Kết quả số liệu mà chúng ta nhận thấy ở trên được coi đó là thành công trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp của Việt Nam: ban đầu chỉ là 15.5tr USD năm 2002 đã lên tới 4 tỷ USD vào tháng 4 năm 2007, rồi tăng lên 8.4 tỷ USD vào đầu năm 2008. Đây là lượng vốn quan trọng góp phần phát triển kinh tế.
Nguồn vốn đầu tư gián tiếp tăng nhanh như vậy là nhờ môi trường đầu tư vĩ mô của Việt Nam ngày càng thông thoáng ổn định. Các chính sách, định chế tài chính đều tập trung thu hút vốn cho phát triển đất nước. Điều này đã làm cho môi trường đầu tư tại Việt Nam càng hấp dẫn hơn. Đầu năm 2007 luật đầu tư chứng khoán đã có hiệu lực và đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 49% vốn của công ty. Điều khoản này cơ bản đã làm cho vốn đầu tư gián tiếp tăng nhanh.
Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam mang đến những tác động tích cực, đó là:
- Làm cho thị trường vốn ngày càng phát triển sâu và rộng hơn, minh bạch hơn trong điều hành quản lí hoạt động.
- Tăng cường tính thanh khoản của thị trường vốn nội địa. Vốn FPI từ nước ngoài đổ vào thông qua mua-bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do đó thúc đẩy tính thanh khoản.
- Góp phần cải thiện kĩ năng kinh doanh của khu vực tài chính. Khi mà thị trường vốn chưa phát triển thì trình độ kinh doanh của khu vực tài chính nói chung là yếu kém. Khi thị trường có sự hội nhập, khu vực tài chính bắt buộc phải nâng cao trình độ.
- Trình độ nguồn nhân lực cũng được nâng lên do nhu cầu phát triển của thị trường. Đây là thành tựu quan trọng mà chúng ta đạt được vì nguồn nhân lực giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế.
Với thực trạng trên và so với tiềm năng đất nước khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định 8% như những năm 2006, 2007 thì con số đầu tư trên là khá khiêm tốn. Mặt khác những con số trên chưa thật sự đầy đủ về đầu tư gián tiếp vì Việt Nam chưa hoàn toàn quản lí được thị trường OTC.