7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1 Lịch sử khẩn hoang Nam bộ gắn liền với văn hóa sông nước
1.2.1.1 Lịch sử hình thành
Lịch sử miền Nam Việt Nam gắn liền với công cuộc khẩn hoang của lưu dân, sự trù phú này không phải tự nhiên mà có mà phải trải qua một quá trình lao động miệt mài không ngừng nghỉ.
Từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII, đây là phần đất thuộc về vương quốc Phù Nam, một quốc gia ven biển có truyền thống hàng hải và thương mại khá phát triển, một đế chế rộng lớn bao gồm toàn bộ phần phía nam của bán đảo Đông Dương, một phần Thái Lan và bán đảo Malaca, cường thịnh với nền văn hóa Óc Eo mà trung tâm là Nam Bộ.
Vào khoảng năm 550, vương quốc chư hầu Chân Lạp tiêu diệt Phù Nam lập nên Thủy Chân Lạp. Vùng Thủy Chân Lạp này là một vùng đồng bằng mới bồi đắp còn ngập nước và sình lầy, do đó với số dân Khmer ít ỏi việc cai quản và khai thác vùng lãnh thổ mới này đối với Chân Lạp là vô cùng khó khăn.
Trải qua một thời gian dài vùng đất bị hoang phế, đến đầu thế kỷ XVI, sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm đánh bại phải dời đô đến Phnom Penh năm 1434 thì người Khmer mới rải rác định cư tại vùng đất này. Khu vực cư trú tập trung của người Khmer là các vùng đất cao ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Khoảng cuối thế kỷ XVI đã có những lớp người Việt đầu tiên vượt biển đến khai thác vùng này. Nhờ cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn với vua Chân Lạp Chey Chetta II mà từ năm 1620 dân cư hai nước đã có thể tự do qua lại sinh sống. Khu vực Đồng Nai bắt đầu xuất hiện người Việt định cư. Năm 1623 chúa Nguyễn lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé),
tuy vẫn còn là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng đây là trục giao thương của người Việt qua Chân Lạp và Xiêm. Năm 1679 người Hoa di dân đến Nam Bộ khi được chúa Nguyễn cho các tướng không thần phục nhà Thanh như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và 3.000 tùy tùng tới Mỹ Tho, Biên Hòa và Sài Gòn khai khẩn định cư. Năm 1680 Mặc Cửu và tùy tùng vượt biển đến Chân Lạp chiêu tập lưu dân lập ra 7 thôn xã từ Vũng Thơm đến Cà Mau đến năm 1708 cũng xin thần phục nhà Nguyễn.
Nói tóm lại, từ đầu thế kỷ XVI, đất đai Nam bộ hầu hết đều hoang hóa và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thiên nhiên trù phú rộng lớn cùng với đó là các điều kiện kinh tế xã hội và diễn biến chính trị đã tạo điều kiện và thúc đẩy cộng đồng lưu dân người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm nối tiếp nhau tiến vào Nam bộ. Họ chia nhau khai khẩn đất hoang, đào kinh, canh tác, buôn bán. Chính nhờ sự lao động cần cù không mệt mỏi trong suốt tiến trình khẩn hoang, người lưu dân đã biến một vùng đất hoang vu đầm lầy rộng lớn thành những cánh đồng trù phú, những vườn cây ăn quả ngọt lành và những đô thị năng động sầm uất.
1.2.1.2 Địa hình
Nam Bộ có khi hậu điều hòa, quanh năm nóng ẩm, ít bão, có hai mùa mưa nắng. Diện tích 6.130.000ha, toàn vùng ước tính 4.000 kinh rạch với chiều dài tổng cộng 5.700km, mang độ phì nhiêu cao nhất trong tất cả các đồng bằng nước ta, là một vùng đồng bằng mang tính sông nước đặc trưng. Nam bộ gồm có hai tiểu vùng với địa hình và thổ nhưỡng khác nhau là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đông Nam Bộ có độ cao hơn 100m, là vùng đất đỏ bazan và đất phù sa cổ. Tây Nam Bộ có độ cao trung bình chưa đầy 2m, là vùng đất phù sa mới. Đồi núi trong vùng không nhiều và tập trung ở miền Đông.
Nam bộ có hai hệ thống sông lớn là hệ thống sông Đồng Nai ở khu vực Đông Nam Bộ và hệ thống sông Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ. Đặc điểm và chức năng của hai hệ thống sông này cũng khác nhau.
