Thuyết đại diện

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nhận diện khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 27 - 29)

8. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Thuyết đại diện

Đối với hành vi thực hiện các sai sót trọng yếu trên báo cáo tài chính, đây là hành vi vô ý, nên nguyên nhân của hành vi này có thể xuất phát từ sự cẩu thả trong công việc, hay nhiều nguyên nhân khách quan khác. Đối với hành vi gian lận, đây là hành vi có chủ đích. Theo đó, nguyên nhân của hành vi này có thể được giải thích bởi lý thuyết đại diện của Jensen & Meckling

(1976). Các tác giả này cho rằng, do có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành công ty, nên các nhà quản lý (đại diện cho bên điều hành công ty – người được ủy nhiệm) có thể thực hiện các hành vi tư lợi, trong đó có gian lận trên báo cáo tài chính, thay vì phục vụ lợi ích của bên sở hữu.

Vấn đề này thể hiện khá rõ nét trong các công ty cổ phần, khi mà các cổ đông đại diện cho bên sở hữu hay bên ủy nhiệm, còn các nhà quản lý như Giám đốc là đại diện cho bên điều hành hay bên đại diện. Bên sở hữu ủy nhiệm cho bên điều hành thay mặt mình để điều hành công việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Sở dĩ đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, quan hệ đại diện thể hiện khá phổ biến vì kiểu quan hệ đại diện này mang lại khá nhiều các thuận lợi trong công việc. Cụ thể:

- Thứ nhất, việc chuyển nhượng quyền sở hữu không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vì chỉ thay đổi bên sở hữu, không ảnh hưởng đến bên điều hành doanh nghiệp;

- Thứ hai, người sở hữu chưa chắc có khả năng tốt trong việc điều hành. Việc tách biệt giữa người sở hữu và người điều hành sẽ giúp đơn vị thuê được những nhà quản lý chuyên nghiệp đảm bảo thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc tách biệt trên lại dẫn tới một vấn đề nổi bật khác – vấn đề đại diện, hay còn gọi là vấn đề về xung đột lợi ích giữa nhà quản lý và các chủ sở hữu. Cụ thể:

- Mục tiêu của các chủ sở hữu là tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, nghĩa là tối đa hóa giá trị thị trường của vốn cổ phần doanh nghiệp. Trong khi đó, mục tiêu của các nhà quản lý quan tâm là mức lương, thưởng hay uy tín của mình đối với doanh nghiệp. Để thực hiện các mục tiêu đó, các nhà quản lý thường hướng đến các mục tiêu trong ngắn hạn như: tăng doanh số, tăng thị phần, tối đa hóa lợi nhuận...

Do vậy, lý thuyết về đại diện cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng bên điều hành công ty sẽ không luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho bên sở hữu. Sự tách biệt việc sở hữu và điều hành doanh nghiệp còn tạo ra hiện tượng thông tin không cân xứng [4]. Cụ thể, bên điều hành có ưu thế hơn bên sở hữu về thông tin, nên dễ dàng hành động tư lợi. Với vị trí của mình, người quản lý công ty được cho là luôn có xu hướng tư lợi và không đủ siêng năng, mẫn cán, và có thể tìm kiếm các lợi ích cá nhân cho mình chứ không phải cho doanh nghiệp. Trong khi đó, vì nhiều lí do khách quan mà việc giám sát của các chủ sở hữu đối với những hành động của người đại diện rất tốn kém, khó khăn, phức tạp.

Trên thực tế, nhà quản lý thường chịu áp lực rất lớn trước các cổ đông là phải hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó, quan trọng nhất là chỉ tiêu về lợi nhuận. Nếu kết quả kinh doanh không được như mong muốn, sự xung đột lợi ích như trên có thể là tác nhân dẫn đến hành vi quản trị lợi nhuận của nhà quản lý, đưa ra các thông tin không chính xác về tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đánh lừa các cổ đông và các bên liên quan.

Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đa số được thành lập dưới hình thức là các công ty cổ phần. Như vậy, vấn đề đại diện tất yếu xảy ra ở các doanh nghiệp này khi có sự tách biệt giữa cổ đông và người quản lý công ty. Điều này cho thấy, khả năng xảy ra các sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở các công ty này.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nhận diện khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)