Tăng cường sự liên kết về an ninh và kinh tế trong khu vực

Một phần của tài liệu chính sách năng lượng của liên bang nga đối với các nước khu vực trung á dưới thời tổng thống v putin (2000 2008) (Trang 50)

6. Bố cục đề tài

2.3.1.Tăng cường sự liên kết về an ninh và kinh tế trong khu vực

Từ thời Yeltsin, Nga đã không muốn các nước Trung Á tự thành lập các liên minh kinh tế, chính trị hay quân sự nên khi Putin lên nắm quyền ông đã chủ trương thành lập các tổ chức an ninh và kinh tế trong khu vực nhằm ổn định tình hình ở Trung Á nhưng mục đích chính là muốn buộc chặt các nước này vào với Nga.

Để tăng cường sự có mặt của mình ở Trung Á, Nga đã đẩy mạnh những cơ cấu khu vực mới do những bất cập của SNG không còn hoạt động như một tổ chức nữa, do đó Hiệp hội Kinh tế Âu-Á (EEA) được sáng lập vào mùa thu năm 2000. Tổ

chức này bao gồm Nga, Belarus với ba quốc gia Trung Á là Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan với mục tiêu tạo ra một khu vực mậu dịch tự do giữa các nước.

Tổng thống Nursultan Nazarbaev của Kazakhstan đánh giá EEA có tiềm năng về hội nhập kinh tế. Ông tuyên bố rằng Hiệp hội này tiến bộ nhất trong tất cả các thiết chế của SNG. Một lí do quan trọng của niềm lạc quan này là EEA bao gồm những quốc gia SNG phụ thuộc nhiều nhất về Nga về an ninh và thương mại.

Ông Nazarbaev từ lâu thường xuyên hô hào hội nhập chặt chẽ hơn với Nga. Năm 1994, ông đề nghị thiết lập một Liên minh Á-Âu và năm 2001 lại đề xuất ý kiến về một Liên minh Kinh tế Âu-Á. Những đề nghị của ông nhằm khắc phục nhược điểm của SNG và xây dựng một hình thức khả thi hơn của chủ nghĩa khu vực. Ý kiến của Nazarbaev có nhiều cơ sở, Kazakhstan gần Nga về địa lí, hai nước có chung biên giới dài 7.500 km. Kazakhstan lại là nơi sinh sống của của một tộc thiểu số lớn người Nga, chiếm 30% trong tổng dân số 17 triệu (2004) của nước này. Giống như các nơi khác của Trung Á, có rất nhiều người Nga trong lực lượng lao động kĩ thuật-quản lí, sĩ quan quân đội và quản lí an ninh. Thiếu những người đó sẽ rất bất lợi cho nền kinh tế Kazakhstan, vì nước Nga chiếm 25% tổng khối lượng thương mại với Kazakhsatn. Nước này nhập từ Nga 40% tổng số hàng nhập khẩu. Nga là đối tác chủ yếu của Kazakhstan, buôn bán năm 2003 đạt 5 triệu USD, trong đó 60% là buôn bán ở biên giới.

Ngoài ra, dầu lửa và khí đốt của Kazakhstan được xuất khẩu qua hệ thống ống dẫn của Nga sang châu Âu, và nước đó cũng trù tính bán điện theo cách này. Kazakhstan giữ một vị trí quan trọng trong đề nghị của Nga xây dựng một chủ nghĩa khu vực về kinh tế, là nơi trung chuyển giữa Trung Á và châu Âu. Vì lẽ đó, Thủ tướng Mikhail Kasyanov của Nga tuyên bố rằng Nga, Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã thỏa thuận thành lập một “không gian kinh tế chung”. Không gian đó sẽ phối hợp các chính sách kinh tế để đạt đến sự hội nhập kinh tế khu vực. Tiếc rằng chủ trương này không đi đến kết quả khi Ukraine rời bỏ SNG ngả sang châu Âu29.

