Giáo dục là con đường đặc biệt để truyền đạt những kinh nghiệm xã hội cho thế hệ sau. Giáo dục tác động có mục đích, có ý thức, có kế hoạch của thế hệ trưởng thành đối với thế hệ trẻ đang lớn lên, nhằm hình thành những phẩm chất nhất định của cá nhân. Những yếu tố tác động đến quá trình giáo dục gồm: phương tiện học tập, điều kiện học tập, động cơ học tập, mục đích học tập. Bởi vậy, khi đánh giá công tác giảng dạy lịch sử Việt Nam bậc Trung học Phổ thông cần nhìn nhận tất cả những yếu tố tác động đến quá trình giáo dục môn Lịch sử.
a) Điều tra xã hội học về công tác giảng dạy lịch sử Việt Nam
Nhằm đánh giá một cách khách quan về quá trình giáo dục môn Lịch sử bậc Trung học Phổ thông hiện nay, chúng tôi đã tiến hành điều tra xã hội học về vấn đề này. Cụ thể như sau:
* Về hình thức khảo sát: thông qua Phiếu khảo sát. Phiếu khảo sát gồm có 05 câu hỏi. Mỗi câu hỏi sẽ có từ 2 - 6 phương án trả lời. Để trả lời 01 câu hỏi, đối tượng khảo sát có thể chọn một hoặc nhiều phương án thích hợp nhất, trừ những câu hỏi có câu trả lời là “Có/không”.
* Về nội dung khảo sát:
- Câu 1: Bạn có thích học môn Lịch sử không? - Câu 2: Bạn học môn Lịch sử đạt loại gì?
- Câu 3: Tại sao bạn không thích học môn Lịch sử? - Câu 4: Bạn thích một giờ học Lịch sử như thế nào?
- Câu 5: Bạn có muốn học Lịch sử thông qua các tài liệu giấy, phim, ảnh gốc có liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử không?
(Mẫu Phiếu khảo sát tại Phụ lục số 2)
* Về số lượng Phiếu khảo sát: - Số phiếu phát ra: 500 phiếu. - Số phiếu thu về: 480 phiếu.
Mỗi địa điểm khảo sát từ 50 - 100 phiếu.
* Về thời gian khảo sát: từ tháng 02 năm 2009 đến tháng 5 năm 2009. * Về đối tượng khảo sát: gồm 3 nhóm đối tượng chính:
- Học sinh lớp 11: Trường THPT Yên Định II - Thanh Hoá.
- Học sinh lớp 12: Trường THPT Bảo Thắng I - Lào Cai; Trường THPT Nhân Chính - Hà Nội; Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh - Hà Nội; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định; Trường THPT Ninh Giang - Hải Dương; Trường THPT Cộng Hiền - Hải Phòng; Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - Nghệ An.
- Sinh viên năm thứ hai đại học: Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
* Kết quả khảo sát:
- Số phiếu thu về: 480 phiếu, chiếm 96%; - Giới tính: + Nam: 176, chiếm 37%. + Nữ: 304, chiếm 63%. - Yêu thích môn Lịch sử: + Có: 226, chiếm 47,1%. + Không: 254, chiếm 52,9%. - Xếp loại môn Lịch sử: + Giỏi: 106, chiếm 22%. + Khá: 256, chiếm 53%.
+ Trung bình: 118, chiếm 25%. + Kém: 0, chiếm 0%.
- Nguyên nhân không yêu thích môn Lịch sử:
+ Nội dung sách giáo khoa chưa phù hợp: 98, chiếm 20,4%. + Giáo viên giảng dạy không nhiệt tình: 40, chiếm 8,3%. + Chương trình học chưa linh hoạt: 158, chiếm 32,9%.
+ Thiếu công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập: 159, chiếm 33,1%. + Hình thức thi cử lạc hậu: 83, chiếm 17,3%.
- Mong muốn về một giờ học Lịch sử: + Giáo viên nhiệt tình: 200, chiếm 41,7%.
+ Học sinh không phải học thuộc lòng: 162, chiếm 33,8%.
+ Sử dụng nhiều tài liệu, tranh, ảnh, phim minh hoạ: 276, chiếm 57,5%. + Tổ chức các trò chơi: 115, chiếm 24%.
+ Đi tham quan bảo tàng, kho lưu trữ: 275, chiếm 57,3%. + Có nhiều loại sách tham khảo: 89, chiếm 18,5%.
- Muốn học Lịch sử thông qua các tài liệu giấy, phim, ảnh gốc có liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử:
+ Có: 442, chiếm 92,1%. + Không: 32, chiếm 6,7%.
(Bảng tổng hợp Phiếu khảo sát tại Phụ lục số 3)
* Nhận xét:
- Số lượng học sinh không thích học môn Lịch sử nhiều hơn số lượng học sinh thích học. Tuy nhiên, dù có hoặc không thích học môn Lịch sử song đa số học sinh đều đạt loại khá, giỏi, ít loại trung bình.
- Nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh không thích học môn Lịch sử là do: thiếu công cụ hỗ trợ, chương trình học chưa linh hoạt và nội dung sách giáo khoa chưa phù hợp. Một số ít học sinh không thích học môn Lịch sử vì hình thức thi cử lạc hậu hoặc giáo viên giảng dạy không nhiệt tình.
- Đa số học sinh mong muốn một giờ học Lịch sử có nhiều tài liệu, tranh, ảnh, phim minh hoạ; được đi tham quan bảo tàng, kho lưu trữ. Tiếp theo đó là, giáo viên giảng dạy nhiệt tình, học sinh không phải học thuộc lòng, được tham gia các trò chơi. Một tỉ lệ nhỏ học sinh mong muốn có nhiều loại sách tham khảo môn Lịch sử hơn.
- Chiếm một tỷ lệ lớn học sinh muốn học Lịch sử thông qua các tài liệu giấy, phim, ảnh gốc có liên quan trực tiếp đến sự kiện lịch sử.
Theo lời của nhà sử học Dương Trung Quốc:“Trong một cuộc điều tra từ cuối năm 1990, với gần 2.000 đối tượng được hỏi ở lứa tuổi học sinh, sinh viên thì chỉ có 39% biết lai lịch của Hùng Vương, 65% biết Trương Định là ai, nhưng đa số biết rõ lai lịch của Michael Jackson, Maradona,... Quả là một thực tế đáng buồn”. Còn theo thống kê của Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2007, điểm trung bình môn Lịch sử là 2, trong khi môn Vật lý là gần 5,2, Hóa học là gần 4,5, Văn là 4,4, Toán là gần 3,7 và Ngoại ngữ là 3,6 điểm. Đáng lưu ý, trong số hơn 150.000 thí sinh thi Lịch sử được 0 - 4,5 điểm (gần 96% tổng số thí sinh dự thi), có gần 6.000 em được 0 điểm. Số thí sinh đạt trên 5 điểm chỉ khoảng 6.700 (chiếm hơn 4%) và chỉ có 34 bài được 8,5 - 9 điểm. Kết quả thống kê này đối lập với kết quả khảo sát của chúng tôi khi 75% trong số gần 500 học sinh được khảo sát trả lời đạt kết quả khá, giỏi môn Lịch sử. Vậy thì phải chăng, hình thức thi cử hiện nay trong các trường Trung học Phổ thông chưa đánh giá thực chất chất lượng môn Lịch sử hay do cách ra đề thi giữa các trường Trung học Phổ thông và cao đẳng, đại học khác xa nhau... Để thấy rõ hơn tại sao học sinh không yêu thích môn Lịch sử, chất lượng môn Lịch sử thấp, chúng ta hãy phân tích những nguyên nhân đã nêu trên.
Nguyên nhân thứ nhất, chương trình học môn Lịch sử chưa linh hoạt. Như đã phân tích ở trên, trong một khuôn khổ nhất định, nội dung sách giáo khoa chỉ tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự mà thiếu đi lịch sử trong
các lĩnh vực văn hoá, ngoại giao, khoa học, kỹ thuật... Môn Lịch sử chủ yếu là các con số, sự kiện, địa điểm, nhân vật lịch sử... Hơn nữa, phần lớn thời gian, học sinh học ở trên lớp với hình thức học truyền thống thầy giảng - trò ghi. Học sinh ít được tham gia các hoạt động ngoại khoá như tham quan bảo tàng, cơ quan lưu trữ; gặp gỡ các nhân vật lịch sử... Môn Lịch sử trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn. Học sinh học lịch sử bằng cách thuộc lòng, không có sự liên hệ, so sánh với thực tiễn. Hay nói một cách khác, học sinh không thấy được mối liên hệ giữa lịch sử - hiện tại - tương lai, không thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của lịch sử đối với cuộc sống hiện tại. Và phải đánh giá một cách khách quan rằng, sách giáo khoa Lịch sử đang sử dụng trong nhà trường hiện nay mặc dù có nhiều cải tiến, nhưng kênh chữ vẫn nhiều so với kênh hình mà tài liệu trực quan hỗ trợ cho việc giảng dạy rất thiếu.
Nguyên nhân thứ hai, giáo viên giảng dạy không nhiệt tình. Điều này cần được nhìn nhận từ hai phía, cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, từ trước đến nay, môn Lịch sử bị coi là môn học phụ. Học sinh không hiểu hết tầm quan trọng của môn Lịch sử, thường chỉ học để đối phó với các kỳ thi, để đủ điều kiện lên lớp, tốt nghiệp... mà thiếu đi sự hứng thú, say mê trong học tập. Vì vậy, giáo viên thiếu đi lòng nhiệt tình, động lực trong giảng dạy. Mặt khác, cuộc sống của giáo viên môn Lịch sử chưa được bảo đảm. Mức lương còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội và nhu cầu thực tế. Với mức lương cơ bản của ngạch công chức là 650.000 đồng, giáo viên bậc Tiểu học (bằng trung cấp) hệ số 1,57, trợ cấp đứng lớp 35%, tương đương 1.377.675 đồng/tháng; giáo viên bậc Trung học Cơ sở (bằng cao đẳng) hệ số 1,79, trợ cấp đứng lớp 30% tương đương 1.512.550 đồng/tháng; giáo viên bậc Trung học Phổ thông (bằng đại học) hệ số 2,34, trợ cấp đứng lớp 30%, tương đương 1.977.300 đồng/tháng. Hơn nữa, giáo viên Lịch sử ít có thu nhập thêm từ giảng dạy ngoài giờ như các môn học chính. Với mức lương ít
ỏi như vậy khó có thể đòi hỏi giáo viên dành hết công sức và tâm huyết cho giảng dạy mà quên đi những lo toan của cuộc sống hàng ngày.
