Thái độ của các quốc gia Đông Na mÁ trước quan hệ cạnh tranh Trung Ấn

Một phần của tài liệu quá trình cạnh tranh giữa trung quốc và ấn độ ở khu vực đông nam á (1991 – 2012) (Trang 92)

8. Bố cục của luận văn

3.7. Thái độ của các quốc gia Đông Na mÁ trước quan hệ cạnh tranh Trung Ấn

trong khu vực

Trước mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước lớn Trung Quốc và Ấn Độ trong chính khu vực, các nước Đông Nam Á đã có những thái độ khác nhau. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng của hai quốc gia này thể hiện trên nhiều lĩnh vực nên phần lớn các quốc gia Đông Nam Á không bài xích mối quan hệ cạnh tranh này. Mặc dù vậy, trong quan hệ song phương giữa các quốc gia với Trung Quốc đã có sự phân hóa khá sâu sắc. Quan hệ song phương giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực nhìn chung khá ôn hòa do chính sách đối ngoại mềm mỏng của cường quốc này.

Trong quan hệ với Trung Quốc, nội bộ khu vực Đông Nam Á cũng có sự phân hóa. Một số nước có quyền lợi liên quan trực tiếp với Trung Quốc đã ủng hộ việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, tuy nhiên số này không nhiều. Gần đây, quốc gia được đề cập là đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Đông Nam Á là Campuchia. Sở dĩ mối quan hệ Campuchia - Trung Quốc tốt đẹp là do “Campuchia hiểu rằng Trung Quốc là người đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trong nhiều năm qua”, Li Mingjiang, nghiên cứu viên về chính sách của Trung Quốc tại Học viện nghiên cứu quốc tế Singapore, phát biểu [176]. Từ năm 2006, các công ty Trung Quốc đầu tư 8,2 tỷ USD vào Campuchia, bỏ xa nước đứng thứ nhì là Hàn Quốc với 3,8 tỷ. Từ năm 1992, Trung Quốc cung cấp cho Campuchia 2,1 tỷ USD viện trợ và tín dụng để phát triển nông nghiệp và hạ tầng. Trung Quốc hiện hỗ trợ 19 dự án phát triển ở Campuchia - trong đó có các công trình đường và điện - với tổng giá trị 1,1 tỷ USD. Từ năm 2002, Trung Quốc trở thành một trong năm khách hàng thương mại lớn nhất của Campuchia.

Bên cạnh Campuchia, Lào và Thái Lan cũng được ngày càng phụ thuộc Trung Quốc, điều này cũng làm cho thái độ của hai quốc gia này đối với Trung Quốc ngày càng ôn hòa hơn. Thái Lan lâu nay vẫn xây dựng quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị ở Úc, cho biết theo thời gian chính phủ Thái Lan đã xây dựng được quan hệ kinh tế và kinh doanh mạnh mẽ với Trung Quốc, và dù Thái Lan vẫn có quan hệ quân sự lâu dài với Mỹ, chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm một sự cân bằng. Giáo sư Thayer nhận định: “Chính phủ ở Bangkok ngả rất nhiều về

phía Trung Quốc trên phương diện kinh tế. Nhưng Thái Lan đang cố gắng cân bằng cả hai mối quan hệ và giữ cho phương diện quân sự ít bị chú ý nhất có thể”. Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, phát biểu: “Quan hệ song phương giữa Bangkok và Bắc Kinh được đào sâu, mở rộng trên mọi phương diện không chỉ là kinh tế và chính trị mà còn cả quân sự nữa. Người Trung Quốc hiện cấp nhiều học bổng và kinh phí cho các sĩ quan quân đội Thái sang đào tạo và nghiên cứu ở Trung Quốc. Sinh viên Thái sang Trung Quốc du học cũng vậy”. Từ năm 2007 đến năm 2012, các công ty Trung Quốc đầu tư gần 6 tỷ USD trong các dự án thuộc chính sách ưu đãi thuế đầu tư đặc biệt của Thái Lan đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trung Quốc hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Thái Lan, sau Nhật Bản. Với Lào, quan hệ với Trung Quốc cũng đang trên đà tốt đẹp. Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong cho biết: “Tôi vui mừng nhận thấy số doanh nghiệp và du khách Trung Quốc đến Lào ngày càng nhiều. Đầu tư của Trung Quốc và các nước ASEAN vào Lào ngày càng tăng, đã thúc đẩy kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở của Lào phát triển nhanh chóng. Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án tại Lào, chẳng hạn như trồng cao su, khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng, v.v, đã tạo ra rất nhiều việc làm và thu nhập cho người dân Lào, cũng góp phần cho xoá đói giảm nghèo của Lào” [169].

