Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với Truyện Nôm bình dân trên phương diện nội dung
2.2.2 Truyện Nôm bình dân với sự phản ánh hình tượng người phụ nữ
Người phụ nữ có vai trò hết sức quan trọng trong gia đình và xã hội. Ngay từ buổi bình minh của nhân loại người phụ nữ đã được tôn trọng và đề cao. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những biểu hiện rõ nét của việc đề cao người phụ nữ. Với đề tài người phụ nữ có thể thấy Truyện nôm bình dân đã có những ảnh
hưởng rất sâu sắc từ văn học dân gian khi xây dụng hình tượng này. Trong quá trình khảo sát bốn hình tượng nhân vật nữ Ngọc Hoa trong Phạm Tải Ngọc Hoa, Bạch Hoa trong Lý Công, Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn, công chúa trong Truyện Hoàng Trừu chúng tôi đều thấy những nhân vật này có sự gần gũi với hình tượng người phụ nữ trong văn học dân gian, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ trong ca dao.
Cả bốn nhân vật đều có vẻ đẹp ngoại hình với những mĩ từ được sử dụng để ca ngợi ở mức tuyệt đối. Vẻ đẹp của công chúa trong Lý Công là vẻ đẹp cao quý, thanh tao, mơn mởn sức sống của những cô gái mới lớn. Khuôn mặt nàng rạng rỡ, tươi tắn:
Mặt nhìn trăm thức hoa sen Nhác trông cứ tưởng là tiên non bồng
Vẻ đẹp của nàng còn được thể hiện qua lời nhận xét của mọi người. Lý Công khi gặp nàng đã thốt lên: Thấy nàng nhan sắc má hồng. Hoàng Hậu nói về con: Mặt hoa mày liễu thiếu niên. Cao Vân ca ngợi: Vợ là công chúa má hồng như hoa. Tất cả mọi người đều thấy nàng đẹp. Vua Hung Nô ngạc nhiên: Tiên đâu mà đến nước tao. Mọi người trên phố phường kinh ngạc: Ai ai cũng ngỡ là tiên non bồng. Trong Lý Công, không chỉ có công chúa mà ngay cả người thị nữ cũng đẹp: Sinh ra một gái má đào phi phương
Nhân vật Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn cũng được ca ngợi với những mĩ từ đẹp nhất. Nàng có khuôn mặt tươi thắm, rạng rỡ: Mặt hoa thơ thớ nở đua.Vẻ đẹp của nàng được ví như tiên giáng trần. Hơn một lần tác giả câu truyện nhấn mạnh điều đó: So tài tiên nữ chẳng thua chút nào hay Ngỡ là tiên nữ xuống rày phàm gian. Không chỉ người thường trầm trồ, mê mần, ngay cả đến dâm thần cũng nảy sinh tà dâm:
Miếu thần mắt tỏa sao băng Ngó thấy thoại nữ cầm bằng tiên sa
Cũng giống như Thoại Khanh và Bạch Hoa, vẻ đẹp của Ngọc Hoa cũng được ví như tiên nữ giáng trần: Má đào, mặt ngọc, tóc mây rườm rà/ Lưng ong
má phấn tựa người tiên sa. Vẻ đẹp ấy khiến tên Trang Vương phải sửng sốt:
Nay mừng tiên đã lọt vào bồng lai.
Nàng công chúa trong Hoàng Trừu hiện lên là một người con gái rất đẹp:
Hoa cài ngọc giắt sâm si Mây pha nước tóc rì rì xanh non
Má đào mắt phượng môi son Mày ngang lá liễu,lưng tròn lưng ong
Ở đây chúng tôi cũng nhận thấy mặc dù có sự kế thừa, tiếp thu, tương đồng so với văn học dân gian khi thể hiện hình tượng người phụ nữ nhưng Truyện nôm bình dân cũng có những khác biệt. Người phụ nữ trong văn học dân gian và Truyện nôm bình dân đều là những người có vẻ đẹp hình thức nhưng vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ trong văn học dân gian là vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, đằm thắm, dân dã. Các tác giả dân gian thường so sánh ví von họ với những hình ảnh gần gụi, thân quen trong cuộc sống hàng ngày như dải lụa đào, củ ấu gai, hạt mưa, con hạc, cái chổi, miếng cau khô, cây quế…Với những hình ảnh đó người phụ nữ trong văn học dân gian hiện lên trong dáng dấp của những cô thôn nữ chân quê bình dị, trong sáng. Người phụ nữ trong Truyện nôm bình dân rất đẹp nhưng dù là công chúa hay người dân thường đều được miêu tả với vẻ đẹp sang trọng, đài các được cường điệu hóa ở mức tuyệt đối, đôi khi là không tưởng chính vì thế chưa thực sự tạo được sự gần gụi như những người phụ nữ trong cuộc sống thường nhật.
