Đời sống thương hồ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn hóa thương hồ trong phát triển du lịch thành phố Cần Thơ (Trang 77)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.5 Đời sống thương hồ

Cư dân trên chợ nổi thường ở bán trú, gồm các thành phần: Ghe thương hồ lớn từ các nơi khác mang hàng đến giao thương buôn bán. Trên ghe thường có vợ, con, hoặc anh chị em đi cùng.Cũng có ghe lớn phải thuê thêm nhân công chạy máy, lên xuống hàng. Ghe tàu buôn bán trên chợ nổi Cái Răng có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nơi, biểu hiện bằng các ký hiệu trên ghe như: VL 8684, LA 03500, CT 44153, AG 0206…với VL-Vĩnh Long, LA-Long An, CT-Cần Thơ, AG- An Giang… đã góp phần làm đa dạng phong phú hình ảnh, mặt hàng của chợ nổi.

Thời gian lưu trú của những ghe lớn thường là ba đến bốn ngày neo đậu để bán hết một chuyến hàng rồi mới quay về bắt đầu lượt hàng mới. Người sống trên ghe thương hồ thường tự đi chợ, mua thực phẩm nấu ăn ngay tại trên ghe. Ngoài ra còn có các sinh hoạt tắm, giặt, vệ sinh cá nhân, giải trí tất cả đều được thực hiện trên ghe trong một không gian nhỏ hẹp. Những ghe nhỏ hơn chỉ đến buôn bán trong một buổi sáng hoặc nghỉ qua đêm tại chợ nổi, neo đậu chờ con nước. Vì vậy, thời gian cao điểm nhất của chợ nổi là vào buổi sáng từ sáu đến tám giờ sáng và giãn ra vào buổi chiều tối.

Thông thường đời sống một ngày của người dân thương hồ bận rộn nhất là vào mỗi buổi sáng sớm. Những nỗi gian truân cực khổ của những người buôn bán ở chợ trên bờ bao nhiêu thì giới thương hồ ở chợ nổi lại càng cơ cực. Từ hai ba giờ sáng họ đã phải thức dậy, chèo ghe chống xuồng đi lấy hàng để kịp về trước khi trời sáng. Đối với những ghe neo đậu còn hàng, neo đậu lại chờ thì từ buổi trưa đến chiều tối là khoảng thời gian nghỉ ngơi, giải trí của họ.Trên mui ghe, đàn ông của những ghe lân cận tụ họp quanh vài ly rượu đế, phụ nữ trẻ em vào trong khoang đưa võng nghe cải lương, xem tivi chạy bằng bình ắc-quy. Tuy có nhiều khó khăn nhưng sinh hoạt của giới thương hồ thường êm ấm, ít xảy ra xung đột bởi công việc được phân công khá rõ ràng: người đàn ông lo việc di chuyển chạy máy, giao dịch buôn bán, vận chuyển hàng… người phụ nữ ngoài việc cơm nước giặt giũ, chăm sóc con cái còn tính toán sổ sách vào mỗi cuối buổi sáng hoặc cuối ngày.

2.4.5.1 Tình làng xóm

Hầu hết người thương hồ đến mua bán tại chợ nổi là dân tứ xứ: dân vườn, dân chợ, dân thương lái đường dài, họ mang đến chợ nổi đủ các lối sống, tập quán nhưng tất cả đều tôn trọng các quy ước về giao thương, giao tiếp đã thành luật bất thành văn từ bao đời nay của nghiệp thương hồ.

Dù chỉ neo đậu gần nhau vài ngày trên một khúc sông nhưng tình tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của người dân thương hồ rất đáng trân trọng.Dù là xa lạ, xuất xứ khác nhau nhưng với chỉ vài lời chào hỏi, họ nhanh chóng trở nên thân

thiết. Ghe này mắc cạn, chết máy, người của ghe kia sẵn sàng phóng xuống sông phụ giúp đẩy ghe. Gặp sóng to gió lớn, ghe đầy hàng, chở khẳm bị nước tràn vào sắp gặp nguy hiểm thì người của ghe khác sẽ nhảy qua tát tiếp. Ghe nào có người bệnh, té sông, người qua đời bất ngờ thì nhiều ghe bạn sẽ hợp lại lo toan cạo gió, cứu nguy hoặc chung lo hậu sự…

