Phòng ngừa rủi ro lãi suất bằng hợp đồng lãi suất tương lai

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và quản lý rủi ro về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngoại thương việt nam (Trang 77 - 81)

Hợp đồng tương lai là hợp đồng mua bán một lượng tài sản tại một thời điểm xác định trong tương lai, với một mức giá được xác định ngay trong thời điểm thỏa

thuận hợp đồng. Hợp đồng tương lai về lãi suất là hợp đồng tương lai về tài sản mà giá của nó phụ thuộc duy nhất vào mức lãi suất.

Hợp đồng tương lai thường được mua bán trên thị trường tập trung và được thực hiện thông qua các trung tâm thanh toán bù trừ. Trong hợp đồng lãi suất tương lai, do lãi suất biến động không ngừng theo thời gian, nên giá trị thị trường của hợp đồng tài chính tương lai thay đổi hàng ngày. Vì vậy, hợp đồng tương lai được tính theo điểm của thị trường hàng ngày để phản ánh giá trị hiện tại của các tài sản sẽ được giao dịch.

Nguyên lý cơ bản khi sử dụng thị trường tương lai để phòng ngừa rủi ro là : nếu giá trị thị trường của tài sản giảm, mức thu lợi trên hợp đồng tương lai sẽ bù đắp phần lỗ trong kinh doanh thực tế của nhà đầu tư. Ngược lại, nếu giá trị thị trường của tài sản tăng, thì phần lỗ trên hợp đồng tương lai sẽ đuợc bù đắp bởi phần lợi nhuận trong kinh doanh thực tế của nhà đầu tư. Đối với những tài sản có độ nhạy cảm với lãi suất, thì khi lãi suất tăng, giá trị thị trường của tài sản sẽ giảm (trái phiếu), do đó nhà đầu tư sẽ bị lỗ nếu bán tài sản. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư có thể bán hợp đồng tương lai trên thị trường tập trung để hạn chế sự thua lỗ trong kinh doanh. Ngược lại, nếu lãi suất giảm, nhà đầu tư có thể mua hợp đồng tương lai để hạn chế sự thua lỗ khi mua tài sản.Hiện nay, hợp đồng tương lai chưa được triển khai thực hiện ở Việt Nam do thị trường tập trung thiếu sự đa dạng hóa các loại hình sản phẩm phái sinh, do vậy, việc phòng ngừa những rủi ro về lãi suất đối với Vietcombank sử được thực hiện theo các hướng sau đây:

- Thứ nhất, Vietcombank phải sử dụng hợp đồng tương lai để bảo hộ danh mục đầu tư trái phiếu.

- Thứ hai, Vietcombank phải sử dụng hợp đồng tương lai để bảo hộ lãi suất thả nổi.

Các công cụ phái sinh như đã được giới thiệu, mặc dù cũng đem lại những lợi ích nhất định cho ngân hàng khi vận dụng nó để thực hiện phòng ngừa rủi ro về lãi suất. Tuy nhiên, đối với thị trường tài chính ở Việt Nam, các công cụ này chưa thể được vận dụng như là một kế sách hữu hiệu giúp cho ngân hàng phòng ngừa và quản lý được các rủi ro về lãi suất. Hơn nữa, cơ sở pháp lý các các nghiệp vụ phái sinh còn mang tính thí điểm và đơn lẻ, chưa hình thành những giá trị niêm yết về các hợp đồng lãi suất kỳ hạn và tương lai, ngoại trừ giao dịch hoán đổi lãi suất đã có quy chế trước đây của Ngân Hàng Nhà Nước ban hành theo Quyết định số 1133/2003/QĐ- NHNN, ngày 30/9/2003, và được thay đổi bằng quyết định số 62/2006/QĐ-NHNN, ban hành quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất quy định kể từ tháng 1/2007, theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất với các doanh nghiệp không phải là ngân hàng được thành lập, hoạt động theo pháp luật Việt Nam; giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với tổ chức tín dụng ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng các giao dịch còn ít chỉ có khoảng gần 15 hợp đồng hoán đổi lãi suất và một số ít hợp đồng phái sinh không chuẩn khác đã được cho phép thực hiện.

Một số tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện công cụ hoán đổi lãi suất như sau:

- Ngân hàng Citibank thực hiện thí điểm hoán đổi lãi suất giữa 2 đồng tiền từ ngày 1/3/2005 đến 2/2006.

