trong ao đất
Bảng 4.14 thể hiện chi phí nuôi cá rô bình quân của nông hộ, trong số các khoản mục chi phí, thức ăn công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (74,62%), tiếp đó là chi phí giống (9,64%), chi phí lao động gia đình (9,29%), chi phí thuốc cho cá (5,06%),...và chi phí khấu hao máy móc là thấp nhất (0,05%). Vì chi phí thức ăn chiếm gần 3/4 tổng chi phí nên việc sử dụng hợp lý thức ăn cho cá sẽ giúp người nuôi hạn chế được việc chi phí tăng không cần thiết.
Tổng chi phí trung bình của nông hộ là 221,33 nghìn đồng/m2/vụ. Song, tùy từng hộ mà mức tổng chi phí sẽ thay đổi khi mỗi hộ có mật độ thả nuôi và cách thức nuôi khác nhau. Tuy nhiên, để tổng chi phí ở mức hợp lý người nuôi cũng cần chú ý đến các loại chi phí khác như chi phí giống, chi phí thuốc, chi phí nhiên liệu,... nhưng tất cả chỉ nên tiết kiệm ở mức vừa phải, tránh gây ảnh hưởng không tốt đến kết quả nuôi.
Bảng 4.14 Chi phí nuôi cá rô trung bình của nông hộ Đơn vị: nghìn đồng/m2/vụ Khoản mục Trung bình Tỷ trọng (%) Chi phí thức ăn 165,16 74,62 Chi phí giống 21,33 9,64
Chi phí lao động gia đình 20,56 9,29
Chi phí thuốc 11,20 5,06
Chi phí lãi vay 1,07 0,48
Chi phí nhiên liệu 0,79 0,36
Chi phí cải tạo ao 0,72 0,32
Chi phí lao động thuê 0,40 0,18
Khấu hao máy móc 0,10 0,05
Tổng cộng 221,33 100,00
Nguồn: Số liệu điều tra thực tế, tháng 9/2013
Chi phí thức ăn
Qua khảo sát thực tế thấy được, chi phí thức ăn là khoản chi phí quan trọng nhất và cũng chiếm tỷ trọng cao nhất với 74,62% tổng chi phí. Lợi nhuận của người nuôi không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá bán mà còn chịu tác động của giá thành và chi phí thức ăn là nhân tố chính quyết định mức giá thành của cá rô thương phẩm. Mức chi phí thức ăn trung bình của nông hộ là 165,16 nghìn đồng/m2/vụ. Vì đây là chi phí chính mà người nuôi phải chịu nên việc tiết kiệm được khoản chi phí này sẽ góp phần tích cực cho lợi nhuận đạt được của nông hộ. Tuy nhiên, vấn đề tiết kiệm ở đây không có nghĩa là người nuôi mua những loại thức ăn giá càng thấp càng tốt, mà quan trọng là lượng thức ăn người nuôi sử dụng cho cá, còn loại thức ăn thì luôn cần phải đảm bảo được chất lượng. Người nuôi nên tính toán cẩn thận lượng thức ăn cho cá sao cho phù hợp, không thiếu cũng không nên thừa để tránh việc nâng giá thành lên cao không cần thiết.
Bên cạnh đó, chi phí thức ăn còn phụ thuộc vào giá mua thức ăn và mức giá này còn tùy vào cách thức thanh toán của người nuôi cá khi mua. Thực tế thấy được, nếu người mua trả tiền mặt ngay lúc mua sẽ chịu mức giá thấp hơn nhiều so với việc trả tiền sau khi thu hoạch cá thương phẩm. Vì nếu người
nuôi muốn được bao thức ăn thì họ phải trả thêm cho người bán thức ăn một khoản tiền lãi được tính dựa trên lượng thức ăn mua và thời gian hẹn trả. Vì vậy, người nuôi nên xem xét kỹ giữa việc chọn được bao thanh toán hay là vay tiền bên ngoài và khoản chi phí lãi phải trả nào là cao hơn để có sự chọn lựa thích hợp. Ngoài ra, trên thị trường có nhiều loại thức ăn với nhiều nhãn hiệu khác nhau nên người nuôi cũng cần lựa chọn loại thức ăn với độ đạm phù hợp với cá, nhằm nâng cao chất lượng cá và giá bán cá khi thu hoạch.