Về chủ quan, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền đạt kiến thức và đánh thức tình yêu lịch sử trong học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên không chỉ cần có chuyên môn vững vàng mà cả lòng yêu nghề, sự tận tuỵ và tinh thần trách nhiệm. Nhưng hiện nay, nhiều giáo viên lịch sử không vượt qua được khó khăn vật chất của cuộc sống hàng ngày cũng như mặc cảm là giáo viên dạy môn phụ để dành hết tâm huyết cho học sinh. Giáo viên chỉ dạy đủ nội dung, đủ số tiết theo phân phối chương trình, thiếu đi sự tìm tòi, sáng tạo. Từ đó dẫn đến hiện tượng giáo viên dạy để hoàn thành nhiệm vụ, học sinh học để đủ điều kiện. Bởi thế, có 200 phiếu khảo sát trong gần 500 phiếu khảo sát, học sinh mong muốn giáo viên giảng dạy nhiệt tình hơn.
Nguyên nhân thứ ba, thiếu công cụ hỗ trợ giảng dạy và học tập. Hiện nay, công cụ chủ yếu trong giảng dạy, học tập môn Lịch sử là sách giáo khoa. Các bản đồ, lược đồ, hình ảnh trong sách giáo khoa chỉ mang tính minh hoạ với số lượng hạn chế. Hơn nữa, Danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành yêu cầu về các thiết bị tối thiểu sử dụng trong giảng dạy môn Lịch sử còn ít, thô sơ và không phải trường nào cũng đã trang bị đầy đủ các thiết bị trên. Học sinh học lịch sử bằng cách ghi nhớ máy móc các sự kiện, nhân vật lịch sử, không có điều kiện tiếp cận với nguồn sử liệu gốc. Vì vậy, không thể đòi hỏi học sinh phải hiểu, phải yêu thích lịch sử khi không được sống trong không gian lịch sử. Điều này giải thích tại sao hơn 50% học sinh được khảo sát mong muốn đi tham quan bảo tàng, cơ quan lưu trữ và tiếp cận với nhiều tài liệu, tranh, ảnh, phim minh hoạ.
Nguyên nhân thứ tư, hình thức thi cử lạc hậu. Môn Lịch sử hiện nay được thi với hai hình thức tự luận và trắc nghiệm. Song nội dung thi ít có phần liên hệ, vận dụng, so sánh thực tiễn hoặc cho học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩa của mình. Học sinh không cần tư duy, sáng tạo mà vẫn có thể
được điểm cao. Bởi vâỵ, chúng ta đang giáo dục lịch sử cho học sinh từ một phía qua giảng dạy của giáo viên.
b) Một số giải pháp đã được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng môn Lịch sử
Trước thực tiễn công tác giảng dạy môn Lịch sử còn nhiều bất cập như hiện nay, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Tiêu biểu như cuộc thi “Biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa Lịch sử hiện hành” do Nhà xuất bản Giáo dục, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Mĩ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Hình thức bản thảo dự thi rất linh hoạt qua hai dạng: dạng bản thảo có đủ cả kênh hình và kênh chữ và dạng bản thảo chỉ có kênh chữ. Ở Hà Nội, nhiều học sinh bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông được nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Hà Nội, trang phục của người Hà Nội xưa và nay, công nghệ và khoa học trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, nền giáo dục của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kì lịch sử... Rất nhiều tiết học lịch sử Hà Nội được tiến hành một cách sinh động như vậy. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp trên còn mang tính đơn lẻ, tạm thời. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và lâu dài hơn.
Theo kế hoạch, đến năm 2010, với sự hỗ trợ của Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), hơn 40.000 trường học từ mầm non đến đại học sẽ được nối mạng Internet. Đặc biệt, ngày 06 tháng 8 năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố triển khai chương trình quốc gia “Máy tính Học đường” với sự hợp tác của Tập đoàn Intel, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và sở hữu công nghệ thông tin và truyền thông tới các giáo viên và học sinh tất cả các vùng, miền. Đây là chương trình nằm trong phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2009 - 2010 và mục tiêu “một triệu máy tính cho ngành giáo dục” tới năm 2011. Với sự trợ giúp
của công nghệ hiện đại, giáo viên và học sinh sẽ được kết nối với những nguồn tài nguyên tri thức khổng lồ của thế giới. Đây là một điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để triển khai các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trực tuyến phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam bậc Trung học Phổ thông.