Xi măng là một ngành công nghiệp nặng có hiệu quả kinh tế sản xuất cao, tỷ trọng đóng góp trong ngân sách Nhà nước lớn (khoảng 8 – 10 triệu USD cho mỗi triệu tấn xi măng). Nhưng đồng thời nó cũng là ngành công nghiệp có khối lượng thiết bị lớn, diện tích xây dựng rộng, lượng vận tải đầu vào, đầu ra lớn và vốn đầu tư cao (160 – 200 USD/tấn xi măng). Sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng đòi hỏi sự phát triển cân đối liên ngành giao thông, cơ khí thiết bị, điện than, dầu khí, bao bì, giáo dục đào tạo, tài chính, ngân hàng...
Với tiến bộ của khoa học công nghệ ngày nay đã cho phép ngành công nghiệp xi măng cơ khí hóa và tự động hóa hoàn toàn các quá trình sản xuất và vận hành thiết bị.
Ngày nay, hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đều có ngành công nghiệp xi măng phát triển, vì xi măng là loại vật liệu xây dựng cơ bản và thông dụng nhất đang được sử dụng rộng rãi với khối lượng lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Thể hiện của sự phát triển đó là lượng xi măng bình quân đầu người rất cao (650 – 1150 kg/người năm) nhưng vẫn còn phát triển tiếp tục như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Thailand, Malaysia, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ...Nói chung ở các nước, phát triển công nghiệp xi măng là chủ yếu để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và một phần dùng để xuất khẩu, tái tạo ngọai tệ và trao đổi hàng hóa khi cần.
Ở nước ta từ ngày đất nước được thống nhất đến nay, xi măng luôn là lọai vật liệu xây dựng chủ yếu để khôi phục và phát triển mọi ngành kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng và cải thiện chất lượng của đời sống, nâng cao thu nhập quốc nội.
Mọi ngành kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta đều cần đến xi măng để phát triển. Ngược lại sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng kéo theo nhiều ngành nghề sản xuất và dịch vụ khác phát triển như xây lắp, sản xuất thiết bị phụ tùng, bê tông, bao bì, và các dịch vụ tư vấn khảo sát thiết kế, thăm dò chất lượng và trữ lượng. Như vậy cứ một ngàn người lao động trực tiếp sản xuất xi măng có kéo theo và tạo
việc làm cho khoảng hơn mười ngàn lao động khác. Các khu đô thị hoặc các khu dân cư tập trung sẽ dần dần được hình thành xung quanh các nhà máy xi măng. Bên cạnh đó ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đóng góp một phần rất quan trọng vào sự tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Những số liệu kinh tế thống kê dưới đây cho thấy rõ điều đó. Số liệu thống kê cho thấy rằng tỷ lệ đóng góp GDP (%) của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam chiếm tới 9 – 11% trong tổng GDP của khối kinh tế công nghiệp và đã tăng từ 8,23% năm 1991 lên 11% và 11,46% ở các năm 1994 và 1995 và duy trì ở mức 10,32% năm 1996 (Tổng Công ty xi măng Việt Nam).
Với những vai trò và vị trí đó chúng ta có thể khẳng định rằng ngành công nghiệp xi măng đã, đang và sẽ là một ngành kinh tế công nghiệp mạnh của Việt Nam.
Kết luận chương một
Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của chúng ta đủ sức cung cấp cho ngành công nghiệp xi măng Việt Nam trong một khoản thời gian rất dài. Đây chính là thế mạnh của ngành công nghiệp xi măng của chúng ta. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập và phát triển trong khu vực, ngành công nghiệp xi măng của Việt Nam phải đối đầu với sự cạnh tranh và thách thức cũng như là cơ hội khi Việt Nam gia nhập vào khu vực mậu dịch tự do Đông Nam Á.