Truyện nôm bình dân với nội dung đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp

Một phần của tài liệu NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NÔM BÌNH DÂN (Trang 31 - 34)

Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với Truyện Nôm bình dân trên phương diện nội dung

2.2.1 Truyện nôm bình dân với nội dung đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp

Ảnh hưởng chủ đề đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp trong văn học dân gian tới Truyện nôm bình dân là khá sâu sắc. Nếu như truyện cổ tích thể hiện chủ đề trên thông qua cuộc đấu tranh trong phạm vi cả gia đình và xã hội thì về cơ bản Truyện nôm bình dân thể hiện xoay quanh những mối quan hệ xã hội. Trong bốn truyện mà chúng tôi khảo sát, truyện nào cũng xuất hiện cuộc đấu tranh giữa những con người bị áp bức chống lại các thế lực xã hội. Trong đó 3/4 truyện phản ánh cuộc đấu tranh của những con người lương thiện với người đứng đầu giai cấp thống trị phong kiến là vua, chúa. Là người có quyền lực cao nhất trong xã hội nhưng những ông vua trong Truyện nôm bình dân hiện lên là những kẻ độc đoán, gia trưởng, vô cảm ngay cả với con của mình. Trong Lý Công, khi đến thăm công chúa, biết Lý Công đang ở trong cung, vua liền nổi giận, sai gông cùm Lý Công, đốt nhà công chúa, trói hai người rồi buộc bè trôi sông:

Lệnh truyền chém Lý Công đi

Đóng cùm chói chặt vậy thì chẳng thương

Nhân vật vua trong Thoại Khanh Châu Tuấn, khi có ý gả con gái cho Châu Tuấn và bị từ chối liền ngay lập tức bắt chàng đi đày sang nước Tề:

Biết cho Quốc trạng người ngay Tội chê công chúa phải đày phương xa

Mười lăm năm chẵn mới tha Cho bỏ nghĩa cũ vợ nhà sơ giao

Sang đến nước Tề, một lần nữa Châu Tuấn lại bị đe dọa vì từ chối lấy công chúa nước Tề:

Tề vương nghe nói giận thay Trẫm đưa con gái trạng rày dám chê

Ngầm đe chém giết rất ghê

Trạng nguyên khăn khắn chẳng hề đơn sai

Đứng trước khó khăn và những đe dọa từ người đứng đầu của giai cấp thống trị như thế nhưng các nhân vật Truyện nôm bình dân vẫn cố gắng vượt thoát khỏi những thử thách, nguy hiểm để cứu lấy mạng sống của mình. Lý

Công và công chúa trải qua 90 ngày lênh đênh trên sông, phiêu dạt đi nơi khác. Công chúa cành vàng lá ngọc sẵn sàng mở quán bán hàng, cùng với Thị Hương đi ăn mày khắp nơi để nuôi Lý Công ăn học. Lý Công gắng sức học hành để cuối cùng đi thi đỗ Trạng Nguyên. Còn Châu Tuấn chấp nhận giả vờ cuộc sống vợ chồng với con vua nước Tề để mong có ngày gặp lại mẹ và Thoại Khanh.

Ở một khía cạnh khác, có thể thấy cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội của người bình dân với người đứng đầu giai cấp thống trị được thể hiện rất rõ qua mâu thuẫn của những tên vua dâm ác với những người vợ, người phụ nữ thủy chung, nết na. Tinh thần đấu tranh được thể hiện trong mỗi truyện có mức độ, chừng mực khác nhau. Nàng công chúa trong Lý Công đối đầu với vua cha, với vua Hung Nô. Cuộc đấu tranh có lúc làm cho nàng bị hủy hoại cả hình hài, trở thành một cục thịt lăn lóc nơi xó chợ nhưng nàng vẫn quyết tâm đấu tranh đến cùng để giữ trọn sự thủy chung của mình với Lý Công. Khi bị chúa Hung Nô ép lấy hắn nhưng nàng một mực chối từ đến mức bị hắn nhốt vào cũi sắt rồi thả xuống sông:

Hung Nô tức giận căm gan Mới phán lực sĩ hai chàng bắt ra

Đóng vào cũi sắt cho ta

Đem bỏ công chúa giang hà mênh mông

Khi được Long vương cứu, công chúa vẫn không chịu lấy Hung Nô, chấp nhận bị hắn cắt mũi, xẻo tai, chặt tay chân:

Hung Nô tức giận đem về Tóc dài cắt vẵn ủ ê má hồng

Mũi tai cắt hết não nùng

Chân tay cắt cả khôn mong giữ giàng.

Trong Phạm Tải Ngọc Hoa là cuộc đấu tranh giữa Ngọc Hoa với Trang Vương. Cuộc đấu tranh này được đặt trong những tình huống vô cùng khốc liệt. Vua không có ý định buông tha khiến nàng phải tự tử nhưng ngay cả khi ở dưới âm phủ nàng vẫn tiếp tục đấu tranh với hắn. Như vậy tinh thần đấu tranh xã hội của các nhân vật Truyện nôm bình dân không chỉ ở cõi trần mà còn được thể

hiện ngay cả ở cõi âm. Khi được ngắm dung nhan như tiên giáng trần của Ngọc Hoa, Trang Vương liền ép nàng lấy hắn nhưng nàng đã kiên quyết cự tuyệt:

Ba trăm mỹ nữ hiếm gì Mà lại ép bắt nữ nhi có chồng

Lấy uy mà ở hiếp lòng Thời tôi tự vẫn cam lòng bội phu

Ngọc Hoa tìm mọi cách để xin Trang Vương cho đưa xác chồng về quê an tang với lời hứa sau khi mãn tang chồng sẽ trở lại triều đình nhưng sau đó nàng đã tự vẫn. Cái chết chính là hình thức đấu tranh mạnh mẽ nhất để nàng bảo vệ khí tiết với chồng của mình.

Nhân vật Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn phải đấu tranh với nhiều thế lực khác nhau như Quan thái thú Tưong Tử, dâm thần…Tinh thần đấu tranh của nàng vô cùng quyết liệt và thể hiện trong suốt hành trình đưa mẹ đi tìm chồng. Cũng để khẳng định phẩm chất và minh oan cho mình, công chúa trong truyện Hoàng Trừu đã thể hiện tinh thần đấu tranh trong suốt cuộc hành trình đến với chồng. Đã có lúc bị nghi oan, phải làm cây thịt đội đèn nhưng nàng vẫn cam chịu tất cả những vất vả đó để chờ đến ngày được gặp chồng và được minh oan. Có thể thấy nội dung đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp trong Truyện Nôm bình dân được thể hiện khá rõ nét, có phần gay gắt hơn trong truyện cổ dân gian. Một phần thời đại Truyện Nôm bình dân ra đời chế độ phong kiến đã ở giai đoạn suy tàn, khủng hoảng, một phần do sự trưởng thành trong ý thức của quần chúng nhân dân cộng thêm ảnh hưởng của tư tưởng đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp trong văn học dân gian. Tất cả những lý do đó đã khiến tinh thần đấu tranh được thể hiện trong Truyện Nôm bình dân vô cùng quyết liệt, sâu sắc.

Một phần của tài liệu NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG MỘT SỐ TRUYỆN NÔM BÌNH DÂN (Trang 31 - 34)