29

Một tổ chức khác được coi là sự đảm bảo cho Nga ở khu vực Trung Á là CSTO (Hiệp ước An ninh tập thể). Tổ chức này là phương tiện để gắn chặt an ninh của các quốc gia Trung Á với nước Nga. Thiết chế này bổ sung cho Hiệp ước An ninh tập thể SNG mà các quốc gia SNG kí kết ở Taskent tháng 5/1992. Uzbekistan rút khỏi Hiệp ước năm 1999, chỉ còn lại Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Armenia. Những quốc gia này thành lập CSTO tại Dushanbe, thủ đô Tajikistan tháng 4/2003. Mục tiêu của CSTO là huy động nỗ lực về quân sự và các lực lượng yểm hộ để bảo vệ không gian kinh tế và lãnh thổ của các nước thành viên Hiệp ước trước bất kỳ sự tấn công quân sự hay chính trị từ bên ngoài, trước chủ nghĩa khủng bố quốc tế, cũng như các thảm họa lớn về thiên nhiên. Nhờ vào tổ chức, Nga đang duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại Trung Á.

Nga có ý định sử dụng CSTO để tiếp cận các căn cứ quân sự trong khu vực, mở rộng việc đào tạo sĩ quan Trung Á ở các học viện quân sự Nga; cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự cho các quân đội địa phương với giá thấp hơn vũ khí phương Tây. Tướng Nikolai Bordyuzha, nguyên thư kí Hội đồng An ninh Nga và là người chỉ huy các lực lượng biên giới, được bổ nhiệm làm Tổng thư kí của tổ chức. Bordyuzha tìm cách làm xua tan nỗi lo ngại rằng CSTO có thể va chạm với NATO ở Trung Á bằng cách nhấn mạnh sự cần thiết phải cộng tác với phương Tây và các mục tiêu chung chống khủng bố.

Dưới sự chỉ đạo của Nga, các Bộ trưởng Quốc phòng CSTO họp ở Moscow tháng 12/2003 nhất trí thành lập một hệ thống tham mưu hợp nhất, thành lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm bốn tiểu đoàn, và chỉ định các căn cứ ở Tajikistan. Cuộc tập trận chung tên là Biên giới – 2004 được thực hiện ở Kyrgyzsatn và Tajikistan.

Nga muốn các nước Trung Á hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh nhưng Uzbekistan phản đối vì sợ bị Nga khống chế nên quốc gia này tham gia tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vì ở đó có một đối trọng với Nga là Trung Quốc. SCO được thành lập vào tháng 6/2001 với 5 nước: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstav, Tajikistan và sau đó thêm Uzbekistan. Mục đích của SCO là hợp tác

về an ninh chống chủ nghĩa khủng bố, xu thế cực đoan và khuynh hướng ly khai. Tại cuộc họp Thượng đỉnh ở Moscow tháng 5/2003, SCO quyết định tập trận chung, thành lập một trung tâm chống khủng bố ở Taskent và một ban thư kí ở Bejing. Tổ chức này gần đây bước sang lĩnh lĩnh vực kinh tế, kêu gọi thương mại tự do, lưu chuyển vốn tự do và cả hợp tác về năng lượng. Vì bao gồm cả Trung Quốc nên SCO có khả năng trở thành một yếu tố ổn định hóa của Trung Á và theo lời người Nga thì đây là một phương tiện chống ảnh hưởng phương Tây trong khu vực.

