6. Bố cục đề tài
3.2. Những yếu tố thách thức chính sách năng lượng của Liên bang Nga ở khu
vực Trung Á
Trong những năm đầu thế kỉ XXI, Trung Á được mệnh danh như một Trung Đông thứ hai, do đó nguồn năng lượng ở các nước Cộng hòa này luôn như những “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm từ nhiều nước trên thế giới. Châu Âu, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… đã nhanh chóng tìm cho mình những chỗ đứng nhất định trong ngành công nghiệp dầu khí của các nước Trung Á. Chính vì vậy, khi các nước này đề nghị hợp tác năng lượng với các quốc gia Trung Á, các nước Trung Á đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội để đa dạng hóa các kênh dẫn xuất năng lượng của nước mình.
Dù năm 1991 đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô nhưng các quốc gia Trung Á vẫn chưa tự túc được năng lượng cho mình dù bản thân không hề thiếu năng lượng. Điều này cũng dễ hiểu bởi lúc này quyền khai thác các mỏ dầu khí của Trung Á phần lớn đều nằm trong tay các ông chủ Nga, đồng thời chỉ có một số đường ống dẫn dầu và khí đốt ở Trung Á nhưng tất cả đều chạy qua Nga. Chính vì vậy, các quốc gia Trung Á đã tìm kiếm sự đầu tư từ bên ngoài. Dù trong những năm Putin nắm quyền, Nga đã tiến hành nhiều hoạt động dầu khí mạnh mẽ ở Trung Á nhưng bên cạnh Nga còn có rất nhiều các cường quốc khác muốn thâm nhập khu vực vốn được xem là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga này, bởi ảnh hưởng của Nga đối với vùng đất này đã suy giảm nhiều so với Liên Xô trước đó.
Dù dầu khí không phải là vấn đề duy nhất mà các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… quan tâm nhưng có thể thấy quan điểm chung của các nước nhắm đến Trung Á là vì họ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung dầu lửa từ Trung Đông. Do sở hữu nguồn năng lượng dồi dào nên nền chính trị Trung Đông thường xuyên bất ổn và rơi vào sự tranh giành của các cường quốc lớn. Thêm vào đó, nguồn cung dầu từ khu vực này trong tương lai không thể sánh bằng Trung Á nên trong những năm đầu thế kỉ XXI, dầu khí ở Trung Á đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự tranh chấp trên thế giới.
Khi được các cường quốc, các tập đoàn năng lượng quốc tế để ý đến, các nhà lãnh đạo 5 nước Trung Á đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội để thoát khỏi sự phụ thuộc của Nga.
Nga có thuận lợi rất lớn khi thực hiện “chính sách năng lượng” đối với Trung Á là khu vực này vốn là khu vực ảnh hưởng truyền thống, chịu nhiều ảnh hưởng của Nga, cũng như có nhiều mối ràng buộc về kinh tế, văn hóa, chính trị với Nga. Đồng thời tình trạng bạo loạn Hồi giáo dược phái Taliban ủng hộ tại Trung Á và việc các chính quyền Trung Á làm việc không hiệu quả đã tạo điều kiện cho Nga dễ thao túng thị trường dầu khí ở đây.
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu các vấn đề về TrungÁ của Trung Quốc thì, chiến lược năng lượng của Trung Á có hai hướng đó là “hướng đông” và “ hướng tây”.
Hướng tây là chiến lược hợp tác với thị trường châu Âu: từ những năm 90 của thế kỷ 20, khu vực Trung Á đã thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, nhiều công ty của châu  đã ký được những hiệp định hợp tác với Trung Á trong thời gian dài.
Chiến lược “hướng đông” của Trung Á chủ yếu là hướng vào Trung Quốc. Sau năm 2000, khi nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng vọt nước này bắt đầu chú trọng vào việc hợp tác với các nước châu Á.
Sự nhòm ngó của các nước khác đối với năng lượng Trung Á cùng với thái độ “ngoại hướng” của các nước này chính là những khó khăn cho Nga trong quá trình thi hành chính sách năng lượng của mình ở đây.
Nhật là nước nhập gần như toàn bộ nguồn dầu thô từ nước ngoài, 90% trong số đó đến từ Trung Đông. Trong tình hình Trung Đông bất ổn, Nhật đưa ra một chiến lược năng lượng quốc gia mới nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu, khí đốt và các nguồn tài ngyên khác về lâu dài. Chiến lượng này kêu gọi thắt chặt quan hệ với những nước nhiều tài nguyên thông qua các biện pháp như hiệp định thương mại tự do và viện trợ. Do đó, các nhà lãnh đạo Nhật đã xem Trung Á như là sự lựa chọn tốt nhất trong tình hình năng lượng thế giới hiện nay.
