Tầm quan trọng của giảng dạy lịch sử Việt Nam

Một phần của tài liệu Khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975 ở bậc trung học phổ thông (Trang 33 - 36)

Xu thế của con người là muốn hiểu, muốn biết quá khứ của mình. Con người tìm thấy sự hấp dẫn của lịch sử khi từ quá khứ nhận ra những mối liên hệ với ngày hôm nay, thấy ngày hôm nay là tiếp nối của ngày hôm qua.

Theo nhà triết học B.Russel: “Đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại”.

Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, lúc sinh thời đã rất quan tâm đến việc học và truyền bá kiến thức lịch sử nước nhà:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Đúng vậy, chúng ta hiểu lịch sử để trước hết trang bị thế giới quan, sau đó là nhân sinh quan cho mình và sau nữa là để yêu nước, tự hào dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của lịch sử, trong nhà trường phổ thông của hầu hết các quốc gia trên thế giới, Lịch sử là môn học bắt buộc. Ví dụ như Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đặc biệt quan tâm đến giáo dục lịch sử trong trường học. Ông cho rằng giáo dục lịch sử là biện pháp hữu hiệu để chống lại sự lai căng của nền văn hoá và tạo niềm tin cho thế hệ trẻ. Tổng thống Mỹ George Bush trong Thông điệp giáo dục đã xác định Lịch sử và một số môn học khác là những mục tiêu cần quan tâm... Ở Việt Nam cũng

vậy, Lịch sử được giảng dạy với tư cách là một môn học chính thức từ lớp 4 đến lớp 12. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã nêu: “Coi trọng hơn nữa các môn khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tiếng Việt, lịch sử, địa lý và văn học Việt Nam”. Bởi vì, nếu học sinh từng bước được trang bị kiến thức về cội nguồn dân tộc, truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và những giá trị văn hoá, tinh thần mà ông cha mình, cũng như các nhà khai sáng khác đã gây dựng, gìn giữ bao đời thì chắc chắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, một thế giới quan đầy tính nhân văn sẽ được hình thành trong tâm hồn học sinh qua môn học Lịch sử.

Đặc biệt, giáo dục lịch sử nói chung và lịch sử Việt Nam ở lớp 12 nói riêng nhằm thực hiện một trong năm mục tiêu của giáo dục bậc Trung học Phổ thông, đó là: “Hình thành và củng cố các giá trị về tư tưởng, đạo đức, lối sống phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục phổ thông, mục tiêu giáo dục của cấp học và thích hợp với trình độ, lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Đó là tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, tinh thần tự tôn dân tộc; ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc; có chí tiến thủ lập nghiệp, không cam chịu nghèo hèn; có lòng nhân ái, ứng xử hợp đạo lý, có văn hoá trong quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội; sống lành mạnh, tự tin, giản dị, tiết kiệm; hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật; quan tâm đến những vấn đề cấp bách của đất nước, của toàn cầu” [55, tr.1]. Có thể khẳng định như vậy bởi các lý do sau:

Một là, học lịch sử là học về quá khứ của dân tộc, của nhân loại trên mọi phương diện đời sống xã hội như chính trị, văn hoá, ngoại giao, quốc phòng... Đó là những kiến thức quan trọng làm nền tảng tri thức của một con người, một dân tộc. Lịch sử là quá khứ, là trí nhớ của một dân tộc, nếu không có lịch sử,

dân tộc ấy như người bị thiểu năng trí tuệ. Lịch sử phản ánh tri thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tại thời điểm sự kiện, hiện tượng lịch sử diễn ra. Thông qua đó, lịch sử cung cấp cho học sinh kinh nghiệm, kỹ năng sống của con người trong quá khứ, giúp cho học sinh có thể vận dụng những kinh nghiệm, kỹ năng này trong thực tế. Không chỉ dừng lại ở đó, khi hiểu biết về lịch sử, học sinh sẽ thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước mình và tự hào về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hai là, học lịch sử góp phần hình thành thế giới quan khoa học, hình thành nhân cách cho học sinh. Trong trường phổ thông có nhiều môn học giúp học sinh hình thành thế giới quan khoa học như: đạo đức, giáo dục công dân, văn học… Và môn Lịch sử cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục để hình thành thế giới quan khoa học cho học sinh. Lịch sử cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử vấn đề để có thể kiểm chứng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Chúng ta không thể thuyết phục học sinh về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay những nguyên tắc trong nhận thức và hành động, những định hướng giá trị của con người nếu không giáo dục cho học sinh kiến thức từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bởi, lịch sử Việt Nam là bằng chứng thuyết phục nhất về tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn qua những chiến công lừng lẫy và cả những mất mát, hi sinh, gian khổ trong lịch sử. Để từ đó, học sinh tin tưởng, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

Đó chính là lý do tại sao phải giảng dạy lịch sử Việt Nam trong trường học và học sinh cần hiểu biết về lịch sử dân tộc.

Một phần của tài liệu Khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ giảng dạy lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975 ở bậc trung học phổ thông (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)