3.1.2.1 Địa hình
Hậu Giang là tỉnh nằm ở phần cuối Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 2 m so với mực nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Khu vực ven sông Hậu cao nhất, trung bình khoảng 1 - 1,5 m, độ cao thấp dần về phía Tây. Phần lớn lãnh thổ nằm kẹp giữa kênh Xáng Xà No và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp là vùng thấp trũng, độ cao trung bình chỉ khoảng 0,2 - 0,5 m so với mực nước biển. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
Bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống kênh rạch nhân tạo. Việc đào kênh vừa tăng cường khả năng thoát nước và lưu thông, vừa tạo ra các vùng có địa hình cao tương đối hàng mét. Sự chênh lệch về độ cao giữa các nơi trong tỉnh tuy không lớn lắm nhưng đã tạo ra sự tương phản rõ rệt. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tự nhiên và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
3.1.2.2 Khí hậu
Hậu Giang có khí hậu cận xích đạo gió mùa. Tính chất cận xích đạo được thể hiện ở những đặc điểm về quang và nhiệt. Số giờ nắng trong năm nhiều, trung bình 2.300 - 2.500 giờ. Tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 1.500 kcal/cm2/năm. Nhiệt độ trung bình cao, khoảng 26,7 - 270C, tổng nhiệt hằng năm là 9.8000C. Biên độ nhiệt trong năm thấp, tháng 4 nóng nhất với khoảng 28,60C, tháng 1 lạnh nhất với khoảng 25,50C. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm dao động lớn, khoảng 70C, mùa khô chênh lệch cao hơn, mùa mưa chênh lệch ít hơn. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
Tính chất mùa thể hiện rõ nét ở chế độ gió và chế độ ẩm. Trong năm, Hậu Giang chịu ảnh hưởng của hai mùa gió: mùa mưa có gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô có gió Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa khoảng 1.800 mm/năm, tập trung cao nhất từ tháng 9 đến tháng 10. Lượng mưa phân bố không đều theo lãnh thổ, khu vực phía Tây có số ngày mưa nhiều hơn, lượng mưa lớn hơn và mùa khô không gay gắt như khu vực phía Đông. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
Bảng 3.1 Nhiệt độ trung bình, lượng mưa và độ ẩm tương đối trung bình các tháng trong năm (2010-2012)
Tháng Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
Nhiệt độ (Độ C) Lượng mưa (mm) Độ ẩm (%) Nhiệt độ (Độ C) Lượng mưa (mm) Độ ẩm (%) Nhiệt độ (Độ C) Lượng mưa (mm) Độ ẩm (%) 1 26,0 14,7 80,0 25,8 1,8 80,0 26,4 1,2 78,0 2 27,0 - 79,0 26,2 - 76,0 27,0 8,6 77,0 3 28,4 0,6 74,0 27,3 103,9 77,0 28,1 141,6 77,0 4 29,4 1,1 76,0 28,1 1,1 76,0 28,6 111,5 79,0 5 30,0 66,5 77,0 28,6 155,7 82,0 28,0 71,6 83,0 6 28,1 195,9 84,0 27,5 181,1 85,0 27,9 136,5 83,0 7 27,4 143,8 86,0 27,2 384,5 85,0 27,6 133,1 84,0 8 27,1 214,5 87,0 27,5 167,7 84,0 27,8 90,7 84,0 9 27,6 120,9 85,0 27,0 152,2 86,0 26,6 299,7 88,0 10 26,9 265,4 86,0 27,9 101,3 82,0 27,6 200,6 84,0 11 27,0 204,0 85,0 27,4 191,1 83,0 28,3 15,8 81,0 12 26,4 82,4 82,0 26,0 55,1 78,0 27,9 16,0 78,0 Cả năm 27,6 1.309,8 81,8 27,2 1495,5 81,2 27,7 1226,9 81,3
Nguồn: Niên giám thống kê năm 2012- Cục thống kê tỉnh Hậu Giang
Độ ẩm trung bình trong năm phân hóa theo mùa rõ rệt, chênh lệch độ ẩm trung bình giữa tháng ẩm nhất và tháng ít ẩm nhất khoảng 11%. Độ ẩm trung bình thấp nhất vào khoảng tháng 3 và 4 (77%), độ ẩm trung bình trong năm là khoảng 81% - 82%.(Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
3.1.2.3 Thủy văn
Hậu Giang là tỉnh có một hệ thống kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Các con kênh lớn là: kênh Đông Lợi, kênh Sóc Trăng, kênh Mỹ Thuận, kênh Xáng Xà No, kinh Xáng, kênh Lô Đá, kênh Xáng Nàng Mau, kênh Xáng Bún Tàu, kênh Cái Côn....Sông Hậu chảy ở phía Đông Bắc tỉnh với chiều dài khoảng 14 - 15 km, qua địa bàn huyện Châu Thành. Sông có nhiều nhánh tự nhiên chảy vào tỉnh. Phía Tây Nam của tỉnh có các con sông như: sông Cái Lớn, sông Ba, sông Nước Đục, sông Nước Trong.... không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, mà còn là đường giao thông quan trọng đi khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
Bảng 3.2. Mực nước bình quân hàng tháng qua các năm (2010-2012)
Đơn vị: cm Trạm Phụng Hiệp
( Sông Cái Côn)
Trạm Vị Thanh ( Sông Xà No) Tháng Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 1 46 58 52 24 39 32 2 29 46 43 15 27 28 3 29 47 39 16 27 29 4 23 29 20 13 18 16 5 20 15 11 13 15 23 6 16 19 14 18 25 24 7 22 30 29 19 29 33 8 39 54 36 32 41 35 9 53 66 59 33 52 55 10 75 91 77 53 61 59 11 83 89 64 63 67 49 12 67 73 60 51 55 44 Bình quân 42 51 42 29 38 36
Nguồn: Niên giám thống kê năm 2012- Cục thống kê tỉnh Hậu Giang
Phần lớn lãnh thổ Hậu Giang trong năm đều có thời kỳ ngập nước, bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài khoảng 2 - 3 tháng. Độ sâu và thời gian ngập nước tùy thuộc vào lượng nước mưa; độ cao tương đối, vị trí so với các dòng sông, kênh rạch. Hiện tượng ngập úng thường được bắt đầu do mưa, sau đó tăng cường do lũ sông Hậu. Các vùng cao ven sông Hậu và những vùng phía Tây trong lưu vực sông Cái Lớn thoát nước tốt nên ít bị ngập hoặc thời gian ngập ngắn. Vùng đất thấp có khả năng thoát nước kém nên thời gian ngập lụt dài hơn. Tùy theo mức độ ngập, có thể chia lãnh thổ Hậu Giang thành các vùng:
- Vùng ngập dưới 30 cm gồm phần lớn huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, vùng Đồng Gò huyện Phụng Hiệp, phần lớn huyện Long Mỹ.