Sông Đồng Nai có lượng phù sa thấp nhưng nhờ lòng sông sâu nên là nơi tập trung các cảng chính của khu vực là cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái, cảng Phú Mỹ.
Sông Cửu Long đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành đồng bằng sông Cửu Long và nuôi sống con người, là môi trường cho văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long hình thành và phát triển. Với lượng nước trung bình khoảng 4.000 tỷ m3/ năm, lượng phù sa cung cấp khoảng 100 triệu tấn/ năm, sông Cửu Long đã cùng với biển Đông hình thành và phát triển những vạt đất phù sa màu mỡ, các giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Với tốc độ dòng chảy và tốc độ dâng nước thấp nên vùng đồng bằng sông Cửu Long không cần phải đắp đê ngăn lũ như đồng bằng sông Hồng. Nguồn nước được luân chuyển thường xuyên đưa nước ngọt và phù sa vào đồng ruộng, rửa phèn vùng trũng, và là nguồn đánh bắt thủy sản phong phú nhất là vào mùa nước nổi.
Do điều kiện địa lý và địa hình đặc thù nên miền Nam nói chung, nhất là ở miền Tây Nam Bộ cách thức sinh hoạt, lao động của người dân mang đặc trưng đồng bằng sông nước rõ nét và đa dạng nhất so với các vùng miền khác trên cả nước.
Truyền thống nông nghiệp lúa nước của người Việt được phát huy tối đa ở Nam bộ. Với điều kiện đất màu mỡ và hệ thống tưới tiêu đảm bào nên đồng bằng sông Cửu Long là một trong hai vựa lúa lớn nhất cả nước, đạt sản lượng gạo suất khẩu trên 4.000.000 tấn/năm, Nam bộ cũng là vựa trái cây lớn, nơi cung cấp đến 70% trái cây cho cả nước. Các vựa trái cây lớn nhất miền Nam hầu như tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Những sản vật đã dần hình thành thương hiệu nổi tiếng khắp đồng bằng trong cả nước đã mang lại một nguồn thu lớn cho các nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Với hệ thống kênh rạch chằng chịt và nằm ở hạ lưu sông Mekong và được biển bao quanh hai phía, Nam bộ nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là ngư trường lớn của cả nước. Không chỉ cung cấp nguồn nước với lượng phù sa dồi dào, cá tôm phong phú và mạng lưới sông rạch Nam bộ còn là tiền đề phát triển các ngành nghề buôn bán, vận chuyển đường sông.
1.2.1.3 Văn hóa sông nước
Mặc dù đặc trưng văn hóa sông nước hầu như hiện diện ở hầu hết các quốc gia có nền văn minh lúa nước nhưng những đặc trưng chủ đạo của văn hóa sông nước lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và chi phối toàn diện cuộc sống, tạo nên tính cách miền Nam. Văn hóa sông nước được phản ánh rõ nét trong đời sống sinh hoạt, cách ăn mặc, nhà để ở và tiếng nói của người dân Nam bộ, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long.
Điều kiện địa lý và giao lưu tiếp biến văn hóa nên cơ cấu bữa ăn thông thường của người miền Nam có cơ cấu cơm – canh – rau- tôm cá. Ngoài ra, trong bữa cơm còn có sự xuất hiện của các món mắm. Với nguồn thủy sản dồi dào nên các loại mắm nơi đây rất phong phú và đa dạng và cách chế biến cũng rất đa dạng đặc sắc như mắm sống, mắm kho, mắm chưng, lẩu mắm, bún mắm…đặc biệt các món mắm này luôn đi kèm với nhiều loại rau vườn tạo nên hương vị độc đáo đặc trưng vùng sông nước miệt vườn.
Về ngôn ngữ, có thể nói, Nam bộ là nơi có nhiều từ ngữ chỉ các loại hình sông nước nhất trong cả nước: sông, lạch, rạch, xẻo, ngọn, mương, rãnh, ao hồ, đìa, hào, láng, lung, bưng, điền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng, bàu… Và các từ chỉ trạng thái của nước cũng nhiều không kém: nước lớn, nước ròng, nước đứng, nước chửng, nước rông, nước rặc, nước lên, nước xuống, nước nhảy, nước chụp, nước rút, nước nổi, nước lềnh, nước cạn, nước ngược, nước xuôi... sông nước đã trở thành linh hồn của vùng đất trong cả tiếng nói của người dân.