SCO được hoan nghênh ở Uzbekistan vì cả Nga và Trung Quốc đều có mặt ở đây. Tuy nhiên, Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ để hòa giải Uzbekistan với các đồng minh của mình, một điều chứng tỏ Nga không có khả năng thành lập một nhóm an ninh toàn khu vực nếu không có sự tham gia của Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc ngày càng tìm cách nêu bật vai trò của SCO như là nền tảng của an ninh khu vực và là lực lượng quan trọng trong nền chính trị tại đây. Tổ chức này đã tiến hành những cuộc tập trận như là minh chứng cho nỗ lực chống khủng bố trong khu vực. Cuộc tập trận từ ngày 18-25/8/2005 mang tên Sứ mệnh hòa bình 2005 được coi là nỗ lực chống khủng bố cao nhất trong khuôn khổ SCO lúc đó. Tháng 8/2007, SCO tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của cả 6 nước thành viên trên lãnh thổ Nga… Sự kiện này được giới chuyên môn lúc bấy giờ đánh giá đây không chỉ đơn thuần là sự quay trở lại của Nga ở địa bàn được coi là bản lề chiến lược của lục địa Á – Âu mà còn là sự khẳng định ưu thế địa chiến lược năng lượng của Nga ở Trung Á.

Sự lớn mạnh của SCO khiến cho Mỹ không thể không quan tâm, đặc biệt là sau sự kiện 11/9. SCO đã không ngần ngại đề nghị Mỹ phải rút quân ra khỏi Uzbekistan và Kyrgyzstan, thậm chí các nhà chức trách Nga cũng đã tố cáo chính quyền tổng thống Bush trong chiêu bài dân chủ, đứng đằng sau các cuộc “cách mạng màu” – nguyên nhân làm tình hình Trung Á bất ổn.

Ngoài việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh, SCO còn hợp tác về mặt kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Ngày

26/10/2005, SCO đã bàn đến các dự án năng lượng, dầu khí, khai thác mỏ than và một số tiềm năng thế mạnh của mỗi nước.

Tháng 6/2006, tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Thượng Hải, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra ý định về việc thành lập một “Câu lạc bộ năng lượng” và một năm sau đó, tại Moscow, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Bộ trưởng năng lượng của các quốc gia SCO. Theo Bộ Công nghiệp và Năng lượng Nga, “câu lạc bộ năng lượng” như là cơ quan tư vấn cho chính phủ. Các nước thành viên đều hi vọng rằng Câu lạc bộ Năng lượng có thể giúp hài hòa các chiến lược năng lượng quốc gia, tạo ra một diễn đàn thảo luận và giải quyết các vấn đề về năng lượng giữa các nước với nhau. Và ý định của 6 nước SCO là muốn tạo ra một tổ chức mạnh giống như OPEC.

Phải nói rằng trong vùng Trung Á hiện nay, SCO và CSTO là hai tổ chức duy nhất chú ý đến vấn đề an ninh. Tổ Chức Hiệp ước An ninh tập thể CSTO là một liên minh quân sự đích thực, bao hàm cả nghiã vụ trợ giúp trực tiếp về mặt quân sự khi cần thiết. Còn Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO thì không hoàn toàn là một liên minh quân sự, chỉ quan tâm đến một số vấn đề an ninh gọi là nhẹ, như tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, khủng bố... Tuy vậy, cả hai đều đóng vai trò duy trì ổn định trong khu vực. Ngày 2/11/2007, hai tổ chức này đã liên minh với nhau. Sự kiện này không có gì là bất ngờ vì để củng cố thêm vai trò đàn anh của mình tại vùng Trung Á mà ngay từ năm 2003, Nga đã tìm cách thuyết phục Trung Quốc đồng ý bật đèn xanh cho thỏa thuận liên minh giữa hai khối. Dù Trung Quốc vẫn có thái độ e dè với Nga nhưng cuối cùng người Nga vẫn đạt được ý muốn của mình là tăng cường vai trò của mình ở Trung Á. Và tham vọng của Nga khôn dừng lại ở đó bởi Nga muốn thành lập một tổ chức tương tự như OPEC để khẳng định sức mạnh của mình thông quan các vấn đề về năng lượng.

Một phần của tài liệu chính sách năng lượng của liên bang nga đối với các nước khu vực trung á dưới thời tổng thống v putin (2000 2008) (Trang 50)