Đối với Bộ tài chính, tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nhận diện khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 84 - 88)

8. Kết cấu của luận văn

4.2.1. Đối với Bộ tài chính, tổ chức nghề nghiệp kế toán kiểm toán

Với tình hình như hiện nay, đóng vai trò là bộ phận biên soạn và ban hành các văn bản qui định về công tác kế toán – kiểm toán, Bộ tài chính phối hợp với Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần phải phát huy hơn nữa vai trò điều hành của mình đối với hoạt động kế toán kiểm toán trong các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo quan điểm cá nhân, từ kết quả nghiên cứu ở trên, tác giả kiến nghị một số vấn đề nhằm hạn chế khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu báo cáo tài chính như sau:

- Bộ tài chính cần phối hợp tốt hơn với Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và các cơ quan có liên quan khác trong việc soạn thảo văn bản, cập nhật kiến thức kiểm toán, quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán …

Việc Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam được thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ tài chính là một bước tiến lớn, từng bước nâng

cao chất lượng dịch vụ kiểm toán Việt Nam. Bộ Tài chính đã quyết định giao một số nội dung công việc quản lý hành nghề kiểm toán, trực tiếp kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán, nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam… cho Hội nghề nghiệp, và cho đến nay đã được thực hiện tương đối tốt khi đã soạn thảo và ban hành thành công chuẩn mực kiểm toán Việt Nam năm 2012, cập nhật kiến thức hàng năm cho các kiểm toán viên Việt Nam… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại:

+ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành nhưng nhiều vấn đề chưa rõ ràng, khiến các kiểm toán viên và các đối tượng sử dụng gặp khó khăn trong việc thực hiện. Do đó, khi ban hành văn bản, cần thiết phải sử dụng từ ngữ dễ hiểu, và cần tổ chức các cuộc lấy ý kiến về dự thảo văn bản sắp ban hành từ doanh nghiệp để việc ban hành không bị bất cập.

+ Không đồng nhất giữa các văn bản qui định cùng một vấn đề: trong giai đoạn 2010-2013, kế toán các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ, khi đồng thời song song hai văn bản qui định không thống nhất với nhau về vấn đề này, là Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 (VAS 10) và thông tư 201/2009/TT-BTC. Theo đó, ngoài việc một số các doanh nghiệp lúng túng trong cách hạch toán, một số khác lại lợi dụng sự bất cập này để điều chỉnh số liệu của doanh nghiệp mình theo ý muốn. Mặc dù sau đó Bộ tài chính đã ban hành thông tư 179/2012/TT-BTC ngày 24/10/2012 thay thế hoàn toàn cho thông tư 201 và phù hợp hơn với chuẩn mực kế toán số 10, nhưng đây cũng là một kinh nghiệm quí báu cho Bộ tài chính và Hội nghề nghiệp khi ban hành các văn bản sau này.

+ Cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên, hay các buổi hội thảo giới thiệu văn bản, qui định mới chưa mang lại hiệu quả cao: việc cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên được Hội nghề nghiệp tổ chức định kỳ và tổ chức khi ban hành văn bản mới, tuy nhiên các thành viên tham gia cập nhật kiến thức chưa thực sự thấy hứng thú và bổ ích. Ngoài ra, Hội nghề nghiệp cũng đã thực

