Sự hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ xi măng trong nước phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của từng vùng, từng khu vực, trong đó sự phát triển đô thị, công trình cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, các công trình thuỷ điện và cầu đường chiếm một tỷ lệ quyết định trong cơ cấu thị trường tiêu thụ xi măng. Vì vậy thị trường tiêu thụ xi măng có cơ cấu biến động theo tốc độ và quy mô phát triển kinh tế của từng vùng.
Quan điểm của thị trường tiêu thụ xi măng nước ta là biến động theo mùa và thời tiết. Mùa mưa lũ thì tốc độ xây dựng chậm lại và mùa hanh khô nắng ráo thì ngược lại, tốc độ xây dựng sẽ lớn hơn. Ngoài ra, tốc độ xây dựng còn phụ thuộc vào tốc độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư, nhất là những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Công tác quản lý và điều hành thị trường tiêu thụ xi măng từ trước tới nay có rất nhiều cơ quan tham gia như:
. Bộ thương mại thông qua ban quản lý thị trường nói chung và các sở thương mại của các tỉnh và thành phố.
. Bộ xây dựng thông qua các vụ chức năng như Vụ quản lý vật liệu xây dựng, Vụ kế hoạch thống kê, Tổng công ty xi măng Việt Nam và các Sở xây dựng
. Bộ kế hoạch đầu tư và các Sở kế hoạch . Ủy ban vật giá chính phủ
Do có nhiều cơ quan chi phối nên chưa có cơ quan đầu mối và điều hành vĩ mô bằng các cơ chế chính sách cụ thể.
Ở các nước ASEAN, Hiệp hội xi măng là cơ quan tư vấn điều hành và quản lý thị trường xi măng dưới sự kiểm soát của Chính phủ
Trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh và điều tra khả năng tiêu thụ xi măng, Tổng Công ty xi măng Việt Nam đã phân chia thành tám khu vực thị trường để cân đối cước phí vận tải và nắm giá trung bình của từng khu vực để điều hành giá cả cho hợp lý.