Sau giờ buôn bán, họ thường rủ nhau uống rượu làm quen, mà người miền Nam thường gọi là “nhậu lai rai”.Người góp chai rượu, kẻ đưa vài món nhắm. Trong men rượu, họ hỏi nhau về quê hương, bản quán, gia cảnh, việc buôn bán lúc thuận lợi khi khó khăn… Nhờ vậy càng có thêm mối làm ăn, hẹn nhau mùa trái cây tới sẽ gặp lại.Ngày xưa, ngay trên chợ nổi người ta còn có thể kết tình huynh đệ, tình bằng hữu.Lối sống “tứ hải giai huynh đệ” là một nét đẹp có thực của người thương hồ trên nền tảng nghĩa tình vùng sông nước. Tuy trong một bộ phận thương hồ còn có một số tiêu cực như chửi thề, dùng vũ lực thay pháp luật nhưng nói chung, người thương hồ đều lấy việc đề cao nghĩa khí làm trọng, nhường nhau cùng sống dù lời ít hay lời nhiều. Gặp chuyện bất bình họ sẵn sàng ra tay cứu giúp, đứng về phía kẻ yếu dù có gặp nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy người thương hồ đi theo ghe thường có một ít võ phòng thân.

Không chỉ tồn tại tình làng nghĩa xóm giữa những ghe hàng lớn tại chợ nổi. Đối với những chiếc xuồng ghe thương hồ cỡ nhỏ buôn bán ở những kênh rạch miệt vườn, người thương hồ còn giúp những việc không công như đưa thư từ, thiệp mời cưới, lời nhắn gửi từ xóm này qua xóm khác…, mua giúp người dân miệt vườn những loại hàng hóa có giá trị hay phụ tùng máy móc thuộc dạng khó tìm vào những dịp ra chợ lớn bỏ hàng. Tình người của dân thương hồ vì thế mà được quý trọng và ca ngợi trong suốt những năm đầu mở cõi cho đến tận ngày nay.

Từ khi ra đời, chợ nổi Cái Răng lúc nào cũng đóng vai trò như “một xã hội

trên sông”. Ở đó, có những con người thật thà chất phác và đôn hậu: con trai thì hào

phóng như con nước ròng, nước lớn tràn bờ; con gái thì hiền hậu, ngọt ngào. Những mối tình giữa trai anh hùng với gái thuyền quyên cũng bắt đầu từ những ngày tháng rong ruổi trên sông nước này.

2.4.5.2 Đời sống tinh thần

Mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả khó khăn nhưng đời sống của người dân thương hồ không hề đơn điệu, tẻ nhạt mà trái lại họ luôn biết làm cho đời sống tinh thần của mình thêm phong phú hơn, luôn lạc quan và yêu đời. Sách Gia Định Thành Thông Chí viết: “ …theo con nước lớn ròng, ghe thuyền chèo chống, ca hát ngày đêm tấp nập…”.

Thưở mới ra đời, chợ nổi nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng chỉ là nơi hội tụ tàu bè, người mua kẻ bán. Dần dần không khí buôn bán trở nên sôi động nhờ những tiếng hò, điệu hát.Từ nhu cầu quảng cáo, chào hàng cũng như sự cần thiết phải giải buồn những khi nhớ nhà…nên họ thường tụ tập đánh chén, chơi bài và những câu ca điệu hát cũng ra đời từ đó.

Hò ơi…trai nào bảnh bằng trai Nhân Ái Đầu thì hớt chải tóc bém bảy ba

Mặc pi-ja-ma khăn rằn quấn cổ Thấy con gái Ba Xuyên ngồ ngộ Muốn cùng em thổ lộ đôi lời Cấy cày cực lắm em ơi

Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no…

Hay:

Sông quê nước chảy đôi bờ Để anh chín dại mười chờ thương em.

Theo nhà văn Sơn Nam từ lối rao hàng mà người ta sáng chế ra điệu hò trên sông. Từ lối rao: “ Bánh bò không…lần lần biến ra bánh bò hông, bánh bò hơ…mở đầu cho một điệu hò đặc biệt ở Cần Thơ”.

Rao hàng cũng độc đáo. Thường người ta chỉ rao cho các mặt hàng ăn uống, rao có vần, có điệu, giọng lên giọng xuống như một bài ca. Đối với khách du lịch phương Tây, họ không hiểu nhưng họ cảm nhận như là một điệu hát dân gian êm tai, đầy thi vị.

Tác giả Phan Thanh Nhân trong tác phẩm “Rừng U Minh dấu ấn và cảm xúc” NXB Hội văn nghệ Kiên Giang, 1993 thì cho rằng người ta hò để quên đi cái mệt khi chèo ghe gặp nước ngược, người ta hò tươi vui khi thuận con nước, người ta hò để “chọc nhau”, người ta hò với mục đích làm quen, người ta hò để đối đáp vì tính nghệ sĩ, người ta hò để an ủi nhau.