hiện tổ chức các buổi Hội thảo liên kết với các trường Đại học có liên quan để trao đổi về các văn bản mới, nhưng lợi ích thực sự mang lại của các buổi hội thảo vẫn chưa rõ ràng, còn nặng tính hình thức. Hội nghề nghiệp cần phải tổ chức các buổi hội thảo hay cập nhật kiến thức chất lượng hơn bằng các nội dung cụ thể hơn, chuyên sâu hơn, và cần có sự tương tác qua lại giữa Hội và các đối tượng tiếp nhận để khiến thông tin cung cấp mang tính hai chiều. Ngoài ra, đối với công tác kiểm toán, khâu thực hiện đánh giá rủi ro là khâu quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của cuộc kiểm toán, do đó, cần phải có các qui định chặt chẽ về các biện pháp mà doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đánh giá rủi ro. Hiện tại, có khá nhiều các nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới đề xuất ra các mô hình giúp kiểm toán viên đánh giá rủi ro có tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính. Theo đó, Bộ tài chính và tổ chức nghề nghiệp có thể xem xét kiểm định lại một số các mô hình có ý nghĩa thực tiễn lớn để cập nhật kiến thức cho các kiểm toán viên, phục vụ công tác lập kế hoạch kiểm toán.

- Khi xây dựng văn bản, chính sách, qui định, Bộ tài chính và Hội nghề nghiệp cần thiết phải lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp và các chuyên gia, nhưng phải phải chọn lọc, phân tích hợp lý trước khi ban hành.

Chẳng hạn, có nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý không nên cho phép các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính trước kiểm toán, vì điều này chính là nguyên nhân dẫn đến sự nhiễu số liệu giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc không cho phép các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính trước kiểm toán sẽ đưa đến nhiều bất cập, cụ thể:

+ Thứ nhất, theo qui định hiện hành, thì thời hạn chậm nhất để các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán là sau 90 ngày kể từ ngày khóa sổ lập báo cáo tài chính. Và trên thực tế, các doanh nghiệp cũng thường công bố báo cáo tài chính thời điểm gần đến hạn. Như vậy, các cổ đông phải đợi đến gần ba tháng sau mới biết được kết quả kinh doanh của

doanh nghiệp. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền được biết thông tin của cổ đông.

+ Thứ hai, các nhà đầu tư thường có đưa ra các quyết định đầu tư ở một thời điểm mà họ cho rằng phù hợp và thuận lợi. Sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin sẽ khiến thông tin mất đi tính kịp thời, từ đó giảm đi tính hiệu quả của thông tin tài chính.

+ Thứ ba, mặc dù sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán gây ra khá nhiều phiền phức cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính, nhưng đây cũng là một kênh quan trọng để đánh giá năng lực trình độ quản lý và sự trung thực trong công bố thông tin của doanh nghiệp. Sau một thời gian dài hoạt động, thị trường sẽ tự đào thải những doanh nghiệp không trung thực trong công bố thông tin, yếu kém trong cách thức quản lý.

Như vậy, thay vì qui định cấm các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính trước kiểm toán, cơ quan quản lý nên:

+ Thứ nhất, cần bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết tăng cường kiểm toán báo cáo tài chính hàng quý, kết quả kiểm toán quý được công bố sẽ khiến các đối tượng sử dụng có được các thông tin kịp thời cho việc ra quyết định, đồng thời có thể rút ngắn được thời gian công bố báo cáo tài chính năm sau kiểm toán. Mặc dù việc tăng cường kiểm toán quý sẽ làm tăng chi phí kiểm toán cho doanh nghiệp, tuy nhiên nếu thực hiện tốt, lợi ích thu được từ việc cung cấp thông tin tin cậy và kịp thời mang lại cho doanh nghiệp sẽ cao hơn.

+ Thứ hai, tác giả kiến nghị với Bộ tài chính, tổ chức nghề nghiệp cần tập trung vào các biện pháp chế tài đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính không trung thực. Việc chế tài hiện tại cũng đã được qui định tại điều 10 nghị định 105/2013 đối với các tình trạng lập báo cáo tài chính không trung thực hợp lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị phạt. Theo đó, tác giả cho rằng cần nghiêm chỉnh thực hiện biện pháp chế tài để răn đe các doanh nghiệp trong việc công bố thông tin và tăng cường kiểm soát

chất lượng hoạt động kiểm toán, nhất là đối với các công ty kiểm toán sắp đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ nhận diện khả năng tồn tại sai phạm trọng yếu trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)