Ở một số nước Đông Nam Á khác, do có những tranh chấp về lãnh thổ và quyền lợi với Trung Quốc nên thái độ đối với nước này nhìn chung là dè chừng, nghi ngại, chống đối và thậm chí ở một số nơi, chủ nghĩa bài Trung Quốc được thể hiện khá rõ. Philippines trong những năm gần đây, nhờ có sự hậu thuẫn của Mỹ, đã có sự chống đối và bài xích Trung Quốc khá mạnh mẽ. Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Myanmar cũng đã có những hành động cứng rắn phản đối sự hung hăng của Trung Quốc. Dù tiềm lực kinh tế và quân sự của các nước Đông Nam Á không tương xứng với Trung Quốc nhưng trong những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia có chủ quyền ở biển Đông đã không ngừng đầu tư quân sự và mở rộng quan hệ ngoại giao với các cường quốc tạo thế “cân bằng bên trong” hoặc “cân bằng bên ngoài” nhằm đối phó lại Trung Quốc. Với sự hỗ trợ chủ yếu từ Nga, Việt Nam đang phát triển các khả năng “chống tiếp cận và phong tỏa khu vực” (A2/AD) để đối phó với sức mạnh biển ngày càng gia tăng tại khu vực của Trung Quốc. Sau hàng thập kỷ phải đối mặt với các vấn đề an ninh nội bộ, Philippines đang ra sức xây dựng một sức mạnh “phòng thủ tin cậy tối thiểu” để đối phó lại Trung Quốc [129]. Các nước khác rõ ràng đều đang phòng ngừa rủi ro trước khả năng căng thẳng gia

tăng ở biển Đông. Ví dụ như Singapore đã mời Mỹ triển khai luân phiên đến 4 tàu chiến ven biển (Littoral Combat Ships). Nước này cũng có nhiều khả năng sẽ lựa chọn sử dụng máy bay chiến đấu liên hợp (Joint Strike Fighter - JSF), điều này sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác quân sự giữa Singapore với Mỹ.

Trái ngược với Trung Quốc, trong quan hệ với ASEAN, do sự tăng trưởng thương mại và đầu tư cùng nhiều mối liên kết, Ấn Độ đã trở thành một đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế tại Đông Nam Á. ASEAN cảm thấy thoải mái khi Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy. Ấn Độ chưa bao giờ bị coi là mối đe dọa về an ninh đối với khu vực này. Chính sách đối ngoại thân thiện ngay từ đầu và sự nhún nhường của quốc gia này đã khích lệ ASEAN xích lại gần Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh trên biển. Đây sẽ là một kỷ nguyên mới trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Ấn Độ. Tiếp đến, ASEAN muốn tìm kiếm ở Ấn Độ - một nền dân chủ lớn nhất thế giới - như một người bảo lãnh nữa về an ninh (tất nhiên, Mỹ vẫn là siêu cường số một, nơi cung cấp một lá chắn an ninh toàn diện cho khu vực này). ASEAN muốn có thêm một đối tác chiến lược có sự gần gũi về cả không gian và thời gian. ASEAN muốn đảm bảo rằng cùng với Mỹ, Ấn Độ sẽ đồng hành với tổ chức này, tăng cường sự ủng hộ đối với họ khi ASEAN phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Xét một cách toàn diện, tại Đông Nam Á, phần lớn các nước đều lựa chọn ưu tiên quan hệ với Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng lại đặt trọng tâm quan hệ với Ấn Độ về mặt an ninh, làm cho các nước này trở thành lực lượng mang tính bổ sung quan trọng để cân bằng ưu thế của Trung Quốc. Tương quan lực lượng khác nhau và hình thức của mối quan hệ tác động lẫn nhau này ở các khu vực của châu Á đã quyết định dù Trung Quốc hay Ấn Độ đều không thể hình thành ưu thế áp đảo đối với đối phương, không một nước nào có thể chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực.

