8. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Đo lường các biến của mô hình
a. Đo lường biến phụ thuộc
Biến phụ thuộc là biến dạng nhị phân, đo lường khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kí hiệu biến phụ thuộc:
KNSP: khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính. Lựa chọn các doanh nghiệp có báo cáo tài chính khả năng có tồn tại sai phạm trọng yếu (Phụ lục 03)
Doanh nghiệp có báo cáo tài chính có khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu được lựa chọn khi thỏa mãn tiêu chí: chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trước và sau kiểm toán của doanh nghiệp đó chênh lệch ≥ 5% trong năm sai phạm.
Trong đó, năm sai phạm được xác định là năm mà sai phạm được phát hiện, tức là năm mà xảy ra chênh lệch trọng yếu báo cáo tài chính trong giai đoạn 2010-2013.
Tác giả chọn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế để đánh giá sai phạm trên báo cáo tài chính là trọng yếu vì:
- Xét về mặt định tính: chỉ tiêu lợi nhuận được đa số các đối tượng quan tâm, và có tầm quan trọng khá lớn đối với người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, chỉ tiêu này càng quan trọng.
- Xét về mặt định lượng: Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hiện hành có qui định, kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán chuyên môn khi xác định tỷ lệ phần trăm (%) áp dụng cho tiêu chí đã lựa chọn khi xác định mức trọng yếu [3]. Tuy nhiên, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cũng như Chuẩn mực kiểm toán quốc tế không đưa ra mức phần trăm (%) qui định cụ thể cho từng tiêu chí sử dụng, mà phụ thuộc vào xét đoán của kiểm toán viên trong từng trường hợp cụ thể. Trên thế giới, kiểm toán ra đời từ khá lâu, và có những tỷ lệ nhận
diện sai sót trọng yếu đã được thừa nhận chung trong ngành kiểm toán trên thế giới trên cơ sở các số liệu thống kê và quan điểm của đại bộ phận các nhà đầu tư, những người trực tiếp sử dụng báo cáo tài chính, và được áp dụng rộng rãi ở các nước.
Có thể tham khảo tỷ lệ % để xác định mức trọng yếu tổng thể theo bảng sau:
Bảng 3.5. Bảng tham khảo tỷ lệ % để xác định mức trọng yếu tổng thể báo cáo tài chính trên thế giới
Cơ sở xác định mức trọng yếu Tỷ lệ xác định mức trọng yếu
Lợi nhuận trước thuế 5 – 10%
Tổng doanh thu 0.5 – 1%
Tổng tài sản 0.5 – 1%
Vốn chủ sở hữu 1- 2%
(Nguồn: Gay & Simnett 2003, Auditing and Assurance Service [8])
Ngoài ra, đối với Việt Nam, có thể tham khảo theo tỷ lệ gợi ý mà thông lệ kiểm toán quốc tế tại Việt Nam thường áp dụng (theo Chương trình kiểm toán mẫu, ban hành theo quyết định số 1089/QĐ-VACPA ngày 1/10/2010 của chủ tịch VACPA) tại bảng sau:
Bảng 3.6. Bảng tham khảo tỷ lệ % để xác định mức trọng yếu tổng thể báo cáo tài chính của VACPA
Cơ sở xác định mức trọng yếu Tỷ lệ xác định mức trọng yếu
Lợi nhuận trước thuế 5 – 10%
Tổng doanh thu 0.5 – 3%
Tổng tài sản 1 – 2%
Vốn chủ sở hữu 1- 5%
(Nguồn: VACPA)
Tỷ lệ phần trăm được xác định có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy theo từng trường hợp cụ thể [3]. Theo như hướng dẫn từ hai nguồn trên về tỷ lệ %
để xác định mức trọng yếu, có sự khác nhau ở từng tiêu chí, riêng chỉ tiêu Lợi nhuận trước thuế là có sự tương đồng nhau.
Từ những phân tích trên, tác giả lựa chọn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế làm cơ sở để đánh giá sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính. Cụ thể, nếu chênh lệch trên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trước và sau kiểm toán ≥ 5%, báo cáo tài chính đó được đánh giá là có khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu.
Lựa chọn các doanh nghiệp có báo cáo tài chính khả năng không tồn tại sai phạm trọng yếu(Phụ lục 04)
Doanh nghiệp có báo cáo tài chính không tồn tại sai phạm trọng yếu được lựa chọn là các doanh nghiệp có chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính chênh lệch trước và sau kiểm toán <5%. Ngược lại với cách lựa chọn trên, các doanh nghiệp có báo cáo tài chính được cho là không tồn tại sai phạm trọng yếu khi thỏa mãn hai tiêu chí:
- Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trước và sau kiểm toán bằng nhau, hoặc chênh lệch nhau dưới 5%. Để tạo khoảng cách an toàn, các doanh nghiệp trong mẫu được chọn theo tiêu chí, chênh lệch chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau kiểm toán ≤ 4%.
- Các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được lựa chọn phải tương tự với các doanh nghiệp có báo cáo tài chính có khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu về ngành nghề, về qui mô doanh nghiệp và năm báo cáo. Trong đó, qui mô doanh nghiệp được đo lường bằng chỉ tiêu Tổng tài sản cuối kỳ thể hiện trên Bảng Cân đối kế toán, các doanh nghiệp được xem là tương đồng nhau về qui mô khi chênh lệch giá trị Tổng tài sản cuối kỳ năm báo cáo ≤ 20% (Phụ lục 05).
Mã hóa giá trị của biến phụ thuộc
- 0: khả năng không tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính. - 1: khả năng có tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính.
b. Đo lường biến độc lập
Biến độc lập là 11 biến như đã mô tả ở phần trên, trong đó bao gồm biến qui mô và mười biến tỷ số tài chính của doanh nghiệp.
Dữ liệu của các biến độc lập được thu thập từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh giai đoạn 2010-2013. Nguồn thu thập là từ website stox.vn, s.cafef.vn và cophieu68.vn.
Trường hợp số liệu của một công ty không đầy đủ hoặc có khoản mục nào bằng không (bằng 0) thì loại bỏ ra khỏi mẫu và thực hiện thay thế bằng dữ liệu của một công ty khác.
Các doanh nghiệp được chọn không hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm vì những lĩnh vực này, giá trị hàng tồn kho thường thấp hoặc bằng không (=0).