8. Bố cục của luận văn
3.2.2. Kết quả quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế
Trung Quốc
Được thúc đẩy bởi nhu cầu phát triển kinh tế của cả hai bên và ý chí hợp tác của các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, hợp tác kinh tế ASEAN và Trung Quốc đã đựơc đưa lên bình diện mới: hội nhập kinh tế ASEAN và Trung Quốc. Việc xây dựng ACFTA đã mở đầu cho tiến trình đó. Dưới tác động của việc cắt giảm thuế theo Chương trình thu hoạch sớm và Chương trình cắt giảm bình thường, buôn bán hai chiều ASEAN - Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt. Cho tới tháng 7/2004, tổng giá trị của các sản phẩm trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc theo Chương trình thu hoạch sớm đã đạt 1,11 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2003, trong đó ASEAN xuất sang Trung Quốc 0,8 tỷ USD, tăng 49,8% trong cùng thời gian trên [32].
Với tư cách một khối, trong năm 2004, tổng kim ngạch buôn bán ASEAN -Trung Quốc lên tới 105,8 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu 2005, kim ngạch buôn bán hai chiều ASEAN - Trung Quốc đạt mức 59,76 tỷ USD, tăng 25 % so với cùng kỳ năm trước [64]. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 11 tháng đầu năm 2012, kim ngạch ngoại thương ASEAN - Trung Quốc đạt 359,96 tỷ USD tăng trưởng 9,3%, trong đó Trung Quốc xuất khẩu sang ASEAN đạt 183,13 tỷ USD tăng trưởng 19,3% (cao hơn tăng trưởng xuất khẩu chung của Trung Quốc là 12%), ASEAN xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 176,83 tỷ USD tăng trưởng 0,6%. Trung Quốc xuất siêu sang ASEAN đạt giá trị 6,3 tỷ USD. Như vậy, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc (sau EU, Hoa Kỳ), là đối tác xuất khẩu lớn thứ 4 (sau Hoa Kỳ, EU và Hồng Kông); là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 (sau EU) [122].
Trong số các nước ASEAN, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Malaysia với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 84,6 tỷ USD, tiếp theo đó là Thái Lan (63,5 tỷ USD), Singapore (62,3 tỷ USD), Indonesia (59,3 tỷ USD), Việt Nam (45,1 tỷ USD) và Phillipines (33,3 tỷ USD) [122].
Trong quan hệ mậu dịch, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu giữa hai bên đã có sự biến đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu vào năm 1990, hàng xuất khẩu chủ yếu của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines sang Trung Quốc chủ yếu là hàng sơ chế, thì tới năm 2003, sản phẩm công nghệ thông tin và liên lạc đã chiếm 2/5 tổng mặt hàng xuất khẩu. Mặt hàng công cụ chính xác và máy móc điện của ASEAN xuất sang Trung Quốc đã tăng 6 lần từ 1995 tới 2003.
Các quan hệ hợp tác đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc cũng phát triển. Nếu trước đây Trung Quốc chỉ là nước tiếp nhận đầu tư, thì hiện nay, các công ty lớn của Trung Quốc đã bước ra thị trường thế giới, trong đó có thị trường ASEAN với tư cách là nhà đầu tư. Vào năm 1999, đầu tư của Trung Quốc vào Thái Lan mới chỉ có 78 triệu USD, tới năm 2001 FDI của Trung Quốc ở nước này đã tăng lên 150 triệu. Tính tới hết tháng 3/2003, Trung Quốc có 235 doanh nghiệp liên doanh tại Thái Lan với tổng số vốn là 363 triệu USD, trong đó phía Trung Quốc đóng góp 234 triệu [45]. Tính tới năm 2006, ở Singapore đã có 1.500 công ty Trung Quốc đang hoạt động, 77 công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore. Tính tới cuối năm 2001, ở Malaysia, Trung Quốc đã có 96 doanh nghiệp liên doanh với các công ty địa phương với tổng số vốn lên tới 70,58 triệu USD, trong đó các công ty Trung Quốc đóng góp 34,7 triệu USD [45].
