Các quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam qua thị trường chứng khoán (Trang 70 - 76)

Hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài qua TTCK ở Việt Nam hiện chịu tác động bởi rất nhiều các bộ luật, nghị định, quyết định khác nhau.

Quy định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam

Nội dung:

Năm 2003, trong Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg có quy định về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua, bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam được nắm giữ tối đa 30% tổng số cổ phiếu niêm yết của tổ chức phát hành. Tỷ lệ góp vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài trong công ty chứng khoán liên doanh hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ không giới hạn tỷ lệ trái phiếu lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đến năm 2005, khi thị trường đã đi vào hoạt động được 5 năm, tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam được nới lỏng. Quyết định 238/ 2005/ QĐ- TTg nâng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài lên 49%: nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ 49% tổng số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch của một tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Trung tâm giao dịch chứng khoán. Riêng đối với các công ty chưa niêm yết, các nhà ĐTNN chỉ được phép nắm giữ tối đa 30% vốn điều lệ.

Việc mở rộng tỷ lệ tham gia của khối đầu tư này là một tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, do đó các rào cản về luật pháp sẽ dần bị loại bỏ như những quốc gia khác trên thế giới đã làm.

Ý nghĩa:

Theo thông lệ của những nước mới đưa thị trường chứng khoán vào vận hành, những quy định của chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài còn ở mức thấp. Sở dĩ tỷ lệ này trong quy định của chính phủ còn thấp là do thị trường của chúng ta còn non trẻ và cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của thị trường còn chưa hoàn thiện: hệ thống ngân hàng hoạt động còn yếu kém, quản lý nhà nước đối với thị trường còn thiếu nhiều kinh nghiệm, thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn phát triển.

Quy định về các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia trên TTCK

Nội dung:

Quy định về các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia, không được phép tham gia hay hạn chế tham gia được quy định trong Luật Đầu tư ban hành năm 2005. Theo đó, nhà ĐTNN nói chung được phép tham gia vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đối với một lĩnh vực đầu tư có điều kiện: tài chính ngân hàng, khai thác thăm dò tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, lĩnh vực liên quan đến sức khỏe của cộng đồng

thì tùy theo từng lĩnh vực sẽ có quy định cụ thể cho nhà đầu tư. Có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng: tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài là 30%. Tuy nhiên, nếu giao dịch chứng khoán dẫn đến nhà ĐTNN sở hữu từ 5-20% tổng số cổ phiếu niêm yết, Thống đốc ngân hàng nhà nước phải có thư không phản đối trước khi tiến hành giao dịch. Nếu giao dịch mua bán dẫn đến nhà đầu tư sở hữu trên 20% số cổ phiếu niêm yết thì phải có văn bản chấp thuận của Thống đốc. Các lĩnh vực nhà ĐTNN không được phép đầu tư là các lĩnh vực gây hại đến an ninh quốc gia, gây hại đến sức khỏe con người và các lĩnh vực làm phương hại đến di tích lịch sử văn hóa, đạo đức Việt Nam…

Ngoài ra danh mục hạn chế đầu tư nước ngoài đã được khống chế ngay tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006. Những lĩnh vực này gọi là lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Có 14 lĩnh vực trong đó có ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, các dịch vụ liên quan đến tài chính, hàng hải, quảng cáo, kinh doanh bất động sản... được quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những lĩnh vực này hoàn toàn phù hợp với cam kết của tổ chức thương mại thế giới cũng như trong hiệp định song phương.

Trong hạn chế đầu tư nước ngoài có hai mảng. Thứ nhất là những danh mục được mô tả điều kiện cụ thể. Ví dụ như lĩnh vực hàng hải khống chế nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49%. Còn lĩnh vực bảo hiểm, chúng ta chỉ quy định đối với đầu tư 100% vốn nước ngoài và khống chế bằng định lượng, tức là cho quota về hình thức đó.

Hoặc ở ngành viễn thông, mức khống chế liên quan đến lĩnh vực kinh doanh về đường trục, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không quá 51%. Như vậy, chúng ta kiểm soát và bảo hộ cho các nhà đầu tư trong nước đối với những ngành đó.

Mảng thứ hai trong danh mục đó lại không mô tả điều kiện cụ thể. Điều đó có nghĩa là Nhà nước dựa vào chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội để có thể cho mở hoặc không mở cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như lĩnh vực dầu khí và khai khoáng không đưa ra một điều kiện gì.

Ý nghĩa:

Quy định về các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và các lĩnh vực không được phép tham gia giúp cho các nhà đầu tư có chủ động xác định chiến lược đầu tư dài hạn. Các quy định này càng rõ ràng, ít biến động thì càng có tác dụng khuyến khích nhà đầu tư tham gia.