KẾT LUẬN

Trong hơn hai thập kỷ kéo dài từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn, tác động sâu sắc đến đời sống quốc tế nói chung cũng như mỗi quốc gia – dân tộc nói riêng. Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh cùng với sự sụp đổ của trật tự thế giới hai cực (Mỹ và Liên Xô) đã làm thế giới phát triển theo một xu thế mới mà trong đó, phát triển kinh tế được xem là trọng tâm. Vì lý do đó, các quốc gia đều đang ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển và tập trung mọi sức lực vào ưu tiên phát triển kinh tế.

Nắm bắt được những biến động của tình hình thế giới, tận dụng những ưu thế sẵn có và nhanh chóng có những cải cách kịp thời, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều vươn lên mạnh mẽ, trở thành những cường quốc mới của khu vực và thế giới. Về kinh tế, dù còn một số bất cập nhưng hai quốc gia này đã dần đặt chân vào hàng ngũ các nước phát triển. Bắt đầu từ nền tảng kinh tế, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực khác nhằm khẳng định sức mạnh toàn diện của quốc gia. Từ chính trị - xã hội đến quân sự, tất cả đều được Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành cải cách và đầu tư phát triển. Với tiềm lực kinh tế lớn mạnh, địa vị chính trị của Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng gia tăng. Để đảm bảo an ninh trong nước và khẳng định hơn nữa vị trí trên trường quốc tế, hiện nay, nhu cầu của hai cường quốc này là vươn tầm ảnh hưởng ra các khu vực trọng yếu của thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, nổi bật là Đông Nam Á.

Về phía Đông Nam Á, với sự năng động vốn có, với những ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa chiến lược, khu vực này đã sớm trở thành đích ngắm của các cường quốc, và Trung Quốc và Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ.

Người Trung Quốc vốn xem Đông Nam Á là “sân sau”, biển Đông là “ao nhà”, Đông Nam Á là cửa ngõ xuống phương Nam, là con bài địa chính trị trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á, là “nhịp cầu lý tưởng để nước này tham dự vào các hoạt động chính trị quốc tế ở Đông Á”, vì vậy, họ không dễ dàng bỏ qua khu vực trọng yếu này. Người Ấn Độ trên con đường trỗi dậy của mình cũng muốn được hưởng lợi ở Đông Nam Á. Họ muốn tranh thủ sự phát triển năng động của ASEAN để tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế và đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như an ninh của quốc gia mình. Đồng thời, việc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á của Ấn Độ còn nhằm một mục đích quan trọng khác là kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Như vậy, dù với bất kỳ lý do gì, Ấn Độ cũng không thể để Đông Nam Á rơi hoàn toàn vào tay người Trung Quốc.

Để thực hiện mục tiêu bao trùm ảnh hưởng lên toàn bộ khu vực, hàng loạt các chính sách từ mềm dẻo, linh hoạt đến hung hăng, hiếu chiến đã được “rồng” Trung Quốc tiến hành ở Đông Nam Á. Ngược lại, người Ấn Độ với truyền thống ngoại giao mềm mỏng, cộng với việc chưa thực sự là một quốc gia ảnh hưởng then chốt trong khu vực, nên chính sách của họ đối với khu vực này vẫn rất thân thiện và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia nơi đây.