Tuy vẻ đẹp hình thức có phần hơi xa lạ so với tư duy dân gian, nhưng vẻ đẹp về phẩm chất, tâm hồn của những người phụ nữ trong Truyện nôm bình dân thì lại có sự tương đồng khá sâu sắc với hình ảnh của người phụ nữ trong văn học dân gian. Trước hết họ đều hiện lên là những người vợ đảm đang, tháo vát, tiêu biểu nhất là hình ảnh Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn và công chúa Bạch Hoa trong Lý Công. Thoại Khanh là người con gái chịu thương chịu khó, là nơi nương tựa cho mẹ chồng già yếu, ốm đau. Trong quãng thời gian Châu Tuấn bị đi đày sang nước Tề, Thoại Khanh ở nhà chịu cảnh đói rét cơ hàn nuôi mẹ. Nàng còn cùng mẹ lặn lội sang nước Tề tìm chồng. Trên quãng đường
đi, nàng đã phải chịu bao khó khăn, vất vả với những tình huống thử thách khốc liệt. Nếu không đảm đang, tháo vát, chắc chắn nàng không thể vượt qua những khó khăn, hiểm nguy như thế. Là một công chúa nhưng Bạch Hoa trong Lý Công cũng hiện lên là một người phụ nữ rất tháo vát, đảm đang. Khi bị vua cha cho thả bè, trôi sông nàng đã vượt qua thân phận của một công chúa để lập quán, bán hàng tần tảo cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Không chỉ đảm đang, tháo vát, người phụ nữ trong Truyện nôm bình dân còn là người vợ thủy chung, người con hiếu thảo. Hình ảnh người phụ nữ thủy chung đã được Truyện nôm đặc biệt tập trung thể hiện và ngợi ca. Cả bốn nhân vật trong bốn tác phẩm chúng tôi khảo sát đều thể hiện phẩm chất này. Khi sang đất Hung Nô, biết được ý định của chúa Hung Nô mưu hại Lý Công để chiếm đoạt mình, công chúa đã tự nguyện cắt tóc thể, tự nguyện coi mình là vợ Lý Công. Nàng mạnh mẽ, thẳng thắn trả lời Hung Nô: Phận hèn chuyên giữ một chồng. Nàng nghĩ ra đủ mọi cách để giữ trọn nghĩa chồng vợ. Công chúa tìm kế hoãn binh:
Tôi xin trả nghĩa Lý Công Ba năm, ba tháng cho xong cũng vừa
Công chúa chấp nhận để Hung Nô đóng cũi thả xuống sông. Khi được Long Vương cứu, trở về, lại một lần nữa nàng chịu để tên bạo chúa cắt hết mắt, mũi, chân, tay giống một hình hài kì dị, trở thành một cục thịt lăn lóc ngoài chợ…Tất cả chỉ với mục đích duy nhất là giữ trọn đạo làm vợ, nghĩa tao khang. Là con quan thừa tướng, cha mẹ mất sớm, Thoại Khanh gặp và kết hôn với Châu Tuấn. Trong quãng thời gian chồng bị đi đày sang nước Tề, nàng bị bạn của chồng là Tương Tử ra sức dụ dỗ với những lời lẽ ngon ngọt nhưng nàng kiên quyết chối từ, Khi bị Tương Tử cấm không cho mọi người giúp đỡ mẹ con mình, nàng vẫn cương quyết cự tuyệt để gìn giữ lòng thủy chung với những lời lẽ đanh thép, dứt khoát: “tôi thà đói lạnh, của người chẳng ham”. Trên quãng đường đi tìm chồng, một lần nữa lại bị dâm thần ép giao hoan nhưng nàng chấp nhận khoét mắt dâng hắn để mãi mãi là người vợ thủy chung.
