- Con người là đối tượng phổ biến và bao trùm nhất.
2. Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự
2.2. Xác định đúng loại nhân vật để định hướng cho qui trình phân tích
xác định đúng mục đích của việc phân tích. Thông thường, khi phân tích, giáo viên giúp học sinh chỉ ra được các đặc điểm của nhân vật như: hình dáng bên ngoài, lời nói, cách nói, cử chỉ, thế giới nội tâm, quan hệ với nhân vật khác... Nếu vậy, chưa thể xem là đã phân tích một nhân vật tự sự. Đây mới chỉ là những phương tiện, những dấu hiệu của đặc điểm tâm lý, tính cách nhân vật. Mục đích của việc phân tích nhân vật là chỉ ra được tâm lý, tính cách, bản chất xã hội của nhân vật từ đó làm rõ ý nghĩa phản ánh, ý nghĩa tư tưởng, thông điệp thẩm mĩ và những điểm sáng tạo được nhà văn thể hiện qua nhân vật.
Người phân tích cần tránh nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện, không được lấy phương tiện thay cho mục đích.
2.2. Xác định đúng loại nhân vật để định hướng cho qui trìnhphân tích phân tích
Thực tiễn giảng dạy cho thấy, có sự khác nhau trong việc phân tích các loại nhân vật. Phân tích các nhân vật như Chí Phèo (Chí Phèo), Mị (Vợ chồng A Phủ) khác với tiến trình phân tích nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù), Tnú (Rừng xà nu); cũng không giống với tiến trình phân tích nhân vật Hộ (Đời thừa)… Sự khác nhau trong phân tích các nhân vật nói trên xuất phát từ sự khác nhau về đối tượng phân tích. Nói cách khác, đó là các kiểu loại nhân vật được xây dựng theo những mô hình khác nhau. Ở mỗi loại nhân vật cần có cách tiếp cận khác nhau.
Tác phẩm tự sự hiện đại trong chương trình có một số kiểu cấu trúc nhân vật chủ yếu:
Nhân vật loại hình: Nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách nào đó của con người hoặc các phẩm chất, tính cách, đặc điểm của một loại người nhất định của thời đại. Nhân vật loại hình không phải là khái niệm trừu tượng. Giống như các loại nhân vật khác, các nhân vật được thể hiện trong tác phẩm qua những chi tiết chân thực, sinh động của đời sống. Điển hình loại này có cá tính nhất định nhưng khái niệm loại vẫn là cốt lõi của nó. Chương trình THPT có loại nhân vật này như Huấn Cao (Chữ người tử tù), Tnú (Rừng xà nu), A Châu (Vợ chồng A Phủ)…
Nhân vật tư tưởng: Loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhân vật tư tưởng cũng thể hiện một cá tính, một nhân cách nhưng hạt nhân của nó là một tư tưởng, một ý thức. Trong chương trình THPT có những nhân vật tư tưởng như: Hộ (Đời thừa), Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa)...
Nhân vật tính cách: Là một kiểu nhân vật phức tạp được miêu tả trong tác phẩm như một nhân cách, một cá nhân có cá tính nổi bật. Nhân vật tính cách thường có những mâu thuẫn nội tại, những nghịch lý, những chuyển hóa. Do đó, tính cách của loại nhân vật này thường có một quá trình tự phát triển trong sự tác động, chi phối của hoàn cảnh sống.
Như vậy, nhân vật tính cách khác với nhân vật loại hình. Nếu như khái niệm loại là hạt nhân của nhân vật loại hình thì ở nhân vật tính cách, hạt nhân lại là cá tính. Chương trình PTTH có những nhân vật tính cách như Chí Phèo (Chí Phèo), Mị (Vợ chồng A Phủ)… Tính cách, bản chất xã hội của nhân vật được thể hiện bằng cá tính, thông qua cá tính.
Chỉ khi định vị được kiểu loại nhân vật, chúng ta mới có thể xác định đúng các kiến thức cơ bản, trọng tâm cần truyền đạt:
- Với những nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng, kiến thức cơ bản, trọng tâm phân tích là làm sáng tỏ đặc điểm phần loại. Với kiểu nhân vật này, đặc điểm tính cách ít hoặc không thay đổi. Các sự kiện trong cốt truyện có đổi thay, vận động theo chiều không gian, thời gian cũng chỉ để khắc họa, tô đậm càng lúc càng rõ nét đặc điểm tính cách của nhân vật.
- Với những nhân vật được xác định là nhân vật tính cách, trọng tâm cần phân tích không phải ở chỗ chỉ ra được những đặc điểm tính cách bất biến mà chính ở sự thay đổi, chuyển biến của tính cách dưới sự thay đổi của môi trường sống, hoàn cảnh sống cùng những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm, tâm lý, tính cách của nhân vật.
Thực tiễn sáng tác cho thấy, có thể căn cứ vào chủng loại nhân vật - tập hợp nhân vật thể hiện tư tưởng và phong cách tác giả để hỗ trợ cho quá trình phân tích:
- Nguyễn Tuân: Tập hợp các nhân vật bao gồm: Huấn Cao (Chữ người tử tù) cụ Hồ Viễn và cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), ông Cử Hai (Thả thơ)... là những nghệ sĩ hoặc tuy không hành nghề nghệ thuật nhưng rất tài hoa trong nghề nghiệp của mình. Đây là loại nhân vật kết tinh tâm huyết và phong cách Nguyễn Tuân.
- Nam Cao: Xuất hiện hệ thống các nhân vật xấu xí, dị dạng như Chí Phèo, Thị Nở (Chí Phèo), Mụ Lợi (Lang Rận), Trương Rự, Đức (Nửa đêm), Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò)…là dụng ý của tác giả. Với loại nhân vật này, Nam Cao muốn nhấn mạnh tính chất khốc liệt và tàn bạo của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (làm méo mó, dị dạng cả tâm hồn lẫn thể xác của người lao động lương thiện) đồng thời bộc lộ quan điểm rất hiện đại về con người: không có con người hoàn toàn thánh thiện, không có con người hoàn toàn xấu xa, con người hiện diện với tất cả sự phức tạp của các mặt đối lập.
Thạch Lam: Tập hợp những nhân vật như: Liên, An (Hai đứa trẻ), Thanh (Dưới bóng hoàng lan), Tâm (Cô hàng xén)…là kiểu con người nội tâm, với những trạng thái cảm giác, cảm xúc mơ hồ, mong manh, tinh tế, những rung động khẽ khàng như cánh bướm non…
Tuy nhiên, các nhân vật dẫu có cùng một loại, chủng loại nhưng rất đa dạng, không nhân vật nào giống nhân vật nào. Bởi vì, bản chất lao động nghệ thuật là sáng tạo để mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung. Vì vậy, để chiếm lĩnh các giá trị của hình tượng nghệ thuật còn phải phân tích hình tượng với tư cách là sản phẩm tinh thần của một cá tính sáng tạo độc đáo. Phân tích nhân vật tự sự là tìm hiểu các phương diện mô tả nhân vật, gắn với sự tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ, để làm nổi bật tính cách, số phận, bản chất xã hội của nhân vật.