Quy định về việc cấp phép thành lập, hoạt động cho các trung gian tài chính nước ngoài

Nội dung:

Luật chứng khoán Việt Nam quy định về việc cấp giấy phép hoạt động cho các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán quốc tế chỉ được phép thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với đối tác Việt Nam với tỷ lệ góp vốn tối đa là 49%. Việc đăng kí thành lập văn phòng đại diện phải tiến hành thông qua Uỷ ban chứng khoán nhà nước. Các thủ tục để hoàn thành việc đăng kí này cũng diễn ra khá phức tạp như: yêu cầu các giấy tờ có xuất xứ bên ngoài Việt Nam (bản sao giấy phép hoạt động, bản sao điều lệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài) và trong thời hạn bảy ngày nếu hồ sơ đăng kí hoạt động là hợp lệ thì UBCKNN sẽ cấp phép.

Ý nghĩa

Công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán nước ngoài là các trung gian tài chính giúp cho vốn đầu tư từ bên ngoài đến với Việt Nam dễ dàng hơn trên

cơ sở sự nghiên cứu tìm hiểu về thị trường của các công ty này. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn chưa cho phép thành lập một cách rộng rãi tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại có thể là do sự thận trọng trong phương thức quản lý.

Các quy định khác

Các quy định về thời hạn rút vốn hay đánh thuế từ khoản lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa được quy định trong luật pháp Việt Nam. Do vậy, có thể nói đây cũng là điểm khuyến khích khối nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện tại chính sách về thuế đối với phần vốn chuyển ra nước ngoài đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang được xây dựng trong dự thảo và dự định sẽ ban hành trong thời gian tới.

Chúng ta thấy khung pháp lý minh bạch là nền tảng cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kéo các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện rõ rệt khi Việt Nam ban hành luật đầu tư. Luật đầu tư góp phần quan trọng hình thành một sân chơi chung cho tất cả các nhà đầu tư trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của WTO như nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, nguyên tắc đối xử quốc gia, nguyên tắc công khai minh bạch.

Đây cũng là một trong những văn bản luật đầu tiên được xây dựng theo nguyên tắc bình đẳng triệt để về cơ hội và điều kiện cạnh tranh, những ngoại lệ hay đặc thù áp dụng riêng cho nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đều được xác định cụ thể, hợp lý, minh bạch và quy định rõ lộ trình loại bỏ.

Trên cơ sở tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý kinh doanh, những quy định về vai trò quản lý nhà nước trong luật này được cải tiến theo hướng Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ và bảo

đảm cho việc thực hiện nghiêm minh pháp luật, không can thiệp vào quản lý kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp có thể tự do tìm đối tác hợp tác kinh doanh với mình mà điển hình là có thể thực hiện niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp trên TTCK. Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư không chỉ của các nhà đầu tư trong nước mà còn có cả của khối nước ngoài để có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý, đổi mới công nghệ,…

Đặc biệt, Luật này có điều khoản riêng quy định cho phép các nhà đầu tư được thực hiện các hình thức đầu tư gián tiếp trên lãnh thổ Việt Nam thông qua các công cụ tài chính khác nhau như mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác, thông qua quỹ đầu tư chứng khoán, thông qua các định chế tài chính trung gian. Cùng với đó, những quy định về góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại doanh nghiệp khi đưa vào thực hiện đã làm tăng mạnh cả cung và cầu trên thị trường chứng khoán. Sau làn sóng đầu tư gián tiếp thứ nhất, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã rút khỏi Việt Nam. Nhưng năm 2006, sau khi luật đầu tư được ban hành với những cải cách mạnh mẽ, thông thoáng hơn trước đã giành lại được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Sự trở lại của một số quỹ đầu tư sau một thời gian rời Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của khối đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và sự cải thiện trong nhận thức về môi trường đầu tư của Việt Nam. Tính đến thời điểm tháng 8/2008 đã có 34 quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động trên thị trường Việt Nam. So sánh số lượng tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấy sự tăng trưởng nhanh chóng của đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Sau 3 năm (kể từ năm 2003) số lượng tài khoản của nhà ĐTNN đã tăng lên 28 lần. Riêng năm 2006, con số này tăng hơn 3 lần so với năm 2005. Và đến tháng 2/2008, số tài khoản của khối nước ngoài trên TTCK Việt Nam là 7.800 tài khoản.

Một phần của tài liệu Thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam qua thị trường chứng khoán (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)