Văn hóa sông nước còn được biểu hiện qua trang phục hàng ngày của người dân. Chiếc áo bà ba và khăn rằn là trang phục của nông dân người Việt ở Nam bộ. Chiếc áo bà ba gọn nhẹ phù hợp khi chèo ghe xuồng, lội đồng, tát mương, tát đìa, cắm câu giăng lưới. Chiếc khăn rằn dùng để che đầu, lau mồ hôi. Đặc điểm của chúng đều là mỏng, mau khô, mà cơ động thoải mái.
Nhà ở của người Việt ở Nam bộ có ba loại chính là nhà đất ven lộ, nhà sàn dọc theo bờ kênh rạch và nhà nổi ven sông. Trong đó, nhà nổi trên sông có nhiều loại như một bè phao nổi dựng nhà lên trên hay một chiếc ghe tùy lớn nhỏ, vừa là
nơi cư trú vừa là phương tiện mưu sinh của những gia đình làm ngư nghiệp nuôi bè cá, hay là những chiếc ghe vận chuyển đường sông, buôn bán sỉ lẻ trên sông của các gia đình thương hồ.
Giao thông của vùng đất này được chia làm hai hướng: đường bộ hoặc đường thủy. Tùy vào địa hình mà người dân cư trú lựa chọn những phương tiện phù hợp. Tuy nhiên, ở miền Tây sông nước thì xuồng ghe có một tầm quan trọng đặc biệt vừa là phương tiện vận chuyển, vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là phương tiện cư trú của một số lượng lớn cư dân làm các nghề đò ngang đò dọc, buôn bán và nuôi cá trên sông. Vì vậy dòng sông, con đò đã trở thành một biểu tượng của miền Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm thi ca, thơ phú, hội họa khi nói về vùng đất này.
1.2.2 Sự phát triển giao thương đường thủy
Sống trong môi trường sông nước bao quanh, mạng lưới kênh rạch dày đặc, lưu dân người Việt có những thay đổi để thích nghi với môi trường sinh thái nơi đây. Việc học tập kinh nghiệm sống của người dân bản địa là nhóm cư dân Nam đảo và Môn – Khmer là rất cần thiết.
Lưu dân người Việt đến Nam bộ khai hoang lập ấp quần cư và dần hình thành xóm làng dọc theo kinh rạch hoặc trục lộ. Không lấy đắp đê ngăn lũ- trị thủy làm trọng, người dân Nam bộ tận dụng và khai thác tối đa ưu thế của hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt nơi đây. Làng Nam bộ theo không gian mở, cư dân của Nam bộ không cố định và cuộc sống phụ thuộc lớn vào nguồn thủy lợi dồi dào.
Ở miền Nam, dòng sông mang nguồn sống và có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất chính là sông Mekong hay còn gọi là Cửu Long giang. Bắt đầu từ Phnom Penh, sông Mê Kông chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac gọi là Hậu Giang hay sông Hậu và bên trái là Mê Kông gọi là Tiền Giang hay sông Tiền. Các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ của Việt Nam được gọi là Sông Cửu Long, mỗi phân lưu dài chừng 220-250 km. Lưu lượng nước các phân lưu rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và chuyên
chở rất nhiều phù sa bồi đắp tạo nên đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam.
Sông Hậu chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), Thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng (Sóc Trăng) và đổ ra biển trước kia bằng ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc, cửa Tranh Đề, cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1970 đã bị bồi lấp nên sông Hậu chỉ còn hai cửa biển ngày nay.
Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, chảy qua Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh(Đồng Tháp) đến Cai Lậy (Tiền Giang) thì chia làm bốn sông đổ ra biển bằng sáu cửa: cửa tiểu, cửa Đại, cửa Hàng Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và cửa Ba Lai.