Điểm đáng lưu ý trong đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nền kinh tế ASEAN là ở chỗ các công ty Trung Quốc đã chuyển từ việc đầu tư để mở rộng thị trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp Trung Quốc, đầu tư vào các ngành công nghiệp tập trung lao động (ở nửa sau những năm 90 thế kỷ XX) sang đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất để khai thác những cơ hội do ACFTA đưa lại.
Ấn Độ
Việc triển khai quan hệ Ấn Độ - ASEAN trên cơ sở đa phương thông qua nhiều cơ chế như Ủy ban hợp tác Ấn Độ - ASEAN, quỹ Ấn Độ - ASEAN, hội đồng kinh doanh chung Ấn Độ - ASEAN cùng hàng loạt dự án hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã đạt được những kết quả khả quan. Trong vòng ba năm từ 1993 đến 1996 kim ngạch buôn bán giữa Ấn Độ với các nước ASEAN tăng hơn hai lần, từ 2,5 tỷ USD lên 6 tỷ USD, nâng tỷ trọng của ASEAN trong buôn bán của Ấn Độ lên trên 8% tổng trao đổi mậu dịch của Ấn Độ với thế giới. Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã trở thành những bạn hàng lớn nhất của Ấn Độ (kim ngạch với Singapore là 2 tỷ USD, với Malaysia là 1,5 tỷ USD, Indonesia là
1,2 tỷ USD, Thái Lan là 700 triệu USD). Năm 2002, Ấn Độ và ASEAN đã thông qua bản tuyên bố chung đầu tiên đánh dấu bước ngoặt trong mối quan hệ về thương mại giữa hai khu vực. Niềm tin giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã được thể hiện thành hành động tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra tại Bali (Indonesia) với Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai khu vực. Năm 2008, tổng khối lượng thương mại ASEAN - Ấn Độ đạt 47,5 tỷ USD. ASEAN xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 30,1 tỷ USD tăng 21,1% so với năm 2007 và nhập khẩu từ Ấn Độ là 17,4 tỷ USD tăng 40,2% so với năm 2006. Năm 2009, hai bên ký kết Hiệp định thương mại về hàng hóa (TIG) sau sáu năm đàm phán. Việc ký kết Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ mở đường cho việc tạo ra một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với một thị trường xấp xỉ 1,8 tỷ người với tổng mức GDP khoảng 2,8 nghìn tỷ USD. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ được kỳ vọng sẽ miễn trừ thuế đến 90% các mặt hàng buôn bán giữa hai bên bao gồm cả những mặt hàng đặc biệt như dầu cọ, cà phê, trà, hạt tiêu. Ít nhất trên 4.000 mặt hàng sẽ được loại trừ hoàn toàn thuế quan vào năm 2016. Hiệp định thương mại hàng hóa bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2010. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ bảy giữa ASEAN và Ấn Độ tại Chaam Hua Hin (Thái Lan) ngày 24/10/2009, hai bên đồng ý xem xét và thúc đẩy mục tiêu thương mại song phương lên 70 tỷ USD trong vòng hai năm. Hiện tại ASEAN và Ấn Độ đang xúc tiến để sớm đi đến những thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định về hợp tác, thương mại và đầu tư. ASEAN và Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư nhân, cụ thể là việc khởi động lại Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ (AIBC), tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về kinh tế (AIBS) và các hội chợ thương mại (AIBF) đang được xúc tiến bởi các quan chức cao cấp của hai bên.
