyện của con hổ trong vườn bách thảo với chuyện của con người cá nhân, con người dân tộc trong xã hội thực nửa phong kiến, không nhìn ra mã văn hóa của hệ thống từ ngữ như: sa cơ, tù hãm, căm hờn, ngày xưa, thời oanh liệt, giang san,… Tri thức văn học phải do liên tưởng, tưởng tượng đưa lại, phải được xây dựng trên bệ phóng của cảm xúc, mà tất cả những hoạt động tâm lý này luôn mang tính cá nhân, là thuộc về cá nhân, bởi vậy, muốn có tri thức văn học, con người ta không thể hoàn toàn nhờ ngoại viện.

Một phần của tài liệu Rèn luyện năng lực tự kiến tạo tri thức cho học sinh trung học cơ sở trong dạy đọc hiểu văn bản văn học (Trang 27 - 28)