Khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam trong các trường Trung học Phổ thông là hướng đi mới của các cơ quan lưu trữ nhằm tăng cường phát huy giá trị tài liệu trong công tác giáo dục. Để hoạt động này đạt hiệu quả, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - hai cơ quan quản lý công tác lưu trữ của Đảng và Nhà nướccần hợp tác xây dựng một chương trình tổng thể. Chương trình tổng thể này nhằm xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp và lộ trình khai thác, sử dụng tài liệu phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 bậc Trung học Phổ thông. Bởi vì, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong công tác giáo dục lịch sử là hình thức khá mới mẻ ở Việt Nam, cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đang bảo quản tài liệu lưu trữ và giữa các cơ quan này với cơ quan giáo dục. Do, tài liệu lưu trữ giai đoạn 1945 - 1975 được bảo quản tại nhiều cơ quan khác nhau như bảo tàng, thư viện, viện nghiên cứu... không chỉ riêng tại các cơ quan lưu trữ, nên để có được khối tài liệu lưu trữ giai đoạn 1945 - 1975 đa dạng, phong phú phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam cần có sự hợp tác, cung cấp tài liệu của nhiều cơ quan. Mặt khác, để khai thác, sử dụng tốt tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan giáo dục, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học Phổ thông. Đây
chính là những địa chỉ áp dụng kết quả của quá trình nghiên cứu, xây dựng các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam.
Chương trình tổng thể khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 bậc Trung học Phổ thông bao gồm các vấn đề chính sau:
a) Mục tiêu - Mục tiêu chung
+ Tuyên truyền, giới thiệu giá trị của tài liệu lưu trữ - di sản văn hoá của dân tộc với giáo viên và học sinh; nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh đối với tài liệu lưu trữ và qua đó nâng cao vai trò, vị trí của tài liệu trong việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ;
+ Tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ giai đoạn 1945 - 1975 hiện đang được bảo quản tại các cơ quan lưu trữ phục vụ hoạt động giáo dục lịch sử.
- Mục tiêu cụ thể
+ Đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khai thác, sử dụng tài liệ lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam;
+ Xây dựng, áp dụng các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 bậc Trung học Phổ thông; + Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cán bộ và năng lực phục vụ của các cơ quan lưu trữ nhằm phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh trong khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ.
b) Nội dung
- Thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam;
- Triển khai áp dụng các hình thức tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam;
- Hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan lưu trữ và cơ quan giáo dục trong nghiên cứu, xây dựng các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam.
c) Giải pháp
- Đơn giản hoá thủ tục khai thác, sử dụng tài liệu tại các cơ quan lưu trữ; - Lập danh mục tài liệu hạn chế sử dụng tại các cơ quan lưu trữ.
- Tổ chức giải mật tài liệu lưu trữ;
- Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu tài liệu lưu trữ;
- Đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam cho cán bộ lưu trữ;
- Bồi dưỡng kiến thức lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 nói riêng cho cán bộ lưu trữ;
- Đào tạo, nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam cho giáo viên, học sinh...
- Thực hiện chế độ miễn, giảm phí khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ cho giáo viên, học sinh...
d) Tổ chức thực hiện
- Xác định trách nhiệm của cơ quan lưu trữ, cơ quan giáo dục; - Phương thức thực hiện chương trình;
- Cơ sở vật chất thực hiện chương trình;
- Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện chương trình.