Phát triển ổn định thị trường bán lẻ

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và quản lý rủi ro về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngoại thương việt nam (Trang 91 - 93)

Phát triển thị trường bán lẻ mạnh mẽ hơn nữa là một sách lược mà Vietcombank cần phải thực hiện triệt để, nhằm mục đích tạo ra lợi thế của mình trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa Vietcombank với các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại ở tất cả các hoạt động chính yếu của một ngân hàng thương mại, để tạo ra ưu thế của mình trên thị trường. Do vậy, để lấy được niềm tin của khách hàng, Vietcombank đã phải xây dựng và triển khai hệ thống bán lẻ rộng khắp như triển khai phòng giao dịch, hệ thống chi nhánh, các kênh

phân phối điện tử để duy trì và phát triển hoạt động bán lẻ, đồng thời với việc xây dựng các chính sách về lãi suất sao cho Vietcombank vẫn duy trì sự tồn tại trong cuộc cạnh tranh về lãi suất trên thị trường bán lẻ. Chính điều này là bài toán cần được Vietcombank chú trọng giải quyết để sao cho chính sách lãi suất được áp dụng cho thị trường bán lẻ không bị áp lực gây nên rủi ro về lãi suất cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Những khoản tiền gửi bán lẻ là nguồn vốn thuộc tài sản nợ của Vietcombank, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, là nguồn vốn chiến lược chính, nó hình thành sức mạnh của ngân hàng Vietcombank, bởi vì chúng có đặc điểm là ổn định trong dài hạn và có chi phí thấp hơn so với thị trường bán buôn. Theo như khảo sát, xét về mặt kỳ hạn, nguồn vốn này được xem như nguồn vốn ngắn hạn, tuy nhiên, phần lớn số dư của nguồn vốn bán lẻ này lại có tính ổn định thường xuyên giống như những nguồn vốn dài hạn, chỉ có điều nó có nhược điểm là nó phải chịu chi phí hạ tầng cơ sở cao, do Vietcombank phải chuẩn bị mạng lưới bán lẻ rộng khắp. Do vậy, Vietcombank phải thực hiện đầu tư đúng mức để duy trì ổn định hệ thống bán lẻ, nhằm tận dụng được nguồn vốn có chi phí tương đối khá rẻ này, trong khi đó, Vietcombank lại giảm bớt được lãi suất thực trả cho khách hàng thông qua các phí quản lý tài khoản (nếu có) bao gồm: phí mở tài khoản, phí quản lý thường niên, phí cung cấp sao kê, phí xác nhận số dư.

Như vậy, đối với tài sản nợ, nếu Vietcombank tận dụng tốt được nguồn vốn từ hệ thống bán lẻ này, thì xem như Vietcombank đã đạt được mục đích là giảm thiểu chi phí đầu vào từ nguồn vốn huy động của mình vốn khả dĩ theo xu hướng tăng theo sự cạnh tranh. Và do vậy, Vietcombank có khả năng giảm thiểu được rủi ro về lãi suất gây ảnh hưởng đến nguồn thu từ tài sản có do cho vay khi có biến động mạnh về lãi suất trên thị trường.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và quản lý rủi ro về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngoại thương việt nam (Trang 91 - 93)