Chính vì điều kiện tự nhiên đã có sẵn mạng lưới sông như vậy lại thêm việc người dân đào kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu nên Lê Qu ý Đôn đã miêu tả cảnh ruộng đồng ở đây trở nên trù phú, như sau: nơi đây có “nhiều ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ” [7, tr.112]
Nhà văn Sơn Nam trong “Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa”, đã mô tả như sau: “Nhà cửa bám vào bờ sông bờ rạch, nếu trước nhà là bãi bùn khá dài với dừa nước và rặng bần thì luôn luôn có đào mương nhỏ, xẻ ngang bãi để xuồng vào đậu sát bên nhà. Rửa chén vo gạo ở mương sau hè, bắc sàn để ngồi, gọi sàn nước; mương tù đọng, gọi là hà lảng. Dưới bến bắc cầu thang với nhiều bực để buộc ghe xuồng, lên xuống giặt quần áo, tắm rửa tùy nước lớn nước ròng”. [8, tr.112]
Do đất thấp, sông rạch nhiều nên khó bồi đất làm đường hay làm cầu để phát triển giao thông đường bộ, do đó giao thông đường thủy là sự lựa chọn tối ưu trong di chuyển và trao đổi giao thương hàng hóa. Một gia đình có thể không có nhà cửa nhưng nhà nào cũng phải có một chiếc xuồng để di chuyển, đi thăm họ hàng, mua bán, di chuyển đều đi bằng xuồng.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành thông chí, trong phần phong tục chí đã ghi nhận: "Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hoặc để đi thăm người thân thích,hoặc chở gạo củi đi buôn bán
rất tiện lợi. Ghe thuyền chật sông, ngày đêm đi lại không ngớt, cho nên nhiều khi đụng chạm nhau, bị hư hại rồi sinh ra kiện cáo, nhưng ai phải ai quấy thì thật khó xử đoán cho đúng lẽ". [9, tr.112]
Sơn Nam trong Văn minh miệt vườn có nói: “Ngày 20-7-1884, người Pháp đã mở tuyến xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, nhưng phải đến hết thế chiến thứ I (1918) bến bắc Cần Thơ mới được hình thành. Từ đó những con lộ Cần Thơ đi Long Xuyên, Sóc Trăng mới được đắp từ từ”. [10, tr.112]
Trong thời Pháp thuộc, giao thông đường bộ của miền Nam bước đầu được đầu tư phát triển, đã có các chuyến xe khách liên tỉnh, liên vùng. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ thời kỳ đó còn nhiều yếu kém và giá cả còn quá cao so với mức sống của người dân. Do đó, trong giao thương vẫn sử dụng phương tiện vận chuyển đường thủy là chủ yếu. Hàng hóa thường được vận tải bằng đường thủy, trên những chiếc ghe lớn tải trọng chừng 200 hoặc 300 tấn gọi là ghe chài. (Theo Vương Hồng
Sển thì chữ ghe chài là do tiếng Triều Châu là Pokchay; tức là ghe tải trọng lớn).
Từng đoàn ghe chài khoảng hơn 20 chiếc thường được một chiếc tàu kéo nhỏ nhưng công suất lớn, đoàn ghe thành một hàng dài là những hình ảnh quen thuộc trên sông cái cho đến những năm 60 thế kỷ trước. Ngành vận tải thủy Nam Kỳ thời gian này rất phát triển nhưng đa phần do người Hoa làm chủ.
Trong quyển Đồng bằng sông Cửu Long ở trang 126- 127, tác giả Phan Quang đã ghi lại một bài viết của một tạp chí xuất bản tại Sài Gòn năm 1961 như sau: “Riêng về ngành nầy (vận tải đường thủy nội địa), người Việt gốc Hoa có khoảng 170 hãng hoặc công ty vận tải. Những nhà chuyên chở hàng hóa hoặc nông phẩm từ Sài Gòn Chợ Lớn đi các tỉnh miền Tây hoặc miền Trung (Nam bộ), từ làng nầy qua làng khác, dọc theo các sông rạch…Ở vùng châu thổ sông Cửu Long, các nhà vận tải dùng ghe có tàu dòng. Họ có cả những chiếc tàu trọng tải chừng 500 tấn”
Khi giao thông đường thủy phát triển mạnh mẽ, các phương tiện di chuyển trên sông có nhiều kiểu và nhiều loại phong phú và đa dạng, tùy theo nhu cầu, mục đích sử dụng có tên gọi khác nhau.
Ban đầu, khi đến vùng đất miền Nam, lưu dân miền Trung vào khai cơ lập nghiệp bằng ghe bầu nhưng khi đến vùng sông rạch nhỏ chằng chịt thì ghe bầu