Các giải pháp về nguồn lực

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã trên địa bàn huyện thọ xuân, tỉnh thanh hoá (Trang 120)

3.2.5.1. Nguồn lực về tài chính hoạt động

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002: Nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã do HĐND tỉnh quyết định. Trên cơ sở nguồn thu được phân cấp, UBND cấp xã phải đảm bảo các nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp mình trên nguyên tắc: “nhiệm vụ chi thuộc ngân sách

cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”. Quy đinh này chưa phù hợp bởi mỗi

địa phương, mỗi vùng miền có nguồn thu khác nhau, ở các đô thị, xã trung tâm thì thường có nguồn thu lớn, còn đa phần các xã thuần nông có nguồn thu rất hạn hẹp thì không thể đáp ứng được các nhiệm vụ chi giống như nơi khác.

Điều đó đồng nghĩa với việc đa số cấp xã không có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, về ngân sách cần đưa ra quy định theo phương án bổ sung nguồn thu cho ngân sách xã tương ứng đảm bảo nguồn lực cho cấp xã có thể đủ chi thường xuyên và có cơ sở tạo nguồn chi đầu tư phát triển.

3.2.5.2. Về nguồn nhân lực

Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, nhất là của cấp cơ sở để khi phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thì đội ngũ cán bộ, công chức này đủ khả năng, năng lực hoàn thành có hiệu quả những nhiệm vụ, quyền hạn được trao. Trình độ dân trí của nhân dân đã được nâng cao, tính chất quản lý ngày càng phức tạp đòi hỏi việc quản lý nhà nước cần phải khoa học hơn vào trình độ của cán bộ cấp cơ sở cũng phải được nâng cao. Nhà nước nên có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Muốn cho số sinh viên tốt nghiệp đại học làm việc ở các cơ quan chính quyền cấp cơ sở thì Nhà nước cần nâng cao tiền lương, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở [24].

Với thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay chủ yếu mới có trình độ Trung cấp, trong đó đa phần là đào tạo tại chức thì việc củng cố nguồn nhân lực cho cấp xã là yêu cầu bức thiết. Để làm tốt vấn đề này phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí sắp xếp và sử dụng, đánh giá đội ngũ cán bộ xã. Công tác quy hoạch cần dựa trên vị trí việc làm, quy hoạch phải đảm bảo tính mở rộng đối tượng quy hoạch, tính kế thừa giữa các độ tuổi. Quy hoạch phải là căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã; chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã của các cơ sở đào tạo cũng cần phải đổi mới, giảm tính

lý thuyết mà đi sâu đào tạo các kỹ năng xử lý, giải quyết công việc ở cấp xã theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện quy hoạch phải đảm bảo tính nhất quán, không vì xử lý tình huống về công tác cán bộ mà phá vỡ quy hoạch chính là vấn đề cần quan tâm khi bố trí sử dụng cán bộ phải quan tâm. Quy định về đánh giá cán bộ cũng cần đổi mới, đảm bảo khách quan, dân chủ, tránh hình thức và tránh hiện tượng nể nang vì tình cảm, vì chuyện nâng lương… Khi cán bộ, công chức có vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, đảm bảo kỷ cương và để nhân dân tin tưởng.

3.2.5.3. Về cơ chế, chính sách

Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã đã nhiều đổi mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và tạo sự yên tâm cho đội ngũ cán bộ cấp xã trong quá trình công tác. Tuy nhiên quá trình thực hiện đã và đang nảy sinh một số bất cập cần có hướng giải quyết:

- Đối với cán bộ chủ chốt cần có chính sách nếu không tái cử mà chưa đủ thời gian nghỉ bảo hiểm xã hội theo quy định của luật thì ưu tiên bố trí công việc khác được tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội trong một khoảng thời gian nhất định (6 tháng hoặc 1 năm) trước khi cán bộ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc tìm được công việc mới.

- Đối với đội ngũ công chức chuyên môn: Đã được xếp lương theo ngạch, bậc và định kỳ được xét nâng lương như công chức cấp trên. Tuy nhiên một số trường hợp khi được bầu giữ các chức vụ chủ chốt thì mức lương lại thấp hơn khi làm công chức nên cũng cần có quy định rõ trường hợp này được ưu tiên hưởng theo mức cao hơn.

- Đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã: Hiện nay mới chỉ được hưởng phụ cấp với mức còn thấp, nên quy định mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách do bầu hoặc bổ nhiệm thì được hưởng phụ cấp thấp nhất cũng phải bằng mức lương tối thiểu. Nếu giữ chức vụ đó lâu năm thì nên

tính đến mức phụ cấp bổ sung, tuỳ theo thời gian tham gia và được tham gia bảo hiểm xã hội như cán bộ chuyên trách.

- Đối với đại biểu HĐND: Hiện nay quy định về mức sinh hoạt phí đối với đại biểu HĐND cấp xã là quá thấp nên không khuyến khích tinh thần trách nhiệm của đại biểu. Nên quy định mức sinh hoạt phí hàng tháng của đại biểu HĐND cấp xã phải ít nhất bằng 50% mức lương tối thiểu.

3.2.5.4. Về tăng cường cơ sở vật chất

Cùng với việc đổi mới tổ chức và hoạt động thì việc tăng cường cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho chính quyền cấp xã hoàn thành nhiệm vụ là điều hết sức quan trọng. Trụ sở cơ quan công quyền phải có những điều kiện tối thiểu để thực thi quyền lực. Hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công vụ cần phải được lưu giữ và bảo quản một cách an toàn, bảo đảm giá trị pháp lý khi cần xác minh hoặc xử lý những yêu cầu cụ thể của nhân dân. Thực tế cho thấy không ít trường hợp người dân phải về nhà riêng của lãnh đạo UBND xã để xin chữ ký và xin dấu. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công vụ của UBND xã, thị trấn cần phải được coi là ưu tiên trong bối cảnh đội ngũ cán bộ chính quyền ở cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước tình hình đó, đề nghị chính quyền cấp trên đặc biệt là cấp tỉnh nên hỗ trợ đầu tư kinh phí xây dựng lại trụ sở khối cơ quan cấp xã; đối với những nơi mà cơ quan Đảng, các bộ phận giúp việc UBND không ở gần nhau thì nên cho xây dựng lại gọn về một chỗ, vừa tiện quan hệ với nhau, vừa thuận tiện cho nhân dân khi cần liên hệ với chính quyền.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước ở cấp xã, tập trung vào các nhiệm vụ như: Quản lý ngân sách, đất đai, quy trình thủ tục hành chính, kiểm soát và theo dõi tiến độ giải quyết công việc đã giao v.v…

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã trên địa bàn huyện thọ xuân, tỉnh thanh hoá (Trang 120)