Không phải đến bây giờ Nhật Bản mới để ý đến khu vực Trung Á mà từ sau những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ chính cho những quốc gia ở khu vực này. Năm 2004, Ngoại trưởng Nhật Yoriko Kawaguchi đã có sáng kiến thành lập Central Asia plus Japan Dialogue - Đối thoại Trung Á và Nhật Bản
và tuyên bố, nói đến khu vực Trung Á thì không thể không nhắc đến vai trò của nước Nhật.
Cuối tháng 6/2006, Thủ tướng Nhật Koizumi đã có chuyến thăm Trung Á. Trước đó, ông đã tuyên bố Tokyo không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Đông trong khi cả Kazakhstan và Uzbekistan đều có tài nguyên dồi dào. Nhật có kế hoạch đầy tham vọng là phát triển hệ thống đường ống từ Trung Á tới Ấn Độ Dương qua Afghanistan và Pakistan, tránh Trung Quốc và Nga, mang dầu và khí tự nhiên tới Nhật.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn củng cố và tăng cường ảnh hưởng tại Trung Á - khu vực mà cả Trung Quốc và Nga đang chiếm thế thượng phong, nhất là sự ra đời và lớn mạnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO (bao gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgystan, Tajikistan).
Với EU, năng lượng ở Trung Á cũng thu hút nhiều sự chú ý của các nước này. EU cho rằng tương lai quan hệ của họ với Trung Á được mở rộng và phát triển rất cao, bởi vì dự trữ năng lượng của Trung Á có tầm quan trọng chiến lược lâu dài,
đồng thời EU lưu ý rằng cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang nắm giữ các cơ hội ở Trung Á mà châu Âu còn chưa có. Trong những năm Putin cầm quyền, khí đốt từ Trung Á muốn tới được châu Âu chủ yếu là qua đường ống của Nga, thậm chí nếu đường ống khí đốt xuyên Caspian được xây dựng thì nó cũng không tạo được nhiều khác biệt. Do đó, Trung Á có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với EU trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, và thực hiện đa dạng hóa kênh cung ứng năng lượng. EU dự định trong khoảng thời gian từ 2007-2013 sẽ cung cấp khoản viện trợ 750 triệu EURO cho các nước Trung Á, một phần trong đó sẽ dùng vào dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho nguồn năng lượng và vận chuyển Trung Á.
Theo phân tích của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), thì châu Âu chỉ có thể nhận khoảng 20 tỷ m3 khí đốt hàng năm qua đường ống Caspian, tương đương khoảng 4% lượng tiêu thụ của châu Âu năm 2004, điều đó không đủ để làm cho tài phiệt khí đốt của Nga là Gazprom giảm giá hoặc thay đổi chính sách về việc cung cấp năng lượng cho các nước thành viên EU. Điều tốt nhất châu Âu có thể làm với chiến lược Trung Á của mình là chuẩn bị sẵn sàng cho những xáo trộn, bất ổn có thể tới từ Uzbekistan và Turkmenistan.
Đức lý luận rằng châu Âu muốn tăng cường quan hệ với Trung Á là để tiếng nói của châu Âu được lắng nghe tại đó. Các nhà ngoại giao châu Âu cũng chỉ ra rằng chiến lược mới sẽ đề cập tới nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quản lý hữu hiệu, cuộc chiến chống ma túy và khủng bố và tăng cường ổn định ở Afghanistan. Tuy nhiên, thực tế có thể không giống như giải thích cũng như lý luận của các nước châu Âu bởi để thỏa mãn cơn khát năng lượng, họ sẽ chấp nhận nhiều thứ để không tuột khỏi tay quyền nắm giữ nguồn dầu mỏ dồi dào ở vùng đất Trung Á.
Năm 2002, để tránh nguồn cung cấp khí đốt vào Nga Liên minh châu Âu đã đưa ra dự án năng lượng Nabuco, tuyến đường đống này chạy dọc theo biển Caspian, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Hungary, Áo với tổng chiều dài 3300 km, tổng mức đầu tư là 7,9 tỷ EURO, dự kiến sau năm 2014, tuyến đường ống này có thể vận chuyển khoảng 30 tỷ m3khí đốt mỗi năm từ biển Caspian vào châu Âu.