“Bớ chiếc ghe sau, chèo mau, tôi đợi, kẻo khúc sông này bờ bụi khó qua”

Khách thương hồ sau khi vượt qua sông Hậu sẽ gặp một địa thế sông rạch đan xen chằng chịt, lau sậy mịt mù nên người đi trước vừa an ủi, vừa khích lệ tinh thần người đi sau.

Người vợ ru con, nhớ đến sự khổ cực của chồng chèo ghe đi buôn bán :

“Ơ ầu ơ ... chèo ghe đi bán cá vồ

Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua ... ơ ầu ơ.”

Tất cả những tâm tư, tình cảm của mình họ đều gửi trong những câu ca điệu hát, những câu vọng cổ ngọt ngào thấm đượm ân tình của người dân miền Tây sông nước. Đó cũng chính là tiền đề dẫn đến sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương mà hiện nay vẫn được nhiều người yêu mến.

Ban đêm, ghe đậu nghỉ. Trong cái mát gió đêm, chỉ cần một nghệ sĩ thương hồ khảy đàn là có khách mộ điệu sang ghe chơi. Khi ấy những người tâm hồn dào dạt lại được kích thích bởi không gian yên tĩnh, bầu trời đầy sao, gió mát thổi nhẹ, trong lòng phơi phới vì đã mua bán xong, ngày mai nhổ neo đi về nên dễ dàng cảm thông với nhau. Người mà không biết ca hát mà có tài kể chuyện vẫn được hoan nghênh, nhưng nội dung là phải chọc cười cho thiên hạ, góp phần với một “đại hòa tấu cười”, với các chuyện tiếu lâm, chuyện hài. Người nghe cố nhớ để khi đến bến khác sẽ kể lại cho người khác nghe, cuối cùng làm giàu cho “kho tàng văn học bình dân” miền sông nước.

Tóm lại tiếng hò, điệu lý đã làm nên sinh khí độc đáo, một nét văn hóa, một sản phẩm phi vật thể trên vùng chợ quê miền sông nước Hậu Giang.

2.4.5.3 Đời sống tâm linh

Đối với cư dân vùng sông nước này thì họ luôn nghĩ “đất có thổ công, sông

có hà bá”. Vì vậy, họ đặt niềm tin vào Bà Thủy mà theo triết lý của đạo Phật là đức

Quan Thế Âm Bồ Tát. Không có ghe, tàu nào trên sông nước Nam bộ không có bàn thờ “Bà cậu”. Tùy theo mức độ giàu nghèo, phương tiện to nhỏ mà bàn thờ Bà được sắp đặt trang trí lớn, bé khác nhau, nhưng tâm linh tín ngưỡng và sự thành tâm của người đi trên ghe tàu đối với “Bà” thì như nhau và kệ thờ Bà luôn ở chỗ trang trọng của khoang sinh hoạt. Trên bàn thờ luôn có hương, hoa, trái cây thờ cúng. Trước mỗi chuyến khởi hành họ đều thắp nhang vái Bà, ngày 16 hàng tháng, đặc biệt tháng giêng, tháng tư, tháng bảy họ đều cúng Bà long trọng bằng những cặp vịt béo và nghi ngút khói nhang. Và món đặc biệt nhất trong mỗi lần cúng lớn của họ luôn là vịt chứ không phải gà, heo hay một con vật nào khác.

Dân kinh doanh đi lại trên sông nước Nam bộ rất tâm linh tín ngưỡng, nhưng họ cũng rất thực tế, họ suy nghĩ đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc.Làm nghề vận tải trên sông thì hạnh phúc và thành đạt chỉ có thể đến với họ khi ghe tàu của họ đi đến nơi về đến chốn, chạy nhanh, giao đủ hàng. Ngược lại điều luôn làm họ lo lắng nhất và sẽ là tai họa, đó là không may phương tiện bị rủi ro va, đụng chìm, đắm, điều đó đồng nghĩa với thất bại, phá sản, giải nghệ... Do đó điều họ muốn chính là phương tiện ghe, tàu lúc nào cũng như con vịt luôn luôn nổi và bơi lướt nhanh trên mặt nước. Và thế là họ thường dâng cúng Bà bằng cặp vịt. Với cách lý giải rằng Bà không ăn vịt mà dùng vịt làm đệ tử để khi cần bà cưỡi đi giúp đỡ dân ghe tàu khi gặp sóng to, gió lớn, chướng ngại trên luồng để đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Họ còn lý luận là nếu Bà không thích vịt sao cái chong chóng đẩy ghe tàu hiện đại không hề giống chân con vịt cũng gọi là chân vịt! Chuyện họ nói có vẻ vô lý nhưng cũng không phải là không thể chấp nhận được.