Xúc động và sâu sắc nhất có lẽ phải nói tới hình ảnh Ngọc Hoa trong
Phạm Tải Ngọc Hoa. Tình yêu và lòng thủy chung giúp nàng mạnh mẽ và quyết liệt đối đầu với tên vua Trang Vương:
Dù vua xử ức má hồng Thời tôi tự vẫn khỏi lòng bội phu
Nói tới Ngọc Hoa, có một hình ảnh luôn in đậm trong tâm trí người đọc đó là khi chồng chết, nàng luôn cận kề, không rời xa thi thể chồng, ngày đêm bên cạnh xác chồng trong suốt ba năm ròng. Mặc dù mang tính lý tưởng hóa nhưng đó thực sự là hình ảnh đẹp về một người vợ với tình yêu và lòng thủy chung sâu sắc dành cho chồng:
Ngày ngày ngồi ở bên ngoài Đêm thời mở nắp quan tài vào trong
Sau ba năm, Ngọc Hoa quyết dịnh tự tử để giữ trọn phẩm tiết với chồng. Đó là biểu hiện cao nhất của lòng thủy chung:
Khăng khăng nàng quyết một lòng Cầm dao lá trúc xuyên thông ngang hầu
Cũng là biểu hiện của lòng chung thủy nhưng khác với các nhân vật khác, lòng thủy chung của nàng công chúa trong truyện Hoàng Trừu được thể hiện ở hành động đi tìm chồng để chứng minh cho nỗi oan của mình. Khi vô tình quăng dao vào con chim khách, con chim chết biến thành người đàn ông, công chúa sợ hãi sai chôn trong vườn đào đúng lúc hoàng tử về. Hoàng tử phát hiện xác chết người đàn ông trong vườn liền bỏ về nước. Để minh chứng cho tình yêu và lòng chung thủy công chúa đã xin vượt bể theo chồng. Nàng đã phải trải qua bao gian khó, hiểm nguy. Giữa đường gặp sóng gió, tàu bè quan quân bị đắm chết hết, nàng vớ được mái chèo nên trôi dạt vào bờ, Một thân một mình công chúa phải ăn xin, lần tìm đến Tràng An, rồi xin vào hầu hạ nhà chị ruột của hoàng tử. Chịu bao vất vả, thậm chí có lúc bị nghi oan là ăn cắp, phải chịu thân phận thành cây thịt đội đèn nhưng công chúa vẫn quyết tâm vượt qua tất cả để minh chứng cho tình yêu và lòng thủy chung với hoàng tử. Hình ảnh người phụ nữ với tình yêu và lòng thủy chung son sắt trong Truyện nôm bình dân có sự đồng điệu và gần
gũi với hình ảnh người vợ trong Sự tích trầu cau hay người vợ trong Sự tích hòn Vọng Phu.
Bên cạnh lòng thủy chung người phụ nữ trong Truyện nôm bình dân còn được khắc họa là những người con hiếu thảo. Hiếu thảo là phẩm chất đạo đức tốt đẹp có truyền thống ngàn năm trong lịch sử phát triển của dân tộc. Văn học dân gian cũng rất chú ý khi nhấn mạnh phẩm chất này. Chử Đồng Tử không đành lòng để cha nằm trong lòng mộ mà không có cái khố che thân, nên chôn khố theo cha, chấp nhận để mình trần truồng sống dọc bãi cát ven sông. Đây là cách thể hiện tấm lòng hiếu thảo mà mình có thể làm được trong hoàn cảnh tang thương. Cô Tấm kể cả khi đã trở thành hoàng hậu rồi vẫn trèo hái cau cúng cha đến nỗi bị mẹ con Cám hãm hại. Ca dao viết nhiều về chữ hiếu với những lời ca ngọt ngào, quen thuộc và sâu sắc:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thời mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Hay:
Làm trai nết đủ trăm đường Trước tiên là hiếu đạo thường xưa nay
Công cha đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ...
