Cử chỉ, hành động

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 40 - 46)

- Con người là đối tượng phổ biến và bao trùm nhất.

2. Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

2.3.4. Cử chỉ, hành động

Khi điển hình hóa nhân vật, nhà văn có tài thường lựa chọn cho nhân vật những hành động độc đáo, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc. Hành động là phương diện quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng, có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Bản chất con người bộc lộ chân xác, đầy đủ nhất qua cử chỉ, điệu bộ, hành vi, hệ thống hành động.

Trong tác phẩm tự sự, đặc biệt là những tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy diễn biến của hệ thống cốt truyện. Vì thế, ta cần khai thác kĩ phương diện này.

Phân tích nhân vật cần chú ý cử chỉ, hành động đầu tiên khi nhân vật xuất hiện trong tác phẩm vì hành động ấy đã mách bảo cho chúng ta về tính cách của nhân vật.

Phân tích nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù) phải chú ý đến hành động dỗ gông, không chỉ vì hành động rất khó (sáu phạm nhân mang chung một chiếc gông dài tám thước, nặng đến bảy, tám tạ) mà vì hành động không được phép (gông biểu tượng cho sự trói buộc, quyền uy, pháp luật phong kiến). Chính vì vậy, hành động dỗ gông của Huấn Cao cho thấy khí phách hiên ngang, tinh thần tự do của một con người - việc gì muốn sẽ làm cho kỳ được, bất chấp hoàn cảnh, bất chấp việc đó khó khăn như thế nào và có được phép hay không.

Nếu như hành động dỗ gông làm nổi bật khí phách của Huấn Cao thì hành động cho chữ làm nổi bật cái tâm cao cả của nhân vật. Việc Huấn Cao quyết định cho chữ Quản ngục vào đêm cuối tại nhà ngục tỉnh Sơn không phải để thanh toán nợ nần, cũng không phải hành động của người sắp đi vào cõi chết giao lại tài sản cho người ở lại, cũng không phải cơ hội cuối cùng để phô diễn tài năng. Đây là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ.

Nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) được Tô Hoài mô tả bằng rất ít hành động, chủ yếu qua dòng ý nghĩ, tâm tư, tiềm thức chập chờn. Tuy nhiên, trong ít hành động đó, không thể không chú ý đến những hành động trong đêm tình mùa xuân: Mị lén lấy hũ rượu uống ừng ực từng bát như uống hận, như đang uống đắng cay của phần đời đã qua, như đang uống cái khao khát của phần đời chưa tới, uống để quên nhưng cũng là để nhớ về ngày trước, để thấy mình còn trẻ. Tiếp đó là hành động thắp sáng thêm đĩa đèn của cô: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Bấy lâu nay, cuộc đời đối với người con dâu gạt nợ chỉ như một đêm dài thăm thẳm. Đến lúc này, Mị không còn chịu nổi bóng tối đang vây bọc quanh mình. Thắp sáng thêm đĩa đèn hay người phụ nữ này đang muốn thắp sáng lại chính cuộc đời mình. Những hành động này chứng tỏ phản kháng âm thầm mà quyết liệt, chứng tỏ sóng cuộn trong chiều sâu tâm trạng từ khi nghe tiếng sáo gọi bạn yêu lấp ló ngoài đầu núi, lửng lơ bay ngoài đường… Và đỉnh điểm là hành động Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn khỏi Hồng Ngài sau này - tự giải thoát khỏi gông xiềng của cường quyền lẫn thần quyền. Đây là hành động bất ngờ, táo bạo mà tự nhiên, hợp lý trong hoàn cảnh ấy, tính cách ấy. Như vậy, Tô Hoài đã đi sâu vào những bí mật của đời sống nội tâm để phát hiện những nét đẹp và nét riêng trong tính cách nhân vật.

Đáng chú ý, bản chất nhân vật không chỉ bộc lộ ở việc nhân vật ấy làm mà còn qua cách làm việc ấy của nhân vật. Đây cũng là một phương diện vô cùng quan trọng để nhà văn cá tính hóa nhân vật.

Nam Cao dựng lên một Chí Phèo bằng xương bằng thịt với tính cách độc đáo, với số phận tuyệt đối cô độc và bi thảm không thể lẫn với ai khác. Chí Phèo là con người này từ bộ mặt đầy sẹo, những cơn say triền miên đến cách chửi nhau, cách mặt ăn vạ, từ kiểu uống rượu đến lối tỏ tình với Thị Nở, từ hành động xách dao đi trả thù đến cách đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.

