Hợp đồng hoán đổi là một hợp đồng trong đó hai bên thoả thuận trao đổi nghĩa vụ thanh toán. Thông thường giao dịch này bao gồm việc thanh toán lãi, và trong một số trường hợp là việc thanh toán nợ gốc. Giao dịch hoán đổi lãi suất và hoán đổi ngoại tệ là sản phẩm của thị trường phi tập trung (OTC) được kết hợp trực tiếp giữa hai ngân hàng, hoặc giữa ngân hàng với khách hàng. Theo đó không có một mẫu chuẩn của hợp đồng giao dịch hoán đổi và các hợp đồng kiểu này sẽ khác nhau về một số nội dung.
Đối với các hợp đồng hoán đổi lãi suất, trước khi các giao dịch hoán đổi xuất hiện, bên vay và bên cho vay thường bị giới hạn ở lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi, cấp vốn hoặc cho vay trên cơ sở tiền mặt. Nhà đầu tư hoặc ngân hàng sẽ gặp phải sự không tương xứng về lãi suất giữa tài sản có và tài sản nợ. Ví dụ công ty vay lãi suất cố định , nhưng lại đầu tư vào thị trường lãi suất thả nổi, chắc chắn sẽ bị lỗ khi lãi suất giảm do không có khoản tăng thu nhập từ tài sản có lãi suất thả nổi. Giao dịch hoán đổi được tạo ra để xử lý những sự không tương xứng này, tạo cho ngân hàng, doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn các dòng lưu chuyển tiền tệ của mình.
Khi mới xuất hiện công cụ này vào đầu thập kỷ 1980, các ngân hàng dàn xếp các giao dịch hoán đổi cho các bên cụ thể có nhu cầu cần bổ sung cho nhau. Các ngân hàng thu được phí do làm đại diện trong các giao dịch này. Thị trường càng phát triển, ngân hàng tham gia với vai trò chủ chốt, thực hiện những bù trừ tất cả các trạng thái với các bên ngang nhau và đối nghịch.
Trên đây là những công cụ phái sinh được sử dụng cho việc phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra đối với các ngân hàng thương mại. Trong số đó, rủi ro về lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại là một vấn đề được đề cập rất
nhiều trong giai đoạn hiện nay, khi mà cơ chế về lãi suất được vận dụng thả nổi theo thị trường, từ đó tạo ra những thay đổi lớn trong nhiều hoạt động của ngân hàng. Và do vậy, đối với các ngân hàng thương mại, việc vận dụng các công cụ phái sinh, được giới thiệu khái quát ở phần tiếp theo dưới đây, sẽ là những kiến thức rất hữu ích để giúp cho các ngân hàng thương mại thực hiện phòng ngừa rủi ro lãi suất, và trên cơ sở đó, nó sẽ giúp ngân hàng chủ quản lý được mọi tình huống thay đổi có thể xảy ra nhằm giúp cho hoạt động của ngân hàng luôn ổn định và phát triển bền vững.