Giới thương hồ luôn nghĩ rằng, họ chỉ làm ăn buôn bán nương theo dòng nước chứ khác xa so với dân chài lưới là khai thác dưới lòng sông, có nghĩa là

“đâm Hà Bá” vì vậy, họ có suy nghĩ rất thoải mái, thậm chí trong các buổi tiệc

xuống dòng sông, một lối ứng xử rất văn hóa tâm linh trên chợ nổi. Trong đời sống hằng ngày, họ cho rằng đây là những vị thần dưới nước khá linh thiêng, có chuyện xích mích, tranh chấp mua bán họ hay thề có Bà Thủy hay Hà Bá làm chứng. Đặc biệt khi nhắc đến tín ngưỡng của cư dân sống ở khu vực này, ta còn phải kể đến tục vẽ mắt thuyền vì người ta tin rằng con mắt ấy sẽ giúp cho thuyền tránh khỏi bị thủy quái làm hại, giúp cho bạn hàng tìm được nhiều tài lộc, giúp cho ngư phủ tìm được nhiều cá….

Thương hồ là một nghề có lịch sử từ thời ông cha đi mở đất, nghề cha truyền con nối, người thương hồ neo cuộc sống của họ trên mặt sông tới bốn phần năm thời gian cuộc sống, do đó thương hồ không chỉ là một nghề mà còn là cuộc sống, là thú vui của họ.

Nét đẹp của đời sống của người dân thương hồ, sự khác lạ trong giao thương và những câu ca điệu hát của người dân thương hồ luôn là một nét hấp dẫn rất riêng biệt trong mắt du khách. Hoạt động thu mua, vận chuyển và đời sống tinh thần của người dân thương hồ chính là nguồn tài nguyên độc đáo để Cần Thơ phát triển du lịch. Việc đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch dựa vào văn hóa thương hồ chính là một nhiệm vụ mang tính chất quyết định đến sự phát triển bền vững của du lịch thành phố Cần Thơ.

Tiểu kết chƣơng 2

Chương 2 của luận văn đã giải quyết nhiệm vụ thứ 2 của luận văn là nghiên cứu về hiện trạng khai thác văn hóa thương hồ trong hoạt động du lịch thành phố Cần Thơ. Qua đó, cung cấp cái nhìn sơ bộ về hiện trạng hoạt động du lịch của thành phố Cần Thơ mức độ hài lòng của du khách về sản phẩm du lịch tại đây. Thông qua số liệu và những khảo sát thực tế, xác định chợ nổi chính là điểm tham quan du lịch chính, thu hút du khách đến Cần Thơ. Tuy nhiên, du lịch Cần Thơ chỉ phát triển du lịch tại chợ nổi theo hình thức tham quan đơn thuần, với thời gian tham quan khá ngắn từ 3 đến 6 giờ. Điều này gây sự nhàm chán cho du khách và không để lại ấn

tượng sâu vì hoạt động du lịch không có sự tương tác, du khách không hiểu được nét đẹp tâm hồn của điểm đến chợ nổi.Mức độ hài lòng của du khách chỉ ở mức trung bình.

Ngược lại, đối với những du khách được đi theo những chương trình du lịch có hoạt động giao tiếp với người dân tại chợ nổi, được di chuyển bằng phương tiện đường thủy truyền thống của Cần Thơ: ghe tam bản thì mức độ hài lòng luôn đạt cao. Cũng theo kết quả khảo sát về những yếu tố hấp dẫn của chợ nổi, nét hấp dẫn về văn hóa và con người nơi đây được du khách đánh giá khá cao. Như vậy, việc nghiên cứu và khai thác chợ nổi gắn với văn hóa thương hồ là nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch tại thành phố Cần Thơ.

Cũng trong chương 2, thông việc giới thiệu về hệ thống chợ nổi lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, một cảnh báo được đặt ra là việc bảo tồn và phát triển di sản chợ nổi.Trong đó, trong vòng hơn 10 năm trở lại đây đã có không ít chợ nổi đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long bị đặt vào tình trạng nguy hiểm.Đáng kể nhất là chợ nổi Ngã Bảy ở Hậu Giang, chợ nổi lớn, đẹp nhất và đi vào nhiều thơ ca, phim ảnh nhất của Việt Nam đã rơi vào tình trạng suy yếu nghiêm trọng khi bị di dời và gần như không còn hoạt động du lịch. Và chợ nổi vùng Cà Mau, chợ nổi mang nhiều đặc trưng vùng sông nước nhất đã bị khai tử do việc di dời không hợp lý của chính quyền địa phương. Việc bảo tồn và phát triển chợ nổi và văn hóa thương hồ là

Một phần của tài liệu Nghiên cứu văn hóa thương hồ trong phát triển du lịch thành phố Cần Thơ (Trang 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)