Chi phí giống
Trong cơ cấu các loại chi phí khi nuôi cá rô thâm canh trong ao đất, chi phí giống là khoản chi phí cao đứng thứ hai sau chi phí thức ăn chiếm tỷ trọng 9,64% tổng chi phí, trung bình thì hộ nuôi tốn khoảng 21,33 nghìn đồng/m2/vụ cho mua cá giống. Tuy nhiên, chi phí giống của mỗi hộ còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác như số lượng giống, kích cỡ cá giống và chất lượng cá giống, nên giá giống cũng khác nhau. Giống là đầu vào quan trọng, bước đầu quyết định chất lượng cá. Người nuôi nên chọn những con cá giống có kích cỡ tương đương nhau, nếu thả cá có kích cỡ khác nhau thì rất khó cho vấn đề chăm sóc và rất bất lợi cho cạnh tranh thức ăn trong đàn, chọn cá bơi nhanh nhẹn, cơ thể cân đối không bị bệnh tật. Khi chọn được giống tốt, người nuôi đã phần nào hạn chế được khả năng cá bệnh và cá cũng sinh trưởng tốt hơn.
Chi phí lao động gia đình
Chi phí lao động chiếm 9,29% tổng chi phí. Vì lao động gia đình là những người nuôi chính nên nếu tính theo giá thuê lao động của địa phương và thời gian là cả vụ nuôi thì số tiền phải trả là cao hơn những chi phí còn lại, ngoại trừ chi phí thức ăn và chi phí giống. Chi phí lao động gia đình trung bình là 20,56 nghìn đồng/m2/vụ. Khoản chi phí này cao hay thấp là tùy thuộc vào thời gian nuôi mỗi vụ (số ngày công), số lao động gia đình tham gia nuôi cá rô và giá thuê lao động của địa phương.
Bảng 4.15 Lao động gia đình tham gia nuôi cá rô thâm canh của nông hộ
Khoản mục Đơn vị Nhỏ nhất Lớn nhất Trung bình Lao động gia đình Ngày công/100m2/vụ 2 24 10,06 Giá thuê lao động Nghìn đồng/người/ngày công 100 150 127,83
Qua khảo sát thực tế, đa số nông hộ cho rằng tuy nuôi cá rô không khó nhưng đòi hỏi phải bỏ công quan sát và theo dõi ao cá mỗi ngày, đề phòng trường hợp cá bệnh hoặc ao cá bị ô nhiễm. Ngoài ra, người nuôi cũng cần cho cá ăn đúng thời gian và lượng thức ăn. Vì vậy, tùy theo thời gian nuôi của vụ mà số ngày công lao động của mỗi hộ sẽ khác nhau. Tính theo đơn vị diện tích thì trung bình hộ mất khoảng 10 ngày công/100m2/vụ. Giá thuê lao động cũng khác nhau ở mỗi nơi, tuy vậy trung bình giá thuê là khoảng 128 nghìn đồng/người/ngày công. Khoản chi phí lao động gia đình được người nuôi xem như công bỏ ra và nó sẽ được cộng vào lợi nhuận để tính mức thu nhập của hộ.
Chi phí thuốc
Chi phí thuốc trung bình của nông hộ là 11,20 nghìn đồng/m2/vụ (chiếm 5,06% tổng chi phí). Vấn đề chi phí thuốc cao hay thấp còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của cá, số lượng cá bị bệnh, loại bệnh mà cá đang mắc. Đa phần những hộ có chi phí thuốc cao là do khi cá bệnh nhưng không phát hiện sớm, nên buộc phải tốn một khoản chi phí khá cao để mua thuốc trị bệnh cho cá.
Khi cá bị bệnh, phần lớn người nuôi thường mua thuốc ở các cửa hàng thuốc thú y (78% tổng số hộ), số nhỏ còn lại (22% tổng số hộ) thì mua của những người bán thuốc dạo qua đường nhưng do hộ nuôi đã mua nhiều lần nên quen. Tuy nhiên theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành, thì người nuôi chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi xác định bệnh cá do vi khuẩn gây ra, không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh, tránh hiện tượng kháng thuốc. Thuốc, hóa chất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, nhãn mác bao bì nguyên vẹn, rõ ràng và phải có trong danh mục được phép sử dụng. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh cho cá mà còn tác động đến kết quả sản xuất của hộ nuôi. Vì vậy để hạn chế cá bệnh, người nuôi cần quản lý tốt chất lượng môi trường ao nuôi và cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khỏe của cá trong ao, để có thể kịp thời phát hiện và khắc phục, hạn chế thiệt hại khi bệnh còn chưa lây lan rộng và tránh việc gia tăng giá thành do chi phí thuốc tăng cao.