Hiện tại 40% nguồn khí đốt của Châu Âu được nhập từ Nga, 80% lượng khí đốt của các nước Trung và Đông Âu là dựa vào Nga. Trong những năm gần đây, cuộc chiến về khí đốt của Nga và Ukraine nổ ra, khiến châu Âu phải nhanh chóng thúc đẩy dự án Nabuco. Vào tháng 5/2007, hội nghị Liên minh châu Âu đã quyết định phê chuẩn dự trù chi ra 4 tỷ EURO trong ngân sách năng lượng của châu Âu để cung ứng thêm nguồn vốn cho dự án Nabuco. Trong tương lai, nếu đường ống này được hoàn thành, EU sẽ không phải nhún nhường với Nga trong vấn đề năng lượng nữa.
Cũng trong tháng 5 năm 2007, một thành viên khác của EU là Ba Lan đã tiến hành gặp gỡ lãnh đạo các nước Ukraine, Azerbaijan, Kazakhstan và Gruzia để thảo luận về việc thành lập đường ống dẫn dầu Odessa – Gdansk. Cuộc gặp gỡ này còn được báo giới là “cuộc gặp chống Nga”. Dự tính đường ống này sẽ được xây dựng vào năm 2011 có sử dụng tuyến đường ống đã xây sẵn là Odessa - Broda (Ukraine) và Plosk- Gdansk, đi vòng qua nước Nga. Đối với nước Nga, việc xây dựng đường ống này có nghĩa sẽ biến các nước bạn hàng anh em là Kazakhstan và Turkmenistan thành các đối thủ trên thị trường châu Âu, gây nhiều bất lợi cho Nga. Và dù Moscow đã kêu gọi Turkmenistan và Kazakhstan khước từ đường ống trên để sử dụng đường ống chạy từ biển Caspian vào Turkmenistan qua Kazakhstan và vào Nga nhưng hai quốc gia này vẫn còn chần chừ vì không muốn quá phụ thuộc Nga trong vấn đề vận chuyển khí đốt.
Đối với Mỹ, quốc gia này xuất hiện ở khu vực Trung Á sau năm 1991, trong tay là những cuốn sách và các bài thuyết giảng về dân chủ và nhân quyền. Washington cũng quyết tâm không kém Moscow chạy đua trong các cuộc mặc cả mua năng lượng ở Trung Á với giá rẻ. Thực tế trên khiến các quốc gia Trung Á không bằng lòng với cả Nga lẫn Mỹ.
Washington xác định Trung Á là một mắt xích quan trọng trong việc thực hiện chiến lược “Đại Trung Đông” nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược và thực hiện ý đồ bá chủ thế giới. Với việc đưa Trung Á vào tầm kiểm soát, Mỹ còn nhằm mục đích cắt đứt mối liên hệ trực tiếp giữa Trung Quốc với khu vực giàu dầu
mỏ này nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển thực lực về phía Tây. Đây cũng là một mục tiêu quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Quốc.
Tại Trung Á, Mỹ thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và khuyến khích các công ty dầu mỏ của mình tiến hành đầu tư và khai thác tại khu vực này nhằm kiềm chế, ngăn chặn ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc hay bất kỳ tham vọng của nước nào khác. Bằng sức mạnh quân sự, Mỹ muốn đưa các nước Trung Á vào NATO, đặc biệt là Kyrgyzstan và Tajikistan. Từ việc tạo được những ảnh hưởng về quân sự Mỹ sẽ dễ dang hơn trong việc hợp tác về kinh tế ở đây. Nhánh đường ống “Baku-Tbilisi-Ceyhan” do Mỹ chỉ đạo xây dựng, đi vào hoạt động từ tháng 6/2006 đã giúp số khí đốt do Turkmenistan sản xuất không cần phải đi qua Nga mà vẫn có thể vận chuyển sang phương Tây, từ đó làm giảm “tiếng nói” của Nga đối với việc xuất khẩu năng lượng của các quốc gia Trung Á.
Dù tuyên bố Nga có một “vị trí trung tâm” trong chính sách nước mình nhưng Tổng thống Kazakhstan Nazabaev dùng cơ hội người Mỹ có mặt ở Trung Á để tìm nơi tiêu thụ khác cho dầu lửa và khí đốt của Kazakhstan, nhằm giảm sự phụ thuộc hệ thống ống dẫn của Nga. Chính sách hai mặt này của Kazakhstan đã làm Nga lo lắng.
