Cách làm đề văn “mở”

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 61 - 66)

- Đề thi dành cho học sinh giỏi + Đề nghị luận văn học

3. Cách làm đề văn “mở”

Cũng như các đề làm văn khác, đề mở cũng phải đảm bảo những yêu cầu cần thiết người viết phải quan tâm. Nhưng khác với các dạng đề văn thông thường, trong đề đã bao hàm cả yêu cầu về nội dung và kiểu bài, thao tác nghị luận, đề mở vì tính chất mở nên người làm văn phải tự tìm hiểu. Tuy vậy, dù muốn hay không người ra đề cũng như người viết bài cũng phải nêu được cách hiểu (nhận thức đề)

và những ý cơ bản cần phải đạt được trong bài viết. Tức là phải hình thành được hệ thống ý đáp ứng được yêu cầu của đề. Sau đây là một số gợi ý về cách làm đề văn mở.

3.1 Xác định yêu cầu của đề

Vì đặc điểm của đề mở thường chỉ có chỉ dẫn về nội dung nghị luận (Ví dụ: "Vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam"), không có chỉ dẫn về kiểu bài và thao tác lập luận (Chẳng hạn: đề không nêu yêu cầu phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận...), vì vậy người làm văn trước hết phải tiên liệu cho mình các thao tác cần nghị luận. Cần xác định trong bài văn đó sử dụng thao tác nào là chính, thao tác nào là phụ.

Ví dụ, xác định thao tác cho đề văn: "Vẻ đẹp của truyện ngắn

Hai đứa trẻ của Thạch Lam".

- Giải thích: Thế nào là vẻ đẹp của một tác phẩm văn học và vẻ đẹp của một truyện ngắn?

- Phân tích tác phẩm đề làm sáng rõ vẻ đẹp đó. - Bình luận về ý nghĩa, tác dụng của vẻ đẹp đó.

3.2. Tìm ý

Phải nhấn mạnh ý ở đây là ý của đề bài đặt ra chứ không phải ý của đối tượng nghị luận (Ví dụ: tác phẩm, hình tượng nghệ thuật được mổ xẻ...). Tất nhiên, có khi ý của đề bài trùng với ý của tác phẩm được đưa ra nghị luận, đó là khi đề hướng tới việc cảm nhận về một tác phẩm độc lập, cụ thể nào đó (Ví dụ: "Vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam"). Cũng là truyện ngắn trên nhưng khi ra đề "Bóng tối và ánh sáng trong thiên truyện Hai đứa trẻ của Thạch

Lam", thì ý của đề lại khác, và do vậy cách xây dựng luận điểm cũng như cách phân tích lập luận cho hai đề là rất khác nhau.

Để tìm được ý cho một đề văn, một trong những cách tương đối có hiệu quả là người viết biết đặt ra các câu hỏi và tìm cách trả lời các câu hỏi đó. Việc đặt ra các câu hỏi thực chất là biết soi sáng đối tượng dưới nhiều góc độ, biết lật đi lật lại vấn đề dể tìm hiểu, xem xét kĩ càng, thấu đáo hơn.

Ví dụ: Tìm ý cho đề văn sau: Vẻ đẹp ngôn ngữ qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

- Quan niệm thế nào về vẻ đẹp ngôn ngữ thơ?

- Vẻ đẹp ngôn ngữ thơ trong bài thơ thể hiện trên những phương diện nào?

- Tác dụng của việc sử dụng ngôn ngữ thơ trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của thi phẩm?

Lưu ý: Trong mỗi câu hỏi lớn có thể đặt tiếp các câu hỏi nhỏ để triển khai các ý lớn. Chẳng hạn: Để đặt tiếp câu hỏi nhỏ cho câu hỏi "Vẻ đẹp ngôn ngữ thơ trong bài thơ thể hiện trên những phương diện nào?":

- Vẻ đẹp của từ ngữ, hình ảnh thơ trong bài thơ? - Vẻ đẹp của các biện pháp tu từ trong bài thơ?

- Vẻ đẹp của cách hiệp thanh, gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ?

3.3. Lập dàn ý

Khi đã có ý rồi, người viết cần biết tổ chức, sắp xếp các ý ấy thành một hệ thống nhằm làm nổi bật đối tượng, vấn đề. Công việc này gọi là lập dàn ý, hoặc xây dựng bố cục, kết cấu cho bài viết.

3.3.2. Các phần trong dàn ý

Thông thường, bài văn có ba phần, mỗi phần có một nhiệm vụ cụ thể.

- Mở bài: Giới thiệu đối tượng hoặc vấn đề trọng tâm cần làm rõ.

- Thân bài: Triển khai, cụ thể hóa đối tượng và vấn đề trọng tâm đã nêu ở mở bài bằng hệ thống ý được sắp xếp một cách hợp lí.

- Kết bài: Chốt lại vấn đề, nêu suy nghĩ, bài học cho bản thân. Ví dụ: Đề văn "Vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam".

- Mở bài: Giới thiệu về Thạch Lam và vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ.

- Thân bài:

+ Khái niện về vẻ đẹp trong tác phẩm văn học. + Biểu hiện vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ: -> Vẻ đẹp thuộc về nội dung.

-> Vẻ đẹp thể hiện qua hình thức nghệ thuật.

-> Mối quan hệ giữa vẻ đẹp nội dung và hình thức trong tác phẩm.

+ Ý nghĩa, tác dụng của vẻ đẹp đó.

- Kết bài: Khái quát vấn đề và nêu ấn tượng sâu sắc về tác phẩm.

Tùy vào vấn đề, đối tượng cần thuyết phục và cách lập luận mà người viết có thể sắp xếp theo những dàn ý khác nhau. Việc sắp xếp ý cần linh hoạt, nhưng cũng phải tuân thủ một số quy tắc nhất định:

- Các ý lớn phải ngang hàng nhau và cùng làm sáng tỏ cho vấn đề trọng tâm.

Ví dụ: Đề văn "Vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam". Các ý lớn là:

+ Khái niệm về vẻ đẹp trong tác phẩm văn học. + Biểu hiện vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ. + Ý nghĩa, tác dụng của vẻ đẹp đó.

- Các ý nhỏ phải nằm trong ý lớn và làm sáng tỏ cho ý lớn. Cần trình bày ý theo một thứ tự tránh trùng lặp ý.

Ví dụ, cũng đề văn trên, các ý nhỏ trong ý lớn: Biểu hiện vẻ đẹp của truyện ngắn Hai đứa trẻ.

+ Vẻ đẹp về nội dung.

+ Vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật.

+ Mối quan hệ giữa vẻ đẹp nội dung và hình thức trong tác phẩm

- Có ý bắt buộc phải trình bày trước rồi mới tiếp tục trình bày ý khác. Đề văn trên: Ý giải thích phải trình bày trước phân tích, sau đó mới bình luận.

- Cần xác định mức độ các ý cho hợp lí. Trong một bài văn, các ý không phải bao giờ cũng đồng đều và được trình bày ngang nhau. Có ý cần nêu kĩ, có ý chỉ cần nói qua, vừa đủ. Đề văn trên: Hai ý giải thích và bình luận không cần nói kĩ bằng ý phân tích.

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(68 trang)
w