- Vùng ngập từ 30 - 60 cm gồm khu vực phía Nam huyện Châu Thành,
phần lớn huyện Vị Thủy.
- Vùng ngập từ 60 cm trở lên gồm xã Trường Long Tây của huyện Châu Thành A và phần lớn huyện Phụng Hiệp.
- Vùng không bị ngập hoặc thời gian ngập không đáng kể gồm phần lớn thị xã Vị Thanh, một phần huyện Vị Thủy, do nằm ở lưu vực sông Cái Lớn nên có khả năng thoát nước tốt.
Hậu Giang là tỉnh nằm ở hạ nguồn sông Hậu, chịu tác động mạnh của thủy triều. Vào mùa mưa, biên độ triều thấp, khoảng 0,5 m. Vào mùa khô, biên độ thủy triều có thể lên tới vài mét. Người ta có thể lợi dụng điều này để xây dựng hệ thống tưới tiêu tự chảy, nhưng đồng thời phải luôn cảnh giác đề phòng nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng. Vùng Tây Nam của tỉnh nằm trong lưu vực sông Cái Lớn nên chịu ảnh hưởng mạnh bởi chế độ triều của vịnh Thái Lan. Nước mặn có thể theo sông Cái Lớn gây ra hiện tượng nhiễm mặn nặng tại khu vực Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ; khu vực ven các sông Nước Trong, Cái Tư, Ngan Dừa, Cái Côn; thậm chí nước mặn còn lấn vào cả kênh Quản Lộ. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
3.1.2.4 Tài nguyên thiên nhiên
a) Đất đai
Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Xét về lý tính, đây là vùng đất còn mềm yếu, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, chia thành hai tầng rõ rệt: tầng trên là sét pha thịt có độ dẻo cao, tầng dưới là sét dẻo với độ sâu vài chục mét. Do đó, khả năng chịu lực rất kém. Xét về hoá tính, đất Hậu Giang có tỷ lệ mùn cao, nhất là trong các tầng đất than bùn và phèn. Do diện tích đất phèn, mặn nhiều nên độc tố trong đất cao, nhất là SO42 - vượt quá sức chịu đựng của cây trồng, nên cần phải thau chua rửa mặn trước khi canh tác. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
b) Sinh vật
- Thực vật: Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01-01-2008, toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 5.100 ha diện tích đất lâm nghiệp. Trong đó, tổng diện tích rừng là 2.500 ha, chủ yếu là rừng trồng tập trung ở một số lâm trường trong tỉnh, đạt tỷ lệ che phủ 1,2%. Thảm thực vật tự nhiên trên cạn khá nghèo nàn về chủng loại, ít cá thể thân gỗ có kích thước lớn. Thực vật chủ yếu là những loại tản mát trong tự nhiên. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
- Động vật: Động vật tự nhiên của Hậu Giang không giàu như các tỉnh lân cận. Ngoài vật nuôi, động vật có giá trị kinh tế chủ yếu là các loài thủy sinh có nguồn gốc ở sông và nội đồng. Động vật sống ở sông quan trọng nhất có cá, tôm, tép. Vào mùa lũ, những vùng ngập nước trong tỉnh trở thành túi tôm cá lớn từ sông Hậu tràn vào. Động vật nội đồng gồm rất nhiều loài từ cá đến bò sát, lưỡng cư. Chúng tập trung trong đồng ruộng, kênh rạch, đặc biệt là
c) Khoáng sản
Hậu Giang là một vùng đồng bằng trẻ, khoáng sản tương đối hạn chế: chỉ có đất sét, cát xây dựng, than bùn. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
- Đất sét có chất lượng tốt có thể sản xuất gạch ngói và phân bố tập trung ở vùng ven sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành với trữ lượng hàng triệu tấn. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
- Cát tập trung trong lòng sông Hậu thuộc khu vực Cái Lân, huyện Châu Thành có thể khai thác cung cấp cho xây dựng. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)
- Than bùn có trữ lượng hàng triệu tấn, nằm ở độ sâu 0,5 - 1 m ở một số vùng thuộc Vị Thanh, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp nhưng ít có giá trị về kinh tế. (Cổng thông tin tỉnh Hậu Giang, 2013)