8. Bố cục của luận văn
3.6.2. Những ảnh hưởng tiêu cực
Những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông đã làm mất đi thiện cảm của khu vực này với Trung Quốc, biến Đông Nam Á thành một trong những điểm nóng mới về an ninh và chính trị trên thế giới. Trong năm 2011, các tàu hải giám Trung Quốc đã tỏ ra hung hăng hơn so với trước khi ba lần quấy rối tàu của các nước khác trong vùng biển tranh chấp. Theo quan sát của các nhà phân tích khu vực, các ấn phẩm của Trung Quốc dành cho độc giả nước ngoài cũng mang giọng điệu chủ nghĩa dân tộc hơn. Một nhà phân tích đã viết trên tờ Bưu điện Jakarta: “Thời báo Hoàn Cầu có trụ sở tại Bắc Kinh đã xuất bản một bài xã luận sắc bén cảnh báo các bên yêu sách ở biển Đông nên chuẩn bị tinh thần cho “tiếng nổ của đại bác”... Trung Quốc cần phải học cách bước đi và nói chuyện nhẹ nhàng hơn”. Các quốc gia khác cũng đã phản ứng tiêu cực với những lời lẽ và hành động của Trung Quốc, và một số nước đã đáp trả lại bằng những lời lẽ và hành động chủ nghĩa dân tộc của riêng họ [131].
Một ảnh hưởng hết sức tiêu cực do Trung Quốc gây ra ở khu vực này đó là sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Mong muốn có được sự đồng thuận của ASEAN đang ngày càng bị thách thức bởi sự gần gũi giữa Trung Quốc và một vài quốc gia tại khu vực Đông Nam Á. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại từ các nước như Philippines, Việt Nam và Brunei, rằng những nước như Campuchia, Lào và ngay cả Thái Lan sẽ là quân tốt thí của Trung Quốc. Campuchia đang ngày càng phụ thuộc vào viện trợ và và đầu tư từ Trung Quốc. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Campuchia ước tính sẽ tăng gần gấp đôi trong khoảng từ này cho đến năm 2017, đạt mức 5 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Campuchia. Lào và Thái Lan cũng đang tiến sát lại gần hơn với Trung Quốc thông qua hàng loạt dự án đầu tư của Trung Quốc vào hai quốc gia này. Do đó việc có được một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc được ký kết giữa các bên yêu sách trong ASEAN và Trung Quốc đang rất khó để trở thành hiện thực, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Tóm lại, quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với các nước trong khu vực. Nhiệm vụ của các nước Đông Nam Á lúc này là tranh thủ các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế và duy trì an ninh
khu vực đồng thời từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức, đặc biệt là cần phải liên kết ngày càng chặt chẽ hơn để đối phó với âm mưu chia rẽ của Trung Quốc.