Tìm hiểu các phương diện mô tả nhân vật

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 30 - 32)

- Con người là đối tượng phổ biến và bao trùm nhất.

2. Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

2.3. Tìm hiểu các phương diện mô tả nhân vật

Một nhân vật thành công cũng như một con người sinh động ngoài đời. Đó là con người này trong sự phân biệt với con người khác. Nó có tính cách riêng, số phận riêng không thể lẫn. Vấn đề là nhà văn không trực tiếp nói lên điều ấy. Tính cách, số phận nhân vật hiện lên sinh động trong tác phẩm qua nhiều phương diện cụ thể. Đó là những phương diện người đọc, người phân tích cần chú ý như: lai lịch, ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, cử chỉ- hành động, mối quan hệ với các nhân vật khác…

Tuy nhiên, không phải bất cứ nhân vật nào cũng được nhà văn thể hiện đầy đủ các phương diện nêu trên, người phân tích cần biết tập trung, xoáy sâu vào các phương diện thành công nhất của tác phẩm.

Có thể xem những phương diện đã nêu đồng đẳng và đều là sự cụ thể hóa, hiện thực hóa của tính cách, số phận nhân vật, không xem tính cách như một phương diện ngang bằng các phương diện ấy.

2.3.1. Lai lịch

Lai lịch là phương diện đầu tiên góp phần hình thành đặc điểm tính cách, chi phối số phận của nhân vật. Tính cách nhân vật được lý giải một phần bởi thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình và bước đường đời đã trải qua.

Chí Phèo (Chí Phèo) là đứa con hoang bị bỏ rơi trong lò gạch cũ, không hơi ấm tình mẫu tử, không bà con thân thích, không thước đất cắm dùi, đi ở từ nhà này sang nhà khác. Hoàn cảnh xuất thân ấy là một trong những nguyên nhân tạo nên số phận cô độc thê thảm của nhân vật. Tuy nhiên, Chí Phèo sinh ra và lớn lên vốn mang bản chất lương thiện. Chính vì vậy, sau này, xã hội tàn ác (đại diện là Bá Kiến và nhà tù thực dân) dẫu ra sức hủy diệt bản tính tốt đẹp ấy nhưng nó vẫn âm thầm sống trong đáy sâu tâm hồn Chí, ngay cả khi con người này tưởng chừng đã bị biến thành qủy dữ.

Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ) vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lại có hành vi vô giáo dục khi ở với bác họ, rồi bị đuổi ra khỏi nhà, sống lang thang đầu đường xó chợ, phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như trèo me, trèo sấu, quảng cáo thuốc lậu, nhặt ban quần, gắn với những thành tích bất hảo… Hoàn cảnh xuất thân ấy đã góp phần tạo nên tính cách lưu manh, liều lĩnh của nhân vật sau này.

Tính cách của Mị và A Phủ (Vợ chồng A Phủ) đều có thể lý giải một phần bởi lai lịch. Mị tuy sinh ra trong đói nghèo nhưng ở tuổi thiếu nữ, cô đã từng được sống những tháng năm hạnh phúc. Mị xinh đẹp nhất vùng, hát hay, lại có tài thổi sáo nên từng được bao trai làng mê, con trai đến thổi sáo đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị. Mị từng có người yêu, từng hò hẹn…Điều này lí giải cho sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng và khát vọng tự do của nhân vật Mị ở phần sau. Còn A Phủ, cha mẹ, anh em đều chết trong một trận dịch đậu mùa, từng bị người làng đói bụng bắt đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái, suốt đời đi làm thuê, làm mướn, không có cả chiếc vòng bạc đeo cổ để đi chơi tết. Chính hoàn cảnh sống cùng cực ấy đã hun đúc cho A Phủ sức sống mạnh mẽ, tính cách gan góc cùng lòng ham chuộng tự do…

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(68 trang)
w