- Con người là đối tượng phổ biến và bao trùm nhất.
2. Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự
2.3.6. Mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác
Mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác cũng là một phương diện quan trọng giúp nhân vật bộc lộ tính cách bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Đặt nhân vật trong hệ thống để phân tích, ta vừa có thể hiểu sâu sắc nhân vật, vừa hiểu thế giới nhân vật trong tác phẩm một cách toàn diện lại có thể nắm được xác thực bức thông điệp tư tưởng và thẩm mĩ của tác giả.
Khi tìm hiểu nhân vật, cần đặt nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật cùng tuyến có mối quan hệ tương đồng, bổ sung cho nhau đồng thời đặt nhân vật trong mối quan hệ với những nhân vật trái tuyến, tương phản, đối chọi nhau để làm nổi bật tính cách, số phận của nhân vật cũng như chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
Khi phân tích Mị trong Vợ chồng A Phủ, ta đặt nhân vật trong mối quan hệ với giai cấp thống trị là cha con thống lí Pá Tra (quan hệ tương phản) đồng thời đặt nhân vật trong mối quan hệ với giai cấp bị trị là A Phủ (quan hệ tương đồng). Đặt nhân vật trong hai mối quan hệ này để bổ sung cho nhau, làm tăng thêm sức tố cáo tạo nên ý nghĩa khái quát của tác phẩm: nạn nhân ách áp bức của chúa đất có đủ đàn ông, đàn bà, một bên là con dâu gạt nợ, một bên là đứa ở gạt nợ. Người dân miền núi Tây Bắc đã phải chịu bao nỗi cực nhục, khổ đau dưới ách thống trị của bọn chúa đất.
Các nhân vật trong tác phẩm Rừng xà nu giống như phần lớn các tác phẩm thời kì kháng chiến được xây dựng thành hai tuyến đối lập gay gắt: lực lượng cách mạng và kẻ thù. Tuy nhiên, đáng chú ý là Nguyễn Trung Thành đã xây dựng được hệ thống các nhân vật tương đồng từ cụ Mết đến Tnú, Mai rồi Dít, bé Heng để đại diện cho các thế hệ nối tiếp trong cuộc chiến đấu giải phóng của nhân dân, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.
Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, người phân tích nên đặt Chí Phèo trong mối quan hệ đối chọi với Bá Kiến để làm nổi bật quá trình tha hóa: một bên là thủ phạm, một bên là nạn nhân, một bên là kẻ cường quyền bạo ngược đẩy con người vào con đường bất lương, một bên là người đã bị mất lương thiện. Đặt Chí Phèo trong hệ thống các nhân vật thống trị (Bá Kiến, Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng, Lý Cường) và bị trị (Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo con), ta thấy được thông điệp lớn của Nam Cao: Hiện tượng Chí Phèo là con đẻ của hiện tượng Bá Kiến và còn Lý Cường thì còn Chí Phèo con, nếu không do Thị Nở cũng sẽ có người đàn bà khác sinh ra. Nghĩa là, còn kẻ thống trị ác độc thì còn người lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Sức mạnh phê phán, ý nghĩa điển hình của hình tượng Chí Phèo trước hết là ở chỗ vạch ra thật hùng hồn qui luật tàn bạo, bi thảm đó trong xã hội đương thời.
Đồng thời, người phân tích có thể đặt Chí Phèo trong mối quan hệ với nhân vật trái tuyến là bà Ba và nhân vât cùng tuyến là Thị Nở để làm nổi bật tính cách, bản chất của nhân vật. Nếu bà Ba thuộc tầng lớp trên, xinh đẹp và chủ động trong mối quan hệ với Chí Phèo thì Thị Nở thuộc tầng lớp dân cùng, xấu xí và bị động trong mối quan hệ với Chí. Bà Ba bắt Chí làm việc yêu mà không hề yêu Chí, chỉ coi Chí như nô lệ. Với người đàn bà này, Chí Phèo cảm thấy nhục chứ yêu đương gì. Đây là biểu hiện của một Chí Phèo hiền lành, trong trắng, giàu lòng tự trọng. Trong mối quan hệ với bà Ba, Chí Phèo bộc lộ tất cả sự lương thiện của mình. Ngược lại, với Thị Nở, Chí Phèo
thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao. Trong mối quan hệ với Thị Nở, Chí Phèo có được tình người, tình yêu và Thị Nở đã mở đầu cho sự thức tỉnh của Chí từ con quỷ dữ trở thành người. Như vậy, trong mối quan hệ với Thị Nở thì Chí là người mất nhân tính được hồi sinh còn Thị Nở là hiện thân của tình người, từ đó làm nổi bật thông điệp lớn của Nam Cao: chỉ có tình người mới cứu
được tính người.
Nếu đặt Chí Phèo trong mối quan hệ với bà cô Thị Nở thì Chí Phèo cũng là nạn nhân mà bà cô là hiện thân của định kiến, vô tình trở thành thủ phạm chặn đứng con đường hoàn lương của Chí.
Đặt mối quan hệ của Chí Phèo - bà cô Thị Nở và Chí Phèo - Thị Nở trong mối quan hệ với nhau, ta thấy: Thị Nở từ một vị cứu tinh nhưng chịu sự tác động của bà cô thì Thị Nở trở thành một cú hích dẫn đến cái chết của Chí Phèo (Thị Nở nói lời tuyệt tình khiến Chí Phèo hoàn toàn tuyệt vọng dẫn tới cái chết). Như vậy, tình người bị định kiến làm cho tiêu tan.