Các công ty năng lượng lớn của Mỹ như Chevron, Exxon Mobil vẫn đang tạo chỗ đứng vững chắc cho nước này ở khu vực Caspain. Chẳng hạn như việc Chevron đang tiến hành mở rộng khai thác mỏ dầu khổng lồ Tengiz của Kazakhstan (Chevon sở hữu một nửa mỏ dầu này, Exxon Mobil là 25%, KazMunayGas (Kazakhstan) là 20% và Lukoil (Nga) chiếm 5%), thế nhưng phần lớn dầu khai thác được đều đi qua đường ống CPC.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ đã phạm phải sai lầm khi đánh giá thấp về vai trò và năng lực cạnh tranh của Trung Quốc tại Trung Á. Mỹ cho rằng, các nước Trung Á sẽ quan ngại khi hợp tác với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc và thích hợp tác với Nga và phương Tây hơn. Sai lầm hơn nữa khi Mỹ tin rằng Nga sẽ coi việc Trung Quốc xâm nhập khu vực này là một mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Nga. Moscow sẽ có biện pháp kiềm chế Bắc Kinh, và điều này sẽ
gián tiếp có lợi cho Mỹ. Chính vì vậy, các hành động của Mỹ thường tìm cách làm giảm sức ảnh hưởng và sự hiện diện của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Mỹ đã ủng hộ cho dự án xuyên Caspian bỏ qua lãnh thổ Nga, thậm chí, một số chuyên gia Mỹ trong khu vực còn gợi ý rằng Trung Quốc có thể là một đồng minh tiềm tàng của Mỹ trong việc cô lập Nga.
Tuy nhiên, khi đường ống dẫn khí từ Turkmenistan tới khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc qua Uzbekizstan và Kazakhstan (với công suất 40 tỷ m³/năm) được khánh thành thì Mỹ chợt nhận ra rằng không hề dễ đối phó với Trung Quốc tại Trung Á vì Trung Quốc đã có mặt tại khu vực này trong thời gian quá dài. Ngay từ năm 1997, Kazakhstan và Trung Quốc đã đồng ý xây dựng đường ống dẫn dầu thô dài 3.000 km và sau đó nâng sản lượng lên gấp đôi là 20 triệu tấn/năm.
Năm 2003, giới lãnh đạo Trung Quốc và các nước Trung Á đã đạt được thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới từ Trung Quốc đến Trung Á, dài khoảng 10.000 km từ Turkmenistan qua Uzbekistan, Kazakhstan và kết thúc tại khu vực Tây Bắc vùng Tân Cương (Trung Quốc). Đến khi hoàn tất, công suất của dự án này dự kiến sẽ tăng lên đến 15 tỷ m3 vào cuối năm 2010 và đến cuối năm 2011 sẽ lên tới 30 tỷ m3. Các nhà chuyên môn cho rằng, công trình lớn này sẽ phục hồi lại con đường tơ lụa cổ xưa.
Turkmenistan hy vọng có thể phá vỡ tầm ảnh hưởng về khí đốt của Nga, và quyết định chọn Trung Quốc như một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khí đốt của Turkmenistan khi du nhập vào thị trường Trung Quốc, cũng có lợi cho Nga. Các chuyên gia Nga khẳng định, việc Turkmenistan xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thì tốt hơn sang thị trường châu Âu. Điều mà nước Nga hy vọng là, Turkmenistan sau khi xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thì không cạnh tranh với Nga tại thị trường châu Âu rộng lớn.
Ngày 26/5/2006, Trung Quốc và Kazakhstan đã khánh thành đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan tới Tân Cương (Trung Quốc) dài 988 km với mức lưu chuyển 20 triệu tấn/năm. Dự kiến vào năm 2010, đường ống vày sẽ kéo dài 3.000 km. Như vậy, với việc hoàn thành đường ống Kazakhstan – Tân Cương và đường ống khí đốt
dài 10.000 km trên, Trung Quốc sẽ biến mình thành trung tâm của “cầu nối năng lượng toàn cầu xuyên Á”.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng Trung Á bắt nguồn từ hàng loạt lợi ích chiến lược. Trung Quốc đi đầu trong việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), tổ chức được thành lập trong bối cảnh nội chiến ở Tajikistan, chế độ Taliban vẫn nắm quyền tại Afghanistan, khủng bố ở Uzbekistan... SCO đã chuyển tiêu chỉ