- Ngân hàng Standard Chartered chi nhánh tại Việt Nam thực hiện hoán đổi lãi suất chéo giữa 2 đồng tiền chéo (Cross Currency Swap - CCS) đối với khoản vay ngoại tệ của khách hàng sau khi khách hàng vay ngoại tệ;thực hiện cung cấp sản phẩm gắn với rủi ro tín dụng- lãi suất cơ cấu cho tiền gửi và giấy tờ có giá, theo đó lãi suất của khách hàng được hưởng sẽ không cố định mà nằm trong một khoảng giao động nhất định và phụ thuộc vào sự biến động của một số yếu tố thị trường , như tỷ giá, lãi suất, giá sản phẩm hàng hóa nào đó...

- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (NHĐT&PT), thực hiện thí điểm giao dịch quyền chọn lãi suất đối với các khoản cho vay hoặc đi vay trung hạn bằng USD hoặc euro. Đối tác thực hiện giao dịch quyền chọn lãi suất là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, các NHTM hoạt động tại VN được NHNN cho phép thực hiện thí điểm giao dịch quyền chọn lãi suất và các NH nước ngoài. Số gốc của hợp đồng quyền chọn lãi suất tối đa bằng 15% vốn tự có của NHĐT&PT. Tổng số là hợp đồng trong thời gian thí điểm không vượt quá 50% mức vốn tự có của NH. thời hạn hợp đồng không quá 5 năm; thực hiện nghiệp vụ tiền gửi kết hợp quyền chọn tiền tệ- Dual currency Deposit; thực hiện hoán đổi tiền tệ chéo. Đó là việc trao đổi các dòng tiền trong tương lai bằng các đồng tiền khác nhau. Trong các giao dịch hoán đổi chéo thường có việc hoán đổi thanh toán lãi (cố định hoặc thả nổi) bằng một đồng tiền sang thanh toán lãi (cố định hoặc thả nổi) bằng một đồng tiền khác. Số tiền gốc trong giao dịch có thể được hoán đổi vào kỳ đầu (nếu có) và kỳ cuối hoặc nhiều kỳ trong thời gian hiệu lực của giao dịch.

- Ngân Hàng Ngoại Thương (NHNT) thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất kèm theo điều kiện quyền chọn với các đối tác là TCTD hoạt động tại Việt Nam và các pháp nhân khác hoạt động ở trong nước và nước ngoài, phù hợp với các qui định của

pháp luật. Quyền chọn thuộc về NHNT là quyền kết thúc trước hạn hợp đồng Swap đối với các khoản vay của Bộ Tài Chính.

- Ngân hàng HSBC thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cộng dồn – Daily range accrual, thời hạn của hợp đồng tối đa 5 năm. Theo thoả thuận hoán đổi này, khách hàng vay cuả HSBC sẽ trả Sibor cộng với phần chênh lệch và tổng lãi suất phải trả này không vượt quá mức lãi suất cao nhất đã được định trước. Đổi lại HSBC sẽ trả Sibor cộng với phần chênh lệch cho những ngày lãi suất Sibor giao động trong một khoảng được định trước. Cụ thể, hợp đồng này thoả thuận giữa khách hàng vay vốn với thời hạn 6 năm lãi suất thả nổi. Nếu đến ngày đáo hạn lãi suất Sibor không vượt quá mức lãi suất xác định trước (4,5%/năm) thì HSBC sẽ trả lãi suất cho khách hàng với mức lãi suất (Sibor + 1,1%). Trường hợp vượt mức lãi suất định trước, thì HSBC không phải trả mức lãi suất này. Đổi lại, khách hàng sẽ trả cho HSBC mức lãi suất (Sibor + 0,6%), nhưng tối đa không vượt quá 5,1%/ năm; thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất giữa 2 đồng tiền.

Như vậy hợp đồng hoán đổi lãi suất là gì? Nó có những lợi ích gì? Những vấn đề này sẽ được đề cập dưới đây, và liệu Vietcombank sẽ phải làm gì khi mà công cụ phái sinh này được chính thức thực hiện với đầy đủ các phương thức của nó, nhằm thực hiện việc phòng ngừa rủi ro về lãi suất.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa và quản lý rủi ro về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngoại thương việt nam (Trang 77 - 81)