Chi phí lãi vay
Chi phí lãi vay trung bình của nông hộ là 1,07 nghìn đồng/m2/vụ (chiếm 0,48% tổng chi phí). Thực tế điều tra cho thấy, có 36 hộ nuôi cá rô (chiếm
36% tổng số hộ) sử dụng vốn tự có, 53 hộ (chiếm 53% tổng số hộ) sử dụng
vốn tự có và vay trên thị trường chính thức, còn lại 11 hộ (chiếm 11% tổng số hộ) là dùng vốn tự có cùng với vay ở thị trường phi chính thức. Những hộ vay ở thị trường phi chính thức thường chịu mức lãi suất cao hơn thị trường chính thức. Hiện nay, nông dân tuy được hưởng nhiều ưu đãi cho trong vấn đề vay
vốn như Agribank (2010) có sản phẩm tín dụng “Cho vay hộ nông dân theo Quyết định 67/1998/QĐ-TTg". Tuy nhiên, người nông dân đang gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng vì thủ tục còn quá chặt chẽ. Song, với 53% hộ nuôi vay vốn ở thị trường chính thức cũng cho thấy được người nuôi cá cũng đã tiếp cận rất tốt với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng.
Chi phí nhiên liệu
Chi phí nhiên liệu trung bình của hộ nuôi cá rô là 0,79 nghìn đồng/m2/vụ (chiếm 0,36% tổng chi phí). Nông hộ thường chỉ sử dụng máy bơm nước nên chi phí nhiên liệu chủ yếu là tiền mua xăng, dầu hoặc ước tính tiền điện, vì một số hộ sử dụng máy chạy bằng điện, nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, một số người nuôi còn phải chịu thêm chi phí xăng cho quá trình vận chuyển cá giống, vì hộ không tự sản xuất được cá giống mà phải mua ở nơi khác.
Chi phí cải tạo ao
Trước khi bắt đầu vụ nuôi, 100% nông hộ đều tiến hành cải tạo ao, chi phí cải tạo ao trung bình là 0,72 nghìn đồng/m2/vụ (chiếm 0,32% tổng chi phí). Đa số hộ nuôi cho rằng chi phí cải tạo ao là không đáng kể, chủ yếu là tiền mua hóa chất, vôi bột và khi gây màu nước cho ao có thể mua phân hóa học N-P-K hoặc chế phẩm sinh học có bán trên thị trường, nhưng hộ nuôi thường chỉ sử dụng phân chuồng có sẵn tại nhà. Tuy chi phí cải tạo ao chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng cơ cấu chi phí, nhưng công đoạn này được thựcc hiện tốt sẽ hạn chế được nhiều mầm mống gây bệnh cho cá trong lúc nuôi, góp phần tiết kiệm được chi phí thuốc cho cá.
Chi phí lao động thuê
Chi phí lao động thuê của nông hộ thường thấp, trung bình là 0,40 nghìn đồng/m2/vụ (chiếm 0,18% tổng chi phí). Hộ nuôi cá rô rất ít thuê thêm lao động trong quá trình nuôi vì chủ yếu họ muốn lấy công gia đình làm lời và hạn chế chi phí. Ngoài chủ hộ là người nuôi thường xuyên thì những thành viên khác trong gia đình thỉnh thoảng vẫn có làm tiếp những công việc đơn giản khác như cho cá ăn để phụ tiếp người nuôi chính. Trong một vụ cá, đa số hộ nuôi chỉ cần nhiều lao động lúc cải tạo ao, do phải tát hoặc tháo cạn, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn, nếu lượng bùn quá nhiều và vào lúc thu hoạch cá thương phẩm. Do đa số hộ nuôi cá rô thâm canh không thuê thêm lao động trong thời gian nuôi nên việc chỉ sử dụng lao động gia đình đã giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Khấu hao máy móc
Khấu hao máy móc là khoản chi phí có tỷ trọng thấp nhất trong tổng chi phí (chỉ chiếm 0,05% tổng chi phí). Hộ nuôi trung bình tốn khoảng 0,10 nghìn đồng/m2/vụ. Máy móc phục vụ cho quá trình nuôi cá rô ở tất cả các hộ chủ yếu là máy bơm nước và số lượng máy của mỗi hộ chỉ nằm trong khoảng từ 1 – 4 máy. Tuy nhiên, do người nuôi cá khi mới bắt đầu nuôi đã mua máy nên giá mua lúc đó cũng thấp nhưng thời hạn sử dụng máy thì khá dài, trong khoảng từ 5 – 10 năm. Điều này dẫn đến, khoản chi phí này thấp ở đa số hộ nuôi.