Đầu tư của các nước ASEAN, nhất là của Singapore, Malaysia, Thái Lan vào nền kinh tế ngày càng năng động và mở cửa của Ấn Độ cũng tăng mạnh cả về số dự án và vốn đầu tư. Tính đến cuối năm 1996, tổng số tiền đầu tư của các nước ASEAN vào Ấn Độ đã đạt trên 1,35 tỷ USD. Riêng Singapore đã trở thành nước đứng thứ mười về đầu tư vào Ấn Độ và đã đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật Bangalore với số vốn 150 triệu USD. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ cũng khuyến khích các công ty Ấn Độ tăng đầu tư và xây dựng những công trình liên doanh ở các nước Đông Nam Á, chính vì vậy mà hầu hết số công trình đầu tư liên doanh của Ấn Độ ở nước ngoài đều tập trung ở các nước ASEAN. Tính đến hết năm 1996, trong tổng số 200 liên doanh của Ấn Độ ở nước ngoài thì có 152 liên doanh tại các nước ASEAN với số vốn đầu tư trên 88,5 triệu USD. Sau khi trở thành thành viên
đối thoại đầy đủ của ASEAN, các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên đã được mở rộng hơn và bổ sung thêm lĩnh vực mới là kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Ấn Độ - ASEAN (IAJCC) - cơ chế chủ yếu để thực hiện sự hợp tác theo quy chế đối thoại đầy đủ đã tiến hành phiên họp đầu tiên tại New Delhi vào tháng 11/1996 và đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong đó có việc thành lập các nhóm công tác về thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ. Sự hợp tác giữa giới doanh nghiệp của hai bên cũng được tăng cường thông qua hoạt động của Hội đồng kinh doanh chung Ấn Độ - ASEAN (IAJBC) và các phòng thương mại và công nghiệp. Vì vậy nếu tính từ đầu thập kỷ 90, kim ngạch buôn bán của Ấn Độ với ASEAN tăng bình quân hàng năm trên 60% và năm 1999 đã đạt trên 6 tỷ USD. Tính đến cuối năm 1999 số vốn đầu tư của ASEAN đã được chấp thuận đạt 2,5 tỷ USD và ASEAN đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn vào Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Ấn Độ vào các thành viên ASEAN đạt 476,8 triệu USD năm 2008, chiếm 0,8% so với tổng đầu tư trực tiếp vào khu vực ASEAN. Tổng số vốn Ấn Độ đầu tư vào các nước ASEAN từ năm 2000 - 2008 đạt 1,3 tỷ USD. Đầu tư trong chính các nước ASEAN cũng đạt những con số bất ngờ: xấp xỉ 25 tỷ USD trong giai đoạn từ 2007 - 2009 (chỉ đứng sau EU).
Lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và công nghệ thông tin là điểm mạnh của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ đã tặng nhiều suất học bổng cho chương trình kỹ thuật (ITEC) cho các nước ASEAN. Ấn Độ cũng chủ động đề nghị thành lập trung tâm tin học tại một trong số các nước thuộc khối ASEAN và sẵn sàng cung cấp các trang thiết bị hiện đại nhất cũng như thiết lập một chương trình đào tạo kỹ thuật cao cấp về tin học cho các nước ASEAN mỗi năm. Tại hội nghị cấp bộ trưởng diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) Ấn Độ đã cho khu vực tài chính thương mại vay nợ, hỗ trợ thương mại đối lưu và bảo hành tài chính. Ấn Độ cũng cho phép sử dụng tín dụng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu cho các dự án đầu tư hướng nội và hướng ngoại từ Đông Nam Á vào Ấn Độ và từ Ấn Độ vào Đông Nam Á.
Về dịch vụ, cả ASEAN và Ấn Độ đều có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển ngành công nghiệp du lịch của mình. Tận dụng ưu thế là khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch tự nhiên và nhân văn mà nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng như Ấn Độ đã khai thác triệt để ưu thế này. Với những lợi thế kể trên, cả Ấn Độ và ASEAN càng có cơ sở hơn để bắt tay cùng nhau xây dựng một đại hội đồng Đông Á xứng đáng với vị thế vốn có của nó.