Hình tượng người phụ nữ hiếu thảo được thể hiện qua ba nhân vật là công chúa trong Lý Công, Ngọc Hoa trong Phạm Tải Ngọc Hoa và Thoại Khanh trong Thoại Khanh Châu Tuấn trong đó sâu sắc và xúc động nhất là hình ảnh nàng Thoại Khanh. Nếu như lòng hiếu thảo của Bạch Hoa và Ngọc Hoa là sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ đẻ của mình thì với Thoại Khanh là lòng hiếu thảo với mẹ chồng. Trong suốt quãng thời gian chồng đi đày, một mình nàng nuôi nấng, chăm sóc mẹ. Tác giả bình dân đã vẽ nên những hình ảnh đẹp với
tình yêu thương và sự quan tâm hiếm có như một người con với chính mẹ đẻ của mình:
Đêm đông gió lạnh căm căm Ôm mẹ vào lòng cho mẹ ấm ngơi
Tóc dài lại đắp phía ngoài Giả làm mền chiếu chi nài tấm thân
Lâu ngày nóng nực xót xa Nàng đi xách nước tắm cho mẹ rày
Không phải là những hành động mang tính ước lệ, công thức và rất hình thức của những điển cố, điển tích, lòng hiếu thảo của Thoại Khanh đã được thể hiện bằng những việc làm gần gũi, thiết thực nhưng mang đầy tình yêu thương, sự lo lắng của con cái với cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày như xách nước cho mẹ tắm, ôm cho mẹ ấm áp. Những việc làm đó, khiến cho hình ảnh Thoại Khanh thực sự gần gụi với hình ảnh của những người phụ nữ bình dị, đời thường trong văn học dân gian. Lòng hiếu thảo của Thoại Khanh còn được thể hiện qua những hành động phi thường. Trên quãng đường đưa mẹ đi tìm chồng, lúc mẹ chồng đói lả và sắp chết vì kiệt sức nàng đã tự nguyện cắt thịt ở cánh tay để nướng cho mẹ ăn:
Tôi xin cắt thịt cánh tay
Đặng mà nuôi mẹ tháng ngày cho xuôi
Khi không chịu giao hoan cùng dâm thần, hắn dọa bắt hồn mẹ, nàng đã tự nguyện móc mắt dâng cho hắn. Những hành động này mặc dù có sự cường điệu hóa nhưng là cách để các tác giả dân gian khắc sâu vẻ đẹp hiếu nghĩa của người phụ nữ bình dân. Lòng hiếu thảo của Thoại Khanh khiến cọp dữ động lòng thốt lên: “Mấy ai có dạ hiếu trung như nàng” và tự nguyện giúp mẹ con nàng vượt qua rừng rậm. Lòng hiếu thảo đó cũng khiến vua Tề bỏ ra mấy xe vàng chuộc lại hai con mắt cho Thoại Khanh và Ngọc Hoàng rưới nước linh đơn cho nàng sống lại.
Công chúa Bạch Hoa trong Lý Công và nàng Ngọc Hoa trong Phạm Tải Ngọc Hoa cũng là những người con rất hiếu thảo. Tuy bị cha bắt thả bè trôi sông, phải chịu bao gian nguy, thử thách nhưng trong quãng thời gian lưu lạc nàng vẫn nhớ về gia đình, đất nước và vẫn không nguôi ước mong được trở lại gặp mẹ cha:
Tôi xưa cha đã đày đi Tôi quyết trở về thấy mặt mẹ cha
Nàng Ngọc Hoa khi chồng bị Trang Vương đầu độc chết nàng đã định tự vẫn cùng chồng nhưng trong lòng không khỏi canh cánh nỗi lo về cha mẹ:
Lấy ai đem tin về nhà Lại lo cha mẹ tuổi già nhớ mong …Hai cha mẹ tuổi già, mình yếu Việc gia đình tính liệu cậy ai?
Sau khi mãn tang chồng, để bảo vệ tình yêu và lòng chung thủy nàng vẫn quyết định lựa chọn cái chết nhưng trước khi chết nàng vẫn tính toán lo liệu mọi việc trong gia đình. Nàng khuyên cha mẹ chia của cho dân làng và lạy khắp mọi người trong làng xóm để nhờ họ chăm sóc mẹ cha khi nàng không còn nữa. Đây là hình ảnh đẹp nhưng vô cùng xúc động về lòng hiếu nghĩa của người phụ nữ, người con với cha mẹ của mình.
Như vậy, mặc dù có những điểm riêng nhưng hình tượng người phụ nữ trong Truyện Nôm bình dân vẫn có rất nhiều nét gần gũi với hình tượng người phụ nữ trong văn học dân gian. Dù là công chúa, con quan hay xuất thân từ tầng lớp bình dân, người phụ nữ trong Truyện Nôm bình dân vẫn là những người vợ, người con xinh đẹp, thủy chung, hiếu nghĩa và luôn có tinh thần vươn lên,vượt qua khó khăn thử thách một cách kiên cường.
Tiểu kết
Có thể thấy hai nội dung đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp và phản ánh hình tượng người phụ nữ trong Truyện Nôm bình dân đã ảnh hưởng khá rõ từ văn học dân gian. Đây là hai nội dung nổi bật trong văn học dân gian. Đi vào Truyện Nôm bình dân, chúng vẫn tiếp tục được thể hiện rất sâu sắc. Mặc dù có
những tiếp thu và sáng tạo riêng nhưng đã cho chúng ta thấy được dù ở giai đoạn nào, tinh thần đấu tranh của tầng lớp bình dân luôn luôn mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cũng cho thấy được hình tượng người phụ nữ mãi là hình tượng đẹp nhất trong văn học. Họ luôn tỏa sáng với vẻ đẹp từ hình thức tới tâm hồn.