Cũng hành động trừng trị người nô lệ song cái cách thống lí Pá Tra (Vợ chồng A Phủ) hành hạ A Phủ chỉ vì anh để hổ bắt mất một con bò nhà nó thật độc ác, chứng tỏ quyền lực ghê gớm và bộ mặt tàn bạo của giai cấp phong kiến miền núi.

2.3.5. Ngôn ngữ

Khái niệm ngôn ngữ nhân vật nhằm chỉ lời nói của nhân vật trong tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch. Qua lời ăn tiếng nói, qua cách dùng từ, giọng điệu của một người, chúng ta có thể nhận ra nghề nghiệp, trình độ văn hóa, nhận ra tính cách của con người ấy, thậm chí là của một tầng lớp người nhất định. Ngôn ngữ nhân vật là một phương tiện hết sức đắc dụng để nhà văn khắc họa nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật chính là bức chân dung tự họa sắc nét của tính cách hay khái quát hơn, chính là bức chân dung tự họa của nhân vật.

Ngôn ngữ nhân vật thành công thường được cá thể hoá cao độ, nghĩa là mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ.

Câu nói của Huấn Cao (Chữ người tử tù): Suýt nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ…giúp ta nhận thấy chút ân hận kiêu sa của một bậc đại trượng phu, khác với sự ân hận của người thường.

Khi trở thành nhà cải cách xã hội, đốc tờ Xuân, giáo sư quần vợt, cố vấn báo Gõ mõ, được cả xã hội trọng vọng, Xuân Tóc Đỏ (Số đỏ) vẫn sử dụng câu của miệng mẹ kiếp, nước mẹ gì. Điều này chứng tỏ bản chất lưu manh, vô học của nhân vật không thể nào gột rửa.

Khi xây dựng nhân vật Bá Kiến (Chí Phèo), Nam Cao không tả diện mạo, chỉ nhấn mạnh đến giọng nói ngọt nhạt, tiếng quát rất sang

cái cười Tào Tháo. Bá Kiến xuất hiện lần đầu đúng lúc Chí Phèo say rượu, đến cổng nhà hắn rạch mặt ăn vạ. Ngôn ngữ nhân vật đã khắc họa sinh động bản chất xảo quyệt, gian hùng của hắn: từ việc quát các bà vợ, giải tán đám đông để đỡ mất mặt, để Chí không còn hậu thuẫn kích thích sự hung hăng, để dễ bề mua chuộc, dụ dỗ Chí (Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?) đến việc giở giọng đường mật, gọi đầy tớ cũ bằng “anh”, vồn vã mời vào nhà uống nước (Ai làm gì anh mà anh phải chết…cứ vào nhà uống nước đã ...người ngoài biết mang tiếng cả…) và thậm chí còn nhận họ hàng với Chí (Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy ). Nhờ đó, Bá Kiến đạt được hai mục đích, vừa tạm dập tắt ngọn lửa căm hờn trong Chí Phèo, vừa chuẩn bị biến Chí Phèo thành tay sai. Ngôn ngữ nhân vật là yếu tố hết sức quan trọng khiến cho nhân vật Bá Kiến vừa mang bản chất chung của giai cấp địa chủ cường hào vừa có những nét riêng biệt không giống bất cứ nhân vật địa chủ nào trong văn học đương thời.

Ngôn ngữ của các nhân vật trong Chiếc thuyền ngoài xa

(Nguyễn Minh Châu) phù hợp với đặc điểm tính cách từng nhân vật: Tính cách hung bạo, tàn nhẫn của người chồng được phản ánh qua ngôn ngữ thô bỉ, tàn nhẫn với những từ ngữ đầy vẻ tục tằn, hung bạo còn sự cam chịu, vị tha, đức hi sinh ở người đàn bà được thể hiện qua những lời dịu dàng, xót xa khi nói về con, những lời đau đớn và thấu trải lẽ đời khi nói về thân phận mình. Ngôn ngữ của nhân vật Đẩu ở tòa án huyện chứng tỏ tính cách tốt bụng, nhiệt thành…

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CHO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN THPT (Trang 40 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(68 trang)
w