4.3.2 Phân tích doanh thu, năng suất, lợi nhuận và một số tỷ số tài chính nhằm đánh giá hiệu quả tài chính của nông hộ nuôi cá rô thâm canh trong ao đất
Qua kết quả sản xuất của nông hộ cho thấy, người nuôi phần lớn đều có lời, cũng có một số hộ bị lỗ tuy chỉ chiếm số lượng nhỏ. Lợi nhuận của nông hộ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là giá bán và giá thành, nhưng giá cả của các mặt hàng nông sản trên thị trường luôn không ổn định, nên lợi nhuận của người dân cũng gặp nhiều bấp bênh. Bên cạnh đó, năng suất cũng là chỉ tiêu phản ánh được kết quả sản xuất của nông hộ, vì khi sản lượng tăng ứng với diện tích không đổi sẽ làm tăng năng suất và mức sản lượng thu hoạch tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của nông hộ.
Phân tích kết quả nuôi cá rô của nông hộ chỉ cho biết được mức chi phí người nuôi đã đầu tư, doanh thu có được sau khi bán cá rô thương phẩm và lợi nhuận mà hộ đạt được sau khi đã trừ đi tất cả chi phí. Tuy nhiên, hộ nuôi có thật sự đạt được hiệu quả sau một vụ nuôi hay không còn phải xét đến các tỷ số tài chính để đánh giá hiệu quả của nông hộ nuôi cá rô thâm canh trong ao đất. Bởi vì, mỗi hộ có quy mô nuôi khác nhau nên mức chi phí, doanh thu và lợi nhuận cũng khác nhau. Điển hình là những hộ nuôi với diện tích lớn sẽ có mức chi phí và doanh thu cao hơn những hộ có diện tích nuôi nhỏ hơn, nhưng chưa khẳng định được rằng những hộ nuôi với diện tích lớn lại có hiệu quả hơn những hộ nuôi với diện tích nhỏ. Tuy nhiên, tỷ số doanh thu/chi phí sẽ cho phép so sánh giữa doanh thu đạt được với chi phí bỏ ra và hộ nuôi có hiệu quả về doanh thu khi có giá trị tỷ số này cao hơn. Ngoài ra còn có các tỷ số khác như lợi nhuận/chi phí, thu nhập/chi phí, thu nhập/lao động gia đình, lợi nhuận/doanh thu và tổng chi phí/đơn vị sản phẩm sẽ phần nào cho biết được hiệu quả nhận được thật sự của hộ nuôi.
Bảng 4.16 Kết quả sản xuất và một số tỷ số tài chính nhằm đánh giá hiệu quả tài chính của nông hộ nuôi cá rô thâm canh trong ao đất
Khoản mục Đơn vị Trung bình
Năng suất Kg/m2 8,80 Giá bán Nghìn đồng/kg 27,14 Doanh thu Nghìn đồng/m2 238,83 Tổng chi phí Nghìn đồng/m2 221,33 Lợi nhuận Nghìn đồng/m2 17,50 Thu nhập Nghìn đồng/m2 38,06 Doanh thu/Chi phí Lần 1,08 Lợi nhuận/Chi phí Lần 0,08 Thu nhập/Chi phí Lần 0,17
Thu nhập/Lao động gia đình Nghìn đồng/ngày công 378,33
Lợi nhuận/Doanh thu Lần 0,07
Tổng chi phí/Đơn vị sản phẩm Nghìn đồng/kg 25,15
Nguồn: Số liệu điều tra thực tế, tháng 9/2013
Năng suất
Sản lượng cá thu hoạch chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trong đó, quan trọng là mật độ thả nuôi vì dù cùng diện tích, nhưng khi người nuôi thả cá giống với mật độ dày và có sự chăm sóc tốt, cá ít bị bệnh, không có tổn thất nhiều thì sản lượng thu hoạch tất nhiên sẽ cao hơn so với hộ thả giống ở mật độ thưa hơn dù cùng điều kiện nuôi. Khi sản lượng cao cùng điều kiện giá bán cá được thuận lợi, sẽ là dấu hiệu tốt để thu được doanh thu cao. Theo thống kê của Chi cục thủy sản tỉnh Hậu Giang năm 2012, năng suất cá rô nuôi thâm canh trong ao đất trung bình của nông hộ là 7,029 kg/m2. Tuy nhiên, từ kết quả thực tế của 100 hộ trong vụ nuôi 8 tháng/2013 cho biết năng suất cá trung bình là 8,80 kg/m2, điều này thấy được sự tiến bộ trong kỹ thuật nuôi cá rô thâm canh đã giúp cho hộ thu được sản lượng cao hơn, nâng cao năng suất.
Giá bán
Giá bán cá rô thương phẩm trung bình tại hộ nuôi là 27,14 nghìn đồng/kg, với mức giá này cũng đã giúp nhiều nông hộ có lời. Song, giá cả các mặt hàng nông sản nói chung và giá cá rô nói riêng luôn thay đổi thất thường,