Với những ân oán trong quá khứ cộng với việc tranh giành lợi ích ở hiện tại, quan hệ cạnh tranh được xem là mối quan hệ chủ đạo trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc rõ ràng muốn bao trùm ảnh hưởng của mình lên toàn bộ nơi đây nên không dễ gì nước này chia sẻ ảnh hưởng cho một cường quốc khác, đặc biệt là người láng giềng nhiều duyên nợ Ấn Độ. Về phía Ấn Độ, những định kiến sẵn có về Trung Quốc cùng với những hành động đầy khiêu khích của nước này đã buộc Ấn Độ không thể ngồi yên mà xem Trung Quốc triển khai quyền lực ở khu vực Đông Nam Á trọng yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia của họ. Có thể nói, trong quá trình cạnh tranh Trung - Ấn, Ấn Độ là người chủ động hơn, nước này luôn xem Trung Quốc là đối thủ và cần phải vượt qua. Từ kinh tế, đến chính trị, quân sự và đặc biệt là vấn đề nhức nhối biển Đông, Ấn Độ đều tham gia tranh giành ảnh hưởng và mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực để kiềm chân Trung Quốc. Mỗi động thái của Trung Quốc ở Đông Nam Á đều được Ấn Độ cảnh giác và có những đối sách kịp thời nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này. Đáp lại, Trung Quốc cũng không kém cạnh khi không ngừng có những hành động quyết liệt trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến biển Đông, không chỉ với các nước Đông Nam Á mà còn với cả Ấn Độ nhằm khẳng định địa vị của họ ở khu vực này, chặn đường “tiến tới” Đông Nam Á của Ấn Độ và ngăn cản Ấn Độ trở thành cường quốc của châu Á.

Mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á càng ngày càng căng thẳng. Trái với đường lối ngoại giao mềm mỏng quen thuộc, Ấn Độ đã có những hành động cứng rắn với Trung Quốc, sẵn sàng đương đầu với cường quốc này. Có thể nói, quá trình cạnh trạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Đông Nam Á vẫn đang diễn biến phức tạp và vẫn không có điểm dừng khi mà nền kinh tế cả hai quốc gia vẫn đang trên đà tăng trưởng, vị trí của cả hai trên trường quốc tế vẫn không ngừng tăng cao và Đông Nam Á vẫn chưa mất đi vai trò địa chiến lược của mình.

Đối với Đông Nam Á, quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2012, đặc biệt là trong thời gian gần đây, đã tác động sâu sắc đến các quốc gia

trong khu vực cũng như toàn bộ khu vực. Người Đông Nam Á một mặt được hưởng nhiều lợi ích cơ bản từ mối quan hệ cạnh tranh này nhưng mặt khác, quá trình cạnh tranh này cũng tác động một cách tiêu cực đến tình hình an ninh, tính đoàn kết, nhất quán của ASEAN… Tình hình phức tạp này đòi hỏi các nước Đông Nam Á cần tỉnh táo, cân bằng trong quan hệ chiến lược với hai cường quốc trên để không một quốc gia nào chiếm ưu thế trong khu vực đồng thời cần phải có những hành động kiên quyết, bảo vệ vững chắc khối đoàn kết ASEAN. Ngoài ra, việc khai thác, tận dụng tối đa những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của mối quan hệ cạnh tranh này để gia tăng sức mạnh của cả khu vực nói chung và của từng quốc gia nói riêng cũng là điều mỗi nước Đông Nam Á cần thiết phải thực hiện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Tiếng Việt:

1. Hoàng Thế Anh (2011), “Một số vấn đề nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 5 – 2011, tr.5 – tr.17.

2. Nguyễn Kim Bảo (2008), “Thành tựu và kinh nghiệm cải cách thể chế kinh tế của Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 9 – 2008, tr.12 – tr.21.

3. Ngô Xuân Bình (2008), “Chính sách của Trung Quốc đối với Đông Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 – 2008, tr.5 – tr.10.

4. Ngô Xuân Bình (2008), “Tìm hiểu chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 – 2008, tr.5 – tr.8.

5. Daniel Burstein, Arne De Keuzer, người dịch Minh Vi (2008), Trung Quốc con rồng lớn ở Châu Á: Tương lai Trung Quốc có tầm quan trọng như thế nào đối với thương

Một phần của tài liệu quá trình cạnh tranh giữa trung quốc và ấn độ ở khu vực đông nam á (1991 – 2012) (Trang 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)