Trong nhiều thập kỷ qua, các nước đang phát triển như Việt Nam đã nhận thấy được tầm quan trọng của việc huy động các nguồn vốn từ bên ngoài, đã áp dụng nhiều biện pháp chính sách để khuyến khích các luồng vốn vào, đồng thời cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý và ngăn ngừa các rủi ro liên quan. Kinh nghiệm về thu hút và quản lý, cũng như mức độ thành công có khác nhau tuỳ từng nước. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng xem xét kinh nghiệm thu hút, quản lý vốn FPI của một số quốc gia.
1.3.1.1. Thái Lan
Thị trường chứng khoán Thái Lan là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á. TTCK Thái Lan ban đầu được các công ty tư nhân thành lập (vào tháng 7/1962), đến năm 1970 thị trường này phải đóng cửa vì ít người tham gia và thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước. Tháng 5/1974, Luật Sở giao dịch chứng khoán được ra đời và Sở giao dịch chứng khoán được mở cửa trở lại vào năm 1975. Kể từ năm 1986, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Giai đoạn 1962 – 1986, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan chịu sự quản lý và giám sát song song của 2 cơ quan: Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính. Năm 1992, Ủy ban chứng khoán–cơ quan quản lý trực tiếp của thị trường chứng khoán Thái Lan mới được thành lập.
Khủng hoảng tài chính Đông Nam Á là cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 7 năm 1997 ở Thái Lan rồi ảnh hưởng đến các TTCK, trung tâm tiền tệ lớn và giá cả của những tài sản khác ở một số nước Châu Á.
Cuộc khủng hoảng xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng. Nhưng một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là vấn đề kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ở Thái Lan.
Từ năm 1990, Thái Lan đã tiến hành rất nhanh quá trình tự do hoá tài chính với tham vọng biến nước này thành trung tâm tài chính khu vực. Thực hiện quá trình này, Thái Lan đã tự do hoá lãi suất tiền gửi năm 1990 và tự do hoá lãi suất cho vay năm 1992, tự do hoá các giao dịch của tài khoản vãng lai, loại bỏ các kiểm soát về ngoại hối, tự do hoá các giao dịch của tài khoản vốn với việc cho phép dòng vốn nước ngoài được tự do ra vào trong nước… Còn đối với FPI, Thái Lan xoá bỏ những hạn chế về việc chuyển vốn đầu tư, trả nợ, trả lãi suất với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được tư do đầu tư vào chứng khoán ở nước này.
Cùng với quá trình tự do hoá đó, Thái Lan thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái cố định, thực chất là đồng Bath được cố định so với đôla Mỹ. Ở thời điểm đó (từ 1992-1998), lãi suất ở Thái Lan luôn duy trì ở mức cao hơn thế giới. Do vậy, thời gian này, cùng với sự chênh lệch lãi suất lớn, sự tự do di chuyển dòng vốn đã khuyến khích dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Thái Lan mà không lo rủi ro tỷ giá, tuy nhiên, đó hầu hết là vốn ngắn hạn.
Hậu quả của nó là cuộc khủng hoảng Thái Lan xảy ra khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi những tổ chức tài chính ở nước này trước nguy cơ bong bóng của thị trường bất động sản, tình trạng phát triển quá nóng có nguy cơ tan vỡ của thị trường chứng khoán…
Cuộc khủng hoảng xảy ra ở Thái Lan năm 1997 là bài học về vấn đề kiểm soát vốn. Quá trình tự do hoá tài khoản vốn ở nước này diễn ra quá nhanh và không được tiến hành cùng với quá trình giám sát và điều tiết thận trọng của các nhân tố kinh tế vĩ mô.